Giáo Lý Phúc Âm Chúa Nhật XXXIII Thường Niên B | Lm. Peter Trần Thế Tuyên

540

CHÚA NHẬT XXXIII QUANH NĂM

Sách Ngôn Sứ Đanien 12.1-8;
Thư Thánh Phaolô gửi tín hữu Do Thái 10.11-14.18
và Phúc Âm Thánh Matcô 13.24-32

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Trong những ngày ấy, sau cảnh khốn cực, mặt trời sẽ ra tối tăm, mặt trăng sẽ mất sáng, các ngôi sao sẽ từ trời rơi xuống và các sức mạnh trên trời sẽ bị lay chuyển. Bấy giờ thiên hạ sẽ thấy Con Người ngự đến trên đám mây với đầy quyền năng và vinh quang. Và bấy giờ Người sẽ sai các thiên thần của Người đi quy tụ những kẻ đã được tuyển chọn từ khắp bốn phương, từ chân trời cho đến cùng kiệt trái đất. Nhìn vào cây vả, các con hãy tìm hiểu dụ ngôn này. Khi nó đâm chồi nảy lộc, các con biết rằng mùa hè gần đến. Cũng vậy, khi các con nhìn thấy tất cả những điều đó xảy ra, thì các con hãy biết là Người đã tới gần ngoài cửa rồi. Thầy bảo thật các con: Thế hệ này sẽ chẳng qua đi trước khi mọi sự đó xảy đến. Trời đất sẽ qua đi, nhưng lời Thầy nói sẽ chẳng qua đi. “Còn về ngày đó hay giờ đó, thì không một ai biết được, dù các thiên thần trên trời, dù Con Người cũng chẳng biết, chỉ có mình Cha biết thôi”. Ðó là lời Chúa.

Diễn ý: 

Thế giới vật chất tận cùng,
Trời đất lay chuyển, hãi hùng khắp nơi.
Mặt trăng tinh tú sao rơi,
Kinh hoàng dưới đất, trên trời sấm vang.

Con Người ngự đến vinh quang,
Thần sứ Thiên Chúa rao ban lệnh truyền.
Những ai đặc tuyển hưởng quyền,
Tắm máu chiên thánh tinh tuyền phúc vinh.

Khôn ngoan ánh mắt phải tinh,
Điềm Ngài gấn đến, hy sinh làm lành.
Không cần phải nói rõ rành,
Ngày giờ năm tháng thôi đành bó tay.

Không biết là tốt là hay,
Sẵn sàng chuẩn bị đón ngay Chúa vào.
Sống đạo sống thánh tự hào,
Lúc nào Ngài đến đón chào quang lâm. Amen.

I. Sứ điệp Phúc Âm:

“Thời đó, dân ngươi sẽ thoát nạn”

Sấm ngôn trong sách Tiên Tri Đanien tiên báo về thời cánh chung, thời mà ơn cứu độ được ban cho người công chính và sự ô nhục được dành cho kẻ bất trung.

“Thiên Chúa sẽ tập hợp những kẻ được Người tuyển chọn từ bốn phương”.

Sấm ngôn trong Phúc Âm Matcô hôm nay. Ngày thế mạc sẽ đến. Đó là ngày khốn khổ và luận phạt cho kẻ bất trung, nhưng cũng là ngày hạnh phúc cho những ai kiên vững trong đức tin.

Người theo Chúa là người biết quan sát những những biến cố trong đời sống và nhận ra sứ điệp của Thiên Chúa, để luôn sống tỉnh thức và vững tâm trước muôn ngàn thử thách.

II. Dẫn giải có liên quan Phúc Âm:

Các sách Ngôn Sứ hay các sách Tiên Tri

Như chúng ta đã nói: Ngôn sứ là người được Thiên Chúa sai đến để thay mặt Chúa làm phát ngôn viên của Chúa. Sứ mạng của các vị này là vạch cho dân thấy lỗi lầm của họ, kêu gọi họ quay về trung thành với giao ước, khuyên bảo, răn đe, loan báo hình phạt và ơn cứu độ. Có trường hợp chính các vị ấy viết lại, hoặc đọc cho môn đệ viết (x. Gr 36,1-4) những lời đã rao giảng, nhưng phần nhiều là do các môn đệ ghi chép, sưu tập những lời các vị ấy đã rao giảng. Do đó các sách thường có một lịch sử biên soạn phức tạp. Sau sách Luật (Ngũ Thư) thì sách Ngôn Sứ là phần quan trọng nhất, bởi vì các ngôn sứ thường vạch cho Dân Chúa thấy trong thực tế họ đã vi phạm giao ước như thế nào và chỉ đường vạch lối cho họ biết sống thế nào cho đúng là Dân của Thiên Chúa. Các ngôn sứ loan báo sự trừng phạt tội lỗi và lời hứa ban ơn cứu độ. Các lời hứa này thường đưa vào một viễn tượng lớn hơn, xa hơn của kế hoạch cứu độ phổ quát trong Ðức Giêsu Kitô. Do đó sách Ngôn Sứ được Chúa Giê-su và các Tông Ðồ sử dụng nhiều nhất để giải thích mầu nhiệm Chúa Giêsu Kitô, Giao Ước mới và Dân mới của Thiên Chúa. Sách Ngôn Sứ luôn có tính hiện đại, vì các ngôn sứ phân tích và dạy dỗ về mối tương quan với Thiên Chúa và với nhau trong cuộc sống hàng ngày.

Sách tiên tri Ðanien

Thực chất là một cuốn sách thuộc thể loại “khải huyền”, mạo xưng là của một nhân vật thời lưu đày. Sách được viết vào thời kỳ Antiôkhô Êpiphanê bách hại (167-164), trước khi cuộc nổi dậy của anh em Macabê thành công. Mục đích nhằm an ủi, khích lệ Dân Chúa giữ vững niềm tin trong cơn thử thách.

Sự ứng nghiệm của Sấm Ngôn Đanien

Đanien đã gây ngỡ ngàng là ông cắt nghĩa chiêm bao của vua Nebuchadnezzar

Đanien đã tiên đoán những sự việc trong tương lai rất là ngoạn mục. Chẳng hạn lời tiên tri “70 tuần” ghi trong Đanien 9:24-27. “Đanien đã báo trước chính xác năm Chúa Kitô xuất hiện và bắt đầu sứ vụ rao giảng là năm 27 AD”.

Một tiên đoán khác của Đanien đã gây ngỡ ngàng là ông cắt nghĩa chiêm bao của vua Nebuchadnezzar nói ở chương 2. Vào năm trị vì thứ 2, vua Babylon đã có một ác mộng mà không một quân sư nào có thể giải nghĩa được. Dân Babylon thì tin vào mộng mị chiêm bao, cho nên giấc chiêm bao này, đối với vua Nebuchadnezzar, nó rất quan trọng. (Daniel 2:1-3).

Giấc mộng của vua đã mở ra cho chúng ta thấy “chương trình của Chúa qua nhiều thời đại cho đến ngày Chúa Kitô khải hoàn” và cũng cho ta thấy “diễn biến các cường quốc trên thế giới tuần tự chiếm đóng vùng Cận Đông cho đến lúc đấng Thiên Sai toàn thắng trong những ngày cuối cùng”.

Trời đất sẽ qua đi, nhưng những lời Thầy nói sẽ chẳng qua đâu. “Còn về ngày hay giờ đó thì không ai biết được, ngay cả các thiên sứ trên trời hay người con cũng không, chỉ có Chúa Cha biết mà thôi.”

Trời đất sẽ qua đi, nhưng lời Thầy nói sẽ chẳng qua đâu: Lời Chúa chân lý trường tồn. Vũ trụ vật chất sẽ có ngày tan biến, nhưng Lời Đức Giêsu sẽ luôn tồn tại nhờ quyền năng của Thiên Chúa.

Về Ngày Giờ đó: Câu này nói về ngày tận thế sẽ xảy ra và chỉ có Thiên Chúa Cha biết mà thôi. Đúng vậy, Đức Giêsu với tư cách là Thiên Chúa thì Người biết điều đó, nhưng với tư thế là con người nhân loại như chúng ta thì Ngài không biết. Đức Giêsu vốn dĩ là Thiên Chúa, với tư cách là Ngôi Lời, đồng bản tính vơi Chúa Cha nên dĩ nhiên Người biết mọi sự giống như Chúa Cha. Nhưng với tư cách là Đấng Thiên Sai, Người “nên giống chúng ta mọi đàng chỉ trừ không có tội” (x. Gl 4,4), nên Người không biết được Ngày Giờ ấy, hầu mọi người phải luôn tỉnh thức sẵn sàng chuẩn bị cho ngày ấy (x. Mc 13,33).

III. Thực hành Phúc Âm: 

Trường thọ – Sống lâu.

Quan sát chung quanh, chúng ta thấy gì?

Chúng ta thấy người càng giàu thì càng sợ chết và tìm cách kéo dài tuổi thọ như uống sâm hàn hay ăn mật gấu trắng. Người giàu sợ chết nhưng lại không ngừng thu gom và tích luỹ. Có người tích luỹ bằng cách mua hàng chục căn nhà. Có người thích mua sắm giường chõng, salon phòng khách toàn loại hàng đắt tiền hiếm quí … Có những ông nhà giàu sắm bồ nhí mang vô buồng coi chơi… chứ không sao còn sức thoả mãn nhục dục. Những người nầy sợ chết, biết cái chết đang đến nhưng lại thiếu khôn ngoan để chuẩn bị.

Không một người giàu nào chịu mình ngu đâu. Ngu sao làm giàu được. Tuy nhiên họ không khôn ngoan. Khôn ngoan là chính Chúa. Không tin Chúa thì làm sao có khôn ngoan? Càng suy nghĩ, chúng ta càng thấy Chúa là Đấng khôn ngoan tuyệt đối: Nắm phần chắc đời người tức sinh và tử. Giàu có cách mấy, quyền chức cao cỡ nào cũng không bất tử… chỉ có Chúa bất tử mà thôi.

Chúng ta nên ước muốn sống thọ và làm cho mình sống thọ. Tuy nhiên sống thọ không có nghĩa là bất tử. Sống thọ là ơn phúc Chúa ban, luôn kèm theo tâm tình tạ ơn Chúa bằng đời sống đạo đức, đời sống bác ái và đời sống chuẩn bị ra đi lúc nào đó. Xin Chúa cho con ơn biết là mình sẽ phải chết bất cứ lúc nào, để không bám víu vào những cái không đem theo sang đời sau cũng như để sống quảng đại, khiêm tốn và yêu thương hơn.