Bài giảng Chúa Nhật I Mùa Vọng C

1708

Bà con quen biết thân thương!
Thuốc ngủ tới sớm bất thường đó nghe!
Mùa Vọng, mọi thứ cho “DZE”.
Bài giảng dù dỡ lắng nghe đỡ buồn,
Mại dzô!

1. Video bài giảng

Thơ diễn ý

Có nhiều điềm lạ xuất hiện
Trời trăng tinh tú đảo điên quay cuồng
Các dân các nước rất buồn
Kinh hoàng sợ hãi tấn tuồng gì đây?

Con Người đến trên đám mây
Uy nghi cao cả với đầy quyền năng.
Dấu giờ cứu rỗi đến gần
Hướng tâm thực hiện gì cần cho nhau.

Giữ gìn lòng trí thanh cao
Đừng quá lo lắng với bao việc đời
Tránh chuyện nhậu nhẹt chơi bời
Ngày đó úp chụp tiêu đời nhà ma.

Tỉnh thức cầu nguyện lo xa
Sẵn sàng trình diện với Cha trên trời
Cuộc sống ngắn ngủi đổi dời
Đừng nên bán víu quên đời trường sinh. Amen.

CHÚA NHẬT I MÙA VỌNG NĂM C

Sách Ngôn Sứ Giêrêmia 33.14-16;
Thư Thứ I của Thánh Phaolô gửi tín hữu Tessalonica 1 Tx. 3.12-4.2
và Phúc Âm Thánh Luca 21.25-28.34-36

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Sẽ có những điềm lạ trên mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao; dưới đất, các dân tộc buồn sầu lo lắng, vì biển gầm sóng vỗ. Người ta sợ hãi kinh hồn chờ đợi những gì sẽ xảy đến trong vũ trụ, vì các tầng trời sẽ rung chuyển. Lúc đó, người ta sẽ thấy trên đám mây, Con Người hiện đến đầy quyền năng và uy nghi cao cả. Khi những điều đó bắt đầu xảy đến, các con hãy đứng dậy và ngẩng đầu lên, vì giờ cứu rỗi các con đã gần đến. Các con hãy giữ mình, kẻo lòng các con ra nặng nề, vì chè chén say sưa và lo lắng việc đời, mà ngày đó thình lình đến với các con, như chiếc lưới chụp xuống mọi người sống trên mặt đất. Vậy các con hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, để có thể thoát khỏi những việc sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người!”
Ðó là lời Chúa. Lạy Chúa Kitô, ngợi khen Chúa.

I. Giáo Huấn Phúc Âm:

Dân Do Thái bị lưu đày và gánh chịu nhiều đau khổ và thất vọng, tuy nhiên ngày giải thoát sẽ đến. Đấng Công Chính sẽ đến để mang tin mừng cứu độ như Thiên Chúa đã hứa.

Ngày cánh chung sẽ đến và sẽ gây nhiều kinh sợ cho nhân lọai. Tuy nhiên Đấng Công Chính tức Con Người sẽ đến để mang ơn giải thoát cho những ai biết đứng thẳng và ngẩng đầu lên, tức những ai tỉnh thức, không để lòng mình đám chìm trong thú vui tạm bợ.

II. Vấn nạn Phúc Âm:  

Phụng Vụ năm C và Phúc Âm Thánh Luca  

Luca sinh tại Antiokia và sinh sống bằng nghề y sĩ. Trong Tông đồ Công vụ chương 27.1 thì Luca là người đi theo và giúp đỡ Thánh Phaolô trên con đường truyền giáo sang Rôma. Trong thư II gửi Timôtê 4.11, Thánh Phaolô cũng cho biết Luca đã giúp đỡ Ngài trong thời gian ngài bị cầm tù ở Rôma.

Luca là tác giả Phúc Âm thứ III và sách Tông đồ Công vụ. Vì Phúc Âm và Sách Tông đồ Công vụ có một điểm chung là phần tự thuật, tức lối viết văn theo kiểu Hi Lạp thời bấy giờ. Tác giả cống hiến sách viết cho cùng một nhân vật tên là ông Thêôphilê. Trong đó tác giả tường thuật về “mọi điều Ðức Chúa Giêsu đã làm và giảng dạy” (Cv. 1,1-2). Có hai ý kiến không đồng nhất về nhân vật tên Thêôphilê nầy: Có người cho rằng: Thêôphilê là một nhân vật quan trọng, có địa vị trong xã hội và đã tòng giáo. Người khác cho rằng Thêôphilê chỉ là một tên chung chung để chỉ một người đàn ông vô danh như John, James hay như Thành, Thắng hay ông Hai, ông Bảy… mà Luca mượn để trao gửi sứ điệp của mình.

Luca viết Phúc Âm vào năm nào? Nếu Luca là tác giả của Phúc Âm III và sách TĐCV thì Phúc Âm phải có trước. Vì trong sách TĐCV Luca viết “Trong quyển sách trước tôi đã kể đến những điều Chúa Giêsu làm và dạy…” Nếu Phúc Âm III viết trước TĐCV thì sách TĐCV viết năm nào? Người ta đoán là từ năm 64-67, tức năm Thánh Phaolô bị giết chết. Vì trong TĐCV không thấy mô tả về cuộc tử đạo của Thánh Phaolô. Nên nhiều người đồng ý là Phúc Âm được viết vào khoảng năm 63.

Những điểm đặc biệt trong Phúc Âm Luca:

Luca mô tả về thời thơ ấu của Chúa Giêsu khá cặn kẽ trong chương 1 và 2 mà người ta cho rằng thánh Luca rất gần với Đức Mẹ và nhận những chuyện kể từ Đức Mẹ.

Luca quan tâm đặc biệt đến việc Chúa Giêsu lên Giêrusalem. Đối với Thánh Luca, Giêrusalem, thành thánh, nơi bắt đầu và cũng là nơi hoàn thành việc rao giảng Tin Mừng cứu độ. Sau khi Chúa Giêsu sống lại, Luca tường thuật việc Chúa xuất hiện cho môn đệ tại Giêrusalem mà thôi. Nơi đây, nguyên là thánh đô của Cựu Ước được thay thế bằng thánh đô mới trong Tân Ước, nơi phát xuất việc loan báo Tin Mừng cho toàn thế giới.

Phúc Âm Luca là Phúc Âm của lòng thương xót Chúa: Chuyện người phụ nữ có tiếng xấu được tha tội tại nhà ông Simon tật phung chương 7.36-50. Dụ ngôn người con trai hoang đàng chương 15.8-31. Chuyện gặp gỡ và lưu lại nhà ông trùm thu thuế Giakêu chương 19.1-10. Tha tội và hứa ban nước thiên đàng cho người trộm lành chương 23.34-42

Thánh sử Luca được biểu tượng bằng hình con bò có cánh thiên thần.

Lý do: Phần đầu Phúc Âm, 1.5-23, Thánh Luca thuật lại khung cảnh Thiên thần Chúa hiện ra báo tin mừng cho ông Giacaria đang lúc ông cử hành phụng tự tế lễ Thiên Chúa trong đền thờ và báo tin rằng bà Elisabeth sẽ mang thai và sinh con trai.

Phúc Âm Luca 1.26-38 mô tả cảnh truyền tin: Thiên thần Gabriel hiện đến đưa tin cho Đức Mẹ: Bà sẽ thụ thai bởi quyền năng Chúa Thánh Thần và Chúa Giêsu sẽ sinh ra làm người.

Phúc Âm Luca 2.1-20 tường thuật khung cảnh đêm Chúa Giêsu giáng sinh: Con Thiên Chúa sinh làm người giữa cảnh cơ hàn, chỉ có mục đồng nghèo khổ và chiên bò quay chung quanh hài nhi, nhưng lại có vô số Thiên thần Chúa hát mừng rằng Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho người thiện tâm.

Bò, một con vật tầm thường nhưng máu chiên bò làm hiến tế. Chúa cứu thế là một hiến tế mang ơn cứu độ. Việc Chúa Giêsu đến làm lễ vật hiến tế cho trần gian đã nằm trong chương trình của Thiên Chúa và được truyền xuống cho nhân loại qua các Thiên Thần, tức sứ giả của Thiên Chúa.

Mùa Vọng

Mùa Vọng dịch từ tiếng La tinh “Adventus”, có nghĩa là “đến”. Vọng là mong đợi, mong chờ điều sắp đến. Mùa vọng được Giáo hội ấn định 4 tuần lễ trước lễ Giáng sinh, 25 tháng 12 để các tín hữu Công giáo chuẩn bị mừng ngày Ngôi Hai Thiên Chúa giáng trần.

Mùa Vọng nhắc nhở cho mọi tín hữu Công giáo 4 nghĩa sau đây:

Mùa Vọng nhớ lại thời gian dân Do Thái mong đợi Đấng Messia, tức Chúa Kitô đến để “giải phóng” dân Israel khỏi ách tội lỗi. Ngài “đã đến” lần thứ nhất cách đây hơn 2 ngàn năm. Ngài đã giải phóng họ khỏi ách tội lỗi bằng giáo lý và cái chết của Ngài.

Mùa Vọng còn có ý nghĩa chuẩn bị đón Chúa Kitô “sẽ đến” lần thứ hai vào ngày tận thế. Không ai biết được ngày giờ nào.

Ngày nay, mùa Vọng để dọn lòng mừng kỷ niệm lễ Chúa Giáng sinh vào ngày 25.12.

Điều quan trọng nhất là nhắc nhở mỗi người cần “tỉnh thức, sẵn sàng” đón Chúa đến vào ngày tận thế đời mình tức giờ chết, để Chúa đưa chúng ta về Nước Chúa muôn đời.

Anh em phải đề phòng, chớ để lòng mình ra nặng nề vì chè chén say sưa.

Gương Giáo hội Sơ khai: Giáo hội sơ khai đã sống thật thánh thiện và sẵn sàng cho việc Chúa đến “Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến”. Nên phải nói là Nước Trời đã thực sự hiện diện nơi cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi.

Sách Công vụ Tông đồ chương 2.41 đã mô tả: Các tín hữu chuyên cần nghe các Tông đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng. Mọi người đều kinh sợ, vì các Tông đồ làm nhiều điềm thiêng dấu lạ. Tất cả các tín hữu hợp nhất với nhau, và để mọi sự làm của chung. Họ đem bán đất đai của cải, lấy tiền chia cho mỗi người tuỳ theo nhu cầu.

Họ đồng tâm nhất trí, ngày ngày chuyên cần đến Đền Thờ. Khi làm lễ bẻ bánh tại tư gia, họ dùng bữa với lòng đơn sơ vui vẻ. Họ ca tụng Thiên Chúa, và được toàn dân thương mến. Và Chúa cho cộng đoàn mỗi ngày có thêm những người được cứu độ”

Sống như thế, nên ai cũng thấy vui sướng bình an.

Sống như thế, nên ai cũng thấy đời thật có ý nghĩa.

Sống như thế, nên ai cũng ham sống.

Sống như thế nên ai cũng yêu thương nhau và bỏ đi những bon chen, tranh chấp hay trục lợi lẫn nhau.

Sống như thế, nên họ thành gương sáng, là chứng nhân cho Nước Trời tại thế.

Nhưng không lâu sau đó, ngày Chúa đến trong vinh quang không thấy, người ta đã sinh tệ, đã “để lòng mình ra nặng nề vì chè chén say sưa”, tức sống không đúng giáo lý Phúc Âm. Thí dụ cộng đoàn chia rẽ như trong thư Phaolô gửi Giáo đoàn Côrintô 1.11-16.

Nên khi khuyên chúng ta “Anh em phải đề phòng, chớ để lòng mình ra nặng nề vì chè chén say sưa” là Chúa nói đến một mùa vọng cuộc đời. Một mùa vọng dài thường 50 năm hay 70 năm hay lâu hơn nữa. Con người ta có lúc thật sốt sắng và thánh thiện… nhưng rồi có lúc sinh bê bối và thành công cụ của Satan. Hãy tĩnh thức! Đứng thẳng và ngẩng đầu lên, hướng về trời cao mong chờ ơn cứu độ. Những cám dỗ luôn có thật nhiều chung quanh chúng ta như chia rẽ, ganh tị, chè chén, dâm ô, mê tín, thờ tà thần… Hãy luôn nhớ rằng: Chúa đến bất ngờ, “ngày ấy như một chiếc lưới bất thần úp chụp xuống đầu chúng ta!”. Giờ chết đến đột ngột như kẻ trộm.

III. Thực hành Phúc Âm:

Đường sám hối

Trung tâm hành hương Fatima ở Bồ Đào Nha có một con đường sám hối dài chừng 150 mét. Đường làm bằng đá mài phẳng láng dành cho người sám hối đi bằng đầu gối. Có nhiều người đi bằng đầu gối trên con đường sám hối nầy. Cũng có nhiều người dùng tấm nệm nhỏ bó gối để đi cho trọn đường dài. Phần nhiều, người đi đường sám hối có hộ tống, tức có người đi hai bên cầm bông hoa để dâng cúng cho Đức Mẹ ở cuối chặng đường sám hối. Thấy thật sốt sắng: Vừa lê lết bằng gối, vừa thầm thỉ cầu nguyện hay lần chuỗi. Trời nắng nóng, mồ hôi lã chã ướt sủng trên mặt, trên thân người sám hối.

Đường sám hối: Đường có những hy sinh phần xác và có những xét mình và những kinh nguyện hàng ngày. Chúng ta không cần phải sang tận Fatima để đi trọn đường sám hối dài 150 mét nầy bằng đầu gối. Chúng ta có thể tạo đường sám hối riêng cho cuộc sống mình. Thí dụ chúng ta đọc Kinh Thánh mỗi ngày, đừng đọc quá dài và quá lâu, nhưng đọc mỗi ngày. Đó là đường sám hối thực tế cho mỗi người. Hai hay ba phút đọc trang Lời Chúa được chuẩn bị sẵn theo ngày tháng sẽ giúp Lời Chúa thẩm thấu vào cuộc sống chúng ta. Lời Chúa thấm làm vào chúng ta. Đời sống chúng ta, lời nói chúng ta và việc làm chúng ta sẽ thấm đượm Lời Chúa.

Hãy đi đường sám hối không bằng gối, nhưng bằng trung thành đọc Lời Chúa hằng ngày.

2. Bản văn đính kèm

Download Bài Giảng File Word.

Chút ít đóng góp tâm thành,
Xin tuỳ nghi hưởng dùng.
Cha Tuyên