Bài giảng Chúa Nhật V Quanh Năm | Lm Peter Trần Thế Tuyên

1181

CHÚA NHẬT V QUANH NĂM

Sách Ngôn Sứ Isaia 58:7-10;
Thư Thứ I của Thánh Phaolô gửi tín hữu Corintô 2:1-5
và Phúc Âm Thánh Matthêô 5:13-16

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Các con là muối đất. Nếu muối đã lạt, người ta biết lấy gì mà ướp cho mặn lại? Muối đó không còn sử dụng vào việc chi nữa, chỉ còn ném ra ngoài cho người ta chà đạp lên nó. “Các con là sự sáng thế gian. Một thành phố xây dựng trên núi, không thể che giấu được. Và người ta cũng không thắp đèn rồi để dưới đáy thùng, nhưng đặt nó trên giá đèn, hầu soi sáng cho mọi người trong nhà. Sự sáng của các con cũng phải chiếu giãi ra trước mặt thiên hạ, để họ xem thấy những việc lành của các con mà ngợi khen Cha các con trên trời”. Ðó là lời Chúa.

Diễn ý Phúc Âm

Chúng con là muối trần gian
Nếu muối đã lạt, còn mang ích gì?
Thôi thì ném quách nó đi,
Người ta chà đạp màng gì tiếc thương.

Chúng con ánh sáng ngàn phương,
Đứng cao trên giá phô trương ngôn hành.
Người người xem thấy việc lành,
Tìm ơn cứu độ như cành liền cây.

Chất mặn cần thiết lắm thay,
Ướp đời vẫn đục, ươn thây bốc mùi.
Chúng con muối mặn chôn vùi,
Giữa đời thối nát mặn xùi hương thơm.

Trần gian tăm tối rối bươm,
Gương lành ánh sáng soi gương cho đời.
Ngày ngày nhớ học lấy lời:
Muối mặn ánh sáng là đời chúng con. Amen.

I. Sứ điệp Phúc Âm:   

Môn đệ Chúa phải là Muối mặn ướp đời và phải là đèn sáng soi đường cho thế gian.
Hai hình ảnh mà Kitô hữu phải thể hiện: Phải là Kitô hữu đích thực như muối mặn thật.
Phải thể hiện lối sống Kitô hữu như đèn sáng soi đường dẫn lối cho người chung quanh bằng những gương lành thánh thiện và bác ái.

II. Dẫn gii Phúc Âm:

Muối trong Kinh Thánh

Người Do Thái không những dùng muối nấu ăn mà còn làm phân bón vì có chất sodium. Nên Chúa nói: Chúng con là muối đất.

Vợ ông Lót tiếc của nhìn lại phía sau khi rời thành Sodoma, Chúa cho bà thành tượng muối. Sách Sáng Thế Ký 16:26.

Sách Tiên tri Êzêkien nói về tầm quan trọng của muối từ Biển Chết trong chương 47:11.

Trong sách Lêvi 2:13 và Êzêkien 43:24 cũng nói đến lễ giao hòa với Thiên Chúa phải hòa với muối.

Trong sách Xuất hành 30:35 và trong sách Ezra 6:9 cũng nhắc đến lễ tế phải có muối. Sách Ezêkien 16:4 cũng nói đến việc xát muối cho trẻ sơ sinh làm chúng khoẻ mạnh.

Cả 3 Phúc Âm Nhất Lãm: Matthêô, Marcô và Luca đều nói đến vai trò của người Kitô hữu như muối mặn và như đèn sáng.

Khi giao tiếp với người khác, nên thêm muối vào lời ăn tiếng nói cho có mặn mà dễ thương như trong Thư Thánh Phaolô gửi Giáo Đoàn Colossê 4:6.

Như vậy, trong Kinh Thánh muối tượng trưng cho một giao ước vững bền. Muối làm cho của lễ có giá trị và muối tăng sự mặn mà của lời ăn tiếng nói.

Ánh Sáng trong Kinh Thánh

Ánh sáng rất quan trọng và là công trình sáng tạo đầu tiên: Chúa phán hãy có ánh sáng và ánh sáng xuất hiện. Sáng Thế Ký 1:3.

Chúa chính là ánh sáng và sự công chính. Tội lỗi là bóng tối, Người phạm tội sợ ánh sáng. Ông bà nguyên tổ sau khi phạm tội đã trốn tránh Chúa. Sáng Thế Ký 3:8.

Bóng tối đồng loã với tội lỗi. Người ta thường phạm tội trong bóng tối. Người có hành vi bất chính né tránh ánh mắt của người đời. Sách ông Gióp 24:13,15,17; Tiên Tri Isaia 28:15; 29:15-16; Thánh Vịnh 139; Tiên Tri Giêrêmia 16:17 và 23:24.

Ánh sáng như sự xét xử – Chính Chúa là ánh sáng và thành sự xét xử cho muôn dân như trong Phúc Âm Thánh Gioan 3:19-21. Mọi bí mật sẽ được phô bày trước ánh sáng: “Vì chẳng có gì che giấu mà không phải là để được tỏ bày, chẳng có gì bí ẩn mà không phải là để đưa ra ánh sáng. Ai có tai nghe thì nghe !”  Phúc Âm Marcô 4:22-23.

Ai chuộng tội lỗi như người đi trong bóng tối, sẽ bị vấp ngã:

Sách Tiên tri Isaia 59:9-10 khẳng định: Người lầm lạc là người đi trong bóng tối. Họ như người mù, có mắt nhưng không thấy gì.

Phúc Âm Thánh Gioan 12:46 nói “Đức Giêsu đến trần gian như ánh sáng, để tất cả những ai tin vào Con Người thì không ở trong bóng tối lầm lạc”.

Phúc Âm Thánh Gioan 11:9-10 cũng khuyên: Có 12 giờ một ngày, nên hãy lo đi lại và làm việc khi trời còn sáng. Nếu đi lại, làm việc trong đêm tối sẽ bị vấp ngã.

Phải sống trong ánh sáng, tức sống khiêm tốn và nhìn nhận mình là tội nhân như người thu thuế trong dụ ngôn 2 người lên đền thờ cầu nguyện. Luca 18:13-1.

Muối mặn và ánh sáng

Nếu đã gọi là muối thì phải mặn. Cũng như khi nói tới ớt thì phải hiểu ớt cay. Muối mà không mặn hay muối lạt thì không còn được gọi là muối. Vô dụng, đem vất bỏ.

Cũng vậy, Kitô hữu tức là một Chúa Kitô khác. Cụ thể như người Công giáo tức Kitô hữu được rửa tội theo giáo hội Rôma. Nếu người đó không phản ảnh trung thực Chúa Kitô hay người đó làm cho người ta hiểu sai về Chúa Kitô, thì trở thành vô dụng cũng như không còn là muối nữa. Chính bản thân mình không là muối, chính bản thân mình hư hỏng thì làm sao ướp mặn cho đời.

Nếu đã là ánh sáng thì phải sáng. Cũng như đèn sáng mang ánh sáng cho người trong nhà, hay như mặt trời chiếu sáng cho trần gian.

Kitô hữu không chỉ mang danh hay bản chất là Kitô trong người nhưng còn phải thành gương sáng cho người chung quanh. Nhờ ánh sáng của đèn, người ta không vấp ngã. Nhờ ánh sáng mặt trời, vạn vật sinh sống và người ta thấy đường đi nước bước. Kitô hữu phải nếu gương sáng cho người chung quanh bằng như hoa trái thánh thiện và việc làm bác ái.

III. Thực hành Phúc Âm:

Muối cần thiết, hữu dụng nhưng rẻ rề

Muối thật cần thiết cho đời sống hàng ngày, từ việc nấu ăn cho đến nông nghiệp, từ khoa học cho đến y tế. Ở Canada, mùa đông, người ta rất cần muối để làm tan băng tuyết trơn trượt mang an toàn cho người đi bộ và cho xe cộ giao thông… Nhưng dường như ít có ai than phiền về giá muối cao hay nói đúng hơn ai cũng cho nó “rẻ rề!”, hay có những so sánh rẻ như muối! Muối rẻ vì tiến trình làm nên muối không khó khăn và tốn kém: Người ta gom nước biển vào ruộng muối, để trời nắng bốc hơi và có muối. Không ai trả tiền vì mua nước biển cả. Lý do nữa: Muối rẻ vì người ta có thể tìm thấy muối ở mọi nơi: Từ ngũ cốc, từ lòng đất, từ khoáng sản…

Kitô hữu thật cần thiết cho đời, thật hữu dụng, nhưng phải “rẻ giá!”

Rẻ giá không có nghĩa là vô dụng, là đồ bỏ hay thứ hàng đem bán đổ bán tháo. Nhưng rẻ giá vì không ai phải trả tiền cho mình thành Kitô hữu cả và chúng ta cũng không đòi ai trả tiền hay trả công cho chúng ta vì chúng ta đọc kinh, đi lễ hay làm việc từ thiện bác ái.

Sáu mươi địa phận Công giáo ở Canada đều có qui định tiền phải trả khi cử hành lễ hôn phối hay đám xác trong nhà thờ. Nhưng không địa phận nào được quyền qui định số tiền phải trả khi rửa tội cả. Rửa tội để thành Kitô hữu, để nhập vào gia đình Giáo hội, không ai phải mất tiền trả để thành con Chúa hay thành giáo dân của một giáo xứ. Sẽ rất là sai khi có vài giáo xứ nói về tiền đèn nến hay công khó linh mục hay người phụ giúp bê thau nước trong nghi thức rửa tội và đòi tiền hay mong người ta trả tiền.

Muối mặn có mọi nơi. Bản chất Kitô hữu có nơi Kitô hữu. Chúa Kitô có ngay trong con người chúng ta. Chúng ta không phải tốn tiền mua cái mà chúng ta đang có, cũng nhưng không thể đòi người khác trả cái mà họ có quyền có, thí dụ quyền được rửa tội hay quyền làm con Chúa.

Một lần tôi tham dự một khoá bồi dưỡng về đại kết, người ta kể chuyện vui về đại diện các hệ phái đối diện trước một đám tang. Người chết nằm chờ một tang lễ tôn giáo và đem chôn. Người chết nghèo đến nỗi chết vì đói. Thân nhân cũng không có tiền để tẩm liệm hay chốn cất. Nhà quàn mời đại diện các tôn giáo đến để xem coi ai sẵn sàng chôn người chết nghèo nầy miễn phí? Linh mục Công giáo, linh mục Chính Thống giáo, mục sư Anh giáo, mục sư Tin Lành … của vài giáo phái khác đều theo qui chế Giáo hội của mình: Phải lấy $300, trong đó $150 vô nhà thờ và $150 tiền cho linh mục hay mục sư. Người nghèo, chết vì nghèo đói, không có tiền, nên các linh mục và mục sư đều rút lui từ từ và tự bảo: Thôi để kẻ chết chôn kẻ chết! Nghèo quá làm sao cho vô nhà thờ được. Nhà thờ cũng phải trả điện sưởi chứ! Tình trạng kéo dài đi đến bế tắc.

Nhưng sau cùng, chuyện lạ xảy ra: Sau khi mọi người đã rút lui, Chúa Giêsu âm thầm từ cây thánh giá tuột xuống, ôm lấy người chết nghèo, đem đi chôn vào huyệt đá mà người ta dành sẵn cho Ngài. Ngài lăn tảng đá lắp cửa mộ và trở lại tiếp tục treo thân mình trên thánh giá và thều thào: Ơn cứu độ miễn phí!

Phục vụ như bản chất Kitô hữu là muối mặn. Khi được trả công, bản chất Kitô hữu ít mặn hơn. Thợ đáng ăn lương! tuy nhiên thù lao hay thích thù lao sẽ làm cho giá trị hy sinh thành kém giá và muối Kitô hữu nơi chúng ta bớt mặn đi.

Bài đọc thêm: Nói về Cha Trương Bửu Diệp Bài 2 | Lm. Phêrô Trần Thế Tuyên

Lm. Peter Trần Thế Tuyên