Bài giảng Chúa Nhật XXVI Quanh Năm B

1075

1. Video bài giảng

Tóm ý:

Có kẻ dám mạo danh Thầy
Trừ quỉ, không thuộc nhóm nầy, cấm ngay?
Như thế thì thật không hay
Nếu họ không chống, là may! phe mình!

Danh Thầy, ly nước chân tình.
Được kể, được đếm, phúc trình ghi công.
Gương xấu, tệ hại, bất công
Thà cột khối đá xô chìm biển sâu.

Chân tay mắt mũi mình đầu.
Nếu là dịp tội mất đâu tiếc gì
Thân thể lành lặn làm chi
Phải vào hoả ngục khác gì thiêu nhân.

Sống thời phải biết cân phân
Dứt khoát với tội bước chân thiên đàng.
Hoả ngục mở ngỏ sẵn sàng
Dành cho những kẻ ngang tàng vô luân.
Amen.

CHÚA NHẬT XXVI QUANH NĂM
Sách Dân Số 11.25-29;

Thư Thánh Giacôbê Tông Đồ 5.1-6
và Phúc Âm Thánh Matcô 9.38-43.45.47-48

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Khi ấy, Gioan thưa cùng Chúa Giêsu rằng: “Lạy Thầy, chúng con thấy có kẻ nhân danh Thầy mà trừ quỷ, kẻ đó không theo chúng ta, và chúng con đã ngăn cấm y”. Nhưng Chúa Giêsu phán: “Ðừng ngăn cấm y, vì chẳng ai có thể nhân danh Thầy mà làm phép lạ, rồi liền đó lại nói xấu Thầy. Ai chẳng chống đối các con, là ủng hộ các con. Ai nhân danh Thầy mà cho các con một ly nước vì lẽ các con thuộc về Ðấng Kitô, Thầy bảo thật các con: kẻ đó sẽ không mất phần thưởng đâu. Nhưng nếu kẻ nào làm cớ vấp phạm cho một trong những kẻ bé mọn có lòng tin Thầy, thà buộc thớt cối xay vào cổ người ấy mà xô xuống biển thì hơn.

“Nếu tay con nên dịp tội cho con, hãy chặt tay đó đi: thà con mất một tay mà được vào cõi sống, còn hơn là có đủ hai tay mà phải vào hoả ngục, trong lửa không hề tắt. Và nếu chân con làm dịp tội cho con, hãy chặt chân đó đi: thà con mất một chân mà được vào cõi sống, còn hơn là có đủ hai chân mà phải ném xuống hoả ngục. Và nếu mắt con làm dịp tội cho con, hãy móc mắt đó đi, thà con còn một mắt mà vào nước Thiên Chúa, còn hơn là có đủ hai mắt mà phải ném xuống hoả ngục, nơi mà dòi bọ rúc rỉa nó không hề chết và lửa không hề tắt”.

Ðó là Lời Chúa. Lạy Chúa Kitô, ngợi khen Chúa.

I. Giáo Huấn Phúc Âm:

Thần Trí Thiên Chúa như gió thoảng, có thể len lỏi vào mọi nơi chốn và mọi tâm hồn. Thần Trí Thiên Chúa không bị giới hạn trên phe nhóm, trên chức vụ hay quyền lực nào, nhưng dựa trên ích lợi thiêng liêng cho vinh danh Thiên Chúa và cho người khác.

Dù một việc thật nhỏ, nhưng thực hiện cho Chúa và vì Chúa sẽ thành phần thưởng lớn lao. Làm mọi chuyện vì tình yêu chứ đừng vì phần thưởng. Chúa không bao giờ quên ban phần thưởng cho ai yêu mến và phục vụ Chúa.

Tránh hết sức mọi nguy cơ dẫn đến việc xa rời Thiên Chúa để rồi phải bị phạt trong hòa ngục. Nguy cơ làm chúng ta sa hỏa ngục không phải chỉ từ tha nhân, như từ những phần thân thể rất cần thiết và cận thân với chúng ta.

II. Vấn nạn Phúc Âm:        

Hoả ngục:

Trong quan niệm Do Thái, hỏa ngục gọi là GEHENNA, nguyên là thung lũng “Con trai của Hinnom”, thung lũng nằm phía Nam Thành Giêrusalem, nơi mà ngày xưa người ta sát tế trẻ em để tế thần Moloch. Gehenna, nơi chết chóc, nơi thờ tà thần và nơi có lửa thiêu đốt âm ỉ được ghi lại trong sách các Vua quyển II 23.10; sách Tiên Tri Giêrêmia 7.31-34; 19.6

Vì là nơi giết chóc, đổ máu, nơi của tà thần có lửa âm ỉ ngày đêm, nên GEHENNA trong Do Thái Giáo, trong Kitô Giáo và trong Kinh Thánh Hồi Giáo thành nơi dành cho những kẻ yếu đuối sa chước tà thần. Nên quan niệm chung của các tôn giáo, hỏa ngục được hiểu là Hell, nơi có lửa đốt cháy ngày đêm, nơi trừng phạt những kẻ sa chước thần dữ và là nơi đau khổ cùng cực.

Làm sao gọi là tự do quyết định nếu đã có sự quan phòng của Thiên Chúa?

Câu hỏi về Quan phòng và Tự do trên trở nên phức tạp khi nói về mầu nhiệm ơn tiền định (predestination). Thánh Augutinô viết: Khi quá bênh vực ơn thánh điều khiển, người ta chối phần Tự do con người. Các nguyên tắc cựu và tân ước sẽ không còn giá trị, nếu con người không có Tự do (Pl 44,883).

Thánh Tôma xác nhận cả hai: sự quan phòng của Thiên Chúa, và sự Tự do của con người. Theo ngài, tri thức và hiện hữu của Chúa, không giống tri thức và hiện hữu của thụ tạo. Chúa không nhận thức sự vật cách “nối tiếp”, nhưng Ngài nhận thức chúng bằng hành vi “toàn thể đời đời”. Và, nếu con người không có Tự do thì những lời khuyến cáo, giới luật, cấm, khen, phạt sẽ trở thành vô nghĩa (Summa Theologia 1a,83,1)

Để dung hòa 2 chân lý trên, thánh Tôma phân biệt nguyên nhân đệ I và đệ I I. Thiên Chúa là nguyên nhân đệ I của vạn vật, con người hành động dưới ảnh hưởng của Chúa, họ là nguyên nhân đệ 2 các hành vi của mình. Ví dụ, khi người thợ mộc đóng cái bàn, ông dùng gỗ sẵn có, ông thực là nguyên nhân đệ 2 của cái bàn ông làm ra.

Kết luận: “Chỉ với trí khôn thụ tạo, người ta không thể hiểu được mầu nhiệm, phải có đức tin thay thế” (Bách khoa trên tr. 94)

Ý kiến cá nhân: Khó hiểu nhưng rõ ràng là: Thiên Chúa ban cho con người hoàn toàn tự  do. Tự do chấp thuận lời mời gọi đi làm vườn nho Chúa hay thực hiện thánh ý Chúa cũng như tự do chối từ lời Chúa kêu gọi để sống theo sở thích riêng mình. Chúa là Đấng trung thành tuyệt đối với lời nói và chương trình của mình. Nên Chúa không “quan phòng” để giết chết hay hạn chế tự do cao quí đã ban cho con người. Quan phòng không có nghĩa là tiền định, nhưng có nghĩa là thấy trước chuyện gì sẽ xảy ra. Quan phòng cũng như người ta thấy trước: Hút thuốc là ung thư phổi hay cờ bạc là bác thằng bần. Hút thuốc là tự do chọn ung thư phổi. Cờ bạc là tự do chọn nghèo khổ.

III. Thực hành Phúc Âm:    

Lạy Chúa! Này con xin đến để thi hành thánh ý Chúa.

Con người bao giờ cũng thích ý mình được thực hiện hay thích người khác phục tùng mình.

Có người vợ đã ngang nhiên công bố là: Ông ấy nghe lời tôi răm rắp, bảo đi đâu làm gì là không sai chạy.

Có người chồng kia đã mạnh dạn phát biểu: Dù là con mèo đen, nhưng tôi bảo vợ tôi nói trằng thì cô ấy cũng phải nghe tôi mà nói con mèo trằng.

Đời sống linh mục không phải dễ mà cũng không phải lúc nào cũng như ý mình muốn. Tuy nhiên tôi có một kinh nghiệm làm tôi thấy hạnh phúc trong đời sống là: Lạy Chúa, nầy con xin đến để thực thi thánh ý Chúa.

Thánh ý Chúa trong đời linh mục của tôi là bài sai của Đức Giám Mục địa phận.

Thánh ý Chúa trong đời linh mục của tôi là làm việc nhiều giờ, cố gắng mang ích lợi tối đa cho giáo dân.

Thánh ý Chúa trong đời linh mục của tôi là không phải theo ý của ông nào hay bà nào cả mà chu toàn bổn phận mình mỗi ngày một cách công tâm.

Thánh ý Chúa trong đời linh mục của tôi là bình an thư thái, không bận vướng và không phải quan tâm hay chú ý đến chuyện của người phối ngẫu: Làm gì mà đi lâu về vậy cà? Không biết có tình ý gi không mà cứ gọi điện thoại tâm sự với cô ấy mãi? Tiền bạc không biết có đủ cho lần đi mua sắm nầy không?…

Thánh ý Chúa trong đời linh mục của tôi là được đọc Lời Chúa, được dâng lễ, được ban bí tích, được rao truyền Lời Chúa và được hy sinh cho Nước Chúa.

Cám ơn Chúa ban cho tôi hạnh phúc được nói và sống: Lạy Chúa nầy con xin đến để thực thi thánh ý Chúa.

2. Bản văn Bài Giảng: Download File Word