Giáo Lý Phúc Âm Chúa Nhật VII Thường Niên, C | Lm. Peter Trần Thế Tuyên

330

CHÚA NHẬT VII QUANH NĂM

Sách Samuel quyển I 26.2.7-9, 12-23, 22-23 ;
Thư I Thánh Phaolô gửi Côrintô 15.45-49
và Phúc Âm Luca 6.27-38

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

https://www.reform-magazine.co.uk/wp-content/uploads/2022/01/Chap-Verse-Feb22.jpg

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Thầy bảo các con đang nghe Thầy đây: Các con hãy yêu kẻ thù, hãy làm ơn cho những kẻ ghét mình, hãy chúc phúc cho những kẻ nguyền rủa mình, hãy cầu nguyện cho những kẻ vu khống mình. Ai vả má con bên này, thì đưa cả má bên kia; ai lột áo ngoài của con, thì con cũng đừng cản nó lấy áo trong. Ai xin, thì con hãy cho và ai lấy gì của con, thì đừng đòi lại. Các con muốn người ta làm điều gì cho các con, thì hãy làm cho người ta như vậy. Nếu các con yêu những kẻ yêu các con, thì còn ân nghĩa gì nữa? Vì cả những người tội lỗi cũng yêu những ai yêu họ. Và nếu các con làm ơn cho những kẻ làm ơn cho các con, thì còn ân nghĩa gì? Cả những người tội lỗi cũng làm như vậy. Và nếu các con cho ai vay mượn mà trông người ta trả lại, thì còn ân nghĩa gì? Cả những người tội lỗi cũng cho những kẻ tội lỗi vay mượn để rồi được trả lại sòng phẳng. Vậy các con hãy yêu kẻ thù, hãy làm ơn, và cho vay mượn mà không trông báo đền. Phần thưởng của các con bấy giờ sẽ lớn lao, và các con sẽ là con cái Ðấng Tối Cao, vì Người nhân hậu với những kẻ bội bạc và những kẻ gian ác. Vậy các con hãy ở nhân từ như Cha các con là Ðấng nhân từ. Ðừng xét đoán, thì các con sẽ khỏi bị xét đoán; đừng kết án, thì các con khỏi bị kết án. Hãy tha thứ, thì các con sẽ được tha thứ. Hãy cho, thì sẽ cho lại các con; người ta sẽ lấy đấu hảo hạng, đã dằn, đã lắc và đầy tràn mà đổ vào vạt áo các con. Vì các con đong đấu nào, thì cũng sẽ được đong trả lại bằng đấu ấy”. Ðó là lời Chúa.

Diễn ý:  

Các con hãy yêu kẻ thù:
Làm ơn, chúc phúc, kẻ dù ghét con.
Cầu nguyện cho kẻ đánh con.
Chìa luôn má nữa, tát cho đồng đều.

Yêu là thí mạng đánh liều,
Áo trong áo khoát một điều cho luôn.
Xin-Cho! kể bỏ kể buông,
Mượn gì? thoả đáp! không buôn kiếm lời.

Ân đền oán trả! Ối giời!
Ai làm chả được nhiều lời mất công!
Sống đạo, cao vượt trên không:
Lấy ân báo oán mới mong con Trời.

Nhân từ lấy đức ở đời,
Đừng xét đừng đoán lắm lời gièm pha.
Chúng con chỉ có một Cha,
Tốt lành nhân ái thứ tha mọi người. Amen.

I. Sứ điệp Phúc Âm:

  • Cựu Ước hay luân lý Do Thái là ân đền oán trả. Giáo huấn của Tân Ước, của luân lý đạo mới phải siêu việt và hoàn thiện là ân báo oán, là phải yêu thương kẻ thù.
  • Yêu thương kẻ thù không chỉ có nghĩa là tha thứ hay bỏ qua, nhưng còn phải làm ơn, cầu nguyện, cầu phúc cho kẻ ghét mình.
  • Mọi người là anh em với nhau vì có chung một Cha nhân từ trên Trời, ban mưa ơn phúc cho kẻ lành người dữ.

II. Dẫn giải liên quan Phúc Âm:

Tại sao Chúa dạy: yêu thương kẻ thù! Làm ơn và cầu nguyện cho kẻ ghét mình… xem chừng nghịch lý với đời thường và không làm thay đổi gì thế giới đầy hận thù nầy?

Yêu thương kẻ thù là hoàn thiện hoá lể luật Cựu Ước: mắt thế mắt răng đền răng.

Yêu thương kẻ thù là cách để từ bỏ, để lột xác thành con người mới trong đạo Tân Ước, được coi như một gia đình của Chúa, có Chúa là Cha và chúng ta là anh chị em với nhau.

Thù hận là bị trói buộc và sốjg trong tiêu cực, làm tắt nghẽn hiệp thông.

Yêu thương kẻ thù ban cho con người bình an tâm hồn.

Phải, yêu thương kẻ thù, giáo huấn nghịch thường, nhưng làm cho con người bình thường sống trọn nhân cách: đầu đội Trời chân đạp đất, thờ Chúa và sống huynh đệ với người khác.

Giáo huấn “Yêu thương kẻ thù” không làm thay đổi thế giới đầy hận thù nầy. Thế giới con người có từ thuở nào và kéo dài cho đến lúc nào, chúng ta không biết. Đời sống chúng ta quá ngắn không chứng kiến những thay đổi từ thù hận sang tình nghĩa huynh đệ…  Tuy nhiên, chúng ta thấy con người có thực hành giáo huấn yêu thương kẻ thù. Bằng chứng: Có rất nhiều tổ chức từ thiện bác ái trên thế giới như Liên Hiệp Quốc, như Hội Hồng Thập tự, như tổ chức Huynh đệ không biên giới, những food bank, những helping hands… Nhiều và rất nhiều và thế giới bớt đi nhiều thù hận.

Chúa dạy ai tát má nầy thì đưa luôn má kia… Sao Chúa không đưa má bên kia cho anh lính tát đêm bị bắt và xét xử… mà còn hỏi: sao anh tát tôi?

“Tát má nầy, đưa luôn má kia…” Không có nghĩa khuyến khích bất công hay chấp nhận đàn áp. Nhưng có nghĩa là không tát lại trả thù… và nhẫn nhịn chịu đựng. Trong thực tế, chúng ta dung từ “đánh nhau” tức cả hai bên cùng đấm đá hay bắn giết nhau… nhưng nếu, chi một bên đánh và bên kia chịu bị đánh thì….người đánh sẽ bị kết án là bạo lực hay đàn áp.

Chúa không đánh lại anh lính tát mình, nhưng chỉ hỏi: Sao anh lại tát tôi, tôi làm gì sai? Ai cũng thấy đây là bạo lực và đàn áp. Anh lính không tát nữa, có lẽ đã nhận ra hành động đàm áp của mình chăng?

III. Thực hành Phúc Âm:

Tôi là người Kitô hữu

 Vào khoảng năm 300, Rôma là thành phố lớn nhất thế giới, một thành phố rất nổi danh và sang trọng. Trong thành có nhà thông thái Marius Victorin, ông đuợc mọi người biết tiếng , ông đã dạy dỗ những thanh niên thuộc gia đình quyền quý trong nhiều năm. Victorin nổi tiếng đến độ dân thành Rôma đã quyết định dựng tượng của ông giữa quảng trường thành phố ngay lúc ông còn sinh thời. Tiếc thay, ông là người ngoại giáo và đã khinh thường Kitô giáo trong một thời gian khá dài. Ông cho rằng tôn giáo này chỉ tốt cho những người nghèo, chứ không tốt với những người học thức như ông.

Khi tuổi đã cao, ông bắt đầu đọc Tin Mừng, những bản văn đã làm ông thích thú. Dần dần, ông cảm thấy trong lòng một ước muốn được trở thành người Kitô hữu.Ông đi gặp một linh mục tên là Simplicien, cùng đàm đạo với ngài và cả hai trở thành bạn thân. Ông nói với cha:

– Cha biết, trong lòng tôi, tôi là một người Kitô hữu .

Mỗi lần ông nói như vậy, ngài lại nói với ông :

– Tôi sẽ tin ông khi tôi thấy ông đến nhà thờ cùng với các Kitô hữu khác .

Victorin mỉm cười trả lời :

– Phải chăng việc đến nhà thờ làm cho người ta trở thành người Kitô hữu sao ?

Nhưng một ngày kia, Victorin thấy mình thật thiếu can đảm. Và ông đã nói với cha Simplicien đừng chờ đợi nữa :

– Chúng ta hãy đến nhà thờ, tôi muốn trở thành người Kitô hữu .

Vào thời đó, những tân tòng được rửa tội vào lễ phục sinh.Trước đó tám ngày thường có một cuộc hội họp cho mọi kitô hữu trong thành phố và những người sửa soạn lãnh nhận bí tích rửa tội sẽ từng người một, bước lên bục cao, để nói với mọi người rằng họ tin vào Thiên Chúa và tin vào Đức Giêsu Kitô. người ta gọi việc này là tuyên xưng đức tin. cha Simplicien nói với ông :

– Nếu anh ngại lên tiếng trước đám đông, anh c& thể tuyên xưng đức tin ngay sau nghi thức này, ở một nơi kín đáo và chỉ với một mình tôi thôi.

Nhưng Victorin trả lời :

– Xưa kia tôi đã công khai nói là mình chống lại Kitô giáo, bây giờ tôi cũng muốn công khai tuyên bố rằng tôi là một Kitô hữu.

Khi Victorin leo lên bục cao, mọi người nhận ra ông: Có những tiếng thì thầm, rồi những tiếng vỗ tay, tiếng hoan hô. Người ta nói với nhau :”Victorin, là Victorin đó ” và tức thì mọi người im lặng. Victorin đọc lời tuyên xưng đức tin chậm rãi, mạnh mẽ và đầy xác tín. Mỗi người đều muốn ôm ông vào lòng. Và thực tế thì ông đang thật sự ở trong tim mọi người, nhờ tình yêu của Chúa . Tám ngày sau, ông được lãnh nhận bí tích rửa tội .

Thông Reo sưu tầm