Gia Chủ Tốt Bụng Đối Đãi Với Thợ Vườn Nho | Chúa Nhật 25 TN A | Vô Hạ

768

vô hạ

Trước hết, tư tưởng và đường lối của Chúa cao xa vượt quá trời xanh theo Tiên Tri Isaia. Nên con không hiểu nổi tại sao Ngài chịu chọn lựa Abraham (chừng 2000- 1800 BC) để thành lập Dân Tộc Do Thái và Ông đã trở thành tổ phụ niềm tin của ba mối đạo lớn: Do Thái, Kitô Giáo và Hồi Giáo. Rồi cũng không hiểu nổi tại sao Chúa Giêsu lại đầu thai làm người vào thứ dân tộc lắm chuyện nầy để cứu chuộc nhân loại, trong khi có nhiều dân tộc khác sẳn sàng hơn. Thêm nữa, phải nhìn thấy những biến cố lịch sử lớn nhỏ để chuẩn bị, đều có bàn tay của Chúa hướng dẩn sắp xếp khi thăng lúc trầm, kể cả quốc nạn bị lưu đày sang Babylon (586-538 BC) để cho dân tộc nầy học thuộc những bài học tôn giáo của Chúa.

Dựa vào đoạn Sách Tiên Tri Isaia bên trên trong Thánh Kinh, Thiên Chúa sai Ông đến để nâng cao lòng tin và khích lệ dân đang bị lưu đày, tin tưởng vào Chúa và lòng yêu thương của Người, để chuẩn bị hồi hương. Tất cả đều hướng tới mục đích và yêu cầu dọn đường cho lòng tốt  bao la của Thiên Chúa, qua dụ ngôn của Chúa Giêsu trong bài Phúc Âm về Ông chủ tốt bụng, khi trả công cho từng đợt công nhân làm vườn nho; kẻ bắt đầu sáng sớm và  người khi chiều tà tới lúc gần tàn.

Muốn rõ hơn ý Chúa, xin đọc 3 bài Thánh Kinh bên dưới theo Lịch phụng Vụ Chúa Nhật Thường Niên Năm A (ngày 20.09.2020) để ngộ thêm Chúa muốn mình hiểu và làm theo những gì.

https://media.beliefnet.com/~/media/photos-with-attribution/faith/prophetisaiahofficialthe%20providence%20lithograph%20company.jpg?as=1&extension=webpBÀI ĐỌC I:  Trích sách Tiên tri Isaia. 55:6-9

Hãy tìm Chúa khi còn tìm được, hãy kêu cầu Người khi Người còn ở gần. Kẻ gian ác, hãy bỏ đường lối mình, và kẻ bất lương, hãy bỏ những tư tưởng mình, hãy trở về với Chúa, thì Người sẽ thương xót; hãy trở về với Thiên Chúa chúng ta, vì Chúa rộng lòng tha thứ.

Vì tư tưởng Ta không phải là tư tưởng các ngươi, và đường lối các ngươi không phải là đường lối của Ta, Chúa phán như vậy. Như trời cao hơn đất thế nào, thì đường lối Ta vượt trên đường lối các ngươi, và tư tưởng Ta cũng vượt trên tư tưởng các ngươi thế ấy.

https://i.pinimg.com/originals/95/26/a0/9526a07d9f8686ec5667a96cad064ff6.jpgBÀI ĐỌC II: Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Philipphê. 1:20c-24. 27a

Anh em thân mến, dù tôi sống hay tôi chết, Đức Kitô sẽ được vẻ vang trong thân xác tôi. Vì đối với tôi, sống là Đức Kitô, còn chết là một mối lợi. Nhưng nếu sống trong xác thịt này đem lại cho tôi kết quả trong việc làm, thì tôi không biết phải chọn đàng nào. Tôi đang lúng túng trong hai điều này: là ước ao chết để được ở với Đức Kitô thì tốt hơn bội phần, nhưng cứ ở lại trong xác thịt thì cần thiết cho anh em. Anh em hãy sống xứng đáng với Tin Mừng của Đức Kitô.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu20:1-16a

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ dụ ngôn này rằng: “Nước trời giống như chủ nhà kia sáng sớm ra thuê người làm vườn nho mình. Khi đã thoả thuận với những người làm thuê về tiền công nhật là một đồng, ông sai họ đến vườn của ông. Khoảng giờ thứ ba, ông trở ra, thấy có những người khác đứng không ngoài chợ, ông bảo họ rằng: “Các ngươi cũng hãy đi làm vườn nho ta, ta sẽ trả công cho các ngươi xứng đáng”. Họ liền đi. Khoảng giờ thứ sáu và thứ chín, ông cũng trở ra và làm như vậy.

Đến khoảng giờ thứ mười một ông lại trở ra, và thấy có kẻ đứng đó, thì bảo họ rằng: “Sao các ngươi đứng nhưng không ở đây suốt ngày như thế?” Họ thưa rằng: “Vì không có ai thuê chúng tôi”. Ông bảo họ rằng: “Các ngươi cũng hãy đi làm vườn nho ta”.

Đến chiều chủ vườn nho bảo người quản lý rằng: “Hãy gọi những kẻ làm thuê mà trả tiền công cho họ, từ người đến sau hết tới người đến trước hết.” Vậy những người làm từ giờ thứ mười một đến, lãnh mỗi người một đồng.

Tới phiên những người đến làm trước, họ tưởng sẽ lãnh được nhiều hơn, nhưng họ cũng chỉ lãnh mỗi người một đồng. Đang khi lãnh liền, họ lẩm bẩm trách chủ nhà rằng: “Những người đến sau hết chỉ làm có một giờ, chúng tôi chịu nắng nôi khó nhọc suốt ngày mà ông kể họ bằng chúng tôi sao”? Chủ nhà trả lời với một kẻ trong nhóm họ rằng: “Này bạn, tôi không làm thiệt hại bạn đâu, chớ thì bạn đã không thoả thuận với tôi một đồng sao?” Bạn hãy lấy phần bạn mà đi về, tôi muốn trả cho người đến sau hết bằng bạn, nào tôi chẳng được phép làm như ý tôi muốn sao? Hay mắt bạn ganh tị, vì tôi nhân lành chăng? Như thế, kẻ sau hết sẽ nên trước hết, và kẻ trước hết sẽ nên sau hết”.

Vài ghi chú và cảm nghiệm.

  • Nhân đây cũng nên biết một nét tổng quát, với 66 chương, Bộ Sưu Tập Isaia là cuộn sách dài thứ hai sau Bộ Thánh Vịnh. Sách ghi lại những sự việc và biến cố trong hơn hai thế kỷ từ năm (740 – 500 hay 450 BC) tới khi dân còn sót lại hồi hương từ Babylon, về Giêrusalem xây dựng lại đền thờ.
  • Cũng xin thêm một ghi nhận nữa, danh từ Tiên Tri có nghĩa là người nói trước, báo trước, sau khi đã tri kiến được thực nghĩa thần linh của lời Chúa phán hay ý Chúa. Tiên Tri còn là đại diện và phát ngôn viên của Chúa, nên Việt Nho và những xứ đồng văn, có thêm từ ngữ khác rất xúc tích chính xác, là “Ngôn Sứ”. Nói cách khác, Tiên Tri là người thay Chúa nói với dân và cũng ngược lại, làm trung gian thay dân đàm đạo với Chúa. Hôm nay, theo ngôn từ thời đại, Tiên tri cũng còn gọi là “Cán Bộ Lời Chúa” vì cán là đảm đang, chỉnh đốn, làm thay thế cho; và bộ: bộ phận, thành phần, thành viên. Mà Lời của ai thì cũng lại chính là người đó.
  • Qua bài Phúc Âm, Chúa Giêsu đưa ra dụ ngôn Nước Trời. Khi mới nhìn, ai cũng dễ thấy bực mình và dễ bị bị sốc, bị đả kích. Điều làm mình chú ý và còn muốn phê phán tệ hại là những người được thuê từ sáng sớm phàn nàn nhà chủ bất công, vì trả lương công nhân làm sớm và chót nhất, ca thợ chỉ làm 1 tiếng đồng hồ trước khi đóng cửa, như nhau, 1 đồng. Nhưng đọc kỷ, thấy nhà chủ nắm cán, nhờ có hợp đồng giao kèo rõ ràng đúng luật lệ Do Thái thời đó, 1 đồng/ngày. Chủ gia (Chúa) ở đây, như trong ca dao bình dân, thuộc “người khôn đón trước rào sau. Để cho người dại (là thợ ganh tị, là mình đây) biết đâu mà mò”.
  • Về mặt trả công kiểu nầy, Đức Cố Hồng Y Nguyễn Văn Thuận (1920-2002) có nhận xét vui nhộn, đánh thức ai đang buồn ngủ, rằng Chúa Giêsu qua dụ ngôn trên, là ngưòi không biết làm kinh tế. Trả lương cho công nhân kiểu Chúa Giêsu thế nào cũng xập tiệm. Vì lẽ công ty tư bản hay vô sản nào trên đời, cũng trả lương  dựa trên số giờ hay thành phẩm vật chất mà công nhân làm được. Nhưng công ty nước Trời của Chúa Giêsu lại cân đo số lương trên tiêu chuẩn khác, đó là tiêu chuẩn tinh thần hay tấm lòng. Vậy tấm lòng đó là cái đi gì?
  • Nói cho gọn nhẹ và rõ ràng, Ông chủ vườn nho trong dụ ngôn, chuộng mặt tinh thần quan trọng nhất. Bằng chứng là lần kia Chúa Giêsu quan sát dân chúng dâng tiền cho đền thờ, rồi bảo thật cho môn đồ: Bà goá nghèo đã bỏ vào thùng dâng cúng nhiều hơn ai hết, vì mọi người đều rút tiền dư thừa của mình mà bỏ vào đó. Còn bà này, thì rút từ cái túng thiếu của mình, mà bỏ vào tất cả tài sản, tất cả nguồn nuôi sống bà.”  (Máccô 12:41-44 và Luca 21:1-4).

    https://timothylutheranbiblestudy.files.wordpress.com/2019/04/poor-widow.jpg?w=676
  • Do đó, lòng tốt củaThiên Chúa vượt trên hàng rào luật lệ mà  loài người cần phải có cho xã hội ổn định, công bằng và hợp lý khi giao tế. Thêm nữa, Thiên Chúa, không như con người chỉ thấy bên ngoài, mà  nhìn từ bên trong, tận đáy lòng như trường hợp Chúa chọn David trong 1 Samuel 16:7.
  • Bài đọc II Trích Thánh Phaolô gởi từ nhà tù cho tín hữu Philip đi thăm nuôi Ngài rằng: Ngài có thể được tự do để  tiếp tục rao giảng Chúa Kitô hay chết đi để êm xuôi về với Chúa. Con đường nào cũng vì vinh danh Đức Giêsu Kitô. Lòng tin của Ngài ở đây, giúp nhớ lại và đem ra thực hành ít nhiều khi đọc một câu tương tự trong Cor. 10:31. “Vậy, dù khi ăn, dù khi uống, hay dù khi làm bất cứ sự gì khác, anh em hãy làm tất cả vì sáng danh Chúa”.

Gói gọn, xin ghi ra câu chuyện rất có ý nghĩa, dựa vào Tin Mừng Chúa Nhật 25 Thường niên A, do Cố Linh Mục Vũ Hùng Tôn (1937-2014) lớp đầu tiên của Giáo Hoàng Học Viện Đà Lạt 1958, cảm nghiệm và chia sẻ khi còn giữ chức vụ Thầy Cả quản nhiệm Cộng Đồng Công Giáo Các Thánh Tử Đạo của mình.

Chính Cha rất chú ý tới và khích lệ những người mới theo đạo, bằng cách để giờ dạy giáo lý cho những dự tòng đặc biệt. Ngài cũng thường hay thăm viếng lớp giáo lý dự tòng mỗi sáng Chúa Nhật. Lần kia, Cha chia sẻ rằng anh chị em dự định theo Chúa, nhưng đừng có mặc cảm tự ti, đừng coi mình thấp hèn hay không đạo đức bằng quí tu sĩ các cấp hoặc giáo dân đạo cũ, vì Chúa tính sổ tấm lòng của anh chị em, chứ không phải dựa và  chức tước hay những việc  được thấy bên ngoài.

Cha Tôn đưa ra  tiêu chuẩn tinh thần qua hai từ Anh Ngữ: Believe: Tin, hay Belief: Niềm tin. Thí dụ: Người ta tin có Ông Trời hay Ông Chúa. Tôi tin trong túi bạn có tiền, vậy thôi. Không liên can gì tới tôi. Còn xét về mặt Faith, Faithful, Faithfulness lòng trung thực, chính xác, thiện ý,  chí thành, thành tín nhờ “có qua có lại mới toại lòng nhau” và  cũng nhờ đó mà Chúa cân đo được cường độ lòng thành của ta,  thì một tu sĩ chưa chắc đã chí thành với Chúa hơn thường dân hay anh chị em. Mà Chúa lại tính sổ và trả công cao cho mặt nầy. Nên Chúa mới để lại cho  thế hệ thời Tân Ước dụ ngôn làm bài học về nhà chủ tốt bụng với mọi ca thợ làm vườn nho bên trên.

Đôi dòng tâm kinh.

  • Cảm tạ Chúa yêu thương đã tạo cơ hội cứu giúp thăng tiến, đổi mới, hoàn thiện cho hết mọi người xấu tốt lành dữ. Nhưng riêng thâm tâm con còn phân biệt thân sơ, thị phi, cũ mới, bên mình, bên kia … nhiều thứ lắm Chúa ơi!
  • Tiếp theo, con mắt xấu nơi con thường thấy người được may mắn thì chẳng ưa, đó là chưa kể ghen tương lập mưu hại người.
  • Ba là, có khi con ỷ mình là đạo dòng mấy đời, nên coi thường đạo mới, mà quên rằng Chúa tính sổ theo thành quả của con tim từ bên trong, không theo ngày giờ  năm tháng trên bút tích rửa tội.
  • Bốn là, xin cho những vị lãnh đạo tinh thần đang phục vụ dân Chúa, lòng trung thành, rộng lượng và bao dung trong mục vụ như tấm gương của Chúa vác chiên lạc trên vai về chuồng.
  • Thứ năm, xin cho lòng bao dung thiện hảo của Chúa hướng dẩn mọi sinh hoạt hằng ngày trong đời sống chúng con.
  • Sau hết, xin giúp chúng con nhìn thấy mẩu gương Chúa nhân hậu, từ bi, kiên nhẫn, xót thương và tốt lành với mọi người… và làm theo được bao nhiêu quí bấy nhiêu.