Bài giảng Lễ Chúa Giáng Sinh | Lễ Đêm | Lễ Ban Ngày

2805

Lễ Giáng Sinh – Lễ Đêm

Tin Mừng:  Lc 2,1-14
Hôm nay, Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em.

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.
Thời ấy, hoàng đế Au-gút-tô ra chiếu chỉ, truyền kiểm tra dân số trong khắp cả thiên hạ. Đây là cuộc kiểm tra đầu tiên, được thực hiện thời ông Qui-ri-ni-ô làm tổng trấn xứ Xy-ri-a. Ai nấy đều phải về nguyên quán mà khai tên tuổi. Bởi thế, ông Giu-se từ thành Na-da-rét, miền Ga-li-lê, lên thành Bê-lem, miền Giu-đê, là thành vua Đa-vít, vì ông thuộc về nhà và gia tộc vua Đa-vít. Ông lên đó khai tên cùng với người đã đính hôn với ông là bà Ma-ri-a, lúc ấy đang có thai. Khi hai người đang ở đó, thì bà Ma-ri-a đã tới ngày mãn nguyệt khai hoa. Bà sinh con trai đầu lòng, lấy tã bọc con, rồi đặt nằm trong máng cỏ, vì hai ông bà không tìm được chỗ trong nhà trọ. Trong vùng ấy, có những người chăn chiên sống ngoài đồng và thức đêm canh giữ đàn vật. Và kìa sứ thần Chúa đứng bên họ, và vinh quang của Chúa chiếu toả chung quanh, khiến họ kinh khiếp hãi hùng. Nhưng sứ thần bảo họ: “Anh em đừng sợ. Này tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho toàn dân: Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đa-vít, Người là Đấng Ki-tô Đức Chúa. Anh em cứ dấu này mà nhận ra Người: anh em sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ.” Bỗng có muôn vàn thiên binh hợp với sứ thần cất tiếng ngợi khen Thiên Chúa rằng: Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương.” Đó là lời Chúa

LỄ ĐÊM GIÁNG SINH, NĂM B
Sách Ngôn Sứ Isaia 9:1-6;
Thư Thánh Phaolô Tông Đồ gửi Titô 2:14-11
và Phúc Âm Thánh Luca 2:1-14

I. Giáo Huấn Phúc Âm:

Con Thiên Chúa thật sự sinh làm con người như chúng ta: sinh ra trong một thời diểm lịch sử nhất định, sinh ra trong trong một đất nước nhất định và sinh ra trong cảnh nghèo hèn thiếu thốn.
Chúa Giáng Sinh ứng nghiệm với tất cả những gì đã được loan báo trong Cựu Ước: Thuộc dòng dõi Vua Davít, sinh bởi một trinh nữ và sinh ra tại Bêlem, thành Vua Davit.

Chúa Giáng Sinh trong thân phận của một hài nhi nhỏ bé, nhưng là Đấng Cứu Thế là niềm vui cho toàn thể nhân loại.

II. Vấn nạn Phúc Âm:

Hoàng Đế Rôma Augustô Cêsar (sinh năm 63 trước Công nguyên –  chết năm 14 Sau Công Nguyên): Hoàng đế đầu tiền của Đế Quốc Rôma từ 27 TCN đến khi chết năm 14 sau Công Nguyên. Augustô trong tiếng Latin là Imperator Gaius Julius Caesar Augustus; sinh ngày 23 tháng 9 năm 63 TCN – và chết ngày 19 tháng 8 năm 14, tên lúc khai sinh là Gaius Octavius và tên Ông được thêm là Gaius Julius Caesar Octavianus sau khi được chính thức kế vị Julius Ceasar năm 27. Ông là hoàng đế đầu tiên thống lĩnh toàn La Mã từ 27 TCN đến khi qua đời năm 14. Gọi Ông là hoàng đế đầu tiên thống lĩnh toàn La Mã từ năm 27 trước Công Nguyên, vì trước đó La Mã được chia ra trị bởi Tam Đầu Chế, tức 3 vị vua , mỗi vua hùng cứ một vùng. Những vua nầy luôn luôn gây chiến với nhau. Nên sau khi Marcus Antonius và Marcus Aemilius Lepidus thua trận, tam đầu chế tan rã và Augustô thống lĩnh toàn đấ quốc.

Triều đại của Augustus đã mở ra một thời đại tương đối hòa bình được biết đến như là Pax Augusta, hay là hòa bình của Augustus. Augustus mở rộng lãnh thổ của Đế quốc La Mã, bảo vệ được biên giới của Đế quốc với nhiều nước chư hầu, và thiết lập hòa bình với Parthia thông qua các biện pháp ngoại giao. Ông đã cải cách lại hệ thống thuế của La Mã, phát triển một mạng lưới đường sá với hệ thống liên lạc chính thức, thiết lập quân đội thường trực. thiết lập lực lượng Vệ binh Praetorian, và tạo ra hệ thống bảo an và lính cứu hỏa cho thành Rome. Nhiều thành phố được xây dựng lại dưới thời của Augustus; và ông viết lại những thành tựu mà chính ông đã làm được, được biết đến như là Res Gestae Divi Augusti, tồn tại tới nay. Khi ông chết vào năm 14, Augustus được phong là một vị thần bởi Viện Nguyên lão, được thờ phụng bởi dân La Mã. Tên của ông Augustus và của Caesar được lấy làm đế hiệu của các hoàng đế sau này, và tháng Tám (August) được chính thức đặt tên theo tên ông. Sau khi ông mất, con rể ông là Tiberius nối ngôi.

Phúc Âm Thánh Luca đêm Giáng Sinh tường thuật rằng: “Thời ấy, hoàng đế Augustô, truyền kiểm tra dân số trong khắp cả thiên hạ. Đây là cuộc kiểm tra đầu tiên, được thực hiện thời Ông Quirinô làm tổng trấn xứ Xyria” Phúc Âm Thánh Luca được viết cho dân ngoại tòng giáo, nên Thánh Sử muốn trình bày Con Thiên Chúa đầy nhân tính. Chúa Giêsu, con người lịch sử, được sinh ra trong thời gian và không gian nhất định. Chúa cũng giống như chúng ta: đựa sinh ra trong khoảng thời gian nào đó. Con người luôn gắn liền với lịch sử, tức sự việc xảy ra theo ngày tháng. Thánh Luca xác định thời buổi Chúa sinh ra dưới thời César-Augustô và Quirinô bấy giờ là Tổng trấn Syri. Sự việc đã xảy vào lúc kiểm tra dân số. Chúa Giáng sinh tại Bêlem xứ Giuđêa. Chúa được sinh ra trong đồng vắng vì hai ông bà Giuse và Maria không tìm được nơi nào trong quán trọ, nên phải đặt Hài Nhi chỗ máng ăn của súc vật. Luca thật sự làm cho người ta thấy Ðức Kitô thật là một người, đã sinh ra trong thời gian và không gian nhất định và đã phải chấp nhận một hoàn cảnh lịch sử cụ thể. Ai muốn kiểm chứng cũng có thể làm được. Nên không một ai có thể phủ nhận bản tính loài người nơi Ðức Kitô, và hết thảy chúng ta phải đón nhận Người như là một anh em trong số loài người chúng ta.

Thánh Luca không trong nhóm 12 tông đồ, làm sao biết về chuyện Giáng Sinh mà kể tường tận như vậy? Hơn nữa chuyện kể Giáng Sinh của Luca không giống Matthêu mấy. Không phải trong nhóm 12 là biết chuyện Giáng Sinh. Bằng chứng là chuyện Giáng Sinh chỉ có Matthêu và Luca kể. Matthêu trong nhóm 12 còn Luca thì không. Hơn nữa hai người lại kể một chuyện mà có quá nhiều điểm không giống nhau: Trong Phúc Âm Matthêu nói về việc thiên thần truyền tin cho ông Giuse nhưng không nói đến truyền tin cho Đức Mẹ. Cũng như con Thiên chúa được gọi là Emmanuel, chứ không đề cập đến tên Giêsu. Matthêu cũng không nhắc đến vụ kiểm tra dân số. Matthêu tường thuật rằng Ông Giuse và bà Maria sống ở Bêlem và có một căn nhà ở đó như trong Matt.2:11. Mátthêu nói sau khi sinh hạ, các đạo sĩ đến thờ lạy Hài Nhi. Ông bà Giuse và Maria ở Bêlem cho tới khi con trẻ Giêsu gần được hai tuổi như trong Matt. 2:16. Sau khi trốn sang Ai Cập, các ngài không thể trở về là vì sợ người con của vua Hêrôđê. Các ngài đến một thành gọi là Nagiarét như trong Matt. 2:22-23.

Đang khi trong Phúc Âm Luca nói về việc thiên thần truyền tin cho Đức Mẹ mà không hề đề cập đến chuyện truyền tin cho Ông Giuse. Theop Luca, Maria và Giuse sống ở Nagiarét và đến Bêlem chỉ vì việc kiểm tra dân số như trong Luca 1:26; 2:4. Sau khi sinh hạ hài nhi ở đó, các mục đồng là những người đến thờ lạy hài nhi. Sau đó hai Ông Bà về nguyên quán Nagiarét và sống ở đó như trong Luca 2:39. Trong Luca không đề cập đến lưu lại ở Bêlem hay cuộc thăm viếng của các đạo sĩ đến Giêrusalem và đến Bêlem, không nhắc đến việc giết hại các trẻ thơ ở Bêlem hoặc cuộc đi trốn sang Ai Cập.

Như vậy chuyện kể Giáng Sinh không xây nền trên chuyện thực xảy ra như thế nào, nhưng là quan điểm thần học của mỗi tác giả Phúc Âm. Như chúng ta biết, Matthêu viết Phúc Âm cho người chánh gốc Do Thái, nặng truyền thống Cựu Ước. Nên Ông tường thuật chuyệbn Giáng Sinh đã được tiên báo trong Isaia từ ngàn năm trước, thí dụ chuyện Thánh Gia rời Ai Cập và về sống tại nadarét đã có tgrong sách Tiên Tri. Còn Phúc Âm Luca nhấn mạnh đến nhân tính của Chúa Giêsu: sinh ra trong thời điểm nào, ngoài đồng vắng, nghèo khổ và người nghèo đến thờ lạy.

Chuyện Giáng Sinh là chuyện của Thánh Gia: Chúa Giêsu, Đức Mẹ và Thánh Giuse…Nhưng chúng ta thấy trong Phúc Âm không nghe thấy một lời nào từ Ông Giuse. Còn Đức Mẹ thì suy niệm và giữ lấy mọi chuyện trong lòng. Rồi hai người, Ông Giuse và Đức Mẹ, không thấy có một trao đổi nào cả. Chúa Giêsu còn là hài nhi, không thể biết chuyện gì xảy ra. Như vậy ai đã kể lại chuyện Giáng Sinh cho các Thánh Sử?

Nhiều người cho rằng: Ông Giuse ít nói, chết sớm thì chắc là không kể chuyện Giáng Sinh rồi. Vậy chỉ con Đức Mẹ. Nhưng cũng khó có bằng chứng cho việc kể chuyện từ một người mà hai người viết chuyện lại khác nhau. Nên chúng ta đễ đi đến kết luận nầy: Chuyện kể chỉ có phần nhỏ, còn chuyện trình bày quan điểm thần học thì nhiều hơn. Nên câu chuyện tường thuật theo cái nhìn giáo lý thần học của các thánh sử. Hơn nữa, thời các tông đồ và Giáo Hội sơ khai, không có lễ Giáng Sinh, người ta chỉ tập trung vào lễ Hiển Linh và Phục Sinh. Kitô hữu sơ khai không ăn mừng lễ sinh nhật, vì họ cho rằng ăn mừng sinh nhật là làm theo thói quen của dân ngoại đạo thờ thần tượng. Nên họ không ăn mừng lễ giáng sinh của Chúa Giêsu trong suốt ba thế kỷ đầu. Đến thế kỷ thứ 4, người Kitô hữu mới bắt đầu ăn mừng lễ giáng sinh của Chúa Giêsu mỗi năm một lần, trùng vào ngày người La Mã hàng năm ăn mừng “Thần Mặt trời” (Feast of The SolInvictus) đem ánh sáng đến cho trần gian vào ngày 25 tháng 12. Các Kitô hữu đã nhân cơ hội này để tổ chức ăn mừng ngày Chúa Giêsu giáng sinh, đem ánh sáng và sự sống đến cho nhân loại (Gioan 8:12) trùng một ngày với ngày lễ “Thần Mặt trời” của người La Mã. Đến năm 312, Hoàng đế La Mã Constantine I theo Kitô giáo, ra lệnh hủy bỏ ngày lễ ăn mừng “Thần Mặt trời” và thay vào đó là ngày ăn mừng sinh nhật Chúa Giêsu. Đến năm 354, Giáo hoàng Libêrô công bố ngày 25 tháng 12 là ngày chính thức để cử hành lễ Giáng sinh của Chúa Giêsu.

Nên chúng ta có thể kết luận rằng: Không ai biết Chúa Sinh ra vào ngày nào và câu chuyện Giáng Sinh tình tiết như thế nào. Nhưng rồi tất cả đã làm thành tường thuật trong Kinh Thánh sau khi các tông đồ đã đi khắp nơi rao giảng tin mừng và hệ thống hoá Giáo Lý thần học của các Ngài. Tất cả chỉ nhằm trình bày chân lý: Chúa Giêsu là Con Thiên chúa, sinh xuống làm người như chúng ta để đồng hành với chúng ta trong cuộc sống trần gian và mang chúng ta về thiên đàng. Đó là lịch sử cứu độ mà Chúa Giêsu, Đấng cứu độ đã thực hiện.

III. Thực hành Phúc Âm:

Chúa Giáng Sinh cho nhân loại
Mỗi lần Giáng Sinh, có dịp làm hang đá, làm máng cỏ, tôi nhờ đến Cha Yến Dòng Chúa Cứu Thế. Trước năm 1975 Ngài phục vụ Trung Tâm Fatima địa phận Vĩnh Long. Hang đá ở Trung Tâm Fatima Vĩnh Long rất lớn và rất đẹp, nhưng năm nào, vào ngày 25.12 là không có Chúa Hài Đồng trong máng cỏ. Hang đá còn lại đủ mọi nhân vật theo truyền thống, chỉ trừ Hài Nhi Giêsu. “Chúa đi thăm dân ngoại!” tờ giấy đặt trong màng cỏ thay cho giải thích tại sao không có Chúa Hài Nhi trong máng cỏ.
Cha Yến mang Chúa Hài Nhi sang vùng đất của dân ngoại. Cha mang chúa đi thăm mọi người, cả Ông Đạo Dừa ở Cồn Phụng. Chúa sinh ra làm người cho nhân loại tức cho mọi người cả lương và giáo.
Tinh thần truyền giáo mang Chúa đền cho muôn dân nầy thật cần được khích lệ và cỗ võ ngày nay, nhất là ở Việt Nam mình. Việt Nam mình, có những vùng toàn tòng, tức chỉ toàn người công giáo. Linh mục là Cha, là một vị lãnh đạo tối cao trong vùng. Nên người ta cũng gọi vùng nầy là vùng có đạo. Như vậy đạo công giáo bị khoanh vùng. Càng khoanh vùng, đạo càng không phát triển. Càng khoanh vùng, Chúa Giêsu vẫn là hài nhi nằm trong máng cỏ chứ không là Đấng Cứư Thế giáng sinh cứu đời.

Lễ Giáng Sinh – Lễ Ban Ngày năm ABC

Sách Ngôn Sứ Isaia 52.7-10;
Thư Thánh Phaolô Tông Đồ gửi Giáo Đoàn Do Thái 1.1-6
và Phúc Âm Thánh Gioan 1.1-18

I. Giáo Huấn Phúc Âm:

Chúa Giêsu sinh làm con người trong thân phận một hài nhi đích thực là Con Thiên Chúa, là Alpha và Omega. Ngài là Thuỷ Chung.

Buổi đầu sáng tạo, đêm tối bao trùm. Ánh sáng được tạo thành trước tiên. Chúa Giêsu Giáng Sinh là Lời tạo thành, là ánh sáng khai mở cho một công trình sáng tạo mới.

Thiên Chúa sáng tạo, sinh dựng và cứu độ. Mọi hiện hữu hoàn toàn tuỳ thuộc vào Thiên Chúa.

II. Vấn nạn Phúc Âm:

Công Nguyên
Công nguyên được định nghĩa là Công Lịch Kỷ Nguyên, được dịch từ Anno Domini trong tiếng Latinh. Anno Domini là Năm của Chúa, hiểu là Năm Chúa Giáng Sinh. Không rõ tại sao trong tiếng Việt lại là Công Nguyên mà không bỏ từ CHÚA trong kiểu dịch nầy. Phải chăng nó cũng giống từ Red Cross, chữ thập đỏ. Dùng chữ “thập” để tránh từ Thánh Giá chăng? Hay cũng có người cho rằng hình thánh giá có hai gạch giống như chữ thập trong tiếng Hán?      Nhưng chữ thập trong tiếng Hán không hề mang ý nghĩa cứu độ của Thánh Giá mà Henry Dumant và đồng bạn, những bác sĩ người Công Giáo Thuỵ Sĩ đã thành lập năm 1863 ở Geneve để cứu những thương binh ngoài chiến trường.

Nhưng rồi muốn sao thì muốn, ai cũng phải hiểu Công Nguyên là là Năm Chúa Giáng Sinh. Chúa sinh làm con người trong lịch sử nhân loại. Chúa Giáng Sinh bắt đầu kỷ nguyên Thiên Chúa Giáo. Năm Chúa Giáng Sinh là năm 1 trong cách tính nhưng đúng là năm Zêro, năm phân chia lịch sử nhân loại thành hai giai đoạn trước Chúa Giáng Sinh (Before Christ) và sau Chúa Giáng Sinh (After Christ) Nếu coi ai đó như Voltaire, văn hào của Pháp chủ trương vô thần, không tin có Thiên Chúa thì cũng phải nói là Voltaire sinh năm 1694 sau Chúa Giáng Sinh. Nên lòng vòng rồi cũng phải nhìn nhận là Công Nguyên hay kỷ nguyên hay thời đại Kitô giáo (Christian era), cũng như Computer era (thời vi tính) tức Tây Lịch, lấy năm Chúa sinh làm tiêu chuẩn tính ngày giờ năm tháng lịch sử con người.

Đức Giáo Hoàng Gioan I yêu cầu một thầy dòng tên Dionysius Exiguus tính xem từ năm 527 cho đến 626, Lễ Phục Sinh sẽ rơi vào ngày nào? Ông dựa theo lịch của Roma được xử dụng từ năm 45 trước Công nguyên, được gọi là Julian Calendar (Julius Ceasar). Những lịch Công Giáo về sau nầy như Lịch Giáo Hoàng Grêgoriô thứ VIII cũng đã theo cách tính lịch của Dionysius Exiguus. Lịch Anno Domini lấy năm Chúa Sinh ra làm năm 1 Công Nguyên. Tuy nhiên vì lý do lầm lẫn sao đó mà Dionysius Exiguus tính năm Chúa sinh trễ hơn sáu năm. Theo Phúc Âm Matthêô 2:16 thì khi Chúa Sinh ra Hêrôđê cả vẫn còn sống và ra lệnh giết những trẻ sơ sinh từ hai tuổi trở xuống. Lịch sử cho biết Hêrôđê cả chết năm thứ 4 BC. Như vậy Chúa phải sinh 6 năm B.C. Nếu đây thật là sự tính sai của Dionysius Exiguus, thì chúng ta đang ở năm 2019 chứ không phải năm 2013. Không ai có thể hoán chuyển hay thay đổi ngày tháng của lịch sử. Cũng như không ai có thể chối rằng mình đang sống năm 2013 sau Chúa Sinh Ra. Nên Công Nguyên là năm Chúa Sinh ra. Chúa sinh bắt đầu thời đại Thiên Chúa Giáo. Nói khác đi Chúa là người làm nên lịch sử.

III. Thực hành Phúc Âm:

Thế giới vui tưng bừng đón Chúa Giáng Sinh
Các quốc gia Hồi Giáo cấm tín đồ mừng lễ Giáng Sinh. Họ muốn chối bỏ ơn cứu độ phổ quát. Nước Nhật cũng nhìn thấy lễ Giáng Sinh là một lễ của Tây phương. Nên người Nhật không chú trọng hay không muốn người dân chia sẻ văn hoá tôn giáo với người Tây Phương. Các nước cộng sản vài chục năm trước cũng đã cố gắng chận đứng hay hạn chế việc cử hành lễ Giáng Sinh. Nhưng rồi dần dà cũng xuôi theo khuynh hướng đám đông dân chúng. Hiện tại trên thế giới, không có chỗ nào không mừng chúa Giáng sinh. Người dân Tây phương đi làm quanh năm để dành tiền mừng lễ giáng sinh. Bao nhiêu cơ quan từ thiện bác ái đã chuẩn bị quà, mua gà tây để bà con nghèo được mừng lễ giáng sinh.

Ai cũng thấy càng ngày lễ Giáng Sinh càng bị trần tục hoá. Nhưng xét cho cùng, Chúa Giáng trần có nghĩa là Chúa bỏ trời xuống làm người phàm như chúng ta. Niềm vui Giáng Sinh, niềm vui đón mừng Con Chúa làm người lan tràn vào mọi ngỏ ngách của xã hội loài người. Cái xã hội mà không phải chỗ nào cũng thánh. Người ta không tin gì cả, trừ tin Chúa sinh làm người.

Tôi không thấy có gì khó chịu hay gọi là phải “keep Christ in Christmas”. Trào lưu đang đến như vậy mà. Có chận đứng cũng luống công. Chúng ta không cần hạn chế người ta đi mua sắm để keep Christ in Christmas. Chúng ta không cần buộc người ta phải dự lễ như chúng ta để keep Christ in Christmas. Bao lâu người ta biết mừng lễ Giáng Sinh là người ta đã tin nhận Chúa là niềm vui, là tin vui, là hồng ân cho muôn người rồi. Có nhiều người bắt đầu thích đi tu làm linh mục vì thấy linh mục ăn ngon. Chúa có khả hoán chuyển từ ước muốn trần tục thành siêu nhiên. Hãy bằng lòng và vui với niềm vui giáng sinh theo kiểu trào lưu trần thế nầy. Chúa đi vào đời để nối liền đất trời. Đó là cách thế cứu độ. Sau cùng Chúa sẽ chiến thắng! Chúa đến! là tin mừng, tin vui cho muôn người.