Thơ tóm ý:
Có thầy thông luật hỏi rằng:
Giới răn trọng nhất dạy đàng tinh thông?
Thiên Chúa Tạo Hoá chí công
Tôn thờ hết sức, bên trong bên ngoài
Thiên Chúa trọng nhất là Ngài
Thứ đến là phải thương người như thân.
Chúa là Cha của muôn dân.
Tứ hải huynh đệ nghĩa ân tình nồng.
Khắc sâu nhớ mãi nằm lòng
Mến Chúa yêu người luật trọng như nhau.
Của lễ không chỉ mâm cao
Nhưng là hoà thuận thương nhau thật lòng.
Mua sắm, kinh sách dài dòng
Không bằng bố thí ít đồng, chén cơm
Thiên Chúa không có mùi thơm
Nước hoa hàng xịn … nhưng ôm kiếp nghèo.
Amen
CHÚA NHẬT XXX QUANH NĂM, NĂM A
Sách Xuất Hành 22.21-27; Thư I của Thánh Phaolô tông đồ gửi tín hữu Tessalonica 1,5-10
và Phúc Âm Thánh Matthêô 22.34-40
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, những người biệt phái nghe tiếng Chúa Giêsu đã làm cho những người Sađốc câm miệng, thì họp nhau lại, đoạn một người thông luật trong nhóm họ hỏi thử Người rằng: “Thưa Thầy, trong lề luật, giới răn nào trọng nhất?” Chúa Giêsu phán cùng người ấy rằng: “Ngươi hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Ðó là giới răn thứ nhất và trọng nhất. Nhưng giới răn thứ hai cũng giống giới răn ấy là: Ngươi hãy yêu thương kẻ khác như chính mình ngươi. Toàn thể Lề luật và sách các Tiên tri đều tóm lại trong hai giới răn đó”. Ðó là lời Chúa.
I. Giáo huấn Phúc Âm:
Cốt lỏi lề luật của Chúa được truyền qua thủ lãnh và các ngôn sứ là:
Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi hết linh hồn và hết trí khôn ngươi.
Ngươi phải yêu mến người han cận như chính mình.
Chúng ta thường tóm gọn là: MẾN CHÚA VÀ YÊU NGƯỜI.
II. Vấn nạn Phúc Âm:
Chúa là Thiên Chúa, là Tạo Hoá. Con người là thụ tạo hay chết. Tại sao lề luật mến Chúa và yêu người lại cao trọng ngang nhau?
Dựa trên ý nghĩa hiếu thảo bình thường:
Chúa là Đấng Tạo Hoá. Con người là tạo vật được Chúa tạo thành. Nên con người và Thiên Chúa không bao giờ có thể ngang nhau hay bằng nhau.
Nhưng khi ban luật mến Chúa và yêu người cao trọng ngang nhau, Chúa không phải muốn nâng con người lên ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng muốn con người sống trọn vẹn nhân phẫm của con người, tức có Trời mà cũng có ta, tức đầu phải đội trời mà chân phải đạp đất, phải thờ Chúa và yệu thương anh em mình.
Xin lấy thì dụ nầy: Một người con sống chí hiếu và làm vui lòng Cha Mẹ khi biết hiếu kính cha Mẹ và thương anh chị em mình. Khi thảo hiếu với Cha Mẹ và thương yêu anh chị em mình, người ấy không phải nâng anh chị em mình lên ngang hàng với Cha Mẹ. Anh chị em không cùng vai vế với Cha Mẹ được. Nhưmng khi người con hiếu thảo với Cha Mẹ và yêu thương anh chị em mình thì sống trọn vẹn bổn phận làm con và làm người và làm trọn đạo hiếu. Cha Mẹ rất mãn nguyện nếu có những đứa con vừa biết kính yêu Cha Mẹ và thương yêu nhau. Nếu người con nào mang tiền bạc hay đồ ăn thức uống biếu Cha Mẹ mình mà lại không thương yêu hay không nâng đỡ anh chị em mình thì chắc rằng lễ dâng cho cha hay của biếu cho mẹ không có giá trị hiếu lễ trọn vẹn. Vì Cha Mẹ nào cũng muốn nhìn thấy con cái mình thương yêu đùm bọc nhau.
Dựa trên Kinh Thánh:
Vì Thiên Chúa tạo dựng nên con người giống hình ảnh Chúa: “Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên chúa. Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ” (STK 1.26-27) Nên con người rất cao trọng: Có trí khôn và có linh hồn.
Của lễ dâng cho Chúa chỉ được khấn nhậm sau khi đã làm hoà với anh em mình: “Vậy, nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, thì hãy để của lễ đó trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em ấy đã , rồi trở lại dâng lễ vật của mình” (Mt. 5.23-24)
Ngày chung thẩm, Chúa phán xét con người dựa trên tiêu chuẩn bác ái: “Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu các ngươi đã thăm nom; Ta ngồi tù các ngươi đã đến thăm…Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làn cho chính Ta vậy”. (Matt. 25.35-40)
Thế nào về luật giữ ngày Chúa Nhật, có liên quan đến giới răn mến Chúa yêu người không?
Luật giữ ngày Chúa Nhật:
Giáo luật điều 1246§1: Tất cả các Ngày Chúa Nhật là ngày cử hành mầu nhiệm Vượt Qua theo truyền thống Tổng Đồ, ngày đó phải được giữ như ngày lễ buộc chính yếu trong Giáo Hội toàn cầu.
Lễ buộc: Lễ buộc, tức lễ rơi vào ngày thường, nhưng tín hữu bị buộc đi lễ như ngày Chúa Nhật vậy. Số lễ buộc thống nhất trong Giáo Hội hoàn vũ. Nhưng ngày lễ buộc rơi vào ngày thường ít nhiều tuỳ theo Giáo Hội địa phương. Thí dụ ở Mỹ có 6 ngày lễ buộc. Ở Canada chỉ có hai ngày lễ buộc thôi là Lễ Giáng Sinh và Lễ Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa. Nhiều lễ buộc được các Giáo Hội địa phương xin Tông Toà di dời vào ngày Chúa Nhật, để Giáo dân có thể giữ trọn luật.
Luật buộc giữ ngày Chúa Nhật và lễ buộc dành cho những tín hữu đã được rửa tội và đã được nhận vào Giáo Hội Công Giáo, tròn bảy tuổi và biết xử dụng trí khôn.
Tham dự Thánh Lễ ngày Chúa Nhật thể hiện sự tôn thờ Thiên Chúa, Đấng tạo Hoá; tỏ lòng hiếu thảo với Chúa là Cha của gia đình nhân loại và khi tham dự Thánh Lễ Chúa Nhật, chúng ta cùng anh chị em trong gia đình tiến về nhà Chúa tôn thờ Chúa, chúc tụng Chúa và thể hiện tình yêu thương bác ái với nhau. Tham dự Thánh lễ Chúa Nhật, chúng ta xin lỗi Chúa và anh chị em chung quanh, chúng ta cùng góp bánh rượu làm nên lễ vật hiến tế và thực thi bác ái.
Nên Thánh Lễ Chúa Nhật nói lên một đồng tâm nhất trí tôn thờ Thiên Chúa là Tạo Hoá, là Cha và nói lên ý nghĩa qui tụ hay gia đình sum họp trong tình than gia đình.
III. Thực hành Phúc Âm:
Luật Chúa và luật Giáo Hội không còn phù hợp với đời sống thực tế:
Đám cưới phải xảy ra trong nhà thờ trước mặt linh mục và hai nhân chứng…. Đó chỉ thành luật Giáo Hội sau nầy.. vì từ thuở ban đầu, Chúa dựng nên con người có nam có nữ và truyền cho họ thành vợ chồng, sinh sản cho đầy mặt đất…Chúa đâu có bảo họ phải tổ chức đám cưới hay làm phép hôn phối..Nhiều thế hệ trước Chúa Giêsu đã thành vợ thành chồng mà không hề theo luật có linh mục hay người chứng hôn. Nên chuyện thành vợ chồng là chuyện của cá nhân con người và có tính cách tự nhiên… Nam nữ làm thành vợ chồng là chuyện tự nhiên.
Đồng ý rằng: Thành vợ chồng, sinh sản con cái thuộc bản năng nội tại nơi con người do Chúa dựng nên. Tuy nhiên, Giáo Hội được thành lập trong thời Tân Ước, để kiện toàn lề luật cũ. Giáo Hội được Chúa trao nhiệm vụ chăn dắt đoàn chiên Chúa. Giáo Hội phải dẫn chiên đến nguồn sống. Giáo Hội không thể để đoàn chiên tự tìm nguồn sống, vì có thể gặp cạm bẫy hay hố sâu, vực thẵm. Hơn nữa Giáo Hội là Mẹ. Mẹ thương con, lo cho con mình an toàn và có hạnh phúc trong cuộc sống. Nên Giáo Hội Mẹ giúp cho con cái chuẩn bị hôn nhân và sống đời sống hôn nhân cho có ý nghĩa và hạnh phúc.
Ngày nào đó con sẽ thấy:
Người ta thường cho rằng: Nhà thờ hay đi lễ là dành cho Ông bà già, những người không có gì làm, dư thời giờ và gần đất xa trời…Có người Cha kia đã ngoài 70 và người con trai út chỉ hơn 30. Hai Cha con hì hục mang những đồ vật mua từ tiệm vật liệu xây dựng về sửa sang bên ngoài nhà. Cậu con trai 30 tuổi sức vóc, làm nhanh, khuân vác nhẹ nhàng. Người Cha ngoài 70 chậm chạm, chỉ có thể mang những vật dụng nhẹ… đã vậy mà còn mệt thở hổn hển.
Anh con trai quan sát cha mình làm việc mệt nhọc… anh lắc đầu bảo: Ba yếu sức quá rồi…mới khuân vác có mấy món đề nhẹ mà đã thờ hồng hộc rồi. Cha già nghe con trai mình nhận xét, mỉm cười, quẹt mồ hôi trán và nói: Ngày nào đó con sẽ thấy.
Chúng ta sẽ thấy: Không phải nhà thờ hay thánh lễ chỉ dành cho người già yếu sắp chết đâu. Cho cả những người trẻ nữa… Những người trẻ, khoẻ… thường bận bịu và nghĩ rằng: Mình khó chết…chưa cần nhà thờ vội. Ngày nào đó, chúng ta sẽ thấy: Lá rụng về cội…con người cần Chúa, cần nhà thờ và nhất là cần những người anh chị em chung quanh… vì cuộc sống nhọc nhằn và hơi thở chúng ta đã nặng nề…. Rồi sẽ thấy ngày ấy!
ooo
Nghe Audio và Thánh ca diễn ý:
ooo
Download:
- Audio và Thánh ca diễn ý: BGCN 30 QN & Vào đời.mp3
- Bản văn: Chúa Nhật XXX Quanh năm
Nghe Sunday readings Oct.29.2017:
Đặc biệt xin mời thưởng thức:
XIN CHA CHUYỂN CẦU số 35
do những người thọ ơn Cha Trương Bửu Diệp ở Montreal thực hiện. Kỷ thuật quay Video không cao, nhưng rất cao tình thương yêu Cha Diệp cũng như rất cao sự trung thực với những ơn lành đã nhận được từ Chúa qua lời khấn nguyện xin ơn với Cha Diệp.
Kính mời thưởng thức và cầu nguyện.