Nói về Cha Trương Bửu Diệp | bài 2 | Lm Phêrô Trần Thế Tuyên

1562

Cha Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp, linh mục đích thực, đầy nhiệt tâm tông đồ, cống hiến trọn vẹn đời mình cho phúc lợi phần xác, phần hồn của muôn dân.

Bằng chứng về đời sống linh mục đích thực và nhiệt tâm tông đồ của Cha Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp được tìm thấy từ văn khố của Hội Thừa Sai Balê. Xin trích dẫn từ hồ sơ lưu “Chabalier, Jean-B., 3164, 1930-1939” (Đức Cha Chabalier, Giám mục Nam Vang, bao gồm cả Lục tỉnh, nam bộ thời bấy giờ)

Hồ sơ lưu nầy bao gồm nhiều phàn nàn về những linh mục bản xứ đã “được đào tạo không chu đáo từ Đại Chủng Viện”; Nói về họ, Đức Cha Chabalier đề cập đến những vấn đề chính như (buffalos.. tạm dịch, làm ăn mua bán trâu bò) và dính líu tình cảm với phụ nữ. Cha Diệp là linh mục duy nhất mà Đức Cha có nhận xét tốt. Đức Cha Chabalier viết: Trong tỉnh Bạc Liêu, Cha Diệp lo phát triển trong địa hạt của Ngài. Báo cáo được đánh máy gửi từ Nam Vang đề ngày 1 tháng 9 năm 1939 – Một ít lâu trước kia, tôi có dịp đi từ Cái Trầu đến Cà Mau – đoạn đường dài chừng 70 cây số, nhưng không thấy một nhà thờ nào. Cha Diệp đã bắt đầu thiết lập 2 cộng đoàn Công giáo nhỏ dọc theo kinh đào dài vô tận nầy. Tôi hy vọng và ước muốn cho những cơ sở nền tảng nầy được tiếp tục”.

Statistics – Số liệu thống kê thời Đức Cha Jean Baptiste Maximilien Chabalier, M.E.P

Đức Cha Jean-Baptiste-Maximilien Chabalier
Huy hiệu Giám mục
Địa phận Nam Vang thời 1937-1955
    • Year: 1950
    • Catholics: 109,224
    • Total Population: 4,500,000
    • Percent Catholic: 2.4%
    • Diocesan Priests: 80
    • Religious Priests: 26
    • Total Priests: 106
    • Catholics Per Priest: 1,030
    • Permanent Deacons:
    • Male Religious: 39
    • Female Religious: 504
    • Parishes: 49
    • Source: Vicariate Apostolic of Phnom-Penh 1951

Vicariate Apostolic of Phnom-PenhĐại diện Tông Toà Nam Vang: Những nơi chưa có Hội đồng Giám mục, Tòa Thánh thường thiết lập Vicariatus, tức Đại diện Tông tòa – Đức Giáo Hoàng đương nhiệm là Giám mục Chánh tòa. Vị Giám mục được bổ nhiệm chăm sóc địa phận gọi là Đại diện Tông tòa… trực tiếp chỉ đạo bởi Toà Thánh. Thí dụ 4 giáo phận hiện tại của Lào là Luang Prabang, Paksé, Savannakhet và Vientiane đều là Đại diện Tông tòa, dù có hồng y là Louis-Marie Ling Mangkhanekhoun được đội mũ Hồng y ngày 28.6.2017.

Soeur Kim-Ly

Soeur Kim-Ly, kêu Cha Diệp bằng Bác nói: Cha mặc áo dòng suốt ngày. Cha không thích ăn uống sang trọng vì Cha bảo “Nhiều người không có cơm ăn ăn!”

Ông Châu Văn Sáu

Ông Châu Văn Sáu, con ông Châu Văn Sự nói: “Chúng tôi là con nít ngoại đạo, nhưng gặp Cha là chúng tôi ôm lấy Cha và kêu “Ông Cố, Ông Cố…! Cha thương con nít lắm.

Bà Huỳnh Thị Nghĩa

Bà Lucia Huỳnh Thị Nghĩa, hiện ở San Jose, được Cha Diệp rửa tội năm 1930, là đồng nhi hát nói “Cha thương người dữ lắm… có ai bị giết chết trôi sông, Cha cho đưa vào bờ và chôn đất thánh…”

Cha luôn mặc áo dòng

Soeur Maria Kim-Ly, soeur dòng Chúa Quan Phòng đang hưu trí ở Cù Lao Giêng, gọi Cha Diệp bằng bác nói: Cha mặc áo dòng đen suốt ngày, đi đầu trên xóm dưới thăm người nầy người nọ bất kể lương giáo, con nít thấy Cha là bu theo kêu om xòm: Ông cố, ông cố…. Ông Châu Văn Sáu là con ông Châu Văn Sự cũng nói vậy: Chúng tôi là con nít đâu có đạo Công giáo gì đâu… nhưng thấy Ông Cố Diệp là bám theo, nắm kéo áo dòng của Ổng… Cha thương con nít lắm!

Suy nghĩ cá nhân: Linh mục, tu sĩ ngày nay thích ăn mặc như người thường để cho đơn giản và dễ gần gủi với người khác.. hơn nữa “chiếc áo đâu làm nên thầy tu”… Nhưng làm sao để biết người đó đi tu? Khâm phục Cha Diệp đã can đảm mang chiếc áo dòng cả ngày để giữ gìn bản thân và để cho người khác nhìn thấy rằng: Có đời sống siêu nhiên thoát tục trong cuộc đời trần tục nầy. Linh mục ở Mỹ mặc tu phục linh mục.

Bà Huỳnh Thị Tú, ở Chủ Chí nói: Dân nghèo dữ lắm mà lại loạn lạc giặc giả quá chừng… nên nếu có ai chết thì nhắn với Ông Cố Diệp để xin vải may khăn tang, nhiều nhà còn xin ván đóng hòm… Ông Cố thương dân nghèo vô cùng… cái gì cũng cho hết.

Bà Lucia Huỳnh Thị Nghĩa làm chứng về lòng thương xót của Cha Diệp như sau: Thời năm 1945… các phe nhóm nổi lên chống Pháp dữ dội… Họ thường trừng trị những người làm việc cho Pháp bằng cách đâm chết rồi cột vào một cây tre, thả trôi sông… bà con hay gọi là “thằng chỏng chết trôi!”… Hể khi có xác chết trôi ngang nhà thờ, Cha cho người kéo vào bờ, đọc kinh và cho chôn trong đất thánh… Cha không thắc mắc là người chết có đạo hay ngoại đạo? (chúng ta biết thời đó, đất thánh dành riêng chôn người Công giáo thôi – cho dù Công giáo mà rối rắm hay bê bối, chết cũng không cho chôn đất thánh… Vậy mà Cha Diệp cho chôn người chết trôi sông bất kể lương giáo! Cha thật giàu lòng thương xót).

Có tất cả 10 quyển sổ rửa tội ở Họ đạo Tắc Sậy, thất lạc 2 quyển, còn lại 8 quyển. Chính tay Cha Diệp ghi chép rất chu đáo và rõ ràng danh sách từng người được rửa tội… Tôi xem xét từng trang và đếm được tất cả là 1640 người được rửa tội trong 15 năm. Nếu tính cả 2 quyển thất lạc, chắc không dưới 2000 người. Con số rất đáng kể! Nhiệt tâm mục tử của Cha Diệp thật siệu vượt… Tôi đã nhìn thấy tất cả chứng tích rửa tội của các nhân chứng sống như Lucia Huỳnh Thị Nghĩa, soeur Nữ và bà Ngọc Anh… Rửa tội năm 1930.

Ông Nguyễn Văn Đức, sinh năm 1928 ở Chủ Chí là con trai của Bà Huỳnh Thị Tú. Ông Đức có 10 người con, tất cả đều không được rửa tội. Tôi hỏi tại sao Ông không lo cho con cái mình được rửa tội Công giáo? Ông Đức trả lời ngắn ngọn tỉnh bơ: Ông Cố Diệp chết rồi, lấy ai đâu mà rửa tội cho tụi nó. Quả thật, sau khi Cha Diệp chết, dân chúng tản cư, nhà thờ bị đốt phá, không còn một linh mục nào đến Tắc Sậy và vùng phụ cận trong nhiều năm… Không chủ chiên, không đàn chiên và đương nhiên khộng có bí tích, thức ăn nuôi sống đàn chiên… Cầu cho linh mục biết theo gương Cha Phanxicô Trương Bửu Diệp: Nhiệt tâm tông đồ, hết lòng yêu thương, hy sinh chăm sóc đàn chiên.

Ngôi nhà thờ nầy rất giống Nhà Thờ Tắc Sậy thơi Cha PX. Diệp
Cây thánh giá trong Đất Thánh Tắc Sậy
Một bia mộ từ thời Cha PX. Diệp trong Đất Thánh Tắc Sậy
Nhà Thờ Khúc Tréo, nơi chôn xác Cha PX. Diệp
Trong phòng thánh Nhà Thờ Khúc Tréo, nơi chôn xác Cha PX. Diệp.

Lm. Phêrô Trần Thế Tuyên

Xem bài liên quan:

Nói về Cha PX. Diệp | Bài 1 | Lm. Phêrô Trần Thế Tuyên