Nói về Cha Trương Bửu Diệp | bài 1 | Lm Phêrô Trần Thế Tuyên

1758

Cha Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp, Mục tử đích thật: Thương yêu và tận tình chăm sóc, dâng lễ ở các họ đạo lẻ xa xôi.

Phúc Âm Thánh Gioan chương 10, câu 11 và 14 nói về chính Chúa Giêsu, một mục tử nhân lành, “Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Mục Tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho chiên. Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Tôi biết các chiên của tôi và chiên của tôi biết tôi,”

Mục tử nhân lành theo Phúc Âm Thánh Gioan là: Yêu thương chiên, biết chiên và chết vì chiên.

Đò đưa qua Họ đạo Chủ Chí
Họ đạo Chủ Chí ngày nay

Không quá đáng khi nói rằng: Cha Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp là một mục tử nhân lành: Yêu thương đàn chiên, biết chiên và chết cho đàn chiên.

Năm 1930, Cha Diệp được bổ nhiệm làm Cha sở họ đạo Tắc Sậy và 8 họ lẻ xa xôi: Bà Đốc – Cam Bô – An Hải – Đầu Sấu – Chủ Chí – Khúc Tréo – Đồng Gò và Rạch Rắn. Tôi đã đi đến từng họ đạo lẻ nầy. Nhiều chỗ đã mất dấu tích hay chỉ còn lại một vài lùm cây hoang dã.

Nền nhà thờ Bá Đốc           

Họ đạo lẻ Bà Đốc, chừng hơn 10 cây số tính từ trục lộ giao thông gần thị trấn Gành Hào. Ngày nay không còn di tích gì của nhà thờ cả: Nhà thờ bị phá sập trong thời chiến và không có linh mục từ sau năm 1946. Sau thời loạn ly, dân chúng tản cư trở về và xây dựng nhà ở trên nền nhà thờ. Bây giờ ngay cả nền nhà thờ cũng không còn dấu vết.

An Hải hay Lò Than ngày xưa hay Gành Hào ngày nay được dùng làm đất thánh Công giáo. Nền nhà thờ cách trục lộ giao thông gần thị trần Gành Hào chừng hơn cây số. Tôi đã thấy có chừng 10 ngôi mộ trên nền nhà thờ cũ nầy. Nhà thờ mới khang trang mang tên Phanxicô được coi như nhà thờ Công giáo Gành Hào bây giờ.

Nền nhà thờ Ông Cambô.      

Campbot, viết theo kiểu phát âm tiếng Việt là Cam-Bô. Ông nầy là một điền chủ người Pháp có thế giá trong vùng thời bấy giờ. Ông đã xây cất một nhà thờ trong khu vực đồn điền nhà ông và mời Cha Diệp đến dâng lễ cho ông cũng như bà con tá điền chung quanh. Nhà thờ Cambô bị phá sập không còn dấu vết. Phần mộ ông Cambô đã được di dời từ lâu, bây giờ thuộc phần đất nhà của một gia đình trẻ sau nầy.

Ông Năm Danh
Ông Louis Nguyễn Hữu Giàu
Đường vào Gành Hào, đi xe và đi đò.
Nền nhà thờ Gành Hào ngày xưa

Tôi có gặp và phỏng vấn 2 người chèo xuồng cho Cha Diệp đi họ đạo lẻ: Ông Louis Lê Hữu Giàu và ông Nguyễn Văn Danh, em rễ Thứ Năm của Đức Hồng Y Mẫn. Hai người chèo xuồng nầy đều thán phục nhiệt tâm tông đồ của Cha Diệp. Chúng ta cứ tưởng tượng xem: Bây giờ, đi xe phải mất một giờ đồng hồ từ Tắc Sậy tới Gành Hào. Cách nay 70 năm, Cha Phanxicô Trương Bửu Diệp phải dùng xuồng chèo, chắc chắn mất không dưới một ngày dài. Vậy mà Cha phải gánh vác một họ chánh là Tắc Sậy và 8 họ đạo lẻ. Lòng nhiệt thành với Giáo Hội và tình thương với con chiên bổn đạo của Cha Diệp thật quá lớn lao.

Bà Huỳnh Thị Tú, nấu cơm cho Cha Diệp.
Ông Đức, con bà Tú.

Tôi đã 2 lần gặp bà Huỳnh Thị Tú, bà sinh năm 1905 (đã chết) ở Đầu Sấu, từng nấu cơm cho Cha Diệp khi Cha đến dâng lễ ở họ đạo lẻ. Tôi cũng đã 3 lần gặp ông Nguyễn Văn Đức, sinh năm 1928, con bà Tú, đã từng gần gủi và tiếp xúc với Cha Diệp. Cả hai đều nhìn nhận Cha Diệp là một linh mục thánh thiện và yêu thương người vô cùng. Bà Tú nói: “Không kiếm ai được như ông Cố Diệp, thương người hết phương!”

Ông Dom. Quang, người lấy xác Cha Diệp.

Thật lòng tôi rất tán thành ý kiến của Đức Hồng Y Mẫn về Cha Diệp: “Ngài là một linh mục thánh thiện, một linh mục luôn nghĩ đến tương lai của Giáo Hội, khuyến khích người khác đi tu. Ngài là một linh mục thương lo cho dân. Ngài đi tới đâu là lo xây dựng nhà thờ nhà ở cho bà con cả lương giáo. Ngài là một mục từ sống chết vì đàn chiên”.

Lm. Phêrô Trần Thế Tuyên

Những gì ghi ra đây là kết quả của 4 năm làm việc: Về Việt Nam 8 lần, đi tới nơi, tìm tới chốn, tìm đến những di tích lịch sử và phỏng vấn những những nhân chứng sống đã từng biết Cha Phanxicô Trương Bửu Diệp.