Bài giảng Chúa Nhật III Phục Sinh | Lm Peter Trần Thế Tuyên

1161

CHÚA NHẬT III PHỤC SINH

Công Vụ Tông Đồ 2:14, 22-33
Thư I của Thánh Phêrô 1:17-21
và Phúc Âm Luca 24:13-35

A. Video bài giảng

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Cùng ngày thứ nhất trong tuần, có hai môn đệ đi đến một làng tên là Emmaus, cách Giêrusalem độ sáu mươi dặm. Dọc đường, các ông nói với nhau về những việc vừa xảy ra. Ðang khi họ nói truyện và trao đổi ý kiến với nhau, thì chính Chúa Giêsu tiến lại cùng đi với họ, nhưng mắt họ bị che phủ nên không nhận ra Người. Người hỏi: “Các ông có truyện gì vừa đi vừa trao đổi với nhau mà buồn bã vậy?” Một người tên là Clêophas trả lời: “Có lẽ ông là khách hành hương duy nhất ở Giêrusalem mà không hay biết những sự việc vừa xảy ra trong thành mấy ngày nay”. Chúa hỏi: “Việc gì thế?” Các ông thưa: “Sự việc liên can đến ông Giêsu quê thành Nadarét. Người là một vị tiên tri có quyền lực trong hành động và ngôn ngữ, trước mặt Thiên Chúa và toàn thể dân chúng. Thế mà các trưởng tế và thủ lãnh của chúng ta đã bắt nộp Người để xử tử và đóng đinh Người vào thập giá. Phần chúng tôi, chúng tôi vẫn hy vọng Người sẽ cứu Israel. Các việc ấy đã xảy ra nay đã đến ngày thứ ba rồi. Nhưng mấy phụ nữ trong nhóm chúng tôi, quả thật, đã làm chúng tôi lo sợ. Họ đến mồ từ tảng sáng. Và không thấy xác Người, họ trở về nói đã thấy thiên thần hiện ra bảo rằng: Người đang sống. Vài người trong chúng tôi cũng ra thăm mồ và thấy mọi sự đều đúng như lời các phụ nữ đã nói; còn Người thì họ không gặp”. Bấy giờ Người bảo họ: “Ôi kẻ khờ dại chậm tin các điều tiên tri đã nói! Chớ thì Ðấng Kitô chẳng phải chịu đau khổ như vậy rồi mới được vinh quang sao?” Ðoạn Người bắt đầu từ Môsê đến tất cả các tiên tri, giải thích cho hai ông tất cả các lời Kinh Thánh chỉ về Người. Khi gần đến làng hai ông định tới, Người giả vờ muốn đi xa hơn nữa. Nhưng hai môn đệ nài ép Người rằng: “Mời ông ở lại với chúng tôi, vì trời đã về chiều, và ngày sắp tàn”. Người liền vào với các ông.

Ðang khi cùng các ông ngồi bàn, Người cầm bánh, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho hai ông. Mắt họ sáng ra và nhận ra Người. Ðoạn Người biến mất. Họ bảo nhau: “Phải chăng lòng chúng ta đã chẳng sốt sắng lên trong ta, khi Người đi đường đàm đạo và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta đó ư?” Ngay lúc ấy họ chỗi dậy trở về Giêrusalem, và gặp mười một tông đồ và các bạn khác đang tụ họp. Họ bảo hai ông: “Thật Chúa đã sống lại, và đã hiện ra với Simon”. Hai ông cũng thuật lại các việc đã xảy ra dọc đường và hai ông đã nhận ra Người lúc bẻ bánh như thế nào. Đó là lời Chúa.

Diễn ý Phúc Âm:

Chúa chết môn đệ chán chường,
Mộng thành mây khói lên đường về quê.
Có Ông khách, không rủ rê,
Đồng hành trò chuyện không chê chỗ nào.

Giê-su, đến cứu đồng bào,
Tiên tri vĩ đại cao trào lên cao.
Biệt Phái ghét bảo “tào lao!”
Đóng đinh hạ sát nhôn nhao khắp vùng.

Mấy ông đầu óc lủng bùng,
Cứu Thế đau khổ chết cùng ác nhân.
Hàng ngàn năm trước tiền nhân,
Đã báo, đã định, cân phân rõ rành.

Mấy ông có tính hay giành.
Vẽ vời, mơ ước, làm thành Cứu Tinh.
Giêsu mở mắt môn sinh,
Bẻ bánh, nhận dạng, niềm tin vững vàng. Amen.

I. Giáo lý Phúc Âm:   

Đức Kitô phải đau khổ, chịu chết rồi mới sống lại vinh quang đúng như Kinh Thánh Cựu Ước đã mô tả từ trước.

Chúa cho hai môn đệ thất vọng nhận ra Chúa khi Ngài bẻ bánh.

Chúng ta chỉ nhận ra Chúa khi biến mình thành những hy sinh chia sẻ với người khác. Hay nói khác đi khi Chúa cho chúng ta nhận ra Ngài.

II. Diễn giải Phúc Âm: 

Kitô nghĩa là gì?

Tiếng Anh: Christ; Tiếng Pháp: Christ; Tiếng La-tinh: Christus. Tất cả được dịch từ tiếng Hy Lạp: Christos. Christos dịch từ tiếng Do Thái Mashiah, có nghĩa “Đấng được xức dầu” Trong Kinh Thánh Cựu Ước “Đấng được xức dầu” dùng để chỉ các vua, các tư tế, các tổ phụ. Đặc biệt để tiên báo về một Vị Cứu Tinh đến từ dòng dõi David. Mashiah là hy vọng và sự đợi trông của dân Do Thái (Sách Samuel quyển II 7:5-16; Sách Niên Sử 17:4-14; Thánh Vịnh 89:20-38).

Tại sao 2 môn đệ chỉ nhận ra Chúa khi “Chúa đồng bàn và bẻ bánh trao cho họ?’

Hai môn đệ về làng Ê-mau không là tông đồ, không ở trong nhóm Mười Hai tham dự bữa Tiệc Ly và đã nhìn thấy Chúa bẻ bánh. Nhưng họ lại “nhận ra Chúa khi bẻ bánh!” Họ nhận ra Chúa, vì Chúa cho họ nhận ra Ngài lúc đó, hay nói theo từ ngữ Phúc Âm là “mắt họ liền mở ra”. Cũng giống như bà Maria Mađalêna, khi thấy Chúa sống lại mà cứ ngỡ là người làm vườn, cho đến khi Chúa gọi “Maria” thì bà mới nhận ra Chúa và gọi “Ráp-bu-ni” nghĩa là ‘Lạy Thầy!’ (Gioan 20:15-16).

Điều đó cho thấy, chúng ta chỉ nhận ra Chúa khi Chúa bẻ bánh hay khi chúng ta được Chúa cho nhận ra Ngài và chia sẻ thân thể Ngài trong bí tích Thánh Thể. Có nhiều người học cao hiểu rộng và nghiên cứu cả về thần học, về Kitô giáo, nhưng vẫn không có đức tin, không nhận ra Chúa. Chúa chưa cho họ nhận ra Ngài hay tâm hồn họ chưa đến lúc đón nhận Chúa.

Chúng ta thường hiểu: Vô thần là không tin có thần thánh, như người Cộng sản vô thần không tin có Chúa hay Đấng tối cao siêu việt. Thật sự, vô thần là người tin có Chúa, có Đấng Tạo Hóa, nhưng vì kiêu ngạo, tự phụ vào khoa học mà họ chối bỏ sự hiện hữu thần thiên và quyền tối cao của Đấng hoá công. Giáo hội Công giáo ở các nước Cộng sản không bao giờ nản lòng hay bỏ cuộc ngưng truyền giáo cho người Cộng sản. Thường chúng ta hiểu truyền đạo hay truyền giáo là mình mang Chúa đến cho người khác, hay nhờ mình mà người ta biết Chúa. Thật sự chúng ta chỉ là công cụ, là phương tiện Chúa dùng để giới thiệu Chúa cho người khác. Chính Chúa mới là người truyền đạo hay chính Chúa mới là người làm cho người khác nhận ra mình.

Áp dụng quan niệm truyền giáo nầy, Giáo hội Công giáo Việt Nam luôn chủ trương đồng hành với dân tộc hay với nhà cầm quyền vô thần. Giáo hội Công giáo Việt Nam không hề chủ trương khai trừ như ngày xưa. Giáo hội Việt Nam cũng không chủ trương hoà đồng hay trở nên vô thần như người Cộng sản, nhưng là đồng hành. Cùng đi với nhau, người ta mới có thể nói chuyện và hướng dẫn người khác tìm chân lý. Khi thời điểm đã chín mùi, chính Chúa sẽ cho người không tin Chúa hay chối bỏ Chúa nhận ra Chúa.

III. Thực hành Phúc Âm:

Theo đạo là theo Chúa Kitô, Đấng chịu đau khổ, Đấng đã chết, nhưng cũng đã sống lại vinh quang.

Bà Trần Thị Kim Vân năm nay đã 72 tuổi. Lễ Phục Sinh năm nay, lần đầu tiên bà quay lại nhà thờ sau gần 40 năm “thề không tin Chúa và theo đạo!”. Bà nguyên là một nữ sinh có tài, có sắc và lớn lên trong một gia đình Phật giáo nề nếp. Bà đã theo đạo để lấy người chồng Công giáo mà bà rất mực yêu thương. Bà bất chấp khó khăn và cả sự ruồng bỏ của gia đình để sống chung thủy với chồng.

Nhưng không ai ngờ, chính người chồng Công giáo nầy đã bỏ rơi bà với 4 đứa con thơ để đeo đuổi và chung sống với một người đàn bà khác. Cái lạ ngoài sức tưởng tượng của bà là bên nhà chồng bà, gia đình Công giáo gốc lại tán đồng và bênh vực chuyện chồng bà bỏ bà. Bà căm thù và thề không tin Chúa và không theo đạo.

Qua 2 lần tiếp xúc với một linh mục bà nhận ra: Người theo đạo Công giáo không luôn là người theo Chúa. Bà được linh mục hướng dẫn đọc Phúc Âm về Chúa Phục Sinh. Chúa sống lại mang sự sống mới. Sự sống không có hận thù, chết chóc và đau khổ. Bà chôn mọi thứ vào mồ quá khứ và đi dự lễ mừng Chúa Phục Sinh thật sốt sắng. Bà sống lại với sự sống mới! Alleluia!

Lúc đầu thực sự bà chỉ theo chồng chứ không theo Chúa Kitô Phục Sinh. Hay nói khác đi bà chỉ muốn thấy màu hồng hay màu xanh chứ không có màu đen hay màu xám cuộc đời. Chúa Kitô thực sự sống thân phận con người như chúng ta: Sinh ra, lớn lên, đau khổ, chết và sau cùng Phục Sinh. Là Kitô hữu tức người theo Chúa Kitô Phục Sinh chúng ta phải chấp nhận thánh giá cuộc đời, phải gặp nhiều đau khổ, nhiều khi bị bỏ rơi và cả những ngày tăm tối trong mồ sâu thất vọng… rồi mới có ngày Phục Sinh vinh quang. Hãy luôn tin rằng “ngày mai trời lại sáng!” Hãy luôn tin rằng: Chúa vẫn trung thành mãi, dù thời gian có đổi thay, dù lòng người có đành tâm hững hờ… Cho đến muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương. Amen.