Bài giảng Chúa Nhật 2 Quanh Năm C

1275

Một lời nước hoá rượu ngon,
Làm được như thế là Con Ông Trời
Phép lạ là một gọi mời,
Tin nhận Thiên Chúa trong đời chúng ta.

1. Video bài giảng

Thơ diễn ý

Có tiệc cưới tại Cana
Giêsu, đệ tử, Maria được mời.
Tiệc vui làm rượu mau vơi
Thiếu rượu tai tiếng để đời chớ chơi. 

Maria nhỏ nhẹ đôi lời:
Con ơi! Giúp họ rượu thời thiếu to.
Mẹ ơi! Sao quá lắng lo!
Giờ con chưa đến! Đắn đo “trổ tài!” 

Các chú giúp việc nghe đây:
“Múc nước đem đến làm đầy sáu chum!”
Quản tiệc nếm thử la um:
Rượu ngon giấu mãi giờ nầy mang ra?

Nhiều người thán phục ngợi ca:
Hoá nước thành rượu! Messia đây rồi!
Mong đời nước lã bạc vôi
Rượu nồng ơn nghĩa tình tôi với Trời. Amen.

CHÚA NHẬT II QUANH NĂM
Sách tiên tri Isaia 62.1-5;
Thơ thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gởi tín hữu Côrintô
1 Cr. 12.4-11 và Phúc Âm Thánh Gioan 2.1-11

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan
Ngày thứ ba, có tiệc cưới tại Ca-na miền Ga-li-lê. Trong tiệc cưới có thân mẫu Đức Giê-su. Đức Giê-su và các môn đệ cũng được mời tham dự. Khi thấy thiếu rượu, thân mẫu Đức Giê-su nói với Người : “Họ hết rượu rồi.”  Đức Giê-su đáp : “Thưa bà, chuyện đó can gì đến bà và tôi ? Giờ của tôi chưa đến.” Thân mẫu Người nói với gia nhân : “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo.”
Ở đó có đặt sáu chum đá dùng vào việc thanh tẩy theo thói tục người Do Thái, mỗi chum chứa được khoảng tám mươi hoặc một trăm hai mươi lít nước. Đức Giê-su bảo họ : “Các anh đổ đầy nước vào chum đi !” Và họ đổ đầy tới miệng. Rồi Người nói với họ : “Bây giờ các anh múc và đem cho ông quản tiệc.” Họ liền đem cho ông. Khi người quản tiệc nếm thử nước đã hoá thành rượu (mà không biết rượu từ đâu ra, còn gia nhân đã múc nước thì biết), ông mới gọi tân lang lại và nói : “Ai ai cũng thết rượu ngon trước, và khi khách đã ngà ngà mới đãi rượu xoàng hơn. Còn anh, anh lại giữ rượu ngon mãi cho đến bây giờ.” Đức Giê-su đã làm dấu lạ đầu tiên này tại Ca-na miền Ga-li-lê và bày tỏ vinh quang của Người. Các môn đệ đã tin vào Người.
Đó là Lời Chúa. Lạy Chúa Kitô, ngợi khen Chúa.

I. Giáo huấn Phúc Âm:

1. Phép lạ đầu tiên, Chúa biến nước thành rượu “để bày tỏ vinh quang của Người và để các môn đệ tin vào Người”

2. Hôn nhân được Chúa chuẩn nhận và chúc phúc qua việc đến chung vui tiệc cưới Cana, dù Chúa Giêsu không công bố rõ ràng là lập bí tích hôn phối trong khi dự tiệc cưới nầy.

II. Dẫn giải Phúc Âm:

1. Dấu chỉ qua phép lạ hóa nước thành rượu

Chúa Giêsu, thanh niên làng Nagiarét là Thiên Chúa: Chỉ có Chúa mới sáng tạo, Sách Sáng Thế Ký bảo: Chúa phán một lời liền có trời đất và mọi loài muôn vật. Chỉ có Chúa mới có thể phán một lời làm nước thành rượu ngon.

Rượu có độ nồng, dấu chỉ sự thiết lập và biểu trưng tình yêu nồng nàn trong đời sống vợ chồng. Chúa Giêsu đến thiết lập Giao Ước mới với dân Chúa, bắt đầu thời Tân Ước, thời mà Chúa và Giáo Hội khắng khít yêu thương nhau nồng nàn như tình chồng vợ (Ephêsô 5:25)

Đức Mẹ là Đấng làm cho chương trình cứu độ của Chúa được thể hiện: Đức Mẹ chấp nhận thụ thai và sinh Chúa Giêsu, mang Đấng Cứu Thế, mang ơn cứu độ đến trần gian. Trong tiệc cưới Cana, Đức Mẹ làm cho “giờ Chúa” đến để niềm vui của mọi người được trọn vẹn.

2. Chúa lập 7 Bí tích. Vậy Chúa Giêsu lập Bí tích Hôn phối khi nào nếu không phải lúc dự tiệc cưới Cana?

Những bí tích của Tân Ước do Chúa Kitô thiết lập và ủy thác cho Giáo Hội… (G.L. 840) Chúa lập 7 Bí tích như Công Đồng Trent (1545-1563) xác nhận, nhưng không một bí tích nào được chính Chúa chỉ rõ ràng ‘đây là bí tích… như bí tích Rửa Tội hay Thêm Sức hay Thánh Thể…” Chính Giáo Hội với quyền giáo huấn gọi là  Magisterium minh định thế nào là bí tích? Bí tích nào, mang ơn thánh gì? Ai là thừa tác viên bí tích? Ai có thể lãnh nhận bí tích và mô thức bí tích như thế nào?

Giáo Lý Công Giáo số 1331 định nghĩa: “Bí tích là những dấu chỉ hữu hiệu của Ân Sủng, do Chúa Kitô thiết lập và ủy thác cho Giáo Hội…” Giáo Hội không nói Chúa thiết lập Bí tích Hôn phối lúc nào và như thế nào, nhưng dựa trên quan điểm thần học của Thánh Augustinô, khi Ngài cho rằng: Chúa hiện diện và làm phép lạ đầu tiên ở tiệc cưới Cana là sự chuẩn nhận hôn nhân. Dựa trên sự mạnh mẽ chống lại ly dị trong hôn nhân của Chúa “Họ không còn phải là hai nhưng là một xương một thịt. Sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, con người không được phân ly” (Mt. 11:3-6). Dựa trên học thuyết của thánh Phaolô trong thư gửi Êphêsô, ca tụng tình yêu chồng vợ cao đẹp như tình yêu của Chúa Giêsu dành cho Giáo Hội là hiền thê (Eph. 5, 22-33) Giáo Hội khẳng định “Chúa Kitô đã nâng hôn nhân giữa hai người được rửa tội lên hàng bí tích” (Giáo Luật # 1055).

III. Thực hành Phúc Âm:

Ghiền rượu: Ghiền rượu như nhiều người nói là “cơn bệnh trầm kha của đàn ông Việt Nam”. Không sai lắm: Trong làng xóm Việt Nam, nhất là miền Nam, nhiều mâm rượu đã được bày ra lúc sáng sớm… Đàn ông qua lại đều được mời nhậu… Rượu vào lời ra… Ăn nói lung tung, thoải mái không kìm chế… Bỏ công việc làm, người mệt mỏi, lâng lâng nửa tỉnh nửa mê… Kết quả: Gia đình lâm cảnh nghèo túng và dễ bị bệnh gan, chết sớm. Cha chết sớm, cảnh nhà nheo nhóc, con cái phải bỏ học để kiếm sống… Sau cùng là “KHỔ!” và ca vọng cổ “ tôi sinh ra làm kiếp con nhà nghèo!”.

Sau năm 1975 nhiều anh em linh mục hoà mình với dân chúng: Cũng đi làm ruộng như dân, cũng chung mâm rượu như dân, cũng nhiều lời buông thả không kìm chế gây xúc phạm đến người khác, rồi đầu óc cũng lâng lâng… Ít lui tới bàn viết hay cầm viết nhưng thường lui tới bàn nhậu và cầm ly rượu hô to “dô!”. Kết quả: Con người bệ rạc, trí óc lụi tàn và nhiều khi bị khinh thường. Những linh mục hòa mình nầy thường lý luận: Linh mục là Chúa Kitô khác… Chúa Kitô hoà mình đi dự tiệc cưới và còn biến nước thành rượu để bà con nhậu cho đã… Sao mình lại không đi chung vui tiệc nhậu với anh em?

Người ghiền rượu bàu chữa rằng: Phép lạ đầu tiên Chúa làm là biến nước thành rượu cho người ta vui. Phép lạ đầu tiên biến nước thành rượu có nghĩa là rượu rất quan trọng trong đời sống… Nên việc đầu tiên và quan trọng là: Ly rượu làm đầu câu chuyện vì “phi tửu bất thành lễ” hay “nam vô tửu như kỳ vô phong!”.

Nhưng sau cùng chúng ta phải nói rằng: Những con sâu rượu trên đã mờ mắt vì men rượu nên không nhận ra ý chính của bài Phúc Âm. “Đức Giê-su đã làm dấu lạ đầu tiên này tại Ca-na miền Ga-li-lê và bày tỏ vinh quang của Người. Các môn đệ đã tin vào Người.”

Chúa không làm phép lạ để bảo khách dự tiệc “dô! cho xỉn quấc cần câu thì thôi!” nhưng để “làm rạng danh Thiên Chúa và thêm đức tin cho môn đệ!”.

2. Bản văn bài giảng | Download File Word

3.Mời xem Bài nhạc diễn ý Phúc Âm của nhạc sĩ Quang Hoài.