Bài giảng Chúa Nhật II Mùa Vọng năm B

2571

Thơ tóm ý:

Có lời Tiên Tri chép rằng
Sẽ sai sứ giả san bằng lối đi
Chuẩn bị nhất quyết thực thi
Để đón Cứu Chúa được ghi lâu đời.

Tiền Hô xuất hiện đúng thời
Tiếng kêu hoang địa truyền lời dạy dân:
Phép rửa sám hối ăn năn
Chỉnh trang lối sống tháng năm tội tình.

Dân nghe tuông đến cả nghìn
Nước sông thanh tẩy sửa mình tốt hơn
Ông Gioan, châu chấu thực đơn
Mặc áo da thú, thân trơn, dạy rằng:

Đến sau tôi, Đấng thường hằng
Phép rửa Thánh Thần, chỉ đàng trường sinh
Tôi đây được gọi bình sinh
Dọn đường Chúa đến Cứu Tinh cho đời. Amen

CHÚA NHẬT II MÙA VỌNG, NĂM B

Sách Ngôn Sứ Isaia 40.1-5.9-11;
Thư Thứ II Thánh Phêrô Tông Đồ 3.8-14
và Phúc Âm Thánh Matcô 1.1-8

Tin Mừng:  Mc 1, 1-8
Hãy sửa lối cho thẳng để Chúa đi.

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô.
Khởi đầu Phúc Âm của Ðức Giêsu Kitô Con Thiên Chúa. Như có lời Tiên tri Isaia chép rằng: Ðây Ta sai Thiên Thần của Ta đến trước mặt ngươi để dọn đường cho ngươi. Có tiếng kêu trong hoang địa rằng: “Hãy dọn đường Chúa, hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng”. Gioan Tẩy Giả xuất hiện trong hoang địa, rao giảng phép rửa sám hối cầu ơn tha tội. Dân cả miền Giuđêa và Giêrusalem tuôn đến với người, thú tội và chịu phép rửa trong sông Giođan. Lúc đó Gioan mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da thú, ăn châu chấu và uống mật ong rừng. Người rao giảng rằng: “Ðấng đến sau tôi, quyền năng hơn tôi, tôi không đáng cúi xuống cởi dây giày Người. Phần tôi, tôi lấy nước mà rửa các ngươi, còn Ngài, Ngài sẽ rửa các ngươi trong Chúa Thánh Thần”. Đó là Lời Chúa.

I.  Giáo Huấn Phúc Âm:
Gioan Tầy Giả thực thi sứ mệnh làm tiền hô, dọn đường cho Đấng Cứu Thế bằng cách kêu gọi mọi người: “Hãy dọn đường Chúa đến! Hãy san phẳng lối người đi!”
Dọn đường Chúa đến bằngcách chịu phép rửa tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội.
Gioan Tẩy giả sống trọn vẹn sứ mạng của mình bằng lối sống kham khổ: mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da, ăn châu chấu và mật ong rừng, đồng thời rao giảng về “Đấng đến sau tôi và tôi không đáng cổi quai dép Người!”

II. Vấn nạn Phúc Âm:    
Ông Gio-an mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da, lấy châu chấu và mật ong rừng làm thức ăn.

Gioan Tẩy Giả, tiên tri cuối cùng trong Cựu Ước. Ông được Chúa kêu gọi để chuẩn bị cho Đấng Cứu Thề, mở màn cho Tân Ước. Cả hai, Cựu Ước và Tân Ước đều phục vụ cho việc thực hiện giao ước giữa Thiên chúa và con người: Thiên Chúa yêu thương và cứu chuộc con người, nhưng con người phải đáp trả bằng tình yêu thương và lòng trung thành thờ phượng một mình Thiên Chúa. Để thực hiện tương quan tình yêu giữa Trời và Đất nầy. Các Tiên tri thường được kêu gọi để sống và làm những việc rất gây “ấn tượng” để nói lên sứ mệnh của mình.

Thí dụ Tiên Tri Giêrêmia nhận lệnh Chúa truyền để làm một cái ách đeo vào cổ.
Sứ điệp: Dân Do Thái mất niềm tin vào Chúa, đi liên kết và dựa vào sức mạnh của ngoại bang để rồi bị chính đồng minh bỏ rơi và bị làm nô lệ ngoại bang. Điều nầy được diễn tả trong Giêrêmia chương 27.

Ngôn sứ Hôsêa nhận lệnh Chúa truyền đi lấy một cô nô lệ làm vợ để giải thoát cô. Nhưng sau đó chính cô vợ nấy lại đi phản bội người chồng đã cứu mình.
Sứ điệp: Dân Do Thái được Chúa thươnmg yêu giải thoát khỏi ách nô lệ Ai Cập, nhưng sau đó lại sống bất trung, phản bội Chúa đi thờ tà thần.  ĐỨC CHÚA phán với tôi : “Một lần nữa, ngươi cứ đi yêu người đàn bà đang có tình nhân và đang ngoại tình, cũng như ĐỨC CHÚA yêu thương con cái Ít-ra-en, trong khi chúng lại quay lưng đi theo các thần khác và thích bánh nho.” Thế là tôi đã bỏ ra mười lăm đồng bạc, ba mươi thùng lúa mạch, để mua nàng về. Tôi bảo nàng : “Trong một thời gian dài, mình cứ ở yên cho tôi, không được đi khách, không được theo người đàn ông nào cả ; phần tôi, tôi cũng xử với mình như thế. Vì quả thật, trong một thời gian dài, con cái Ít-ra-en sẽ không có vua, không thủ lãnh, không hy lễ cũng chẳng có trụ thần, chẳng có ê-phốt và tơ-ra-phim.  Sau đó, con cái Ít-ra-en sẽ trở lại tìm kiếm ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của chúng, và tìm Đa-vít, vua của chúng. Ngày lại ngày chúng sẽ đem lòng kính sợ mà hướng về ĐỨC CHÚA và chờ mong ân huệ của Người »

Thiên Chúa đã chọn gọi Gioan Tẩy Giả để dọn đường, dọn lòng cho dân Do Thái đón nhận Ðấng Mêsia. Gioan là nhịp cầu giữa Cựu Ứơc và Tân Ứơc. Ông thuộc về Cựu Ước như trong Phúc Âm Luca 16,16, nhưng tay ông đã đụng đến Ðấng lập ra Tân Ước. Ông biết mình được sinh ra vào một thời điểm quan trọng trong lịch sử cứu độ, và được sinh ra cho một sứ mạng quan trọng. Gioan thực hiện sứ mệnh mình bằng việc sống trong hoang địa và  nêu gương hãm mình khắc khổ, mặc áo long lạc đả, ăn châu chấu và mật ong, thức ăn của người nghèo, của người từ bỏ thế tục. Nếp sống khổ hạnh của nhà ngôn sứ, từ bỏ mọi tiện nghi để trở thành người của Thiên Chúa để xứng đáng đón nhận Nước Trời đang gần đến. Con người phải từ bỏ chính mình, phải xa rời những tham vọng trần thế thì mới có chỗ cho Đấng Cứu Thế và đáng lãnh nhhyận ơn cứ độ.

Ông rao giảng rằng: “Có Đấng quyền thế hơn tôi đang đến sau tôi, tôi không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Người.”

Qua câu nói nầy, Gioan xác nhận rõ vai trò làm sứ giả, chuẩn bị dọn đường cho Đấng Cứu Thế của mình. Gioan muốn nói với mọi người rằng: Tôi không là Đấng Cứu Thế, nhưng chỉ là tiếng kêu trong hoang địa để mọi người dọn đường đón Đấng Cứu Thế. Đấng Cứu Thế cao trọng hơn tôi và là Đấng mà muôn dân trông đợi. Đây cũng là lý do tại sao Phúc Âm Matcô bắt đầu bằng chuyện Gioan Tiền Hô chứ không bằng gia phả Chúa Cứu Thế hay chuyện Chúa Giáng Sinh như trong Phúc Âm Matthêô và Luca. Tin Mừng Maccô được viết cho người Rôma như chúng ta đã nói trong Chúa Nhật thứ I Mùa Vọng khi nói về Thánh Sử Matcô. Theo cách thức của Rôma, khi vua Chúa hay quan lớn của triều đình đi đến đâu thì cũng đều sai quân lính hay sứ giả đi thông báo để dân chúng chuẩn bị đón tiếp cho phải đạo quân thần và Chúa tôi.

Nên khi viết Phúc Âm cho đọc giả Rôma, Marcô đề cập đến Gioan Tiền Hô, như một sứ giả đi trước để dọn đường Chúa đến. Người đi dọn đường chắc chắn không quan trọng cho bằng người được dọn đường. Nên ông Gioan Tẩy Giả đã phải xác nhận là “Đấng đến sau tôi thì cao trọng hơn tôi!”  Để nói lên vai trò làm sứ giả cho Đấng Cứu Thế, Gioan Tiền Hô đã trích lời tiên tri Malakia và Isia tiên báo nhiều trăm năm trước: “Này Ta sai sứ giả của Ta đến dọn đường trước mặt Ta” (Ml. 3,1), “Có tiếng người hô trong hoang địa: Hãy dọn sẵn con đường của Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi” (Is. 40,3).

III. Thực hành Phúc Âm:
Nếp sống đơn giản
Đức Giám Mục địa phận tôi thỉnh thoảng nhắc nhở anh em linh mục chúng tôi là “just live a simple life!” Hãy sống một đời sống đơn giản!   Nếp sống đơn giản làm cho chúng ta tự do và thoải mái, vì nếu không đơn giản hay duy trì một nếp sống cầu kỳ phức tạp sẽ làm chúng ta bận bịu và mất giờ về quần áo mặc hay về nơi ăn chốn ở hay về những tiện nghi vận dụng mình xài.

Có một tân linh mục đã mơ ước một chiếc xe “mới cáo và đắt tiền!” Nên Cha đã phải tiêu pha nhiều tiền và nhiều ngày giờ để dò tìm, để dò giá cả. Sau cùng, Cha mua được chiếc xe mới cáo như lòng mong ước, nhưng Cha phải lái xe rất cẩn thật, sợ cọ quẹt trầy tróc, sợ dơ thảm xe và phải đậu xe chỗ thật an toàn. Nếp sống không đơn giản cho thấy chúng ta chưa dám “mặc áo lông lạc đà, chưa dám ăn châu chấu và mật ong rừng” cũng như chưa dám trình bày về một Chúa Kitô, Đấng sống đơn giản và đơn sơ đến độ “Con Người không có chỗ gối đầu!”

Một trong những yếu tố mà Đức Tổng Giám Mục Giuse Ngô quang kiệt được mọi người quí mến là tính đơn giản trong cách ăn mặc và đơn sơ chân thành trong lời ăn tiếng nói.

Tôi không sao quên được hình ảnh một linh mục người Mỹ tên Hank Slevin ở trại tỵ nạn Mã Lai ngày xưa. Ngài chỉ có hai bộ đồ: quần jean xanh và áo sơ mi tay ngắn có sọc. Sau một ngày làm việc cực nhọc, lã mồ hôi, tối về, giặc đồ cũ đang mặc và xử dụng bộ đồ y chang” như vậy cho ngày mai. Nhờ nếp sống đơn sơ, không bận vướng mà Cha đã có giờ lo cho người tỵ nạn khổ sở và cần đến Cha.

Chúng ta được kêu gọi dọn đường cho Chúa đến

Tôi được rửa tội. Tôi được học học giáo lý. Tôi thành giáo dân. Tôi thành linh mục. Tôi lảnh nhiệm vụ trong Hội đồng giáo xứ, tôi làm cha sở hay Cha xứ… Tất cả chỉ để dọn đường cho Nước Chúa hiển trị, cho danh Cha cả sáng và để cho Chúa lớn lên, còn tôi phải nhỏ bé đi. Ít ai muốn mình phải nhỏ bé đi và cho Chúa lớn lên. Nhiều người trong các cộng đoàn Công Giáo đang đòi quyền ăn nói, đang đòi chỗ đứng và đang đòi… lớn lên.

Xin hãy trở lại vai trò chuẩn bị cho Chúa đến. Xin hãy noi gương Thánh Gioan Tiền Hô, làm cho Chúa lớn lên và nước Chúa thống trị trong mọi tâm hồn. Trước khi làm việc gì, xin hãy tự hỏi: Việc nầy thực hiện xong thành công, người ta sẽ biết Chúa hay người ta sẽ biết tôi là người tài ba, khéo léo tổ chức? Nhiều khi tôi làm mờ hình ảnh Chúa bằng những khéo léo hay thiếu chân thành của cuộc đời. Người ta biện bạch bằng từ “khéo!” Có linh mục được mời ăn cơm khách, sau khi ăn xong con xin đồ ăn mang về vì ngon quá! Nhưng kỳ thực, cha không bao giờ đụng tới những thức ăn đó. Xin là vì “khéo!” lấy lòng gia chủ thôi! Một bà đã gần 80 tuổi mà mỗi lần gặp Cha xứ là bà cười híp mắt vì Cha bảo “trông bà chỉ chừng 40 là cùng!” Cha thật khéo! Nhưng Cha đã không có tâm hồn và lối sống bằng phảng và chân thật. Không dễ gì, nhưng noi gương Gioan Tẩy giả vẫn hay hơn: sống thanh đạm, đơn giản, mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da, ăn châu chấu và mật ong rừng; không “nổ” làm gì! Cũng chả cần “khéo!” làm chi! Chỉ cần làm cho mình thàng đường bằng phẳng, ngay thẳng và chân thật. Đó là đường Chúa sẽ đi đến với chúng ta.

Nghe Audio và Thánh ca diễn ý:

Download

5. Mời hưởng dùng hai website rất bổ ích: truongbuudiepapt.net và Chadiepucchau.com
Linh mục Tuyên kính mời