Sự phát triển và lớn mạnh của Nước Thiên Chúa | Chúa Nhật XI Mùa Thường Niên B | Vo Ha

506

vo ha

Đạo “Thiên Chúa” theo từ ngữ chính thức của Việt Nam hiện nay, được tín hữu của đạo nầy gọi là  Giáo Hội  Công Giáo. Nguyên gốc Hy Lạp, Latin, Catholic có nghĩa là phổ quát, rộng khắp cho mọi người không giới hạn phân biệt hay kỳ thị.

Từ 4.000 năm trước, Thiên Chúa đã chuẩn bị rất xa, bằng cách gọi ông Abraham từ thành Urs (Irắc hôm nay) di dân qua đất Do Thái và con cháu ông trở thành một dân tộc lớn dần từ đó. Rồi Chúa Giêsu Giáng sinh là người trong dòng giống nầy, coi như năm thứ I Công Nguyên, để canh tân Đạo của tổ tiên thành một nước Trời Mới.

Gọi là nước Trời vì  quốc gia của Người, tuy trên mặt đất, nhưng không thuộc về thế gian nầy (Gioan 18:36). Có nghĩa là thuộc lãnh vực tâm linh. Mà khi tinh thần vui vẻ, tâm hồn hoàn thiện thì cuộc sống ở đời nầy trở nên phúc lạc, theo niềm tin tôn giáo, sẽ đưa dẩn tới hạnh phúc đời sau.

Ta cùng đọc những Bài Lời Chúa bên dưới và xin Chúa soi sáng thêm.

Bài đọc I. Trích sách Tiên tri Êdêkiel, 17: 22-24

Đây Chúa là Thiên Chúa phán: “Chính Ta sẽ chặt ngọn cao nhất cây hương nam; Ta sẽ bẻ một chồi non từ ngọn mọc ra và sẽ đem trồng nó trên núi cao chót vót. Ta sẽ trồng nó trên đỉnh núi Israel, nó sẽ đâm chồi kết quả và trở thành cây hương nam vĩ đại; các thứ chim trời đều đến ẩn náu dưới thân cây và làm tổ dưới tàn nó. Tất cả những cây rừng đều biết Ta là Thiên Chúa, Ta đã hạ cây cao xuống và cho cây thấp mọc lên. Ta đã làm cho cây tươi ra khô héo, và làm cho cây khô trở nên xanh tươi. Ta là Chúa, Ta đã phán và đã hành động”.

Bài Đọc 2. 2 Cr 5 : 6-11.
Trích thư thứ hai của thánh Phaolô Tông đồ gởi tín hữu Côrintô.
Anh em thân mến, chúng ta hằng bạo dạn, vì biết rằng bao lâu sống trong thân xác này, là chúng ta lưu lạc xa Chúa, – vì chưng nhờ đức tin, chớ không phải vì đã thấy mà chúng ta tiến bước – Chúng ta cũng bạo dạn và ao ước thà lìa xa thân xác để ở cùng Chúa. Và vì thế, dù ở trong xác hay ra khỏi xác, chúng ta hãy cố gắng sống đẹp lòng Chúa. Bởi tất cả mọi người chúng ta đều phải phơi bày trước tòa án của Đức Kitô, để mỗi người lãnh lấy thành quả đời sống mình, tùy mình đã làm lành hay đã làm dữ.

PHÚC ÂM: Mc 4: 26-34
“Người kia đã gieo hạt xuống đất, rồi đi ngủ, hạt giống mọc lên thế nào người đó cũng không hay biết”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng dân chúng rằng: “Nước Thiên Chúa giống như người kia đã gieo hạt xuống đất: Người đó ngủ hay thức, đêm hay ngày, hạt giống cứ đâm mầm và mọc lên thế nào người đó cũng không hay biết nữa. Đất tự nó làm cây lúa mọc lên: Trước hết thành cây, rồi đâm bông, rồi kết hạt. Và khi lúa chín, người ấy liền gặt vì đã đến mùa”. Người còn phán: “Chúng ta sẽ lấy gì mà hình dung Nước Thiên Chúa? Hay dùng dụ ngôn nào mà so sánh Nước đó được? Nước đó giống như hạt cải, khi gieo xuống đất thì nhỏ bé nhất trong tất cả các hạt trên mặt đất. Nhưng khi gieo rồi, nó mọc lên thành cây rau lớn nhất, và đâm những cành to, đến nỗi chim trời có thể tới núp bóng được”. Người dùng nhiều dụ ngôn như thế mà rao giảng Lời Chúa cho họ, tùy sức họ có thể hiểu được và Người chỉ nói với họ bằng dụ ngôn, nhưng khi ở riêng với các môn đệ, Người giải thích tất cả cho các ông.

Đôi dòng ghi chú và tâm tình 

Trong Bài đọc 1, Tiên Tri Êdêkien củng cố tinh thần của dân Israel đang có vẻ vô vọng, khi phải sống trong cảnh lưu đày tại Babylon, bằng  câu chuyện ngụ  ngôn.

Cây hương nam là danh mộc của vùng Trung Đông. Thiên Chúa sẽ chặt ngọn cao nhất, ám chỉ Vua Nabuchodonosor. Ông và  đế quốc sẽ cắt ngọn, là bị tiêu diệt.

Thiên Chúa sẽ bẻ một chồi non từ ngọn, đem trồng trên đỉnh núi Israel và nó lớn lên thành cây hương nam vĩ đại. Đây là hình ảnh báo trước dân chúng sẽ được hồi hương, xây dựng đất nước hùng mạnh và thịnh vượng.

Những cây rừng khác, cả chim trời, ám chỉ những vua chúa và thế lực trần gian, sẽ nhận biết uy quyền của Thiên Chúa qua vinh quang phát xuất từ dòng dõi Israel.

 Qua bài Tin Mừng

“Nước Thiên Chúa giống như người gieo hạt xuống đất”. Chúa Giêsu rao giảng Nước Trời ở đây, khá xa lạ với cái nhìn con người, là phải mở mang bờ cõi bằng những đạo quân hùng mạnh.

Chúa Giêsu dùng hình ảnh hạt giống cây cỏ hoa màu để dạy môn đệ nguyên tắc xây dựng Nước Chúa: Nhỏ bé, âm thầm, bền bĩ. Đó là những đặc tính của hạt giống mà người gieo giống phải học, hiểu và áp dụng.

Tới đây, Nước Thiên Chúa  phải đươc hiểu là những giá trị tinh thần bên trong, phát xuất từ nội tâm, mà  Giêsu đã rao giảng trong Tin Mừng, như kiêm ái, yêu thương, tha thứ kể cả kẻ thù, làm cho người trước nhất những gì mình muốn người làm cho mình…

Tức là hạt giống mầm thiện của Nước Chúa sẽ dần dần mọc lên. Tuần tự nhi tiến, Nước Thiên Chúa sẽ lớn mạnh.

Nhìn lại, ta thấy Chúa Giêsu đã dùng các môn đệ gốc dân chày mở mang Nước Chúa. Tham vọng của các ông có chân trong Nội Các trần tục thì lớn, nhưng khả năng điều hành,  dù việc là trần thế, kể luôn sự  đạo, có thể sánh ví như hột cải.

Nhưng việc Chúa làm, khác với loài người. Miễn là các ông tận tâm tận lực gieo giống Nước Trời. Còn việc mọc lên và lớn mạnh là của Chúa.

Lịch sử Văn Minh Thế giới cũng cho thấy, Nước Trời hay Giáo Hội Chúa lúc đầu chỉ là một nhóm nhỏ bé các môn đệ và tín hữu thiện chí. Rồi bị bách hại gần 300 năm. Rồi Chúa soi cho Hoàng Đế Constantin ký Hiệp Ước Milan năm 313,  giúp  Giáo Hội tự do và dần dần trở thành quốc giáo. Sau đó, có rất nhiều lúc các vua chúa và thế lực trần gian – chim trời – cũng tới núp bóng.

Nhưng rồi lịch sử đạo đời, lúc nào cũng có thăng có trầm. Trong những giai đoạn khó khăn, coi như là lúc Chúa thanh lọc Giáo Hội. Và cũng chính là lúc Hội Thánh – cụ thể là mọi thành phần dân Chúa – thu tập nhiều sức sống tinh thần nhiều nhất, hơn là trong  những giai đoạn vàng son.

Sống một âm thầm và kiên trì với những giá trị Tin Mừng mà mình tin tưởng, trong đời sống hằng ngày, là một trong những phương cách cụ thể, gieo trồng hột giống Nước Trời hữu hiệu hôm nay.

Xin thêm, những giá trị tinh thần trong Bài đọc 2, đã có sẵn trong luân lý dân tộc Việt từ ngàn xưa.

Mọi người cuộc đời đều có kinh nghiệm về cuộc sống bấp bênh và đau khổ đang bủa vây như đang trong tình trạng lưu đày. Lý do, theo thánh Phaolô, vì ta sống xa cách Thiên Chúa là nguồn hạnh phúc.

Nhờ đức tin, một ngày nào đó, ta sẽ thoát cảnh lưu đày mà về cùng Chúa. Trong khi chờ đợi ngày đoàn tụ, ta cố gắng sống đẹp lòng Chúa – tuân giữ luật Chúa –  để được thành quả tốt. Câu cuối của trích thư cũng lưu ý thêm rằng mình phải chịu trách nhiệm về việc lành dữ của mình. Điều nầy ông bà cha mẹ Việt Nam ta cũng từng răn dạy qua ca dao: Có công thì thường, có tội thì trừng.

Tóm lại, có những thời hạt giống Tin Mừng được vun trồng, nhưng có vẻ như ngủ yên qua thời gian dài mùa đông, có khi qua nhiều thế hệ, phải chờ đợi đủ duyên mùa xuân mới phát triển và cho huê lợi. Hột giống máu đào của Cha Trương Bửu Diệp đổ ra tại Tắc Sậy 1946, phải chờ tới 1988 mới nẩy mầm, đâm chồi và ngày càng mang ích lợi cho những ai có đức tin chân chính vào Chúa. Hột giống Đức Tin Công Giáo mà nhóm của Cha Ngô Phúc Hậu gieo trồng tại vùng Năm Căn GP Cần Thơ,  từ 1971 – 1975, vẫn còn đang chờ đợi mùa Xuân.

Xin dâng lời cầu.

  • Chúa đã trao nhiệm vụ gieo hạt giống Tin Mừng và xây dựng Nước Trời cho các môn đệ xưa và cho chúng con  hôm nay. 
  • Xin cho Nước Chúa hữu hình trên trần gian, là Hội Thánh Chúa, càng ngày thêm  phát triển và vững mạnh.
  • Xin cho những giá trị tin thần trong Phúc Âm của Chúa, giúp canh tân và xây dựng lại thế giới hôm nay.
  • Xin Chúa chỉ dẩn và nâng đỡ đặc những người đang âm thầm gieo vải hạt giống Nước Trời trong môi trường sống. Amen.