Bài giảng Chúa Nhật XVIII Quanh Năm B

1222

1. Video bài giảng

Tóm ý:

Chúng con lặn lội tìm Thầy
Nhưng Ta bảo thật: dạ dày thúc thôi.
Đừng làm vì của tanh hôi
Bánh mau hư nát như vôi tạm thời.

Hãy làm vì bánh bởi trời
Là bánh hằng sống cho đời mai sau
Ta là bánh tự Trời trao!
Ăn ta sống mãi, không hao tốn gì

Bà con những tưởng bánh mì
Xin Chúa ban tặng cho phi không tiền
Đến đây trút hết buồn phiền
Ăn no bánh thánh triền miên phỉ lòng

Đến đây uống suối nước trong
Sẽ không còn khát cầu mong điều gì.
Chúa đang chờ bạn kiên trì
Tình sâu nghĩa nặng đâu bì được đây.
Amen

CHÚA NHẬT XVIII QUANH NĂM
Sách Xuất Hành 16.2-4, 12-15;
Thư Thánh Phaolô Tông Đồ gửi tín hữu Êphêsô 4.17-20
và Phúc Âm Thánh Gioan 6. 24-35

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, lúc đám đông thấy không có Chúa Giêsu ở đó, và môn đệ cũng không, họ liền xuống các thuyền và đến Caphar-naum tìm Chúa Giêsu. Khi gặp Người ở bờ biển bên kia, họ nói với Người rằng: “Thưa Thầy, Thầy đến đây bao giờ?” Chúa Giê-su đáp: “Thật, Ta bảo thật các ngươi, các ngươi tìm Ta, không phải vì các ngươi đã thấy những dấu lạ, nhưng vì các ngươi đã được ăn bánh no nê. Các ngươi hãy ra công làm việc không phải vì của ăn hay hư nát, nhưng vì của ăn tồn tại cho đến cuộc sống muôn đời, là của ăn Con Người sẽ ban cho các ngươi. Người là Ðấng mà Thiên Chúa Cha đã ghi dấu”. Họ liền thưa lại rằng: “Chúng tôi phải làm gì để gọi là làm việc của Thiên Chúa?” Chúa Giêsu đáp: “Ðây là công việc của Thiên Chúa là các ngươi hãy tin vào Ðấng Ngài sai đến”. Họ thưa Chúa Giêsu: “Ngài sẽ làm dấu lạ gì để chúng tôi thấy mà tin Ngài? Ngài làm được việc gì? Cha ông chúng tôi đã ăn manna trong sa mạc, như đã chép rằng: “Người đã ban cho họ ăn bánh bởi trời”. Chúa Giêsu đáp: “Thật, Ta bảo thật các ngươi, không phải Môsê đã ban cho các ngươi bánh bởi trời, mà chính Cha Ta mới ban cho các ngươi bánh bởi trời đích thực. Vì bánh của Thiên Chúa phải là vật tự trời xuống, và ban sự sống cho thế gian”.  Họ liền thưa Người rằng: “Thưa Ngài, xin cho chúng tôi bánh đó luôn mãi”. Chúa Giêsu nói: “Chính Ta là bánh ban sự sống. Ai đến với Ta, sẽ không hề đói; ai tin vào Ta, sẽ không hề khát bao giờ”.
Ðó là lời Chúa – Lạy Chúa Kitô, ngợi khen Chúa.

I. Giáo Huấn Phúc Âm:

Con người sống và làm việc trong thế giới chóng qua nầy nhưng lại phải hướng về lương thực trường sinh không hư mất.

Manna trong sa mạc là bánh từ trởi không do Môisen ban nhưng chính Thiên Chúa đã nuôi dân Ngài trong sa mạc. Chúa không bao giờ để dân Ngài đói khát.

Manna bây giờ là Chúa Giêsu, bánh trường sinh, do Thiên Chúa Cha ban tặng để nuôi sống con người trên đường lữ hành dương thế.

Con người phải luôn tìm kiếm Chúa. Chỉ có Chúa mới là lương thực trường sinh.

II. Vấn nạn Phúc Âm:

Phép lạ hóa bánh ra nhiều được tường thuật trong Phúc Âm Matthêô 14.13-21, trong Matcô 6. 30-44, trong Luca 9.10-17… tại sao bài đọc Chúa Nhận XVIII năm B nầy lại không lấy Phúc Âm Matcô mà lại lấy Phúc Âm Gioan?

Toàn bộ chương 6 của Phúc Âm Gioan được đọc liên tục trong 5 Chúa Nhật Quanh Năm B, kể từ Chúa Nhật tuần rồi, Chúa Nhật XVII Quanh Năm B, Gioan 6.1- 15 cho đến Chúa Nhật XXI Quanh Năm B, Gioan 6.60-69.

Tại sao lại đọc toàn bộ chương 6 của Phúc Âm Gioan suốt trong 5 Chúa trong phụng vụ năm B dành cho Phúc Âm Matcô? Toàn bộ chương 6 của Phúc Âm Gioan được mang tên: Diễn từ về bánh trường sinh. Thật vậy, chương 6 của Phúc Âm Gioan bắt đầu bằng phép lạ hóa bánh ra nhiều, rồi dẫn đến việc dân chúng đi tìm Chúa…Chúa dẫn họ từ bánh ăn hằng ngày sang bánh trường sinh là chính mình máu Chúa… người ta nghe không lọt tai về giáo huấn bánh từ trời nầy.. nhiều người bỏ đi… Sau cùng Phêrô được chất vấn và tuyên tín là: bỏ Ngài con biết theo ai..

Lấy chương 6 trong Phúc Âm Gioan vì Phúc Âm Nhất Lãm không có một diển từ dài và mạch lạc về bánh trường sinh như vậy.

Trong Phúc Âm Matcô chương 6.33 cho thấy là dân chúng đi tìm Chúa và đến nơi Chúa sắp đến trước Chúa. Chúa thấy dân thì chạnh lòng thương và làm phép lạ hóa bánh ra nhiều… Trong Phúc Âm Gioan chương 6 câu 25 cho thấy dân chúng tìm Chúa sau khi ăn no và họ đến sau khi Chúa đã đến bên bờ hồ bên kia. Vậy ý nghĩa như thế nào?

Phúc Âm Thánh Matcô đặt trọng tâm vào lòng thương xót Chúa: Thấy dân chúng, Chúa chạnh lòng thương….và làm phép lạ hóa bánh ra nhiều nuôi dân… sau đó Chúa tiếp tục làm những phép lạ khác. Nên phép lạ trong Matcô được coi như sứ vụ chính của Chúa Giêsu, để Chúa mạc khải chính mình là Con Thiên Chúa.  . Còn Phúc Âm Thánh Gioan đặt trọng tâm ở diễn từ, tức thần học về bí tích Thánh Thể. Phép lạ hóa bánh ra nhiều chỉ là cách để dạy về học thuyết bánh trường sinh: Chúa có khả năng nuôi sống dân và Chúa nuôi bằng chính Chúa. Ai theo Chúa sẽ luôn no đủ và có sự sộng trường sinh vì ăn bánh bời trời, bánh đến từ trời, nơi vĩnh hằng.

Có người giả làm linh mục cử hành Thánh lễ và ban bí tích sẽ lãnh nhận hậu quả thế nào?

Giáo Luật điều 1378 §2 qui định:
§2 Sẽ bị hình phạt tiền kết cấm chế hay, nếu là giáo sĩ, hình phạt huyền chức:

  1. Người nào không có chức tư tế mà dám cử hành Hy Tế Thánh Thể;
  2. Người nào, ngoài trường hợp nói ở triệt 1, dù không thể ban bí tích giải tội cách hữu hiệu mà dám giải tội hoặc nghe xưng tội như bí tích.

Linh mục giả nầy sẽ bị mắc vạ tuyệt thông tiền kết dành cho Tòa Thánh.

Giáo dân với lòng thành đi tham dự thánh lễ, rước lễ và lãnh các bí tích từ linh mục giả nầy sẽ như thế nào?

Giáo luật điều 900 qui định: (1) Chỉ duy có tư tế đã được truyền chức hữu hiệu làm thừa tác viên hiện thân của Ðức Kitô, mới có khả năng cử hành Bí Tích Thánh Thể.

Linh mục gỉả, tức người không có chức linh mục sẽ không có khả năng cử hành Thánh Lễ và ban bí tích. Tất cả chỉ là giả tạo: Người dự lễ của linh mục giả kể như không dự lễ; người rước lễ kể như không rước Chúa, người xưng tội cũng không được tha tội… Đơn giản và dễ hiểu: Tất cả như ảo thuật vậy… không có gì là thật và là bí tích cả.

III. Thực hành Phúc Âm:

Sức mạnh thần thiêng

Có một Đức Tổng Giám Mục có tính rất khôi hài. Dịp mừng sinh nhật 90 tuổi của Ngài, Ngài chia sẻ rằng: Có nhiều điều thật khó hiểu trong đời tôi, một trong những điều đó là tôi không biết tại sao mình vẫn còn đây? Người dự tiệc cười rộ.

Rất nhiều lần trong đời, tôi ngao ngán, thất vọng với bản thân mình, với người khác và với chính nhiệm vụ của mình. Nhưng tôi cũng thấy khó hiểu và thắc mắc: Không biết tại sao mình vẫn còn đứng vững trong nhiệm vụ và trong chức vụ. Nhiều người lại còn khen rằng: Nhìn thấy Ông là tôi thấy vững tâm và được khuyến khích vượt thắng khó khăn cuộc đời.

Tôi vẫn còn đứng vững và giúp người khác đứng vững… Mùa hè, sống trong nhà quê… tôi có dịp quan sát những con chim đồng nội đậu trên cành. Nhiều khi thấy cành cây mềm và có thể gẩy dưới sức nặng của con chim. Nhưng chim tỉnh bơ… cứ đậu ung dung trên cành mềm và nhìn xuống ao chờ đớp cá… Sao chim tự tin vậy, không sợ cành cây gẩy té bổ nhào xuống đất sao?

Không, chim không sợ cành cây mềm, nhưng tự tin nơi đôi cánh của mình… Phải, đôi cánh chim làm chim tồn tại và ung dung…

Mỗi ngày một Thánh Lễ và rước lấy tấm bánh nhỏ tròn trắng… Mỗi ngày Kinh Thần Vụ và nửa giờ suy niệm … Mỗi ngày một chuỗi…tất cả làm thành đôi cánh cất tôi bay lên cao. Có những lúc thật ngao ngán và chán chường… tôi gần như quên đôi cánh… Nhưng sau đó, tôi thấy mình được cất cao nhờ Thánh Thể và Mình Máu Thánh Chúa. Đôi cánh cần cho chim cất cánh bay xa… Thánh Lễ và Mình Thánh Chúa nhấc tôi lên cao khỏi những yếu đuối và thất vọng.

2. Download Audio Bài giảng MP3

ooo
3. Download Bài giảng File Word