Bài giảng Chúa Nhật IV Mùa Vọng năm A | Lm. Peter Trần Thế Tuyên

1183

Thơ diễn ý:

Ma-ri-a và Giu-se,
Thành hôn chồng vợ, vẫn e giữ mình.
Báo tin, Con Chúa, giáng sinh,
Cung lòng thánh mẫu đồng trinh vẹn toàn.

Biết tin cay đắng bồ hòn,
Giuse định trốn cho tròn nghĩa ân.
Sứ thần hiện đến giữ chân,
Đón lấy nàng về nghĩa ân vợ chồng.

Thai nhi đang ở trong lòng,
Là Con Thiên Chúa, con dòng đế vương.
Tất cả trong chữ tình thương,
Chúa mang nhục thể, vấn vương kiếp người.

Tất cả đã đúng như lời,
Tiên tri từ trước rằng thời cứu tinh.
Con Chúa sinh bởi nữ trinh,
Noel là Chúa, chúng sinh ở cùng. Amen.

A. Video bài giảng

CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM A

Sách Ngôn Sứ Isaia 7.1-14;
Thư Thánh Phaolô Tông Đồ gửi tín hữu Rôma 1.1-7
và Phúc Âm Thánh Matthêô 1.18-24

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Matthêô
Sau đây là gốc tích Đức Giê-su Ki-tô : bà Ma-ri-a, mẹ Người, đã thành hôn với ông Giu-se. Nhưng trước khi hai ông bà về chung sống, bà đã có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần. Ông Giu-se, chồng bà, là người công chính và không muốn tố giác bà, nên mới định tâm bỏ bà cách kín đáo. Ông đang toan tính như vậy, thì kìa sứ thần Chúa hiện đến báo mộng cho ông rằng : “Này ông Giu-se, con cháu Đa-vít, đừng ngại đón bà Ma-ri-a vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giê-su, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ.” Tất cả sự việc này đã xảy ra, là để ứng nghiệm lời xưa kia Chúa phán qua miệng ngôn sứ :  Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Em-ma-nu-en, nghĩa là “Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta.”  Khi tỉnh giấc, ông Giu-se làm như sứ thần Chúa dạy và đón vợ về nhà. Ông không ăn ở với bà, cho đến khi bà sinh một con trai, và ông đặt tên cho con trẻ là Giê-su. Đó là Lời Chúa!

I. Sứ điệp Phúc Âm

Đức Mẹ Maria mang thai Chúa Giêsu là do quyền phép của Chúa Thánh Thần.

Ông Giuse thuộc dòng dõi Davit. Chúa Giêsu được sinh ra trong dòng tộc vương giả. Trước mắt mọi người, Chúa Giêsu là con ông Giuse thợ mộc. Nhưng kỳ thực, ông Giuse không là cha đẻ của Chúa Giêsu.

Tất cả, dòng dõi vua chúa hay con người Giuse, được sử dụng để thực thi chương trình cứu độ của Thiên Chúa đã được loan báo từ ngàn xưa: Đấng Cứu thế thuộc dòng vua Đa Vit và sinh ra bởi một trinh nữ.

II. Diễn giải Phúc Âm:    

1. “Ông Giuse, chồng bà, là người công chính và không muốn tố giác bà, nên mới định tâm bỏ bà cách kín đáo”. Có cái gì mâu thuẫn trong chuyện nầy: Đã là người công chính sao lại định tâm bỏ vợ mình đang có chữa? Không muốn tố giác người đàn bà có chữa mà lại định tâm bỏ trốn thì khác nào tố giác? 

Sao Giuse không vui mừng đón Maria về làm vợ mà lại định tâm bỏ trốn?

Bỏ trốn vì sợ. Đây không là sợ hãi hay kinh sợ khi gặp những gì đe dọa mạng sống hay bản thân mình, nhưng là kính sợ và tự quyết định rút lui vì thấy mình bất xứng. Phải, Giuse là người công chính, tức người biết kính sợ Chúa. Ông nhận ra một kỳ diệu, một choáng ngộp mà ông không sao hiểu nỗi hay kham nỗi. Sự kính sợ nầy làm cho người ta ý thức mình hèn kém bất xứng và muốn xa rời Đấng tối cao thánh thiện.

Trong Cựu Ước, ông Môisen khi được Chúa hiện ra trong bụi gai bốc cháy, kêu gọi ông làn thủ lãnh đưa Dân Thiên Chúa khỏi ách nô lệ Ai Cập, Môsê đã sợ thất kinh hồn vía, tuột cả dép ra, mọp lạy trối chết và từ chối rằng mình không biết ăn nói. Môisen đã kính sợ Chúa và muốn thối thác công việc Chúa giao như được tường thuật trong Sách Xuất Hành 3:4.

Trong Tân Ước khi Phêrô được Chúa cho mẻ lưới cá đầy giữa ban ngày thì đã sấp mình dưới chân Chúa và “Xin Thầy xa con, vì con là kẻ tội lỗi!” như được tường thuật trong Phúc Âm Matthêô 11:4-6, Phúc Âm Thánh Luca 6:38, và Phúc Âm Thánh Gioan 10:10.

Khi Chúa biến hình trên núi Tabor, mặt Ngài chiếu ánh sánh vinh quang của Thiên Chúa, các tông đồ Chúa đã úp mặt xuống đất không dám nhìn như được tường thuật trong Phúc Âm Matthêô 17:1-6; Phúc Âm Matcô 9:1-8; và Phúc Âm Luca 9:28-36.

Giuse không có ác tâm bỏ chạy, tuy nhiên cách giải quyết bỏ trốn là cách khiêm tốn nhìn nhận sự việc quá lớn lao so với bản thân mình. Kính sợ đến độ phải quyết định rút lui. Vì thế thiên thần Chúa đã hiện ra với Giuse trong giấc mơ và bảo ông “can đảm nhận Maria làm vợ, vì Bà thụ thai bởi phép Chúa Thánh Thần. Bà sẽ sinh con và đặt tên con trẻ là Giêsu, Chính Ngài sẽ cứu dân Ngài khỏi tội!” Chúa can thiệp và nói rõ trách nhiệm Giuse phải đảm nhận là làm dưỡng phụ của Đấng Cứu Thế. Câu nói “Bà thụ thai bởi phép Chúa Thánh Thần” không là chuyện biện bạch ai là tác giả của bào thai, nhưng xác định vai trò của Giuse: Không là cha đẻ mà chỉ là dưỡng phụ thôi. Hiểu chuyện và nhận ra chương trình Chúa,  Giuse đã làm đúng như lời sứ thần truyền.

2. Kinh Thánh không ghi lại một lời nói nào của Giuse. Giuse không nói hay rất ít nói. Vậy làm sao chuyện Giuse chiêm bao được tường thật lại trong các Phúc Âm? Mơ thường là chuyện không thật. Làm sao biết được giấc mơ thiên thần hiện ra cho Giuse là thật?

Các Phúc Âm đều thành hình rất muộn sau khi Chúa Giêsu về trời, lúc các tông đồ đi truyền đạo và nghĩ đến chuyện viết Phúc Âm để dạy giáo lý. Trong bốn thánh sử Phúc Âm, chỉ có hai người, thánh Gioan và Thánh Matthêô là tông đồ, gần gũi với Chúa Giêsu, còn Luca và Marcô là môn đệ của các tông đồ Chúa, của Phêrô và của Phaolô. Nên những gỉ được ghi lại trong Phúc Âm là những điều được kể lại. Sau đó các thánh sử xếp đặt lại để làm thành bài giáo lý. Thí dụ Phúc Âm Matthêô Chúa Nhật IV Mùa Vọng là bài giáo lý về thực hiện chương trình cứu độ của Thiên chúa đã có từ ngàn đời. Tiên Tri Isaia trong Cựu Ước đã nói về một trinh nữ mang thai, sinh con và đặt tên là Emmanuel, Giuse thuộc dòng dõi Davit và được xếp đặt để làm dưỡng phụ của Chúa Giêsu.

Sườn của bài giáo lý là như thế. Còn chuyện làm sao thực hiện chương trình cứu chuộc có từ ngàn đời nầy là việc giấc mơ. Nếu Giuse không nói thì ai biết ông có ý định bỏ trốn. Nếu Giuse không nói thì ai biết được là thiên thần Chúa hiện ra với ông như thế nào và bảo ông “Đừng sợ, hãy lấy Maria làm vợ, vì…”. Chúa còn tiếp tục dùng giấc mơ để truyền bảo Giuse làm hết chuyện nầy sang chuyện khác. Thí dụ trong Phúc Âm Matthêô 2:13-19 nói về giấc mơ của Giuse nhận lệnh truyền mang con trẻ và mẹ người trốn sang Ai Cập. Chúng ta không biết tại sao các thánh sử lại biết về những giấc mơ nầy? Thánh Giuse lại chết sớm. Có thể nghe Đức Mẹ thuật lại chăng? Dù không chi tiết như thế, nhưng qua linh ứng của Chúa Thánh Thần họ đã làm thành một câu chuyện nói lên sự can thiệp của Thiên Chúa.

Mơ thường không thật. Tuy nhiên Kinh Thánh từng có những chiêm bao, những giấc mơ được nhìn nhận như là cách để Thiên Chúa truyền đạt sứ điệp của mình. Kinh Thánh Cựu Ước trình thuật lại giấc mơ của Tổ Phụ Giacóp tại thành Lút, sau khi đã được người mẹ là bà Rêbêca giúp đón nhận lời chúc phúc của ông Isaác. Trong giấc mơ ông đã thấy: “Gia-cóp ra khỏi Bơe Seva và đi về Kharan. Cậu đến một nơi kia và nghỉ đêm tại đó vì mặt trời đã lặn. Cậu lấy một hòn đá ở nơi đó để gối đầu và nằm ngủ ở đó. Cậu chiêm bao thấy một chiếc thang dựng dưới đất, đầu thang chạm tới trời, trên đó có các sứ thần của Thiên Chúa lên lên xuống xuống. Và kìa Đức Chúa đứng bên trên thang mà phán: “Ta là Đức Chúa, Thiên Chúa của Ápraham, tổ phụ ngươi, và là Thiên Chúa của Isaác Đất ngươi đang nằm, Ta sẽ ban cho ngươi và dòng dõi ngươi. Dòng dõi ngươi sẽ nhiều như bụi trên đất; ngươi sẽ lan tràn ra khắp đông tây nam bắc. Nhờ ngươi và dòng dõi ngươi, mọi gia tộc trên mặt đất sẽ được chúc phúc” (St. 28,10-14).

Ông Giuse, con ông Giacóp cũng nhờ giải mộng cho vua Ai Cập mà được phong làm tể tướng. Nên Kinh Thánh, cả Cựu Ước và Tân Ước được thành hình trong văn minh vùng Cận Đông, nơi mà những giấc mơ vẫn được nhìn nhận là những linh ứng của thần thánh.

III. Thực hành Phúc Âm:          

1. Chúa của những người nầy sao khó khăn và rắc rối quá.      

Tôi thân quen với một cô gái người miền Nam ngoại đại và theo đạo khi lấy chồng, một thanh niên miền Bắc. Gia đình bên chồng bề ngoài thật sốt sáng và đạo đức: Ông bà đi lễ mỗi ngày, con cái phải đi lễ Chúa Nhật và phải giữ kinh hôm kinh mai thật chu đáo. Khi đọc kinh tối xong, bà còn kèm theo hàng chục kinh khác và bắt buộc con dâu gốc ngoại giáo phải đọc thuộc lòng. Phần vì từ ngữ trong đạo rất khó hiểu và khó thuộc, phần thì kinh dài và xem chừng không sao thuộc nổi. Chậm thuộc kinh, nên cô bị Mẹ chồng trách là làm biếng và phàn nàn rằng: Có dâu người gốc ngoại giáo thật là khổ.

Cô dâu ngoại đạo gốc miền Nam nầy đã phát biểu rất chân thật với tôi: Chúa của những người nầy sao khó khăn mà rắc rối quá. Thú thật tôi nhớ 100% những từ mà cô dùng.

Như vậy có nhiều Chúa khác nhau. Chúa của gia đình chồng, loại Chúa khó khăn và rắc rối vì phải thuộc kinh và phải đọc kinh dài dòng. Câu nói mộc mạc của cô làm tôi suy nghĩ. Thiên Chúa đang ở cùng chúng ta là Thiên Chúa nào? Có phải Thiên Chúa mang tên Emmanuel? Có phải Thiên Chúa sinh làm người để mang thân phận yếu hèn như chúng ta. Hay trong nhiều gia đình, Thiên Chúa thật khó khăn và rắc rối vì bị diễn tả qua hình ảnh một bà mẹ chồng khó tánh hay cằn nhằn và thích áp đặt những chuyện không cần thiết trên người khác.

Yêu Chúa thật là làm cho Chúa thành dễ thương với mọi người.

2. Nói như mẹ Têrêsa Calcutta: “Khi tôi chia sẻ, khi tôi trao ban cho người một điều gì làm tôi cảm thấy mát mát, đau khổ, thì sự chia sẻ của tôi mới có giá trị. Tôi không chia sẻ và trao ban của dư thừa, mà chính là trao ban chính tôi. Khi tôi cố gắng chào hỏi một người tôi ghét cay ghét đắng, đó mới thật sự là một hành động bác ái. Khi tôi có thể đến sống nghèo, chia sẻ kiếp sống nghèo của người khác, đó mới là một hành động bác ái. Khi tôi có thể tha thứ cho những người xúc phạm đến tôi, đó mới là một hành động bác ái thực sự. Tôi đã chết đi một phần và cái chết ấy sẽ được Thiên Chúa của lòng nhân từ đón nhận như là lễ hy sinh đích thực”.

Dấu chứng Emmanuel, Chúa ở cùng chúng ta là đến với người mình ghét hay ghét mình.

B. Nhạc diễn ý bài Phúc Âm Chúa Nhật IV Mùa Vọng, A tại đây

Lm. Peter Trần Thế Tuyên