Ai Muốn Làm Lớn Nhất, Phải Tự Làm Nhỏ Nhất và Phục Vụ | Chúa Nhật 25 Thường Niên B

601

Vo Ha

Làm người công chính hay “người tử tế” nói theo ngôn từ thời đại, 2000 năm xa xưa trước kia,  đã là khó rồi. Hôm nay, sống công chính lại càng khó hơn, vì cỏ dại đã tràn lan (Mt. 13: 24-30) khắp nhiều nơi và có khi còn lấn lướt luôn cả cây lúa nữa.

Theo thói đời thường tình, kẻ gian ác luôn ám hại người công chính, trước nhất vì người công chính chống lại việc xấu xa của họ. Hai là cách sống tốt lành của người công chính tương phản cách sống tệ hệ của kẻ gian ác, làm họ tủi hổ thẹn thùng. Ba là kẻ ác xấu tiêu diệt người công chính để thử thách Thiên Chúa coi Ngài có đủ quyền phép và có dư nhạy cảm mà mau mau cứu giúp người công chính hay không. Nhưng người công chính vẫn tin tưởng và trông cậy vào ý định mầu nhiệm của Thiên Chúa và kêu xin Ngài giúp đỡ.

Ta cùng đọc những dòng Lời Chúa bên dưới cùng xin ơn thêm soi sáng.

BÀI ĐỌC I: Kn 2, 12. 17-20
“Chúng ta hãy kết án cho nó chết cách nhục nhã“.
Life of prayer : Lectio divina; How?- suite... (n°8) - Community of the  BeatitudesBài trích sách Khôn Ngoan
(Những kẻ gian ác nói rằng:) “Chúng ta hãy vây bắt kẻ công chính, vì nó không làm ích gì cho chúng ta, mà còn chống đối việc chúng ta làm, khiển trách chúng ta lỗi luật và tố cáo chúng ta vô kỷ luật. Vậy chúng ta hãy xem điều nó nói có thật hay không, hãy nghiệm xét coi những gì sẽ xảy đến cho nó, và hãy chờ xem chung cuộc đời nó sẽ ra sao. Vì nếu nó thật là con Thiên Chúa, Chúa sẽ bênh vực nó, sẽ giải thoát nó khỏi tay những kẻ chống đối nó. Chúng ta hãy nhục mạ và làm khổ nó, để thử xem nó có hiền lành và nhẫn nại không. Chúng ta hãy kết án cho nó chết cách nhục nhã, vì theo lời nó nói, thì người ta sẽ cứu nó!”. Chúng nghĩ như vậy, nhưng chúng lầm, vì tội ác của chúng đã làm cho chúng mù quáng. Và chúng không biết ý định mầu nhiệm của Thiên Chúa, nên cũng chẳng hy vọng phần thưởng công chính, và cũng không ưa thích vinh dự của những tâm hồn thánh thiện.

BÀI ĐỌC II: Gc 3, 16 – 4, 3 
“Hoa quả của công chính được gieo vãi trong bình an cho những người xây đắp an bình”.
Patron - Saint James the ApostleBài trích thư của Thánh Giacôbê Tông đồ.
Anh em thân mến, ở đâu có ganh tị và cãi vã, ở đó có hỗn độn và đủ thứ tệ đoan. Nhưng sự khôn ngoan từ trời xuống, thì trước tiên là trong trắng, rồi ôn hoà, bao dung, nhu mì, hướng thiện, đầy lòng nhân từ và hoa quả tốt lành, không xét đoán thiên vị, không giả dối. Hoa quả của công chính được gieo vãi trong bình an cho những người xây đắp an bình.

Bởi đâu anh em cạnh tranh và cãi cọ nhau? Nào không phải tại điều này: tức tại các đam mê đang giao chiến trong chi thể anh em đó sao? Anh em ham muốn mà không được hưởng, nên anh em giết nhau. Anh em ganh tị mà không được mãn nguyện, nên anh em cạnh tranh và cãi cọ. Anh em không có là tại anh em không xin. Anh em xin mà không nhận được, là vì anh em xin không đúng, cứ mơ tưởng thoả mãn các đam mê của anh em.

PHÚC ÂM: Mc 9, 29-36. 
“Con Người sẽ bị nộp. Ai muốn làm lớn nhất, thì hãy tự làm người rốt hết”.

“Ai đón nhận một trong những trẻ nhỏ như thế này vì danh Thầy, tức là đón tiếp chính mình Thầy. Và ai đón tiếp Thầy, thực ra không phải đón tiếp Thầy, nhưng là đón tiếp Ðấng đã sai Thầy”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Khi ấy, Chúa Giêsu và các môn đệ từ trên núi xuống, rồi đi ngang qua xứ Galilêa và Người không muốn cho ai biết. Vì Người dạy dỗ và bảo các ông rằng: “Con Người sẽ bị nộp vào tay người ta và họ sẽ giết Người. Khi đã bị giết, ngày thứ ba, Người sẽ sống lại”. Nhưng các ông không hiểu lời đó và sợ không dám hỏi Người. Các ngài tới Capharnaum. Khi đã vào nhà, Người hỏi các ông: “Dọc đàng các con tranh luận gì thế?” Các ông làm thinh, vì dọc đàng các ông tranh luận xem ai là người lớn nhất. Bấy giờ Người ngồi xuống, gọi mười hai ông lại và bảo các ông rằng: “Ai muốn làm lớn nhất, thì hãy tự làm người rốt hết và làm đầy tớ mọi người”. Rồi Người đem một em bé lại đặt giữa các ông, ôm nó mà nói với các ông rằng: “Ai đón nhận một trong những trẻ nhỏ như thế này vì danh Thầy, tức là đón tiếp chính mình Thầy. Và ai đón tiếp Thầy, thực ra không phải đón tiếp Thầy, nhưng là đón tiếp Ðấng đã sai Thầy”.

Đôi dòng ghi chú và tâm tình 

Bài đọc 1 được trích từ sách Khôn Ngoan. Sách nầy do một Hiền Tài Do Thái am tường lịch sử Israel và văn hóa Hi lạp, soạn thảo trong khoảng những năm 50 TCN – năm 30 bằng tiếng Hi lạp. Trong đó Đức khôn ngoan là đặc tính của Thiên Chúa, cũng được đồng hoá là chính Thiên Chúa, như Thiên Chúa là Tình Yêu vậy (1Ga 4: 7)

Thêm nữa, người công chính cũng được coi như dân Israel của Chúa, nhiều lần bị dân ngoại ức hiếp, như bị nô lệ bên Ai Cập (#1700-1250 TCN) bị lưu đày qua Assyria (721 TCN) rồi lưu đày  qua Babylon (586 TCN)  rồi bị Roma tiêu diệt (70 AD).

Cuối cùng, Người Công Chính rốt ráo được xem là hình ảnh báo trước của Đức Giêsu Kitô. Ngài đã  tới cõi trần, bị chống đối nhiều cách và đã chết trên thập giá. Sau đó, Giáo Hội Công Giáo là dân Thánh của Người hơn 2000 năm phải đối diện với đủ thứ ám hại khắp đó đây, nhưng vẫn tồn tại và phát triển, vì Giáo Hội luôn tin tưởng và phó thác trong tay Chúa.

Qua  Bài Phúc Âm, Do Thái là một dân tộc nhỏ bé, đã bị những nước chung quanh ức hiếp nhiều lần. Nên dân chúng mong đợi một Sứ Giả từ Trời tới giải thoát và làm cho quốc gia hùng mạnh, là điều dễ hiểu. Các Tông Đồ theo Chúa cũng mang tâm trạng nầy, là mong cầu và đi theo một Vị Minh Chủ để chia chác quyền lợi thế gian khi thành công như thói đời khắp đó đây.

Nhưng đường lối của Thiên Chúa, khác đường lối con người  (Ez. 18:25-28;  Mt. 21:28-32). Vì chưng, Chúa Giêsu đến để thi hành sứ mệnh của Cha trao phó là phục vụ con người, bằng cách canh tân đạo cũ, rồi chịu đau khổ và qua cái chết để cứu chuộc loài người. Tới đây, Chúa Giêsu đã lội ngược dòng nếp cũ về mặt tôn giáo và xã hội thời đó và luôn mọi thời nữa. Nhưng các môn đệ – như con đây – không thể hiểu, vì con chỉ muốn quyền lợi thế gian.

Để dạy bài học phục vụ cụ thể và thực tế: ai muốn làm đầu, thì phải tự làm cuối, để phục vụ, chứ không để hưởng thụ. Chúa Giêsu liền đem một em bé, đặt giữa các Tông Đồ và ôm em vào lòng.

Em bé thường ám chỉ cho hạng ngu ngơ và cũng là gánh nặng của người lớn. Em thường  lãnh nhận đủ thứ mà ít khi đóng góp được thứ gì. Em bé cũng tượng trưng cho hạng người bị bỏ rơi, không mấy ai quan tâm giúp đỡ.

Chúa Giêsu đã phục hồi vị trí của em bé và người thấp kém về mặt tôn giáo và xã hội qua Lời: Đón tiếp (phục vụ) em, không chỉ đón tiếp Thầy, mà cả Cha Đấng sai Thầy đến (c. 36).

Bình thường, ai cũng phù thịnh hơn phù suy. Nhưng nhờ Lời Chúa nhắc nhớ hôm nay, con ráng học hỏi và thực hành ít nhiều bài học Chúa dạy các Tông Đồ, cũng là bài học làm người công chính.

Qua bài đọc 2, thời Thánh Giacôbê Tông Đồ, khi số các tín hữu gia tăng thì “bá nhân bá tánh” hay “chín người mười ý”  bên  trời Đông hay trời Tây đều khó tránh khỏi. Lý do là vì sự khôn ngoan giả do đam mê  gây chiến trong từng người, làm cho ganh tị, cạnh tranh, cải vả  khiến cho mọi thứ hỗn độn và xấu xa ập tới.

Xin cho chúng con đức khôn ngoan rất chính rất thật của Chúa để miệng lưỡi nói lời chân thật, trong trắng, ôn hoà, bao dung, nhu mì, hướng thiện, nhân từ, chân thành, đem lại hoà bình.

Tóm lại, trong cuộc sống một vài chục năm trở lên, ai cũng có những thời những dịp ở trên hay lớn hơn người khác từ trong nhà ra tới ngoài đường. Như địa vị làm cha mẹ trong nhà; tại nhà trường, làm đội/tổ trưởng thời học sinh; tới chức vụ các cấp tại địa phương, rồi rộng tới tầm cỡ cả nước. Lúc đó, câu chăm ngôn: “Mỗi người mọi người …” không chỉ trên biểu ngữ, trên loa hay cột đèn, mà phải trong đầu, trong tim, đưa dẩn tới toàn thân. Nhưng hành động thế nào?

Bằng nhiều cách, tuỳ tâm. Ở đây, xin ghi lại mấy lời vàng ngọc của người xưa. Ta gạn lọc lấy lời hay ý đẹp của Bậc Hiền Triết Đông Phương, mà thực hành ít nhiều Lời Chúa dạy hôm nay, hơn là chỉ đọc mặt chữ của câu truyện.

Nguồn gốc của cách nói "danh bất chính tắc ngôn bất thuận, ngôn bất thuận  tắc sự bất thành" - Trí Thức VNMột hôm, Hồ Khưu Trượng (?) hỏi Tôn Thúc Ngao (Ngao Bái? 1610-1669): Trên đời có ba điều luôn gây thù oán, Ông có biết không?

Ngao Bái trả lời: Tôi chưa được biết.

Khưu Trượng tiếp: Tước vị cao làm người ta ganh, quyền thế lớn làm người ta ghét, lợi lộc nhiều làm người ta chẳng ưa có khi còn ghen ghét.

Tôn Thúc Ngao lắc đầu nói: Không phải luôn như vậy. Tước vị của tôi càng cao, tôi càng cư xử nhún nhường. Quyền thế của tôi càng lớn, tôi càng ăn ở khiêm nhường. Lợi lộc của tôi càng nhiều, tôi càng chia bớt cho những người chung quanh. Có như thế, làm sao bị  thiên hạ oán thù? 

Xin dâng  lời cầu

Chúa Giêsu đã dạy, ai muốn làm lớn nhất thì phải làm nhỏ nhất, và là đầy tớ (phục vụ) mọi người. Chúa đã tiên phong làm gương sáng phục vụ, khi rửa chân cho các môn đệ và chết trên thánh giá để cứu chuộc mọi người.

  • Xin cho mọi thành phần dân Chúa trong Hội Thánh, từ giáo sĩ tới giáo dân, không hành xử bằng quyền lực, mà biết trở thành người phục vụ, theo mẫu gương  của Chúa Giêsu.
  • Xin cho những thẩm quyền trên thế gian hiểu rằng quyền lực  là do Chúa ban, không phải để tìm tư lợi, mà để ưu tiên phục vụ dân chúng.
  • Xin cho những người nghèo khổ đang gặp khốn khó, thật sự tìm gặp được những nguồn tài trợ giúp đỡ vật chất và tinh thần.
  • Xin cho các tín hữu trong Họ Đạo chúng con biết quan tâm nâng đỡ và phục vụ những người nghèo khó đói rách cơ hàn, chính là những hình ảnh của Chúa. 
  • Xin giúp chúng con bước theo mẫu gương  làm người môn đệ nhỏ nhất của Chúa, là đến phục vụ người, hơn là chờ được người phục vụ, dù có gặp khó khăn thiệt thòi ít nhiều. 
  • Xin giúp chúng con khiêm tốn nhìn ra chân giá trị của mình, là bằng lòng với số nén bạc mà Chúa trao, khi phục vụ nhau. Cùng tránh những tính hư tật xấu như ganh tị, chia rẽ bất hoà, mà nhận được bình an Chúa ban.
  • Chúng con cầu những điều trên vì danh Giêsu Kitô, Chúa chúng con. Amen.