Bài giảng Chúa Nhật I Mùa Chay | Lm Peter Trần Thế Tuyên

1379

CHÚA NHẬT I MÙA CHAY

Sách Sáng Thế 2:7-9; 3:1-7;
Thư Thánh Phaolô gửi tín hữu Roma 5:12-19
và Phúc Âm Thánh Matthêô 4:1-11

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu được Thánh Thần hướng dẫn vào hoang địa để chịu ma quỷ cám dỗ. Khi Người đã nhịn ăn bốn mươi đêm ngày, Người cảm thấy đói. Và tên cám dỗ đến gần, nói với Người rằng: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, hãy khiến những hòn đá này biến thành bánh”. Nhưng Chúa Giêsu đáp lại: “Có lời chép rằng: ‘Người ta sống không nguyên bởi bánh, nhưng bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra'”. Bấy giờ ma quỷ đưa Người lên Thành thánh, và đặt Người trên góc tường Đền thờ, rồi nói với Người rằng: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, hãy gieo mình xuống đi, vì có lời chép rằng: Ngài đã ra lệnh cho các Thiên Thần đến với ông, và chư vị đó sẽ nâng đỡ ông trên tay, để ông khỏi vấp chân vào đá”. Chúa Giêsu đáp: “Cũng có lời chép rằng: ‘Ngươi đừng thử thách Chúa là Thiên Chúa ngươi'”. Quỷ lại đưa Người lên núi rất cao, và chỉ cho Người xem thấy mọi nước thế gian và vinh quang của những nước đó, rồi nói với Người rằng: “Tôi sẽ cho ông tất cả những cái đó, nếu ông sấp mình xuống thờ lạy tôi”. Bấy giờ Chúa Giêsu bảo nó rằng: “Hãy lui đi, hỡi Satan! Vì có lời đã chép: ‘Ngươi phải thờ lạy Chúa là Thiên Chúa ngươi, và chỉ phụng sự một mình Ngài'”. Bấy giờ ma quỷ bỏ Người. Và các thiên thần tiến lại, hầu hạ Người.  Đó là lời Chúa.

Diễn ý Phúc Âm

Chay tịnh lâu, Chúa thấy đói,
Ma quỉ đến gần dỡ thói điêu ngoa:
Chỉ cần một câu phán ra,
Đá cuội thành bánh! Hoan ca thỏa lòng!

Quỉ ơi! Nhớ học thuộc lòng,
Lời Chúa! Sức sống thoát vòng hư danh.
Quỉ chưa hết thói lưu manh,
Góc tường thành thánh tinh ranh dỡ trò.

Nhảy đi chẳng có lọi giò,
Thiên thần nâng đỡ hộ phò từng li.
Quỉ ơi thách thức làm chi!
Quyền năng Thiên Chúa đem đi trổ tài?

Phạm thượng hỗn láo hết xài,
Nếu thờ lạy nó: Tiền tài giàu sang.
Thiên Chúa Tạo Hóa Vinh Quang,
Thờ lạy mình Chúa! Vẻ vang cuộc đời. Amen.

I. Sứ điệp Phúc Âm:

Con người, không trừ ai phải chiến đấu với sự dữ tức những cám dỗ của Satan.

Cám dỗ nổi dậy lên từ những ước muốn bình thường và chính đáng: Thức ăn lúc đói lòng; Thi thố khả năng mình có và Ước muốn sang giàu và quyền thế.

Phải ăn chay, cầu nguyện mới thắng chước cám dỗ.

II. Dẫn giải Phúc Âm:    

Những chủ đề chính trong Mùa Chay theo chu Kỳ Phụng Vụ năm A

Chúa Nhật I Mùa Chay, Matthêu 4:1-11, Chúa Giêsu là con người thật như chúng ta, Ngài phải đương đầu với những cám dỗ của cuộc sống con người: cần lương thực lúc đói lòng; Thi thố tài năng và tham vọng.

Chúa Nhật II Mùa Chay, Matthêu 17:1-9, Chúa Giêsu là Thiên Chúa thật, nơi Ngài tỏ hiện vinh quang sáng ngời của Thiên Chúa khi biến hình trên núi Tabor, nhưng rồi cũng đi trọn đường trần, đi về Giêrusalem để chịu đau khổ và bị giết chết.

Chúa Nhật III Mùa Chay, Gioan 4:5-42, Chúa là nước hằng sống, chỉ có Chúa mới thỏa đáp những khát vọng của con người. Chúa là Đấng Cứu Thế mà thế gian mong đợi.

Chúa Nhật IV Mùa Chay, Gioan 9:1-41, Chúa Giêsu là ánh sáng trần gian. Ngài đến để đẩy lui bóng tối ác thần và dẫn đưa con người đi trong ánh sáng sự thật hướng về hạnh phúc thật.

Chúa Nhật V Mùa Chay, Gioan 11:1-45, Chúa Giêsu là sự sống và là sự sống lại.

Chúa Nhật Lễ Lá, Bài thương khó Chúa Giêsu, Matthêu 26: 14-27, 66 Chúa Giêsu đau khổ, bị hành hình, bị giết chết và phục sinh.

Dung nhan Chúa trong Mùa Chay: Chúa Giêsu là con người như chúng ta để mang chúng ta đến với Thiên Chúa là cùng đích của đời người. Cứu đời bằng việc sinh làm người, sống với con người và chết cho con người.

Phúc Âm Nhất Lãm và những tường thuật về việc Chúa bị cám dỗ trong sa mạc.

Phúc Âm Nhất Lãm tường thuật việc Chúa ăn chay, cầu nguyện và bị ma quỉ cám dỗ có phần khác nhau. Phúc Âm Luca và Matcô tường thuật: Chúa Giêsu được Thánh Thần dẫn vào trong hoang địa bốn mươi ngày, chịu quỉ cám dỗ…có vẻ như Chúa bị cám dỗ liên lỉ suốt bốn mươi ngày. Còn Phúc Âm Thánh Matthêeô bảo: Sau khi ăn chay cầu nguyện liên lỉ suốt bốn mươi đêm ngày.. Ngài thấy đói và ma quỉ xuất hiện cám dỗ… (Matt.4,1-11) Cám dỗ đến sau khi ăn chay cầu nguyện? Tường thuật nào đúng?

Trong 3 Thánh Sử của Phúc Âm nhất lãm, chỉ có Matthêô là tông đồ Chúa chọn. Trong thực tế, khi được dẫn vào sa mạc ăn chay và cầu nguyện, Chúa chưa chọn tông đồ hay môn đệ nào cả. Như vậy ba thánh sử tường thuật lại chuyện Chúa ăn chay và cầu nguyện trong hoang địa theo lời kể của Chúa hay của người khác, chứ không có vị nào thấy Chúa vào hoang địa hay tháp tùng với Chúa trong bốn mười ngày chay tịnh nầy.

Chúa bị cám dỗ suốt bốn mươi ngày theo tường thuật của Matcô và Luca để nói rằng: Cám dỗ không bao giờ mệt mỏi hay cho chúng ta “nghỉ xả  hơi” hay có thời gian “hưu chiến” trong cuộc đời chúng ta. Quan điểm thần học nầy xem chừng rất thật trong cuộc sống Kitô hữu. Thí dụ: Lúc nào? Tuổi nào? và ở lên tới địa vị nào thì chúng ta sẽ không còn bị cám dỗ về ham muốn nhục dục? Cám dỗ bất chấp thời điểm, tuổi tác hay địa vị. Còn địa vị nào cao cho bằng Tổng Thống nước Mỹ như Tổng Thống Bill Clinton, nhưng ông vẫn bị cám dỗ và tằng tịu với Monica ngay trong phủ tổng thống? Nên thánh Luca kết thúc bài phúc âm tường thuật việc Chúa bị cám dỗ torng hoang địa bằng câu “Sau hi đã xoay hết cách để cám dỗ Người, quỷ bỏ đi để chờ dịp khác!” Ma quỉ chưa chịu thua! Đây là cuộc chiến dai dẵng không ngưng nghỉ.

Còn tường thuật Thánh Matthêô cho thấy “Ma quỉ xuất hiện cám dỗ Chúa sau khi đã ăn chay cầu nguyện bốn mươi ngày” Thánh Matthêô có ý nói: Chúa là Con Thiên Chúa. Chúa đã ăn chay cầu nguyện bốn mươi ngày… vậy mà vẫn bị cám dỗ: Cám dỗ không trừ ai và cũng không ngán một khí giới nào cả. Đừng nghĩ mình chức cao quyền trọng, đi đâu cũng đọc kinh lần hột mà ma quỉ không dám cám dỗ. Lầm to!  Đức Cha Raymond Lahey, giám mục địa phận Antigonish của Canada tháng 10.2009 đả phải từ nhiệm vì lưu trữ hình trẻ em trần truồng. Ngài sinh năm 1940, tức đã 69 tuổi, và đã lên làm Giám Mục, hàng giáo sĩ cao cấp nhất trong Giáo Hội Công Giáo từ năm 1986. Muốn lên làm Giám Mục, điều kiện không chỉ là linh mục mà còn là linh mục đạo đức, vững chắc trong đức tin, tinh thông khoa học thánh và đáng tín nhiệm. Vậy mà ….vẫn tiêu!

III. Thực hành Phúc Âm:

Đừng biến đá thành bánh?

Sau bốn mươi ngày ăn chay cầu nguyện, Chúa thấy đói và cần ăn. Phải chi có gì ăn ngay cho đỡ đói thì tốt quá! Có thể Chúa nghĩ vậy. Có gì dễ cho bằng chỉ nói một câu làm cho đá thành bánh. Chuyện nhỏ và dễ ợt! Nhưng Chúa không làm chuyện nhỏ và dễ ợt nầy. Vì đó là chuyện ma quỉ.

Người ta nói chung quanh Quảng Trường Ba Đình ở Hà Nội có vài ngàn gái mãi dâm. Lý do, họ muốn có tiền cho nhanh để chạy theo kịp mốt ăn chơi của thời văn minh. Họ muốn có gì giúp gia đình ngay để cho bố mẹ đỡ vất vả. Nên họ đã biến đá thành bánh. Chỉ cần một suất đi khách ba mươi phút là kiếm được khối tiền bằng người lao động hai ngày.

Ai trong chúng ta cũng cần những nhu cầu vật chất cần thiết như nhà, xe và những nhu cầu lương thực hằng ngày. Ai trong chúng ta cũng cần vài tuần lễ nghỉ hè chung với gia đình hàng năm. Thêm vào đó cũng cần có một số tiền phụ trội để giúp gia đình hay người nghéo đói hay xây dựng một căn nhà cho người bất hạnh ở Việt Nam. Toàn chuyện chính đáng, tốt đẹp và nên làm. Nhưng làm sao để có tiền thỏa đáp cho những nhu cầu chính đáng nầy?

Có  người đã chọn giải pháp cấp thời theo kiểu biến đá thành bánh nầy. Họ đi trồng cỏ, họ đi buôn lậu, họ chứa dựa và tiêu thụ những hàng hóa ăn cắp.  Đá đã thành bánh! Tiền dư bạc thừa, giàu nứt khố đổ vách… và làm chuyện bác ái giúp Việt Nam. Đó là chuyện của ma quỉ! Những người trên đã bị cám dỗ và đã sa chước cám dỗ! Ma quỉ vẽ ra những công phúc nào là bác ái, nào là nhu cầu chính đáng và chúng ta đã thua, đã biến đá thành bánh.

Cũng có những linh mục đã nhận những chiếc bánh từ việc biến đá thành bánh nầy. Người trồng cỏ, người buôn lậu, người khai thuế gian, người khai man lãnh trợ cấp xã hội… đến xin Cha lễ tạ ơn Chúa với số tiền to lớn, để Chúa phù hộ cho ăn nên làm ra. Linh mục nhận chiếc bánh được biến từ hòn đá bất chính một cách tỉnh bơ, không thắc mắc. Xin lễ là chuyện thánh thiện, nhưng dùng tiền bất chính mà xin lễ là chuyện ma quỉ. Nên nhớ, quỉ là tên tráo trở, hay đánh lận con đen, hay dùng sự cao đẹp thánh thiện để biến chúng ta thành nô lệ cho bản năng xấu xa. Chúa không cần của lễ bất chính. Linh mục cũng không được phép im lặng để ăn những chiếc bánh từ những hòn đá bất chính nầy. Linh mục hơn ai hết được kêu gọi nên công chính.

Thách thức và thi thố

Ma quỉ thách thức Chúa để thi thố quyền năng Thiên Chúa:

 “Nếu Ông là con Thiên Chúa, thì biến đá thành bánh mà ăn”.

 “Nếu Ông là con Thiên Chúa thì đứng đây mà gieo mình xuống đi. Vì có lời chép …” Như đã nói, biến đá thành bánh! Chuyện nhỏ, Chúa làm cái một!

Gieo mình xuống từ nơi cao! Not a problem! Chúa là Con Thiên Chúa, bảo một tiếng, Lazarô chết bốn ngày chôn trong mồ còn sống lại đi ra khỏi mồ trên tay còn vải liệm.

Nhưng Chúa không làm, không vì sợ thất bại biến đá không thành bánh hay nhảy xuống sẽ chết hay bị  thương tật? Không! Chúa không làm vì Chúa đến để làm theo Thánh Ý Thiên Chúa Cha, chứ không làm theo sự xúi giục của tà thần.

Khi còn nhỏ tôi hay đánh lộn và hay ăn thua đủ với những bạn bè trang lứa trong họ đạo. Đánh lộn thường do những chuyện trẻ con như giành sân chơi hay giành trái banh để đá. Nhưng nhiều khi đánh lộn vì bị người khác thách thức: Thằng đó nó chưởi ba mầy, thằng kia nó ăn hiếp chị mầy… thế là hai thằng bé đánh nhau nhiều khi sưng cả mặt mày, trầy da chảy máu. Thường tôi thắng, nhờ to con một chút, tôi đè được đối thủ xuống. Nhưng thật sự ai là người thắng cuộc?

Không phải tôi chút nào! Nhưng là người thách thức để tôi gây chiến, đánh nhau và thi thố sức lực của mình.

Thế giới nầy có rất nhiều thầy dùi, chuyên thách thức người khác thi thố khả năng để thủ lợi. Chiến tranh Việt Nam hai mươi năm tàn khóc là một bài học nhớ đời cho dân tộc Việt Nam, một dân tộc thông minh, cần củ, nhưng dễ bị thách thức. Máu người Việt chảy thành sông và xương người Việt chết vì chiến tranh chất thành núi. Chính nghĩa nào? Tư bản hay cộng sản? Tất cả chỉ là những trò phỉnh gạt để cho những cường quốc có chỗ tiêu thụ vũ khí và tranh giành quyền bá chủ thế giới. Sự tàn ác của những tên thầy dùi là tiêm vào máu dân nhược tiểu lý tưởng bảo vệ hòa bình, tranh đấu cho chính nghĩa. Sau cùng là lòng thù hận lẫn nhau, nhảy vào cuộc chiến để xâu xé và giết chết nhau. Những thầy dùi nầy không khác gì Satan thách thức Chúa? Sao không biến đá thành bánh mà ăn? Sao không bỏ bom oanh tạc để trừng phạt nó cho đích đáng?

Trong sinh họat giáo xứ cũng không thiếu những thầy dùi chuyên môn thách thức và gây chia rẽ trong cộng đoàn. “Cha coi chừng! Anh đó muốn lãnh đạo giáo xứ, muốn điều khiển Cha đó!” Cho anh ta một bài học để giẳng mặt!” Cha sau khi “đã suy nghĩ và cầu nguyện” thì giằng mặt. Kết quả, người bị giằng mặt không bao giờ dám chường mặt ra nữa, nhưng sự bất nhẫn dành cho cha cao tận trời xanh. Cha dù có đổi đi rồi, lòng thù hận vì bị giằng mặt vẫn còn đó. Có khi thầy dùi bảo “Ông hay bà coi chừng! chị đó nhiều chuyện lắm đó!” Thế là “chị đó” bị xa tránh. Tình bác ái nâng đỡ nhau nhường chỗ cho sự xa tránh và nghi kỵ!

Thách thức để thi thố khả năng hay chỉ để trổ tài là chuyện của ma quỉ. Nều chúng ta thi thố khả năng hay thực hiện chuyện thách thức hay ăn thua đủ với người khác là chúng ta bị sa chước cám dỗ. Khả năng Chúa ban, dù nhiều như người nhận năm nén bạc hay ít như người nhận chỉ một nén bạc, đều được kêu ngọi để làm vinh danh Chúa và mưu ích cho cá nhân và người khác. Khả năng không được dùng để thỏa mãn tự ái hay trổ tài giằng mặt người khác. Mỗi ngày chúng ta đọc kinh lạy Cha nhiều lần. Xin hãy thật sự cầu xin “Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ”.

Lm Peter Trần Thế Tuyên

Xem bài liên quan:

Nhạc diễn ý Phúc Âm Chúa Nhật I Mùa Chay | Quang Hoài