Bài giảng Chúa Nhật 13 Thường Niên năm C

1499

Thơ diễn ý:

Dân làng không đón tiếp Người,
Môn đệ lĩnh ý: Lửa Trời ra tay.
Truyền giáo không để lấy oai,
Nhưng là tìm lúc dịp may cứu đời.

Người kia thưa hỏi đôi lời
Cho con theo với dù nơi chốn nào.
Chim có tổ, chồn có hang,
Con Người không chỗ, lang thang sáng chiều.

Con xin có mỗi một điều,
Về chôn Cha mất, trọn điều hiếu ân.
Theo Ta đừng có bâng khuâng,
Thi hành sứ mạng bận tâm hàng đầu.

Hy sinh từ bỏ cho dầu,
Bà con thân thuộc yêu cầu nọ kia.
Tông đồ không có sớt chia,
Theo Chúa trọn vẹn! Tạc bia để đời. Amen.

I. Video bài giảng

CHÚA NHẬT XIII QUANH NĂM

Sách Các Vua quyển I 19.16b.19-21;
Thư Thánh Phaolô gửi tín hữu Galata 5.1.13-18
và Phúc Âm Thánh Luca 9. 51-62

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca

Khi đã tới ngày Đức Giê-su được rước lên trời, Người nhất quyết đi lên Giê-ru-sa-lem. Người sai mấy sứ giả đi trước. Họ lên đường và vào một làng người Sa-ma-ri để chuẩn bị cho Người đến. Nhưng dân làng không đón tiếp Người, vì Người đang đi về hướng Giê-ru-sa-lem. Thấy thế, hai môn đệ Người là ông Gia-cô-bê và ông Gio-an nói rằng: “Thưa Thầy, Thầy có muốn chúng con khiến lửa từ trời xuống thiêu huỷ chúng nó không?”  Nhưng Đức Giê-su quay lại quở mắng các ông. Rồi Thầy trò đi sang làng khác. Đang khi Thầy trò đi đường thì có kẻ thưa Người rằng: “Thưa Thầy, Thầy đi đâu, tôi cũng xin đi theo.” Người trả lời: “Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu.” Đức Giê-su nói với một người khác: “Anh hãy theo tôi!” Người ấy thưa : “Thưa Thầy, xin cho phép tôi về chôn cất cha tôi trước đã.” Đức Giê-su bảo: “Cứ để kẻ chết chôn kẻ chết của họ. Còn anh, anh hãy đi loan báo Triều Đại Thiên Chúa.” Một người khác nữa lại nói: “Thưa Thầy, tôi xin theo Thầy, nhưng xin cho phép tôi từ biệt gia đình trước đã.” Đức Giê-su bảo: “Ai đã tra tay cầm cày mà còn ngoái lại đàng sau, thì không thích hợp với Nước Thiên Chúa.”

Đó là Lời Chúa! – Lạy Chúa Kitô, ngợi khen Chúa!

I. Giáo huấn Phúc Âm:

Chúa Giêsu nhất quyết lên Giêrusalem, nhất quyết thực hiện chương trình cứu độ qua đau khổ, qua xỉ nhục và chịu chết trên thánh giá.

Theo Chúa có nghĩa theo đường Chúa đi: Không có chỗ gối đầu, dứt bỏ những bổn phận và những ràng buộc chính đáng với gia đình. Theo Chúa là vững tin tiến bước, không nuối tiếc, không quyến luyến với những gì đã bỏ lại phía sau.

II. Diễn giải Phúc Âm:

1. Có quá đáng không khi muốn làm môn đệ Chúa thì phải:

    • Nhất quyết đi Giêrusalem để nhận lấy đau khổ và cái chết như Chúa?
    • Không được về nhà chôn cất Cha Mẹ.
    • Không được từ biệt gia đình thân quyến.
    • Không tiếc sót những gì đã bỏ lại phía sau?

Làm môn đệ Chúa là đi con đường Chúa đã đi. Con đường Chúa đi là:

Quyết tâm về Giêrusalem, để nhận lấy đau khổ, nhận lấy sự khai trừ của đầu mục Do Thái, nhận lấy Thánh giá và chết khổ nhục trên Thánh giá. Phúc Âm dùng từ “nhất quyết” để nói lên những giằn co, ray rứt diễn ra trong chính Chúa: giữa cái chết và sự sống, giữa việc chu toàn sứ mạng cứu thế và giữa ý muốn sinh tồn. Nên trong vườn cây dầu đêm tối Thứ Năm, Chúa đã buồn đến chết đi được. Chúa đã sợ đến độ van xin Thiên Chúa Cha “Lạy Cha! nếu có thể được thì xin cất chén đắng nầy đi!”

Không có gì quá đáng trong đòi buộc phải “nhất quyết đi Giêrusalem” nầy. Làm môn đệ Chúa là phải đi Giêrusalem để nhận chịu nhiều đau khổ, nhận sự xỉ nhục, nhận khổ hình thập giá và chết trên thập giá. Trong thời đại chúng ta không thiếu những mẫu gương “nhất quyết đi Giêrusalem” để nhận chịu nhiều đau khổ và cái chết.

Đức Cha Jean Cassaigne thuộc dòng thừa sai Balê. Năm 1925, Ngài thụ phong linh mục và tình nguyện sang Việt Nam làm thừa sai đi truyền giáo nơi những vùng hẻo lánh xa xôi. Năm 1941, lúc 46 tuổi, Ngài được phong chức Giám mục hiệu toà Gadara và làm Đại diện Tông Toà địa phận Sàigòn. Năm 1955 Ngài xin từ chức Đại diện tông toà để lên Di Linh sống chung và giúp đỡ người cùi. Suốt 18 năm, Ngài tận tình phục vụ cho người cùi như bà con ruột thịt của mình. Còn nước Việt Nam, Ngài luôn nói là “quê hương của tôi”. Ngài chết năm 1973 và người ta đã khắc trên bia mộ Ngài hàng chữ tiếng La tinh CARITAS ET AMOR, BÁC ÁI VÀ TÌNH YÊU. Đó là châm ngôn sống của Đức Cha Jean Cassaigne.

Môn đệ không thể hơn Thầy. Chúa đã nhất quyết đi Giêrusalem để hoàn thành sứ mạng cứu thế. Môn đệ cũng phải đi Giêrusalem, nhận lãnh hy sinh và đau khổ để rao giảng Tin Mừng và mang phần rỗi cho các linh hồn.

2. Có quá đáng không khi muốn làm môn đệ Chúa thì phải:

    • Không được về nhà chôn cất Cha Mẹ.
    • Không được từ biệt gia đình thân quyến.
    • Không tiếc sót những gì đã bỏ lại phía sau?

Nếu thực sự có người xin theo Chúa mà Chúa không cho về nhà chôn cất cha mình mà để kẻ chết chôn kẻ chết.

Nếu thực sự có người muốn xin theo Chúa mà Chúa không cho phép về nhà từ giã thân bằng quyến thuộc. Vì cầm cày mà quay lại phía sau thì không xứng đáng.

Nếu thực sự đã xảy ra theo nghĩa đen như vậy thì là quá đáng. Các nhà chú giải Kinh Thánh đều không cho là Chúa đã thực sự không cho người xin theo mình về nhà chôn người cha chết. Vì nếu biết chắc cha mình đã chết thì người nầy đã về chôn trước rồi, chứ không phải đến xin theo Chúa rồi mới xin về nhà chôn. Việc Chúa từ chối người xin theo Chúa về từ giã cha mẹ bà con cũng không có thực. Vì người muốn xin theo Chúa chắc đã phải làm chuyện từ giã gia đình trước rồi. Tuy nhiên, tất cả những “quá đáng” nầy cũng giống như những khẳng định mà chúng ta từng nghe trong Phúc Âm: Nếu mắt anh làm dịp tội cho anh, thì móc mắt mà quăng đi, thà một mắt mà vào nước Thiên Chúa còn hơn có hai mắt mà vào lửa hoả ngục, được ghi lại trong Marcô 9,47. Hay “nếu tay anh gây dịp tội, hãy chặt bỏ, thà có một tay mà vào Nước Thiên Chúa, còn hơn có hai tay mà bị phạt trong hoả ngục, được ghi trong Marcô 9, 43.

Tất cả những thể loại diễn tả mạnh bạo và quá đáng nầy chỉ muốn trao gửi sứ điệp nầy cho các môn đệ: Muốn theo Chúa phải theo đường Chúa đi, phải nhất quyết đi Giêrusalem, nhận chịu nhiều đau khổ, chịu xỉ nhục, chịu vác thánh giá và chịu chết vì phần rỗi nhân loại.

Phúc Âm muốn nói rằng: Muốn làm môn đệ Chúa phải cương quyết tiến về Giêrusalem, tức phải hoàn thành sứ mạng được trao ban. Phải khước từ những quyền lợi và cả những tình cảm chính đáng trong thân quyến gia đình. Phải “không có chỗ tựa đầu”, không bám vào một thế lực trần đời nào, nhưng chỉ nhắm thẳng vào vinh quang Thiên Chúa và vào phần rỗi các linh hồn. Tất cả nhằm nói lên quyết tâm theo Chúa và chấp nhận mọi hy sinh gian khổ. 

3. Lịch sử thành hình luật độc thân linh mục Công Giáo và ý nghĩa của nó.

Giáo Luật điều 277 qui định:

  • Các giáo sĩ buộc phải giữ khiết tịnh hoàn toàn và vĩnh viễn vì Nước Trời. Vì vậy, họ phải sống bậc độc thân là một hồng ân riêng của Thiên Chúa. Nhờ đó, các thừa tác viên có chức thánh có thể kết hợp với Đức Kitô dễ dàng hơn bằng một con tim không chia sẻ và được thong dong hơn để hiến thân phụng sự Thiên Chúa và nhân loại.

Như vậy độc thân linh mục có nghĩa là không kết hôn và sống khiết tịnh hoàn toàn và vĩnh viễn.  Sống khiết tịnh có nghĩa là không những không kết hôn mà còn phải tiết dục nữa.

Mục đích của việc độc thân linh mục là thuộc trọn vẹn về Đức Kitô và được thong dong thi hành nhiệm vụ linh mục.

Lịch sử hình thành:         

Những thế kỷ đầu:  

Thời các Thánh Tông Đồ và thế kỷ đầu, thời Giáo Hội sơ khai, luật độc thân giáo sĩ chưa thành vấn đề trong sinh hoạt Giáo Hội. Các tông đồ tuyệt đại đa số có gia đình. Tuy nhiên trong Thư thứ I của Thánh Phaolô gửi Corintô 7, 32-33 đề cập đến người không lập gia đình thì rảnh rang hơn, chỉ lo việc Chúa, còn người có gia đình thì bận lo làm vừa lòng vợ con. Trong Thư Thứ I của Thánh Phaolô gửi Timothy cũng khuyên là “Giám mục chỉ nên là người chồng của một người vợ mà thôi!” Thánh nhân có ý nói vấn đề không nên tái giá.

Thế kỷ thứ hai và thứ ba, xuất hiện nhiều lời khuyên tiết dục, nhưng độc thân vẫn chưa thành luật. Thí dụ Tertulianô năm 160-225 nói rằng: Các tông đồ là những người có vợ, nhưng họ đã sống cuộc sống hoàn toàn tiết dục. Ông đan cử gương thánh tông đồ Phêrô.

Thế kỷ thứ tư

Công đồng Elvira năm 306 ra chỉ thị buộc Giám mục, linh mục và phó tế phải chấm dứt hoàn toàn sinh hoạt tình dục với vợ mình và không nên có con. Nếu bất tuân sẽ bị cất chức.

Công đồng Nicêa năm 325 cấm phụ nữ không phải là mẹ ruột, chị em gái ruột hay dì ruột ở chung nhà với giáo sĩ, tức với Giám mục, linh mục và phó tế. Công đồng Carthage  năm 400 ra quyết định cấm Giám mục, linh mục và phó tế giao hợp với vợ mình theo như truyền thống tiết dục có từ thời các tông đồ.

Luật độc thân linh mục thành hình:

Đệ I Công Đồng Latêranô năm 1123

Điều 3: Giáo sĩ phải tuyệt đối tiết chế nhục dục. Ngoài mẹ ruột, chị em gái ruột và cô dì ruột, không ai được sống trong nhà với các giáo sĩ.

Điều 21: Giáo sĩ kết hôn bất thành.

Đệ II Công Đồng Latêranô năm 1139:

Điều 6: Giáo sĩ là đền thờ của Thiên Chúa và nơi cư ngụ của Chúa Thánh Thần. Đời sống vợ chồng làm hoen ố đền thờ Thiên Chúa.

Điều 7: Cấm tham dự thánh lễ cử hành do những linh mục có vợ hay chung sống với vợ.

Như vậy, Đệ II Công đồng Latêranô đã tuyên bố: Giáo sĩ kết hôn bất thành. Tuy nhiên người ta vẫn hiểu đây là những hôn nhân sau khi thụ phong linh mục. Còn như đã có gia đình thì chỉ buộc tiết dục. Tuy nhiên phải kéo dài cho đến năm 1917, Giáo Luật mới qui định rõ rệt về luật độc thân linh mục theo tinh thần để thuộc trọn vẹn về Chúa và thong dong trong việc thi hành sứ vụ linh mục.

Công đồng Tridentinô 1545 – 1563 tuyên bố dứt khoát: Giáo sĩ sau khi thụ phong hay tu sĩ sau khi khấn trọn mà kết hôn thì bất thành.

III. Thực hành Phúc Âm:

1. “Dạ, nhờ ơn Chúa, con xin hứa” 

Đây là lời hứa sau cùng của ứng viên chức linh mục trả lời Đức Giám mục khi Ngài hỏi: Con có hứa giữ luật độc thân linh mục và đời sống khiết tịnh tuyệt đối vì Nước Trời cho đến suốt đời không?

Ứng viên sắp chịu chức linh mục thưa:

Dạ, nhờ ơn Chúa, con xin hứa!”

Những câu chất vấn khác của Đức Giám mục về đức tin, về đức vâng lời, về lòng nhiệt thành rao truyền chân lý Tin Mừng, về sự hiệp thông trong Giáo Hội… đều chỉ được trả lời: Dạ con xin hứa. Riêng câu chất vấn về đời sống độc thân linh mục thì ứng viên phải trả lời: Dạ, nhờ ơn Chúa, con xin hứa.

Điều đó cho thấy khoản Giáo Luật 277 thật chí lý khi xác định: “Vì vậy, họ phải sống bậc độc thân là một hồng ân riêng của Thiên Chúa”.

Từ xưa cho đến nay, bất cứ linh mục nào cũng nhìn nhận như tôi rằng: Nếu linh mục còn giữ được luật độc thân linh mục và sống đức khiết tịnh hoàn hảo là “nhờ ơn Chúa!”

Không có Thầy, chúng con không làm được gì. Hay nói khác đi, không có Chúa, linh mục không thể nào giữ được luật độc thân và khiết tịnh.

Ai cũng nhìn thấy nhan nhãn trước mắt nhiều linh mục đã bỏ đời sống linh mục để lập gia đình. Theo chỉ thị của Đức Cha, tôi cũng đang hoàn tất thủ tục theo chỉ dẫn của bộ giáo sĩ để xin cho một linh mục trong địa phận mình được hồi tục. Vì cha ấy đã rời bỏ giáo xứ 7 năm qua, đang chung sống với một người đàn bà và đã có hai con.

2. Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ gối đầu. 

Người theo Chúa phải là người “không có chỗ gối đầu!”

“Không có chỗ gối đầu!” tức người vô sản chân chính xét về mặt tài sản. “Không có chỗ gối đầu!” còn có nghĩa không “an cư lạc nghiệp” hay bám đất bám người. “Không chỗ gối đầu!” còn có nghĩa không cậy dựa vào một mạnh thường quân hay một thế lực nào ngoài Thiên Chúa.

Giáo Hội và giáo sĩ hay giáo dân có áp dụng đòi hỏi “Không có chỗ gối đầu” nầy không?

Địa phận có qui chế: Chỉ gửi linh mục đến những nơi nào hay những giáo xứ nào có khả năng chu cấp nơi ăn chốn ở xứng hợp và có đủ tài chánh trả lương cho linh mục. Nên nhiều địa phận đang đóng cửa những nhà thờ nào không còn đủ người dự lễ Chúa Nhật và không còn khả năng tài chánh.

Nhiều linh mục có tiền bạc và tài sản riêng và không thích bị thuyên chuyển xa nơi đã “an cư lạc nghiệp”.

Nhiều linh mục làm việc có hiệu quả nhờ những người giàu có, có tiền bạc giúp đỡ và các linh mục nầy thường tới lui, nhận họ hàng hay nhận làm “Ông Bà Cố”.

Có trách nhiệm ít nhiều trong việc soạn qui chế lương bỗng cho linh mục địa phận và qui chế hưu trí cho linh mục về hưu trong địa phận. Các Đức Giám mục và những người có trách nhiệm luôn theo nguyên tắc nầy: Chỉ vừa đủ, không xa hoa dư dật và không nghèo hèn thiếu thốn. Thí dụ linh mục được khuyên có nếp sống đơn giản, nên mua những loại xe bình dân, vừa với túi tiền của mình và tránh gây “question mark” nơi giáo dân.

Giáo Luật cấm linh mục làm ăn mua bán hay kiếm thêm tiền ngoài những gì đã được qui định.

Con chồn có hang, chim trời có tổ, và người theo Chúa phải như Chúa là không có chỗ gối đầu. Thầy André, tên thật là Alfred Bessette đã được tuyên phong hiển thánh ngày 17.10.2010 tại Rôma có thể nói là một người không có chỗ gối đầu trên thế lực trần thế, nhưng thầy đã gối đầu vào quyền năng Chúa. Thầy đã nhờ ơn Chúa mà gầy dựng nên đền thánh Giuse ở Montréal ngày nay.

II. Bản văn bài giảng. Download File Word tại đây

III. Nhạc diễn ý bài Phúc Âm hôm nay tại đây

IV. Slideshow minh họa Bài Phúc Âm Chúa Nhật 13 Thường Niên năm C