Thơ diễn ý:
Chiến đấu để qua cửa hẹp,
Ép mình, hạn chế, bỏ dẹp dục tình.
Cửa hẹp không có ngục hình,
Nhưng có thánh giá hãm mình hy sinh.
Cửa rộng thoải mái linh tinh,
Đông người phè phỡn đinh ninh bước vào.
Thênh thang, bỡ béo thở phào,
Nhưng rồi khốn khổ ứ trào tháng năm.
Hoả ngục khóc lóc nghiến răng,
Rộng mở cho kẻ lố lăng, lọc lừa.
Nơi đó, hình khổ dư thừa,
Ma quỉ khống chế! Không chừa một ai.
Sống khôn! Nghĩ đến ngày mai,
Theo đường cửa hẹp ăn chay hãm mình.
Chỉnh sửa, tật xấu, giả hình,
Khổ thân mệt xác! Công trình ngày mai. Amen.
I. Video bài giảng
CHÚA NHẬT XXI QUANH NĂM
Sách Tiên Tri Isaia 66. 18-21;
Thư Thánh Phaolô gửi tín hữu Do Thái 12.5-7.11-13
và Phúc Âm Thánh Luca 13. 22-30
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca
Trên đường lên Giê-ru-sa-lem, Đức Giê-su đi ngang qua các thành thị và làng mạc mà giảng dạy. Có kẻ hỏi Người: “Thưa Ngài, những người được cứu thoát thì ít, có phải không?” Người bảo họ: “Hãy chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào, vì tôi nói cho anh em biết: Có nhiều người sẽ tìm cách vào mà không thể được.
“Một khi chủ nhà đã đứng dậy và khoá cửa lại, mà anh em còn đứng ở ngoài, bắt đầu gõ cửa và nói: ‘Thưa ngài, xin mở cho chúng tôi vào!’, thì ông sẽ bảo anh em: ‘Các anh đấy ư? Ta không biết các anh từ đâu đến!’ Bấy giờ anh em mới nói: ‘Chúng tôi đã từng được ăn uống trước mặt ngài, và ngài cũng đã từng giảng dạy trên các đường phố của chúng tôi.’ Nhưng ông sẽ đáp lại: ‘Ta không biết các anh từ đâu đến. Cút đi cho khuất mắt ta, hỡi tất cả những quân làm điều bất chính!’
“Bấy giờ anh em sẽ khóc lóc nghiến răng, khi thấy các ông Áp-ra-ham, I-xa-ác và Gia-cóp cùng tất cả các ngôn sứ được ở trong Nước Thiên Chúa, còn mình lại bị đuổi ra ngoài. Thiên hạ sẽ từ đông tây nam bắc đến dự tiệc trong Nước Thiên Chúa.
“Và kìa có những kẻ đứng chót sẽ lên hàng đầu, và có những kẻ đứng đầu sẽ xuống hàng chót.”
Đó là Lời Chúa! – Lạy Chúa Kitô, ngợi khen Chúa!
I. Giáo Huấn Phúc Âm:
Số người được cứu độ bị hạn chế bằng:
Cửa hẹp: tức qui luật khắc khe không phải ai cũng có khả năng đáp ứng dễ dàng nhưng phải chiến đấu để có thể lọt qua.
Giờ giấc: Con người có thời gian để chiến đấu, để lập công vào nước Trời. Nếu cứ buông xuôi, thả lõng hay bê tha thì có lúc không còn kịp vì chủ nhà “đã đứng dậy, khóa cửa” và không tiếp nhận thêm người, dù người đó có lúc đã từng sốt sắng, đã từng ‘ăn uống trước mặt Ngài’.
2. Diễn giải Phúc Âm:
1. Có hỏa ngục không? Kinh Thánh nói gì về hỏa ngục?
Nhiều lần Chúa Giêsu nói về sự hiện hữu của hỏa ngục và những ai sẽ bị phạt trong hỏa ngục:
Phúc Âm Matthêô 5:22 “Tôi bảo thật anh em, bất cứ ai trong anh em giận ghét anh em mình thì đều có tội. Ai mắng anh em mình ‘đồ vô dụng!’ cũng đáng luận phạt trước tòa án. Còn ai bảo anh em mình “ngu ngốc!” thì đáng bị phạt trong hỏa ngục.
Phúc Âm Matthêô 10:28 “Đừng sợ những ai chỉ giết được thân xác mà không làm gì được linh hồn; nhưng hãy sợ người có thể tiêu diệt cả xác và hồn
Phúc Âm Matcô 9:43-47 “Nếu tay anh em gây dịp tội cho anh em, hãy chặt bỏ! Tốt hơn nếu chỉ có một tay mà vào nước thiên đàng còn hơn lành lặn hai tay mà bị phạt trong lửa hỏa ngục không bao giờ tắt! Nếu chân anh em gây dịp tội, hãy chặt bỏ, thà một chân mà vào nước thiên đàng còn hơn hai chân mà phải vào hỏa ngục. Nếu mắt gây dịp tội cho anh em, hãy móc mắt mà quăng, thà có một mắt mà vào nước thiên đàng còn hơn đầy đủ hai mắt mà vào hỏa ngục…”
2. Chúa dựng nên con người để cứu độ con người. Chúa sinh xuống làm người để cứu độ con người. Chúa lập Giáo Hội, ban các bí tích để mang ơn cứu độ cho con người. Tại sao còn có chuyện hỏa ngục để trừng phạt nhân loại hay cửa hẹp để hạn chế người được cứu độ?
Xin trích dẫn những nghiên cứu công phu dưới đây từ Catholic Digest để chúng ta có một hiểu biết chính xác về hỏa ngục: Hỏa ngục, một hiện thực trong các tôn giáo. Vào hỏa ngục hay bị phạt trong hỏa ngục là sự chọn lựa tự do của con người. Thiên Chúa là Thiên Chúa cứu độ, Thiên Chúa giàu lòng thương xót, Ngài không định cho ai xuống hỏa ngục cả.
Hỏa ngục được tìm thấy trong các tôn giáo lớn nhỏ khác nhau.
Theo Do Thái giáo, ý niệm Hades là nơi dành cho các vong hồn đã tồn tại qua nhiều thế kỷ. Nhưng kể từ thế kỷ thứ 19, khi ông Moses Mendelssohn, một triết gia người Ðức có ảnh hưởng lý luận rằng hình phạt đời đời là không hợp với lòng thương xót của Thượng Ðế, ý tưởng về hoả ngục theo nghĩa đen đã bị bác bỏ phần lớn. Ðồng thời một nhà thông thái vào thế kỷ thứ 12 tên là Moses Maimonides dạy rằng việc nhắc đến hoả ngục trong Kinh Thánh phải được hiểu một cách hình tượng. Ngoại trừ Do Thái giáo thuộc ngành Chính thống, niềm tin vào sự sống đời sau hầu như biến mất khỏi đạo Do Thái ngày nay.
Ðối với Hồi giáo, hoả ngục là một hố lửa dưới một cây cầu hẹp mà mọi linh hồn phải bước qua để vào thiên đàng. Những ai mà Allah (Thượng Ðế) xét rằng không xứng thì rơi xuống hố lửa và phải chịu hình phạt thể lý đời đời ở một trong 7 tầng hoả ngục. Kinh Koran sử dụng hình ảnh như Kinh Thánh để diễn tả về hoả ngục: “hồ lửa,” “chiếc giường thiêu đốt khổ sở” nơi người độc ác và những kẻ vô đạo phải chịu đau khổ không dứt và chỉ được uống thứ “nước sôi hôi hám.”
Theo Ấn Ðộ giáo, linh hồn trên đường đầu thai phải trải qua một trong 21 hoả ngục để đốt cháy nghiệp báo. Một khi được thanh luyện, linh hồn đó được luân hồi ở một trạng thái cao hơn ở cuộc sống kế tiếp. Những linh hồn nào mà nghiệp báo không quá xấu có thể đầu thai trở lại thành con vật. Chẳng hạn, một người ăn trộm thịt có thể đầu thai thành một con kên kên, một tên trộm ngũ cốc biến thành con chuột. Những linh hồn nào mà nghiệp báo quá xấu xa trở thành những loại đồ vật. Người độc ác nhất bị kết án ở hoả ngục thấp nhất nơi họ có thể bị nấu trong những vạc dầu sôi hay bị quạ xâu xé thịt.
Phật giáo, như Ấn Ðộ giáo, cũng nói về một số hoả ngục như những chặng dừng trong hành trình của một người tiến về niết bàn. Theo Phật giáo vì con người không có linh hồn, năng lực nghiệp quả người đó được luân hồi từ cõi sống này qua cõi sống khác. Theo Phật giáo truyền thống, có 7 loại hoả ngục nóng rực với những phòng hành hình, một hố lửa, và một bãi lầy chờ đợi những ai làm điều ác. Theo Phật giáo Tây Tạng, có 8 hoả ngục lạnh lẽo với những hoả ngục ngoài cùng dành cho những ai ít tội.
Theo Lão giáo, người chết được gửi về một trong những Phật cảnh, đến núi ở của các vị bất tử, hay đi đến một trong những hoả ngục.
Trong khi một số tôn giáo bộ lạc ở Á châu và Phi châu tin vào án phạt hoả ngục, đa số các tôn giáo của người dân bản xứ ở Bắc Mỹ không tin vào điều này. Mặc cho có những sự khác biệt, các tôn giáo cùng chia sẻ niềm tin chung ở chỗ một số tội ác quá nặng nề không thể trừng phạt thích đáng nơi cõi đời này và do đó phải có một hình phạt sau cái chết.
Hỏa ngục theo Công Giáo: Mùa hè năm 1999, tạp chí La Civilta Catolica của Dòng Tên ở Ý mà các bài đăng thường được xem là có sự chuẩn thuận của Toà Thánh đã có một bài bình luận về đề tài hoả ngục trong đó tác giả cho rằng hoả ngục không phải là một nơi chốn nhưng là tình trạng của một người chịu đau khổ vì không có Chúa. Vài ngày sau đó, Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô trong một buổi triếu yết chung tại Vatican đã phát biểu rằng: “Thay vì là một nơi chốn, hoả ngục chỉ tình trạng những người tự tách rời mình vĩnh viễn ra khỏi Thiên Chúa trong sự tự do của họ.” Ðể diễn tả tình trạng này, Ðức Thánh Cha nói rằng, Kinh Thánh “dùng ngôn ngữ biểu tượng” minh hoạ trong biển lửa những ai tự loại trừ chính mình ra khỏi sổ hằng sống và như thế gặp phải cái chết thứ hai.”
Ðức Thánh Cha không có ý loại bỏ nọc độc của hoả ngục. Tuy vậy, ngày nay khi hình ảnh hoả ngục thường được gợi lên trong các trang tranh vẽ của trẻ em thay vì được rao trên bục giảng, nhận xét của Ðức Gioan Phaolô II về hoả ngục nhằm mục đích lấy lại và cập nhật hoá tín lý về hoả ngục mà đã bị lãng quên từ lâu để từ đó có thể giúp cho người tín hữu sống đạo đức hơn. Theo sử gia Martin Marty, giáo sư danh dự của Ðại học Thần học Chicago và là một chuyên viên về lịch sử Giáo hội: “Nếu Ðức Thánh Cha gợi lên hình ảnh hoả ngục với những ngọn lửa và một con quỷ màu đỏ với cái chĩa ba, người ta sẽ không lấy làm quan tâm lắm đâu vì giống như là tranh biếm hoạ.”
Dù sao đi nữa, quan điểm về hình ảnh hoả ngục mang tính cách biểu tượng đi đôi với quan điểm của đa số dân chúng ngày nay. Một cuộc thăm dò dư luận gần đây của Tuần báo U.S. News & World Report cho thấy ngày nay có nhiều người Mỹ tin vào hoả ngục hơn là trong những năm 1950 hay ngay cả 10 năm về trước. Nhưng như Ðức Thánh Cha, đa số nghĩ hoả ngục là “tình trạng hiện hữu thống khổ”hơn là một nơi chốn thật sự.
Hoả ngục ăn sâu trong giáo huấn của Do thái giáo và Kitô giáo. Trong thời Kinh thánh sơ khởi, các quan niệm về hoả ngục không rõ ràng cho lắm. Chẳng hạn, bản văn Do thái của các sách Khởi nguyên, Các Vua quyển 1, Thánh vịnh, và Gióp, đề nghị là tất cả những ai qua đời, cả người công chính lẫn người độc ác, đều được gửi xuống một thế giới âm u gọi là Sheol một chỗ như Hades của huyền thoại cổ Hy lạp có nghĩa là “âm phủ,” nơi không có vui cũng không có hình phạt. Ví dụ, trong sách Khởi nguyên, tổ phụ Giacóp tin rằng Giuse con mình đã chết nên than khóc: “Ta sẽ để tang con ta mà xuống âm phủ với nó” (St 37:35).
Vào thế kỷ thứ 2 trước khi Chúa Giêsu sinh ra, khi Kinh Thánh Do thái được dịch sang tiếng Hy lạp, từ Hades thay thế Sheol trong Kinh thánh Hy lạp, và trong sự suy nghĩ của dân chúng hai ý niệm này hòa lẫn với nhau. Sau này, khi một số thành phần trong đạo Do thái bắt đầu tin vào kết cuộc phục sinh của người chết, Hades không còn là nơi “trung lập” nhưng trở thành chốn tạm dung của những linh hồn người độc ác mà thôi (Kn 4:19) còn người công chính về thẳng thiên đàng chờ đợi thân xác phục sinh. Còn hình phạt của hoả ngục trong thời này được trình bày rất gợi hình qua ý niệm Gehenna. Chữ Gehenna là tiếng Hy lạp lấy gốc từ tiếng Do thái Gehinnom để chỉ về Thung lũng hoang vắng Hinnom ở phía nam Giêrusalem, nơi có những cuộc sát tế con người cho các thần xứ Canaan (2 V 23:10) và sau này dùng để chỉ một nơi lửa không hề tắt và sâu bọ không hề chết đồng thời cũng là nơi các thây ma phản loạn với Thiên Chúa được những người hành hương lên Giêrusalem chứng kiến (Is 66:24).
Qua thời Tân Ước, các tác giả Sách Thánh vẫn sử dụng sự hiểu biết về hoả ngục theo truyền thống đạo Do thái. Từ Gehenna xuất hiện 11 lần trong Phúc Âm Nhất Lãm. Cách nói và hình ảnh truyền thống về hoả ngục như lửa, sự tăm tối, giòi bọ, tiếng rống, nghiến răng, v.v… (Mt 3:12; 5:22; 5:29ff; 10:28; 13:42, 50; 18:9; 23:15,33: Mk 9:43ff; Lc 13:28).
Riêng Phúc Âm theo Thánh Gioan mặc dầu không dùng từ Gehenna vẫn nói về hình phạt bằng sự phán xét và tối tăm. Nhưng trên hết, hình phạt là bị gạt ra ngoài sự sống viên mãn ban bởi Người Con (Ga 2:19; 8:24; 10:28).
Thánh Phaolô cũng diễn tả ý tưởng hình phạt đời đời nhưng không có hình ảnh cụ thể như trong các sách khác của Tân Ước. Thánh Phaolô nói về sự hủy diệt đời đời, bị xua đuổi khỏi mặt Thiên Chúa (2 Tx 1:9; Rm 9:22; Phi 3:19). Thư gửi giáo đoàn Rôma có nói đến “gian truân, quẫn bách trên mạng mọi người làm sự dữ” (Rm 2:9).
Trong sách Khải Huyền của Thánh Gioan hình ảnh về hoả ngục mãnh liệt hơn. Những ai bị xét là không xứng đáng sẽ bị “quăng vào vũng lửa diêm sinh, đó là cái chết thứ hai” (Ga 21:8). Còn trong thư thứ hai của Thánh Phêrô, thế giới u ám tối tăm là phần dành riêng cho người ác độc (2 Pr 2:17). Thư của Thánh Giuđa sử dụng hình ảnh xiềng xích đời đời, nơi tối tăm, lửa thiêu đời đời (Gđ 6-7).
Nhiều vị Giáo Phụ tiên khởi trong đó có Thánh Giêrôm cho rằng hoả ngục là nơi người dữ sẽ chịu phạt hình cảm giác đau đớn. Dẫu vậy, linh mục Origen ở Alexandria (thế kỷ thứ 3) và Thánh Grêgôry Nyssa (thế kỷ thứ 4) cho rằng hoả ngục là nơi đau khổ về mặt thiêng liêng hơn là về mặt thể lý, tức là sự dày vò và xa cách Thiên Chúa. Vào thế kỷ thứ 5, Thánh Âugustinô đưa ra giải pháp trung dung bằng cách cho rằng đau khổ trong hoả ngục bao gồm cả phần thiêng liêng lẫn giác quan, một ý niệm vẫn còn phổ biến ngày nay.
Trong khi đa số các Giáo Phụ dạy rằng mục đích của hoả ngục là trừng phạt người tội lỗi không biết ăn năn hối cải, Origen chủ trương hoả ngục có tính cứu chữa nghĩa là trong hoả ngục người tội lỗi nhất còn có thể phục hồi và cuối cùng cũng được về cùng Chúa trên nước thiên đàng. Quan điểm này của Origen bị Giáo Hội bác bỏ ở Công đồng Constantinople năm 543. Và trong khi một ít thần học gia thời bấy giờ tin rằng người tội lỗi rồi cũng bị diệt vong, đa số cho là những hình phạt thống khổ trong hoả ngục không bao giờ dứt.
Vào đầu thế kỷ 14, hình ảnh về hoả ngục với những tầng khác nhau dưới mặt đất cùng với các cảnh tra tấn rùng rợn đã in sâu vào trí tưởng tượng của dân chúng qua tác phẩm Divine Comedy (“Tấn hài kịch thần thánh”) của thi sĩ Dante người Ý. Hai trăm năm sau đó, giới lãnh đạo Cải Cách Tin Lành bác bỏ những lối diễn tả kinh khiếp về hoả ngục trong hội hoạ và văn chương. Trong khi Martin Luther và Gioan Calvin nhìn đến hoả ngục như là một nơi chốn thật sự, họ tin rằng những tra tấn khốc liệt chỉ mang tính tượng hình. Hai người cho rằng, nỗi đớn đau khốn cùng nhất người trong hoả ngục là sự kinh hoàng và hoàn toàn thất vọng vì phải đời đời xa cách Thiên Chúa.
Tuy nhiên, vào thế kỷ 17 và thế kỷ 18, quan niệm về hoả ngục như là một nơi mà người dữ phải chịu đau khổ về thể xác và thiêng liêng trở lại trong đầu óc quần chúng. Nhưng rồi đến thế kỷ 19 và thế kỷ 20, ý tưởng phạt đời đời trong chốn hoả ngục bị bác bỏ.
Có thể nói rằng thế kỷ 20 gần như sắp chứng kiến cái chết của hoả ngục khi vị có nhiệm vụ giảng dạy cả trong Công Giáo lẫn Tin Lành thích thú với những đề tài làm cho tinh thần con người phấn chấn hơn. Vào thập niên 1960, mối đe doạ hình phạt đời đời trong lửa hoả ngục đối với người không biết ăn năn sau khi qua đờihầu như không còn nữa. Việc giảng dạy về hoả ngục trong các trường thần học hầu như không có. Ðồng thời, trong khi đa số những cuộc thăm dò dư luận cho thấy đa số người Mỹ tin là có hoả ngục, hầu như không có ai nghĩ là mình sẽ đi đến đó. Một vài năm trước đây, nhà sử học Marty của Ðại học Chicago có nhận xét rằng “hoả ngục biến mất mà không có ai chú ý cả.”
Khi trình bày quan điểm của mình về hoả ngục, Ðức Gioan Phaolô II làm rõ giáo huấn lâu đời của Hội thánh Công Giáo mặc dầu ít được nhấn mạnh trong thời đại ngày nay: Hình phạt chính của hoả ngục là vĩnh viễn xa rời Thiên Chúa, nơi Ðấng mà con người mới có thể tìm thấy sự sống và hạnh phúc (GLCG 1035). Giáo lý Công Giáo dạy rằng: “Chết trong tội trọng mà không sám hối và không đón nhận tình thương đầy từ bi của Thiên Chúa, có nghĩa là sẽ mãi mãi lìa xa Chúa do sự tự do lựa chọn của ta. Và từ ‘hoả ngục’ được dùng để chỉ tình trạng ly khai cách chung cuộc khỏi mối hiệp thông với Thiên Chúa và các thánh trên trời” (GLCG 1033). Và trong khi giáo lý ghi lại những đoạn Tân Ước đề cập đến hình phạt hoả ngục như “lửa đời đời” (GLCG 1034), Ðức Thánh Cha mô tả những đoạn này như là “hình ảnh” được sử dụng một cách tượng hình và do đó phải được giải thích một cách đúng đắn.
Hơn nữa, Ðức Gioan Phaolô II còn tuyên bố rằng hoả ngục “không phải là một hình phạt do Thiên Chúa áp đặt từ bên ngoài” nhưng là hậu quả đương nhiên do người tội lỗi không ăn năn sám hối chọn lựa sống xa Thiên Chúa. Chúng ta không nên xem Thiên Chúa như là một ông vua độc tài tàn bạo thích trả thù. Ngược lại, Thiên Chúa là Tình Yêu và Ngài muốn mọi người được cứu rỗi nhưng Ngài lại không cưỡng bức ý chí tự do của họ. Có người còn lập luận xa hơn nữa, cho rằng hoả ngục là hình phạt dành cho người từ chối ân sủng của Thiên Chúa đến giây phút cuối đời, do đó họ không thể nào có hạnh phúc nếu được cho lên thiên đàng đi nữa. Lý do, bởi vì chối bỏ và ghét Chúa nên thiên đàng đối với họ cũng chỉ là hoả ngục mà thôi. Như thế, chúng ta phải tự nhắc nhở rằng chính chúng ta nếu từ chối ân sủng Chúa, chúng ta sẽ tự ký bản án hoả ngục cho chính mình. Tuy vậy, theo lời Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II, chúng ta nên chú ý đến điều này, đó là: “Ý tưởng hoả ngục không được gây ra nỗi lo âu hay nản lòng” nhưng là “một sự nhắc nhở cần thiết và lành mạnh về giá trị tự do.”
Trong các bài giảng thuyết ở trường và nhà thờ, Cha Steven Happel, Khoa trưởng Phân khoa Nghiên cứu Tôn giáo của Ðại học Công Giáo Hoa Kỳ tại thủ đô Washington D.C., cho hay ngài nói về hoả ngục “qua thực trạng tự cô lập chính mình và hoàn toàn hướng về bản thân mà không có quan hệ với ai cả. Ðối với tôi, đây là một ẩn dụ mạnh mẽ về sự tách rời với Thiên Chúa. Là một người rao giảng, tôi thấy điều này có hiệu quả hơn là nói về những ngọn lửa vật tính.”
Cũng theo các học giả, đối với nhiều người Kitô hữu sống ở các thế kỷ đầu tiên, hình ảnh khủng khiếp về hoả ngục chắc hẳn đã có hiệu lực trong việc làm cho người ta nhận ra hậu quả kinh hồn do việc chối bỏ Thiên Chúa. Liệu mối răn đe về hoả ngục có thực sự làm người ta sống đạo đức hơn không? Cha Reese nhận xét rằng, ở một mức độ phát triển sơ khởi, với trẻ em chẳng hạn, việc thưởng phạt có thể giúp chúng chọn lựa cho đúng về mặt luân lý, nhưng với thiếu niên và người lớn thì ít có hiệu quả hơn. Tuy nhiên, Cha Reese cũng nhìn nhận: “Có những lúc chúng ta trở lại hành vi sơ khởi khi chúng ta giận dữ muốn làm hại người nào đó. Nếu lúc đó ý niệm hoả ngục giữ ta khỏi làm điều ác này thì chúng ta thấy điều đó hẳn là có ích lắm chứ!”
Một điều cũng cần nên biết là mặc dầu Giáo Hội Công Giáo có tuyên phong các thánh, tin tưởng rằng những vị này đang vui hưởng hạnh phúc đời đời cùng với Thiên Chúa, Giáo Hội không hề tuyên bố chính thức danh tính một cá nhân nào đang sống trong cảnh hoả ngục hay không mặc dầu hành vi ác độc của người đó khiến cho cả thế giới phỉ nhổ. Cho dù đó là một nơi chốn hay là một tình trạng, hoả ngục để lại dấu ấn lâu dài trong đời sống tôn giáo. Và cho dù có người vẫn thích giữ hình ảnh lửa lưu huỳnh thiêu đốt dữ dội, hoặc đi tìm kiếm những cách giải thích mới, hoặc có những người muốn bác bỏ hoả ngục cho đó là sự tưởng tượng của người thuộc giới bình dân, thì chắc chắn những hình ảnh mạnh mẽ về hoả ngục vẫn tiếp tục đi suốt lịch sử loài người như là một nhắc nhở quyết liệt về thực tại tội ác và hậu quả ghê gớm của nó. Ðồng thời, từ đó, con người học biết sử dụng chính đáng sự tự do Thiên Chúa ban cho để đón nhận thay vì từ chối ân sủng của Ngài để rồi ra sức hoạt động vinh danh Ngài cũng như phục vụ không biết mệt mỏi cho tha nhân. (Theo Catholic Digest, Feb. 2001- Phán xét và hỏa ngục.)
Giải thích thêm: Ai lái xe cũng phải tuân theo luật đi đường: phải nịt người vào ghế, phải chạy theo tốc độ được qui định, không được uống rượu và lái xe, tuân hành tuyệt đối luật dừng hoàn toàn khi gặp bản dừng hay đèn đỏ… Nhiều người bất tuân luật lệ và bị phạt vì không giữ luật lưu thông? Tại sao? Tại họ xui hay tại cảnh sát giao thông khó tính hay tại xã hội bày ra luật lệ lưu thông?
Không! Những người lỗi luật giao thông nầy đã chấp nhận lưu thông, nhưng không chấp nhận tuân hành luật giao thông nên hậu quả là bị phạt. Hình phạt nầy là do người lỗi luật chọn. Điều nầy cũng giống như hỏa ngục hay cửa hẹp trong bài Phúc Âm hôm nay. Cửa hẹp không có nghĩa là Chúa hẹp hòi muốn hạn chế số người vào nước thiên đàng, nhưng ‘cửa hẹp’ cho thấy là người ta không chịu khép mình vào những luật lệ Chúa đã ra, thí dụ: chớ giết người, chớ trộm cắp hay chớ làm chứng gian. “Chủ nhà đứng lên và khóa cửa” cũng chỉ là cách diễn tả về những giới hạn mà con người phải theo: Thời gian sống là để lập công đền tội… Nhưng có nhiều người đã phí phạm cả cuộc đời mình trong bê tha trụy lạc. Đến lúc cuối đời, họ không còn kịp để ăn năn sám hối. Họ đã từ chối nước thiên đàng.
Nên hỏa ngục là tình trạng tội, tình trạng chối bỏ ân sủng Chúa. Hỏa ngục là nơi hay tình trạng không có Chúa. Gia đình xào xáo, tranh chấp, giết hại nhau thì gọi là cảnh hỏa ngục. Không có Chúa, không có tình thương thì là hỏa ngục. Sống trong tình trạng mất ân thánh sủng, trình trạng có tội trọng là tình trạng xa Chúa và chọn ma quỉ, chọn hỏa ngục. Không cần phải chết rồi mới vào hỏa ngục. Phạm tội trọng là đã chọn hỏa ngục. Không tôn thờ Chúa là làm tôi mà quỉ. Nơi nào có ma quỉ, nơi đó là hỏa ngục.
III. Thực hành Phúc Âm:
Hãy chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào!”
Tôi hiểu cửa hẹp là những giới răn Chúa và những luật lệ Hội Thánh giúp chúng ta kiện toàn bản thân và đạt được tiêu chuẩn để nhận được ơn cứu độ là hạnh phúc vĩnh cửu trên thiên đàng mai sau. Chúng ta phải “chiến đầu” tức phải buộc mình tuân giữ những lề luật Chúa truyền để có thể dáp ứng tiêu chuẩn được cứu rỗi.
Tôi có kinh nghiệm “chiến đấu để qua cửa hẹp” qua cuộc sống thuyền nhân tị nạn gần ba năm ở Mã Lai. Tôi và nhiều thuyền nhân đã rời Việt Nam trễ hạn theo qui ước ủa Cao Ủy Liên Hiệp Quốc, tức sau không giờ ngày 14.3.1989. Chúng tôi không còn quyền tị nạn vì quốc tế nói rằng: Chúng tôi đi tị nạn kinh tế chứ không phải chính trị.
Tuy nhiên Liên Hiệp Quốc tạo ra một “cửa hẹp” gọi là thanh lọc để thẩm định xem ai là người thực sự tị nạn chính trị và ai là người chỉ đi tìm nếp sống giàu có ở các nước giàu bên nầy. Muốn lọt qua cửa hẹp hay muốn thanh lọc đậu, thuyền nhân phải rơi vào bốn tiêu chuẩn: Bị đàn áp chính trị – bị đàn áp tôn giáo – bị tước đoạt tài sản và phương tiện sinh sống và tánh mạng hay an ninh cá nhân bị đe dọa.
Có nhiều người không hiểu được chiếc “cửa hẹp” mà Cao Ủy tị nạn đặt ra để hạn chế người định cư ở đệ tam quốc gia. Nhiều thuyền nhân cứ lý luận cùi rằng: Ông mầy cứ ờ lì đây thì trước sau họ cũng phải cho đi. Nên họ không “chiến đấu”, không tìm cách để đạt những tiêu chuẩn tị nạn.
Tôi nắm vững vấn đề tị nạn thời bấy giờ. Tôi biết tiêu chuẩn để được lọt qua cửa hẹp và tôi học cách thức trình bày để người khác tin. Tôi lấy lý do tôn giáo: Mình bị khước từ cho thụ phong linh mục ở Việt Nam. Nên khi lên đối diện với các nhân viên quốc tế thanh lọc người tị nạn. Họ hỏi tôi: Tại sao anh lại bỏ Việt Nam và đến Mã Lai? Tôi trả lời: Để được làm linh mục. Họ khẳng định rằng: Các Chủng viện ở VN đã được phép mở cửa lại và cho chịu chức linh mục. Anh có thể trở về học và làm linh mục ở VN. Tôi trả lời: Tôi đã học xong lâu rồi! Xin đề nghị quí vị can thiệp cho tôi chịu chức ở Mã Lai và gửi tôi về VN. Họ không thể làm điều tôi yêu cầu. Họ tin rằng: Tôi không cần sang các nước để làm giàu, nhưng chỉ để có tự do tôn giáo và được làm linh mục. Vì tôi đồng ý về lại VN sau khi chịu chức linh mục.
Cao Ủy Tị nạn cho tôi lọt qua cửa hẹp. Tôi đậu thanh lọc và có quyền định cư vì tôi đã đáp ứng được tiêu chuẩn mà Cao Ủy Tị nạn đòi hỏi.
Đời sống luôn đi liền với cửa hẹp, với những qui luật cuộc sống. Người đàn ông có những qui luật sống của đàn ông. Người phụ nữ có những qui luật tâm sinh lý của phụ nữ. Người ta cố gắng sống bất cần qui luật. Người ta cố gắng dẹp những cửa hẹp mà họ cho là hà khắc và bất nhân. Nhưng không thể được! Muốn sống phải thở, phải hô hấp! Đó là qui luật. Muốn vào nước trời phải phấn đấu, phải kính Chúa yêu người để lọt vào cửa hẹp.
II. Bài giảng File Word tại đây
III. Thơ, nhạc diễn ý bài Phúc Âm tại đây