ĐHY GB. Phạm Minh Mẫn | Nhân chứng sống – De Visu – Eyewitnesses

2243

Cuộc phỏng vấn diễn ra tại văn phòng Đức Hồng Y lúc 10 giờ sáng ngày 4.8.2011. Hiện diện: Đức Hồng Y GB. Phạm Minh Mẫn – Cha Roland Jacques – Cha Phêrô Trần Thế Tuyên và Thầy Giuse Mai Đức Nhuận.

Đức Hồng Y làm chứng về đời sống Cha Phanxicô Trương Bửu Diệp trên ba phương diện: Linh mục thánh thiện – Linh mục thương yêu, lo lắng cho đàn chiên và là một linh mục dám hy sinh mạng sống vì đàn chiên. Không là nguyên văn, nhưng rất gần với lời chứng của Đức HY:

Tôi sinh năm 1934 ở Cái Rắn – Cha tôi được mọi người gọi là Ông Sáu Hào – Mẹ tôi tên Quới. Ba tôi được lưu danh nhờ đào một con kênh, gọi là kênh ba ngàn, vì dài 3000 thước. Dân địa phương cũng gọi là Kênh Sáu Hào.

Cha Phanxicô Trương Bửu Diệp ở Tắc Sậy. Ngài không phải là Cha sở của tôi, nhưng Ngài hay tới lui thăm Cha sở họ đạo tôi là Cha Công và Cha sở Hoà Thành lúc đó là Cha Tứ. Mỗi khi có dịp như thế, các Ngài đến thăm gia đình tôi.

Khoảng năm 1939, lúc đó tôi mới vừa được sáu tuổi. Trong một lần đến gia đình tôi, Cha Phanxicô Diệp đã nói với mẹ tôi: Bà Sáu cho thằng Mẫn học kinh tiếng La Tinh và giúp lễ. Mẹ tôi làm theo lời Cha dạy, cho tôi đến nhà thờ học kinh và giúp lễ. Mỗi lần được giúp lễ là mỗi lần tôi nhìn thấy Cha sở dâng lễ. Thấy Ngài đưa Mình Thánh Chúa lên, tôi có một liên kết với lõm cây chuối mà mẹ tôi xắt cho heo ăn vậy. Sau nầy, tôi suy nghĩ vả lấy làm lạ là Cha Phanxicô,  không là Cha sở của tội, nhưng Ngài có một quan tâm đến thiếu nhi, tìm cách lo cho chúng đến gần bàn thờ qua việc giúp lễ.

Lần thứ hai, chừng 5 năm sau đó, cũng trong lần đến thăm gia đình với các Cha. Chính Cha Phanxicô Trương Bửu Diệp bảo Cha Mẹ tôi: Ông Bà Sáu lo cho thằng Mẫn đi tu nhà trường Cù Lao Giêng để làm linh mục. Sau đó, tôi được gửi đi tu ở tiểu chủng viện Cù Lao Giêng.

Cha Diệp làm Cha Sở Tắc Sậy. Nhưng Cha rất thương giáo dân và lập nhiều họ lẻ, trong đó có họ đạo Chủ Chí. Cha xây nhà thờ cho giáo dân, rồi khai khẩn ruộng đất cho dân có đất làm ruộng và giao cho Ông Nội tôi làm Biện Việc chăm sóc ruộng lúa nhà chung. Cha Diệp có lòng thương dân đặc biệt, cả lương giáo. Ai cũng quí mến Cha.

Năm tôi lên 11 tuổi, tức tôi đã đi học ở tiểu Chủng Viện Cù Lao Giêng rồi. Tháng hè năm 1945 tôi được đi theo các Cha sở trong hạt, chèo xuồng từ Hoà Thành lên để thăm Cha Diệp ở Tắc Sậy. Năm 1945, năm loạn lạc tang thương khắp vùng. Người ta phải bỏ nhà cửa, ruộng vườn đi đến các vùng an ninh. Tôi không được nghe quí Cha nói với nhau điều gì, nhưng sau nầy tôi biết là quí Cha khuyên Cha Diệp nên rời bỏ Tắc Sậy. Nhưng Cha đã không thay đổi quyết tâm là ở lại với đàn chiên. Sau đó chiến tranh loạn lạc đến hồi khốc liệt, gia đình tôi cũng phải di tản lên Bạc Liêu. Cha Diệp ở lại và đã bị giết chết.

Tôi ghi nhận ba điều vế Cha Phanxicô Trương Bửu Diệp: Ngài là một linh mục thánh thiện, một linh mục luôn nghĩ đến tương lai của Giáo Hội, khuyến khích người khác đi tu. Ngài là một linh mục thương lo cho dân. Ngài đi tới đâu là lo xây dựng nhà thờ nhà ở cho bà con cả lương giáo. Ngài là một mục từ sống chết vì đàn chiên.

Cám ơn quí Cha đã lo xúc tiến việc tuyên thánh cho Cha Phanxicô Trương bửu Diệp. Thực sự người ngoại giáo và cả ngưới vô thần đã phong thánh cho Cha lâu rồi. Khi tôi còn làm Giám Mục phó ở Mỹ Tho. Bà Bí Thư Phường ở đó đã tổ chức xe đò và kêu mời bà con lương giáo đi hành hương kính viếng Cha Phanxicô Trương Bửu Diệp.