vo ha
Hy vọng là mong ước hay tin tưởng điều tốt đẹp xảy ra. Người Pháp gọi Hy Vọng là chờ đợi một điều tốt lành mà người ta mơ ước hoặc đối tượng đang chờ đợi nầy là tất cả hy vọng của tôi. Espérance est attente d’un bien qu’on désire; objet de cette attente, c’est toute mon espérance. Nên đối tượng của niềm Hy Vọng lớn lao vào Chúa của Kitô hữu, theo Lịch Phụng Vụ Mùa Vọng, là Đấng Emmanuel Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Người sắp đến viếng thăm dân Người.
Xin đọc 3 bài Thánh Kinh bên dưới và xin Chúa giúp sức, để nghiệm ra ít nhiều thiên ý mà chuẩn bị tinh thần thêm phần tích cực, hầu xứng đáng đón mừng Ngày Lễ trọng đại năm nầy.
BÀI ĐỌC I: “Tôi hớn hở vui mừng trong Chúa”.
Trích sách Tiên tri Isaia. 61: 1-2a. 10-11
Thánh Thần Chúa ngự trên tôi: vì Chúa đã xức dầu cho tôi; Người đã sai tôi đem tin mừng cho người nghèo khó, băng bó những tâm hồn đau thương, báo tin ân xá cho những kẻ bị lưu đày, phóng thích cho những tù nhân, công bố năm hồng ân của Thiên Chúa.
Tôi hớn hở vui mừng trong Chúa, và lòng tôi hoan hỉ trong Chúa tôi, vì Người đã mặc cho tôi áo phần rỗi, và choàng áo công chính cho tôi, như tân lang đầu đội triều thiên, như tân nương trang sức bằng ngọc bảo. 11. Như đất đâm chồi, như vườn nảy lộc, Chúa cũng làm phát sinh công chính và lời ca tụng trước mặt muôn dân.
BÀI ĐỌC II:
“Thần trí, linh hồn và thể xác anh em được gìn giữ cho tới ngày Chúa đến”.
Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gởi tín hữu Thêxalônica.1 Tx 5: 16-24
Anh em thân mến, anh em hãy vui mừng luôn. Hãy cầu nguyện không ngừng. Trong mọi việc, hãy cảm tạ Chúa. Vì đó là thánh ý Thiên Chúa về tất cả anh em trong Chúa Giêsu Kitô. Ðừng dập tắt Thánh Thần; đừng khinh khi các lời tiên tri, nhưng hãy nghiệm xét mọi sự, điều gì tốt hãy giữ lại. Hãy tránh xa sự dữ dưới mọi hình thức. Xin chính Thiên Chúa bình an thánh hoá anh em toàn diện, để thần trí, linh hồn và thể xác anh em được gìn giữ toàn vẹn trong ngày Ðức Giêsu Kitô Chúa chúng ta ngự đến. Ðấng đã kêu gọi anh em, chính Người là Ðấng Trung Tín. Chính Người sẽ thực hiện.
PHÚC ÂM:
“Giữa các ngươi có một Ðấng mà các ngươi không biết”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan. 1: 6-8; 19-28
Có người đã được Chúa sai đến, tên là Gioan. Ông đến như chứng nhân để làm chứng về sự sáng, hầu mọi người nhờ ông mà tin. Ông không phải là sự sáng, nhưng ông chỉ làm chứng về sự sáng. Và đây là chứng của Gioan, khi những người Do-thái từ Giêrusalem sai các vị tư tế và các thầy Lêvi đến hỏi ông: “Ông là ai?” Ông liền tuyên xưng, ông không chối, ông tuyên xưng rằng: “Tôi không phải là Ðấng Kitô”. Họ liền hỏi: “Thế là gì? Ông có phải là Elia chăng?” Gioan trả lời: “Tôi không phải là Elia”. – “Hay ông là một đấng tiên tri?” Gioan đáp: “Không phải”. Họ liền bảo: “Vậy ông là ai, để chúng tôi trả lời cho những người sai chúng tôi. Ông tự xưng là ai?” Gioan đáp: “Tôi là tiếng kêu trong hoang địa: Hãy sửa cho ngay đường Chúa đi, như tiên tri Isaia đã loan báo”. Và có những người thuộc nhóm biệt phái cũng được sai đến. Họ hỏi Gioan rằng: “Nếu ông không phải là Ðức Kitô, cũng không phải là Elia hay một tiên tri, vậy tại sao ông làm phép rửa?” Gioan trả lời: “Tôi làm phép rửa trong nước; nhưng giữa các ngươi, có Ðấng mà các ngươi không biết. Ðấng ấy sẽ đến sau tôi, nhưng chính Ðấng ấy đã có trước tôi và tôi không xứng đáng cởi dây giày cho Người”. Việc này xảy ra tại Bêtania, bên kia sông Giođan, nơi Gioan làm phép rửa. Ðó là lời Chúa.
Vài hàng ghi chú và tâm tình.
Bắt đầu là Bài đọc I, trích từ sách Đệ Tam (chương 56-66) của Đại Ngôn Sứ Isaia, được thu tập trong thời gian 530-450 TCN. Ý chính là than khóc thân phận lưu đày sang Babylon (586-538) tố giác tội lỗi và loan báo ơn cứu độ của Chúa, hầu chuẩn bị cho ngày vinh quang về xứ Israel, xây lại đền thờ, tái lập đất nước.
Trước hết, hai câu đầu là sứ mệnh được trao cho người Chúa chọn, qua dấu chỉ sức dầu của Thánh Thần, với bảy nhiệm vụ tiêu biểu: Tin mừng cho người nghèo, ánh sáng cho người mù, băng bó tâm hồn đau thương, giải thoát kẻ lưu đày, phóng thích tù nhân, loan báo năm hồng ân…
Rồi hơn 500 năm sau khi đến cõi trần, Chúa Giêsu cũng đã lập lại lời Thánh Kinh trên khi giới thiệu ơn gọi từ Cha của Ngài cho dòng tộc tại Hội Đường Nadaret trong Lc. 4: 19-19. Chúa Giêsu nhấn mạnh sứ mệnh cao cả của Ngài, không những qua bảy mục tiêu trên, mà còn tạo nên một dân mới trong thế giới mới, cộng thêm được giải thoát và tự do khỏi tội lỗi và quyền lực Satan.
Còn hai câu 10 và 11 là lời tạ ơn Thiên Chúa của Ngôn Sứ, cùng chung với Israel, Sion, Giêrusalem và toàn thể dân chúng nữa, sau khi nghe lời loan báo của Chúa qua miệng Ngôn Sứ. Và cũng tiếp tục làm như thế khi đã hồi hương, lúc xây lại đền thờ, phục hưng xứ sở xanh tươi đầy hoa trái vật chất và nhất là mặt linh thiêng. Đó là Thiên Chúa làm trổ sinh ra Người công chính. Người nầy là Chính Danh Giêsu Kitô vĩ đại (Tv. 1:3) sẽ giải thoát dân Người khỏi tội lỗi và kiện toàn các lời hứa của Thiên Chúa trong Cựu Ước.
Kinh cảm tạ trên, cũng lập lại một phần ý và lời trong bài Ca Tụng Chúa của bà Anna, khi Chúa cho bà có được đứa con cầu tự, sau nầy là Tiên Tri Sa-mu-el, dù bà bị tiếng son sẻ (1 Sam 2;1-10). Rồi khi thăm viếng bà Y-sa-ve, Đức Maria cũng một lần nữa, dựa vào ý và lời của bà Anna – Kinh cầu nguyện phổ thông của người Do Thái mọi thời – cho nhân loại muôn đời biết hồng ân Thiên Chúa ban cho Mẹ trong Bài Ca “Xin Vâng” Lc. 1: 46-55.
Qua Bài Phúc Âm của Thánh Gioan tuần nầy, cũng gần như bài Tin Mừng trong Marcô 1: 1-8 tuần trước, được trích dẫn cho Chúa Nhật II Mùa vọng vừa qua. Bài Phúc Âm nầy, xác định thêm vai trò và cả mục vụ tinh thần của Thánh Gioan Tẩy Giả. Ông kêu gọi dân chúng chịu phép rửa là tình nguyện chấp nhận dấu chỉ của lòng sám hối, để Chúa hoạt động phần còn lại tận tâm can con người.
Ông còn được gọi là Tiền Hô, người đi trước để dọn đường cho Chúa, bằng cách làm chứng cho ánh sáng linh thiêng là chính Chúa, mà nhờ đó con người đạt khả năng tri lý (lẽ phải) và ngộ ra sự thật, hầu chống lại bóng tối là tội lỗi.
Vì làm chứng cho Ánh Sáng, Thánh Nhân là người tiên phong dám đem mạng sống của mình, bảo vệ lẽ phải luân lý và cả sự thật là lề luật của Chúa, bằng cách khiển trách vua Hêrôđê loạn luân khi lấy chị/em dâu. (Lc. 3:19-20. Mc. 6 :17-29). Rồi Ông đã trở nên tấm gương trung nghĩa, cao quí hơn hơn cả tướng công Quan Vân Trường thời Tam Quốc thế kỷ III bên Tàu, cho mọi thời, riêng cho người đời nay trong một thế giới mà gian dối lan tràn khắp nơi, do tiền bạc, tham ô và sắc dục tiếp cận như chợ đầu mối.
Thêm nữa, phần lớn người Do Thái không phải tất cả, thường đối nghịch với Chúa như nhóm Pharisiêu, lo giữ chữ của lề luật chi li mà không mấy chú trọng tinh thần của lề luật, nên bị Chúa Giêsu gọi là hạng giả hình (Mt. 23: 1-36). Từ đó lần mò ra, có bao giờ mình thấy mình đang nằm gọn trong tình cảnh của nhóm Bịệt Phái Pharisiêu mà mình rất hảnh diện không?
Còn Thánh Gioan Tẩy Giả thì khiêm tốn, không nhận Ông là Đức Kitô hay tiên tri mà chỉ là người chuẩn bị cho Chúa. Khi nhiệm vụ xong, thì ông đi vào bóng tối, để Chúa Giêsu ngày càng lớn lên (Gn. 3 :30). Trong Mùa Vọng năm nầy, quán chiếu đôi chút, mình có tỉnh ngộ ra, có được chút can đảm nào, để bắt chước phần nào mẫu gương của Vị Tiền Hô nầy chưa?
Trở lại Bài Đọc II. Bức thư nầy cho thấy, Thánh Phaolô ân cần gợi ra, để nhắc nhớ cho tín hữu Têxalônica, là nơi Ngài bị buộc phải rời khỏi khi chưa huấn luyện gọi là đầy đủ.
Ngài kêu gọi: Anh em hãy vui lên, vì vui là dấu chỉ căn bản của Kitô hữu (Rm. 14 :17) là thành quả của Thánh Thần – Gal. 5 : 22. Niềm vui được kết hợp với hy vọng vững chắc vào Chúa. Rm. 5: 2-5; 12:12) vì Chúa là nguồn hoan lạc mọi nơi mọi lúc, dù trong thời kỳ đau khổ, tai họa, lao tù, kể cả cái chết cũng không sợ.
Nên cầu nguyện không ngừng là thái độ tinh thần, như con nhỏ cầu xin và nương tựa cha mẹ. Cầu nguyện cũng chứng tỏ có Chúa hiện diện trong đời sống hằng ngày của người tín hữu luôn biết đặt mình dưới sự che chở của cánh Chúa, như cảnh gà mẹ ấp ủ gà con (Lc. 13: 31-35).
Thêm một ý nữa là, vì còn trong thân phận con người bất toàn tại trần thế, nên thời nào và ở đâu cũng có hạng người đặt quyền lợi cá nhân trên đại thể, làm ngưng đọng ích lợi vật chất và tinh thần của Hội Thánh địa phương và cả trung ương. Nên Thánh Phaolô gọi đó là “dập tắt Thánh Thần cùng khinh khi Lời Tiên Tri”.
Dựa vào lời cảnh tỉnh nầy, suy xét lại, mình có vô tình hay cố ý để cho bị vướng vào tình cảnh bóng tối nầy của Satan không? Trong cộng đoàn, khi thực hành, mình có dám tôn trọng ý kiến của đa số thắng thiểu số và rút lui cho Chúa Sáng lên, còn mình phải mờ đi không?
Vài mẫu gương sáng chói cho Mùa Vọng nầy.
Trước hết, ngày 8.12.2020 Đức Thánh Cha Phanxicô khai mạc Năm Thánh Giuse tại Roma, kỷ niệm 150 năm tôn vinh Ngài là Đấng Bảo Trợ Giáo Hội. Trong những ngày đại dịch gian dối nầy, những đức tính can đảm, chịu đựng, kiên trì và sáng tạo của Thánh Nhân, trước những thói đời gian ác kiêu ngạo và bạo lực của những kẻ thống trị trần gian, là mẫu gương cho con cái Chúa noi theo. Trong 365 ngày sau khai mạc Năm Thánh, giáo dân được ơn Đại Xá khi xưng tội, rước Mình Thánh Chúa và cầu nguyện theo ý Đức Giáo Hoàng.
Mẫu gương thứ hai là của cố Giáo sư Pháp Văn Antôn Trần Thọ Triết (1938-2019) quê nhà Họ Đạo Sóc Trăng, GP. Cần thơ. Ông đã là Thầy của một số bộ môn do đã dạy nhiều tu sinh và giáo dân trong vùng hơn 50 năm trước.
Điểm nổi bật của thầy là đức Khiêm Nhường. Thầy rất giỏi sinh ngữ Anh-Pháp thêm Âm Nhạc và nghề điện tử thì khó ai sánh bằng, nhưng lúc nào cũng nhún nhường, nhỏ nhẹ khiêm tốn.
Với khả năng chuyên môn điện tử, Thầy đã giúp nhiều Họ Đạo trong GP Cần Thơ, sửa chữa hệ thống âm thanh, ánh sáng, điện đèn cho nhiều Nhà Thờ, nhà xứ, nhà Dòng miễn phí. Ở những nơi xa, Thầy đến tận nơi, sữa chữa, lắp ráp mà không tính tiền công hay lộ phí, đến nỗi có lúc người nhà tâm sự với tôi: “Ảnh cứ đi là không công hoài… mà tụi nhỏ thiếu ăn…”. Thầy Antôn Triết đã là mẫu gương cho học trò “sống vì nguời” dù có thời, Thầy phải làm nghề sửa xe đạp, với bữa đói nhiều hơn no một thời sau 1975.
Mẫu gương thứ ba đáng đề cao và bắt chước, là tại nhiều nơi trên thế giới, trong mùa đại dịch từ tháng 3/2020 tới nay, đã có rất nhiều thiện nguyện viên nhiều sắc tộc, cũng bị phải nghe theo nguyên tắc phòng chống bệnh, nhưng không mấy ngán vi khuẩn nguy hại corona. Tất cả đã liều mình mà cả lòng tình nguyện phục vụ không công tại những nơi phát thuốc và kho phân phối lương thực cho dân nghèo… Xin Chúa chúc lành và ban phước.
Dâng Lời Kinh Nguyện.
Chúa nhật thứ 3 Mùa Vọng nầy, chúng con thao thức mong chờ, nhất là trong thời kỳ khó khăn nầy và chỉ được yên nghỉ khi Chúa đến.
- Xin cho mọi thành phần trong Hội Thánh, trở thành chứng nhân cho Chúa trong việc đem lại ít nhiều niềm vui cho mọi người.
- Xin cho những vị lảnh đạo trần thế biết tôn trọng công lý và sự thật để bảo vệ và đối xử với người cô đơn yếu thế trong công bình và yêu thương.
- Xin cho những người nghèo đói thất nghiệp, tù đày, bị bỏ rơi, còn tìm được an ủi và hy vọng nơi những người họ tin tưởng trong thời đầy dối gian nầy
- Xin cho chúng con phản ảnh ít nhiều ánh sáng của Chúa, để có thể thấp sáng và sưởi ấm cho những người cần được giúp đỡ.
- Xin Thánh Thần Chúa đến, giúp chúng con chuẩn bị tâm hồn, có được niềm vui thật sự của Chúa từ bên trong, để có thể trở thành đầu mối an lạc ít nhiều cho những người mà chúng con gặp gỡ trong Mùa Mừng Lễ Chúa Giáng sinh nầy.
Sau hết, xin vào mạng điện tử, cùng thưởng thức và cũng thêm hiệp ý hiệp lời với bài hát Anh Ngữ có tiếng Mùa Vọng, được ông Jonh Neale dịch 1861, từ bản gốc Latin có trên 1200 năm.
Come, O King of nations, bind
in one the hearts of all mankind.
Bid all our sad divisions cease
and be yourself our King of Peace.
Rejoice! Rejoice! Immanuel
shall come to you, O Israel.
Xin đến, Đức Vua các nước.
Xin kết hợp nên một, con tim cả nhân loại
Xin làm cho mọi chia rẽ đau buồn ngưng lại.
Và hiển thị chính Ngài là Đức Vua Thái Bình của chúng con
Vui lên, Vui lên, Thiên Chúa ở cùng chúng con.
Ngài sẽ đến với ngươi, hỡi Israel.