Bài giảng Chúa Nhật 5 Mùa Chay năm C

1310

Mong là bắt gặp tại trận
Không phải ngoại tình nhưng bận lắng nghe
Lời Chúa dịu ngọt êm re
Tâm hồn thanh thoát khoẻ re suốt ngày.
Cầu cho nhau.

Bài giảng Chúa Nhật V Mùa Chay năm C được gửi dưới dạng:

1. Video

Thơ tóm ý:

Phụ nữ bị bắt ngoại tình,
Mang trình diện Chúa, cố rình xem coi.
Ném đá cho chết mới thôi.
Lề luật đã sẵn, tẩy bôi đường nào?

Nhìn người phụ nữ kêu gào,
Nhìn người biệt phái tự hào thánh nhân.
Buồn cho thế sự oán ân,
Cúi xuống, Chúa vẽ… cân phân: LUẬT, TÌNH.

Biệt Phái, nóng ruột, bực mình:
“Xin Thầy cho ném!” Còn nhìn làm chi.
“Ai người vô tội! Ném đi!”
Âm thầm, bỏ đá, lặng đi về nhà.

Không ai kết án con à?
Đừng phạm tội nữa, cải tà ăn năn!
Kết án, mất mát, dứt căn,
Tha thứ, mở lối, là nhân, là tình. Amen

CHÚA NHẬT V MÙA CHAY
Sách Tiên Tri Isaia 43, 16-21;
Thư Thánh Phaolô gửi Giáo đoàn Philipphê 3,8-14
và Phúc  Âm Gioan 8, 1-11

Tin mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan
Còn Đức Giê-su thì đến núi Ô-liu. Vừa tảng sáng, Người trở lại Đền Thờ. Toàn dân đến với Người. Người ngồi xuống giảng dạy họ. Lúc đó, các kinh sư và người Pha-ri-sêu dẫn đến trước mặt Đức Giê-su một phụ nữ bị bắt gặp đang ngoại tình. Họ để chị ta đứng ở giữa, rồi nói với Người : “Thưa Thầy, người đàn bà này bị bắt quả tang đang ngoại tình. Trong sách Luật, ông Mô-sê truyền cho chúng tôi phải ném đá hạng đàn bà đó. Còn Thầy, Thầy nghĩ sao ?” Họ nói thế nhằm thử Người, để có bằng cớ tố cáo Người. Nhưng Đức Giê-su cúi xuống lấy ngón tay viết trên đất. Vì họ cứ hỏi mãi, nên Người ngẩng lên và bảo họ : “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi.” Rồi Người lại cúi xuống viết trên đất. Nghe vậy, họ bỏ đi hết, kẻ trước người sau, bắt đầu từ những người lớn tuổi. Chỉ còn lại một mình Đức Giê-su, và người phụ nữ thì đứng ở giữa. Người ngẩng lên và nói : “Này chị, họ đâu cả rồi ? Không ai lên án chị sao ?” Người đàn bà đáp : “Thưa ông, không có ai cả.” Đức Giê-su nói : “Tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu ! Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa !”

Ðó là Lời Chúa – Lạy Chúa Kitô, ngợi khen Chúa.

I. Giáo huấn Phúc Âm:        

  1. Tội lỗi, thực tại gắn liền với đời sống con người. “Tôi đã mang tội, ngay khi còn trong lòng mẹ” (Thánh vịnh 51,7) Hay như trong bài Phúc Âm hôm nay “Ai trong các ông sạch tội thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi!”
  2. Hoán cải, từ bỏ tội lỗi quay về với Chúa. Điều tất yếu con người phải làm. Điều mà Chúa Giêsu được sai đến để thực hiện như được khẳng định trong bài Phúc Âm hôm nay “Tôi không lên án chị đâu! Về đi và từ nay đừng phạm tội nữa!”
  3. Cứu  độ, được cứu sống, được sống hạnh phúc trong Nhà Cha mình, trong nước Thiên Chúa. Đây là cứu cánh của đời người. Cứu độ là lý do Chúa đến trần gian. Chúa là Đấng cứu thế, đấng cứu người tội lỗi biết sám hối. “Vì Thiên Chúa không sai con của Người đến luận phạt trần gian, nhưng để nhờ Con của Người mà tất cả được cứu độ” (Gioan 3:17) hay “Ta đến để chúng được sống và sống dồi dào!” (Gioan 10,10)
  4. Con người tội lỗi luôn được kêu gọi hoán cải để nhận lấy tình thương cứu độ của Thiên Chúa.

II. Dẫn giải Phúc Âm:

1. “Tại sao Chúa Giêsu không tán thành chuyện ném đá trừng phạt người phụ nữ goại tình theo như luật Môsê định?

Vì Luật sĩ và Biệt Phái bóp méo Luật Môsê:

Cả trong hai sách: Lêvi 20,10 và trong sách Đệ Nhị Luật 22,22 đều cho phép ném đá chết cả hai, tức cả đàn ông và đàn bà bị bắt phạm tội ngoại tình với nhau.

Trong Phúc Âm hôm nay, Biệt phái và Luật sĩ “dẫn  đến trước mặt Chúa Giêsu một phụ nữ bị  bắt gặp đang ngoại tình” Không thể đồng ý cho ném đá chết chỉ một người.

Không có gì chắc chắn, nhưng biết đâu chừng trong đám Luật sĩ và Biệt phái tố cáo người hôm nay lại có người đã từng tằng tịu với chị ta? Why not? Vì họ đã nhiều lần bị Chúa tố cáo là giả hình. Giả hình tức giả bộ đạo đức đang khi đó làm nhiều chuyện bĩ ổi. Tiếng Việt chúng ta thường gọi là ‘ngậm máu phun người’ hay là hạng người ‘khẩu phật tâm xà!’, miệng niệm Phật Nam Mô mà tâm hồn toan tính toàn điều bất chính.

Vì tránh âm mưu của Biệt phái và Luật sĩ.

Dưới thời bị La Mã đô hộ, Do Thái bị tước mất quyền tài phán, không được quyền quyết định giết chết người khác nều không có quyết định của tổng trấn.

Thấy rõ điều nầy trong vụ án Chúa Giêsu: Biệt phái và Luật sĩ đã bắt Chúa vào tối Thứ Năm, kết án Chúa trước Toà án Tôn giáo Caipha ngay đêm đó, nhưng vẫn không dám giết Chúa, phải chờ sáng sớm Thứ Sáu mới mang Chúa sang dinh Tổng trấn Philatô để xin án xử từ Chúa. Để được bản án tử hình cho Chúa, họ đã phải cật lực la hét là “Tha cho Baraba và đóng đinh nó vào thập giá!” và “Hắn là tên phản loạn chống hoàng đế La Mã!”

Hôm nay cũng vậy, Biệt phái và Luật sĩ mang người phụ nữ ngoại tình đến trước Chúa để gài bẩy bắt Chúa: Nếu Chúa tha người phụ nữ, có nghĩa Chúa theo La Mã và chống lại luật tôn giáo Do Thái tức luật Môsê. Nếu Chúa đồng ý cho ném đá người phụ nữ ngoại tình, Chúa thành người bất nhân và người chống lại đế quốc La Mã: Kết án tử mà chưa có lệnh của Tổng trấn. Chuyện âm mưu giăng bẫy hại người nầy đã được thực hiện khi có lần họ hỏi: Có nên nộp thuế cho Cêsar, hoàng đế La Mã hay không như đã được trình bày trong Matthêô 22:15-22 và trong Luca 20:19-26

Nếu có chủ quyền, Biệt phái và Luật sĩ đã mang Chúa đi hành hình không cần vào dinh Tổng trấn Do Thái. Cũng vậy, nếu có chủ quyền, Biệt phái và Luật sĩ đã ném đá người phụ nữ ngoại tình chết tại chỗ chứ cần gì đợi tới sự phán quyết của Chúa.

Vì đi ngược Sứ mệnh cứu thế của Chúa:

Chúa dến để cứu độ chứ không phải để luận phạt hay giết chết. Cả trong Gioan 3.17 và Luca 19.10 đều khẳng định “Thiên Chúa sai Con của Ngài đến không phải để luận phạt nhưng để cứu độ trần gian” Hay trong Matthêô 20.28 “Con Người đến khống phải để được phục vụ, nhưng để phục vụ và hiến mạng sống làm giá cứu chuộc cho nhiều người!”

Hơn nữa thử hỏi xem: Chúa được gì, xã hội được gì và người đàn bà tội lỗi được gì nếu bị ném đá chết hôm nay?

Chúa mất! Mất đứa con hoang đàng tội lỗi mà Chúa đang chờ hoán cải. Chúa mất cơ hội đi tìm chiên lạc để chăm sóc, để chữa lành bệnh tật và qui tụ về cùng một đàn chiên và một chủ chiên như trong Thánh Vịnh 23 mô tả.

Xã hội mất! Mất một con người mà nếu cải tà qui chánh sẽ mang ích lợi cho xã hội. Giết người, mang thêm đau buồn và gây hận thù cho thân nhân gia đình nạn nhân.

Tội nhân mất! Mất cơ hội sám hối và mất sự sống. Vô ích!

2. Nếu sứ mạng của Chúa Cứu Thế  là hoán cải người tội lỗi và  ban ơn cứu độ. Vậy sao còn có hoả ngục để phạt kẻ dữ?

Kinh Thánh mô tả về sự thật hoả ngục:

Phúc Âm Thánh Luca chương 16 mô tả về sự khốn cùng của ông phú hộ trong hoả ngục: Bị lửa đốt, khổ sở cùng cực và hoả ngục là nơi để đọa đầy và hành hạ.

Phúc Âm Thánh Matthêô 13, 42 diễn tả hoả ngục như lò lửa, nơi than khóc và nghiến răng.

Trong sách Khải Huyền 20,15 diễn tả hoả ngục là một hồ toàn lửa đỏ.

Như vậy, thật sự có hoả ngục.

Hoả ngục dành cho ai? Dành cho Satan và đồng bọn như được diễn tả trong ngày chung thẩm theo Phúc Âm Matthêô 25. 41 tường thuật.

Tại sao Hoả ngục lại dành cho Satan và đồng bọn? Kinh Thánh mô tả Satan nguyên là thiên thần của Thiên Chúa, nhưng đã nỗi loạn chống lại Chúa và  bị dày xuống hoả ngục. Sách tiên tri Egiêkiên 28:15 nói: Satan muốn làm Chúa. Trong thư Thứ Hai của Thánh Phaolô gửi Giáo đoàn Corintô nói: Satan đã trở thành chúa của nhân loại tội lỗi. Trong sách Khải Huyền của Thánh Gioan Tông đồ 20,10 nói là Satan bị phạt đời đời.

Ai là đồng bọn của Satan? Những ai phạm tội và cố tình duy trì tình trạng tội lỗi, không sám hối quay về với Chúa và chấp nhận hoả ngục như nơi mình đến.

Khi chúng ta phạm tội là chúng ta nghe theo sự cám dỗ của Satan. Khi chúng ta phạm tội là đứng về phe thần dữ chống lại Thiên Chúa.

Phải mạnh mẽ chống lại cám dỗ của Satan như Chúa Giêsu trong hoang địa.

Phải hoán cải, hồi tâm hối lỗi và thoát khỏi bóng tối tội lỗi quay về nhà Cha như người con hoang đàng trong Phúc Âm.

Hậu quả của nguyên tội là khuynh hướng thích phạm tội nơi chúng ta. Nói cách khác, nơi chúng ta có mầm phản loạn chống lại Thiên Chúa và dễ theo phe Satan. Vì những khuynh hướng đi xuống nầy mà Chúa Giêsu phải xuống thế làm người như chúng ta để kéo chúng ta về Trời Cao như Phúc Âm Thánh Gioan 12,32 “Khi Ta được treo lên, Ta sẽ kéo mọi người lên với Ta”.

Nên Giáo lý Công giáo dạy: Khi lỡ sa phạm tội thì  phải xưng tội càng sớm càng tốt, nghĩa là cố  gắng thoát khỏi tình trạng “đồng bọn với Satan”  Nếu không gặp được linh mục để xưng tội thì  phải ăn năn tội cách trọn.

III. Thực hành Phúc Âm:

1. Kitô hữu là những Chúa Kitô khác, tức là những người cứu nhân độ thế

Những ai lãnh nhận bí tích rửa tội thì được gọi là Christi fideles tức những Christian faithful, những người tin vào Chúa Kitô và được tháp nhập vào thân thể mầu nhiện của Chúa kitô và thành sứ  giả mang ơn cứu độ đến cho mọi dân nước. Từ Đức Giáo hoàng trở xuống, có chung một tên gọi là Kitô hữu: Người tin Chúa và tiếp nối sứ mệnh cứu rỗi của Chúa. Nên chúng ta được phải cứu người chớ đừng bao giờ hại người.

Nên tránh mọi chuyện trù ẽo hay nguyền rũa người khác. Nhưng phải cầu nguyện cho kẻ làm hại chúng ta như trong Matthêô 5.43-44. Nếu cầu nguyện cho kẻ làm hại chúng ta, chúng ta là người chiến thắng: Thắng chính mình và thắng được kẻ ghét mình. Người ta có thể ghét hết mọi người trừ người thương mình.

Tôi  không thích coi phim kiếm hiệp của Hồng Kông, đó là những thiên truyện trả thù liên tục, từ đời nầy sang đời nọ: Cha mình bị giết chết – Hiếu tử lên núi tìm thầy học võ – Hạ san tìm giết kẻ thù – Con kẻ thù thành nạn nhân, lại tìm thầy học võ – Hạ san tìm giết kẻ thù. Vòng lẫn quẫn không lối thoát, rất tiêu cực và ấu trĩ.

Hồng Kông, một hải đảo nhỏ rộng chừng 16 ngàn kilô mét vuông với dân số khoảng một triệu ba trăm ngàn. Đất nhỏ, dân đông, nên họ chú trọng nhiều đến phim ảnh tưởng tượng loại kiếm hiệp và các thứ kiếm tiền khác như sòng bạc hay mãi dâm. Những kiểu làm ăn không tốn nhiều chỗ mà lại thoả mãn được tính nhỏ nhặt tiểu nhân của con người.

Khi làm hại người khác là chúng ta bị thua thiệt: Thua tính tiểu nhân hẹp hòi của mình và làm hại chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Người bị hại hay bị trả thù làm sao thấy được lòng thương xót Chúa nơi chúng ta là một Kitô hữu. Nhưng nếu chúng ta mang ích cho người khác hay cứu được người khác, chúng ta sẽ là người chiến thắng. Vì chúng ta thể hiện được sứ mạng cứu nhân độ thế mà chúng ta đã lãnh nhận khi chịu phép rửa tội. Xin tìm đọc hạnh Cha Thánh Maximilian Kolbe, dòng Phanxicô sinh năm 1894. Năm 1941, thế mạng để cứu bạn tù Francis. Được tuyên thánh ngày 10.10.1982 và lễ nhớ ngày 14 tháng 8 hàng năm.

2. Nghe vậy, họ bỏ đi hết, kẻ trước người sau, bắt đầu từ những người lớn tuổi”

Biệt phái và Luật sĩ mang tiếng giả hình và có ác ý hại người. Nhưng dù sao trong vụ án người phụ nữ ngoại tình hôm nay, lương tâm họ vẫn còn tốt và bị thức tĩnh do Lời Chúa “Ai trong các ông sạch tội thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi!” Những người hiện diện chờ ném đá, quăng bỏ đá đang có trong tay và âm thầm rút lui.

Nếu vụ án nầy xảy ra hôm nay, trong giáo xứ của chúng ta, chúng ta có dám để lương tâm mình bị đánh thức, quăng bỏ hòn đá cuội đang định giơ cao tay ném chết người và âm thầm rút lui không? Hay chúng ta phải ném đá giết người để chứng tỏ mình vô tội và trừng trị đích đáng tội phạm theo lẽ công bằng?

Trong cuộc sống thường ngày nhiều khi chúng ta dễ mất tự chủ và để cho máu mình xông lên vì một cá nhân nào đó bị cho là gây bất công hay phạm những sai sót không thể tha thứ được. Chúng ta thấy mình có bổn phận phải lên tiếng chỉ trích, nặng lời thoá mạ, và sẵn sàng làm tổn thương những đối tượng nầy để gọi là bệnh vực lẽ phải, giống như người Biệt phái bênh vực lề luật Môsê.

Tốt hơn chúng ta nên hỏi: Tại sao người đàn bà nầy ngoại tình? Tại sao và hoàn cảnh nào đưa đẩy con người nầy đến hành động xấu đó? Nếu ở trong hoàn cảnh của những tội nhân nầy, tôi có làm khác hơn họ được không? Hay tôi phải khiêm tốn thú nhận như thánh Phaolô: Yếu đuối của anh chị em tôi, cũng chính là những yếu đuối của tôi!

Hãy để cho máu nóng kết án hạ xuống! Hãy để cho tình yêu thương tha thứ dâng cao hơn. Hãy nhìn thấy sâu và rõ hơn hoàn cảnh của người trong cuộc. Chắc chắn ai cũng sẽ quăng bỏ đá cuội đang chuẩn bị ném và âm thầm rút lui.

Xin hãy chậm lại – dành ít phút lắng đọng xét mình – đọc một kinh “Cúi xin Chúa sáng soi” và để lương tâm mình thức tĩnh trước khi buông lời kết án hay vung tay quăng đá ném chết người. Xin hãy nhớ: Chúng ta được kêu gọi để tiếp nối chương trình cứu độ của Chúa. Chúng ta được kêu gọi cứu đời, chứ không phải hại đời. Mỗi người chúng ta sinh ra để được yêu thương và cứu độ theo chương trình cứu độ ngàn đời của Chúa.

2. Bản văn đính kèm | Download File Word

3. Ảnh minh họa bài Phúc Âm Slideshow Bánh Mì Chúa Nhật 5 Mùa Chay