Bài giảng Chúa Nhật 17 Thường Niên năm C

1503

Thơ diễn ý:

Chúa dạy có mỗi một kinh:
Gọi Chúa là Cha, kêu xin thế nầy:
Lạy Cha vinh hiển tràn đầy,
Triều đại sung mãn cao dày vinh quang.

Hằng ngày lương thực Cha ban,
Rộng tình tha tội đa mang kiếp người.
Cũng như rộng lượng ở đời,
Yêu thương tha thứ những người nợ ta.

Giữ gìn cho khỏi ngã sa,
Mưu chước ma quỉ giăng ra phỉnh phờ.
Cầu nguyện kiên nhẫn đợi chờ,
Chúa sẽ không thể phớt lờ bỏ qua.

Gỏ cửa! Sẽ thấy có Cha!
Rộng tay ban phát như ta van nài.
Cha nào lại bỏ ngoài tai,
Lời cầu con cái khấn nài kêu xin. Amen.

CHÚA NHẬT XVII QUANH NĂM

Sách Sáng Thế Ký 18, 20-32;
Thư Thánh Phaolô gửi tín hữu Côlôssê 2, 12-14
và Phúc Âm Thánh Luca 11, 1-13

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca

Có một lần Đức Giê-su cầu nguyện ở nơi kia. Người cầu nguyện xong, thì có một người trong nhóm môn đệ nói với Người : “Thưa Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện, cũng như ông Gio-an đã dạy môn đệ của ông.” Người bảo các ông : “Khi cầu nguyện, anh em hãy nói :

“Lạy Cha , xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển,
Triều Đại Cha mau đến,
xin Cha cho chúng con
ngày nào có lương thực ngày ấy ;
xin tha tội cho chúng con,
vì chính chúng con cũng tha
cho mọi người mắc lỗi với chúng con,
và xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ.”

Người còn nói với các ông : “Ai trong anh em có một người bạn, và nửa đêm đến nhà người bạn ấy mà nói : ‘Bạn ơi, cho tôi vay ba cái bánh, vì tôi có anh bạn lỡ đường ghé lại nhà, và tôi không có gì dọn cho anh ta ăn cả’ ; mà người kia từ trong nhà lại đáp : ‘Xin anh đừng quấy rầy tôi : cửa đã đóng rồi, các cháu lại ngủ cùng giường với tôi, tôi không thể dậy lấy bánh cho anh được.’ ?  Thầy nói cho anh em biết : dẫu người kia không dậy để cho người này vì tình bạn, thì cũng sẽ dậy để cho người này tất cả những gì anh ta cần, vì anh ta cứ lì ra đó. “Thế nên Thầy bảo anh em : anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở cho. Vì hễ ai xin thì nhận được, ai tìm thì thấy, ai gõ cửa thì sẽ mở cho.  Ai trong anh em là một người cha, mà khi con xin cá, thì thay vì cá lại lấy rắn mà cho nó ?  Hoặc nó xin trứng lại cho nó bò cạp ?  Vậy nếu anh em vốn là những kẻ xấu mà còn biết cho con cái mình của tốt của lành, phương chi Cha trên trời lại không ban Thánh Thần cho những kẻ kêu xin Người sao?”

Đó là Lời Chúa! – Lạy Chúa Kitô, ngợi khen Chúa!

I. Giáo huấn Phúc Âm:

Chúa là người Cha giàu lòng nhân ái.

Chúa thương yêu chúng ta là con cái Chúa và luôn nhận lời chúng ta cầu xin.

Đừng ngã lòng, hãy tin tưởng cậy trông, vì xin thì sẽ được.

Cách thức cầu nguyện:

Hãy cầu nguyện siêng năng và bền đỗ như dụ ngôn người bạn đến xin bánh ban đêm.

Hãy cầu nguyện với tất cả lòng cậy trông phó thác: Hãy xin, hãy tìm và hãy gõ.

Xin sẽ nhận được. Tìm sẽ gặp và gõ, cửa sẽ mở.

Người cho, người mở cửa để ban tặng chính là Thiên Chúa nhân hậu.

II. Diễn giải Phúc Âm:

1. Chúa dạy bao nhiêu Kinh Lạy Cha, sao thấy những bản văn Phúc Âm không giống nhau.

Truyền thống cho biết Chúa Chúa dạy có một Kinh Lạy Cha thôi.  Nên gọi là The Lord’s Prayer, Kinh Chúa dạy.  Nhưng những bản văn Phúc Âm ghi lại Kinh Lạy Cha và truyền đạt cho thính giả và đọc giả không giống nhau. Lý do: Thời gian, đọc giả và quan điểm thần học của Thánh Sử ghi Phúc Âm.

Thánh Matthêô viết vào khoảng từ năm 70-100 sau Chúa Giêsu, tức khoảng 40 năm sau khi Chúa chết. Chúng ta cứ thử nghĩ xem ai có thể tường thuật chính xác từng chữ những biến cố xảy ra trước mình 40 năm? Hơn nữa có lần tôi đã nói: Phúc Âm không là thiên phóng sự chiến trường, ghi chuyện tai nghe mắt thấy tại chỗ, nhưng là sách dạy giáo lý, thánh sử trình bày quan điểm thần học tuỳ theo đọc giả và đop61i tượng Phúc Âm truyền đạt.

Thánh Matthêô viết Phúc Âm cho Cộng đồng người Do Thái truyền thống. Những người “luôn tham dự giờ nhóm ngày Thứ Bảy ở Hội Đường Do Thái” Trong giờ nhóm họp ngày Thứ Bảy nầy, cộng đồng hát thánh vịnh và đọc Kinh Thánh chép trong những cuộn da thú. Nên bản Kinh Lạy Cha trong Phúc Âm Matthêô 6, 9-13 xem chừng có tính cách cộng đồng và đầy đủ hơn cả.

Kinh Lạy Cha được Phúc Âm Thánh Luca ghi lại hôm nay là bản văn xuất hiện vào khoảng sau năm 60 tức cũng khoảng 40 năm sau ngày Chúa Giêsu chết, sống lại và lên trời. Thánh Luca không là tông đồ của Chúa Giêsu. Ông là người giúp đỡ Phaolô. Ông cũng là tác giả của Tông Đồ Công Vụ, tường thuật công việc truyền giáo của các tông đồ rất chi tiết, nhất là của Phaolô. Cả ông và sư phụ của ông là Thánh Phaolô đều không nằm trong nhóm mười, tức không là môn đệ chính tông của Chúa Giêsu. Ông ghi lại Phúc theo nnhững gì đã nghe từ người khác.

Độc giả của ông là Dân Ngoại mới tòng giáo, tức những người không có truyền thống Do Thái Giáo, nhuần nhuyễn Kinh Thánh Cựu Ước. Nên thần học của Phúc Âm Luca là thần học về một Thiên Chúa giàu lòng thương xót và cứu giúp chứ không đặt trọng tâm ở công bằng và luận phạt.

Nên Kinh Lạy Cha trong Phúc Âm Luca xem chừng ngắn gọn nhất, nhưng cũng có những nội dung như Kinh Lạy Cha dài của Thánh Matthêô:

Cầu xin cho danh Thiên Chúa hiển trị.

Cầu xin cho có cơm bánh hằng ngày.

Cầu xin ơn tha tội và xin cho biết tha thứ.

Cầu xin cho tránh được mọi sự dữ.

2. Chúa có hứa lèo khi nói: “Ai xin thì nhận được. Ai tìm thì thấy. Ai gõ cửa thì sẽ mở cho!” không? Sao nhiều người đã xin mà không nhận được? Nhiều người đã đã tìm mà không bao giờ thấy và nhiều người cũng đã đập cửa rầm rầm ngày nầy sang ngày khác mà Chúa vẫn im lìm?

Thật rất khó có câu trả lời thoả đáp trong vấn nạn nầy. Tôi xin cố gắng trả lời theo kinh nghiệm bản thân và theo sự hiểu biết không bao giở rõ về Thiên Chúa mầu nhiệm.

Thường chúng ta xin cái gì? Chúng ta có xin bánh để đãi khách lỡ đường hay xin bánh và của cái vật chất dư dật cho chúng ta? Nhiều khi ngay khi chúng ta xin cho người khác, nhưng cũng qui về chúng ta. Thí dụ linh mục được xin lễ để cầu cho ai đó mau khỏi bệnh. Linh mục nhiều khi cầu hay khấn cho người xin mau khỏi bệnh để người ta “ái mộ mình là đạo đức, cầu đâu được đấy!” rồi sẽ đến xin lễ nữa!” Lời cầu xin nầy giống như cầu xin cho trúng mánh vậy.

Có một điều chúng ta phải xin là xin cho được lưu ngụ trong Nhà Chúa suốt đồi! Nghĩa là xin sống trung thành với đức tin. Khi xin điều nầy chắc chắn sẽ nhận được.

Chúng ta thường tìm kiếm gì mà không thấy? Thường chúng ta cũng chỉ tìm sự may lành, bình an, sống lâu sức khoẻ… Có bao giờ chúng ta tìm kiếm Chúa và vinh quang Chúa không? Xin đừng tìm kiếm cái gì khác cả, vì Chúa là Cha đã quan phòng, chuẩn bị mọi chuyện cho chúng ta. Nên Chúa chính là người mà chúng ta phải tìm. Nhiều người biết bài hát “Bạn hãy lo đi tìm nước Trời và sự công chính. Còn những thứ khác đã có rồi!” (Luca 11, 9-10 và Gioan 14,14) Thường chúng ta làm ngược lại đi tìm cái đã có và không tìm cái cùng đích đời mình là Thiên Chúa.

Nhiều khi linh mục hay tìm vinh quang, sự sáng giá, quyền hành hay lời khen cho mình. Nhiều khi buồn và cho là mình thất bại vì giảng như vậy mà chả thấy ai khen. Sai rồi! tìm không đúng rồi. Cha đang thành công đấy! Vì nhiều khi Cha giảng không hay lắm, hay trình bày Phúc Âm không rõ ràng làm cho giáo dân phải đọc Phúc Âm và tìm hiểu thêm chú giải Phúc Âm. Đó là vinh quang Chúa, là việc của Chúa mà chúng ta phải tìm.

Chúng ta thường hay gõ lộn cửa, gõ cửa sổ, cửa phụ mà quên cửa chánh. Chúng ta khấn Đức Mẹ, Khần Thánh Giuse, Khấn đủ cả triều thần thánh trên thiên đàng mà quên Thiên Chúa là Đấng tạo Hoá, Đấng sinh dựntg nên chúng ta, luôn yêu thương và ban muôn ơn lành cho chúng ta. Chúng ta biết tại sao ngày nay không thấy tượng Đức Mẹ, Thánh Giuse và các Thánh trên gian cung Thánh không? Các Ngài là những cửa phụ, chỉ được kính mà không được thờ. Nên phải được đặt chỗ để kính như bêncạnh hay phía cuối nhà thờ, chứ không để chỗ để thờ là gian cung thánh. Chúng ta chỉ nên đến gõ cửa chánh, đến với Chúa và qua lời chuyển cầu của Đức Trinh Nữ Maria và các Thánh.

Nhiều ca đoàn trong các giáo xứ vẫn còn hát bài kính Đức Mẹ trong Phụng Vụ Thánh lễ. Phụng vụ Thánh lễ là việc Chúa thiết lập để tôn thờ Chúa và qui hướng về Chúa mà thôi. Đức Mẹ, Mẹ Thiên Chúa, nhưng cũng là tạo vật, chỉ nên hát một bài kính Đức Mẹ vào cuối lễ, chúng ta quen gọi là bài hát kết lễ hay bài hát đưa lễ.

Hơn nữa nhiều người tưởng Chúa là ngân hàng hay một ông thủ kho….Họ chỉ nhớ đến Chúa khi cần tiền hay khi sa cơ lỡ vận. Chúng ta cứ thử nghĩ xem: Trong gia đình, con cái không bao hỏi thăm Cha Mẹ một tiếng, hay có lời tâm sự chia sẻ gì, trái lại mỗi lần gặp là xin năm đồng hay mười đồng hay hai chục. Như vậy Cha mẹ là gì của những đứa con nầy? Chỉ là “kho bạc” hay nơi để con cái trục lợi chăng?

Thường tôi chỉ cầu nguyện như thế nầy: Con đây thưa Chúa! Chúa biết con hơn con biết con. Chúa là Cha con, Chúa biết cái gì con cần cho bản thân và cà những gì con muốn cầu cho người xin con cầu nguyện.  Chúa ban cho con bây giờ hay ban trong tương lai. Chúa không ban cho con bây giờ và không ban trong tương lai. Con xin vui vẻ chấp nhận. Vì Chúa biết con và thương con. Chỉ xin cho con sống trung thành với đức tin Công Giáo. Xin cho con tìm thấy Chúa và tìm vinh quang Chúa trong cuộc đời. Xin cho con chỉ gõ một cửa, chỉ tin tưởng, phó thác và cậy trông vào Chúa mà thôi. Amen.

Đây cũng là dịp để chúng ta xác tín rằng: Chúa không hứa lèo hay hứa dõm gì cả. Thử xét xem chúng ta thiếu gì và cần gì hay mong gì để mà cầu xin ngày đêm, để mà tìm kiếm ráo riết, để mà đập cửa rầm rầm? Chúng ta có đầy đủ và dư thửa những gì mình cần. Nhiều khi chúng ta giống như chiếc lu đầy nước mà cứ than sao không thấy Trời mưa! Hãy bằng lòng với những gì mình có và hãy dành nhiều giờ hơn để:

Xin ơn trung thành với đức tin.

Tìm kiếm Nước Thiên Chúa và vinh quang Chúa.

Tín thác, cậy trông vào chỉ mình Chúa mà thôi.

III. Thực hành Phúc Âm:  

1. Kinh nguyện:

Chúa chỉ dạy có một Kinh Lạy Cha thôi. Nên Kinh Lạy Cha là Kinh của Chúa. Dần dà qua lịch sử của Giáo Hội với nhiều tâm hồn sốt sắng, kinh nguyện Công Giáo mỗi ngày một nhiều. Ở  ngoài Bắc, dường như địa phận nào cũng tự sáng tác và in quyển Kinh Nguyện hay kinh bổn riêng cho mình. Trong Nam, có quyển Mục Lục lâu đời xử dụng chung cho nhiều địa phận.

Tôi rất đồng ý là phải đọc kinh. Vì kinh nguyện là lời cầu nguyện được soạn ra và in ấn thành kinh, để nhiều người có thể cầu nguyện chung với nhau.  Vì quen đọc kinh và đọc nhiều kinh, nên người Công Giáo Việt Nam có cảm tưởng là không thuộc kinh thì không phải là công giáo tốt, hay không là người đạo đức. Nên có nhiều người đánh giá về mức độ đạo đức của một người ở chỗ “Nó thuộc kinh lắm!” hay nhiều khi tôi bị chỉ trích là : Làm Cha mà chả thuộc kinh gì cả.Cầu nguyện không có nghĩa là chỉ đọc kinh. Kinh đọc chỉ giúp cầu nguyện thôi! Xin đừng thêm kinh nầy, kinh nọ làm cho giờ cầu nguyện tối sáng dài dòng và người cầu nguyện thấy ngao ngán bởi sự gia giảm tuỳ hứng. Một lần nữa tôi mạnh mẽ đề nghị: chỉ đọc Kinh Tối sáng chừng năm phút và trong đó có phần đọc lời Chúa, từ quyển Lời Chúa Trong Thánh Lễ do Liên Giáo Sĩ & Tu Sĩ phát hành.

2. Cầu nguyện không chỉ là cầu xin:

Chúng ta thường nghe nói về năm phương tiện thánh được xử dụng để nuôi dưỡng đời sống người Công Giáo: Thánh Thể, Thánh Kinh, Thánh Truyền, Thánh Thần và Thánh Mẫu. Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn văn Thuận thêm một thánh nữa là Thánh Nguyện, tức kinh nguyện.’

Thánh Nữ Têrêxa Hài Đồng Giêsu, nữ tu dòng kín. Đã cầu cho danh Thiên Chúa được tôn vinh qua việc cảm hoá một tử tội. Thánh Nhân đã không cầu xin gì cho mình. Nhưng xin cho một tử tội được ơn cảm hoá . Qua ơn cảm hoá, danh Chúa được ca ngợi và Chúa thu phục thêm một tâm hồn thờ phượng Chúa. Lời cầu nguyện “cho danh Thiên Chúa rạng sáng!”

Đức Hồng y Phanxicô Nguyễn văn Thuận ở tù lâu năm, nhưng Ngải không bao giờ cầu xin cho mình sớm ra khỏi tù để được hưởng tự do. Ngài mong ra khỏi tù, nhưng đặt mong ước của mình trong tình yêu thương và sự quan phòng của Thiên Chúa với sự bầu cử của Đức Mẹ. Ngài đã thực hiện được lời nguyện của Chúa Giêsu trong vườn cây dầu đêm Thứ Năm Tuần Thánh “Lạy Cha, nếu có thể thì xin cho con… Nhưng theo ý Cha chứ không phải ý con!”.

Đức Hồng Y Gioan Baotixita Phạm minh Mẫn thích soạn kinh cầu nguyện. Thí dụ tập Kinh Dâng Mình do Liên Giáo Sĩ và Tu Sĩ Canada xuất bản năm 2005. Ngài thích cầu nguyện và hay cầu xin, nhưng lời cầu xin của Ngài qui hướng về ý Chúa và vinh quang Thiên Chúa. Thí dụ khi Ngài dâng lễ mở tay Linh mục năm 1965 trong Tiểu Chủng Viện Thánh Quí ở Cần Thơ, Ngài đã xin mọi người cầu nguyện:

Xin cho Ngài biết luôn có Chúa trong con thuyền cuộc đời linh mục.

Xin cho Ngài luôn biết quăng lưới bên phải thuyền, tức biết vâng nghe theo Thánh Ý Chúa.

Ước gì mỗi người chúng ta biết cầu nguyện theo lối cầu xin như trên.

Hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và vinh quang của Ngài trước. Còn những điều khác Ngài sẽ ban cho sau.

II. Bản văn bài giảng. Download File Word tại đây

III. Thơ Nhạc diễn ý bài Phúc Âm Chúa Nhật XVII Quanh Năm