Bài giảng Chúa Nhật XXXI Quanh Năm, C

1305

Thơ diễn ý:

Gia kêu thu thuế, thân lùn,
Cây sung cao lớn được dùng náu than.
Chắc rằng Chúa phải bước chân,
Qua đây, ta ngắm rõ nhân tướng Ngài.

Không ngờ lật ngược ván bài,
Chúa nhìn Chúa biết phải “chài” Gia-Kêu.
Xuống mau! Ta muốn một điều:
Ở lại, cơm nước, chuyện nhiều lắm đây!

Gia-Kêu tuột xuống như bay,
Đón Chúa về nhà, bày ngay tiệc mừng.
Ơn Chúa hoán cải không ngừng,
Gia-Kêu dõng dạc chưa từng trước đây.

Nửa phần gia sản cho ngay,
Giúp người nghèo khổ vận may không còn.
Nếu tôi đã lỡ rút bòn,
Xin đền gấp bốn, cho tròn nghĩa nhân. Amen.

A. Video bài giảng

CHÚA NHẬT XXXI QUANH NĂM

Sách Ngôn Ngoan 11.22-12:2;
Thư Thứ Hai của Thánh Phaolô gửi tín hữu Tessalonica 2.11-2:2 
và Phúc Âm Thánh Luca 19.1-10

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Luca

Sau khi vào Giê-ri-khô, Đức Giê-su đi ngang qua thành phố ấy. Ở đó có một người tên là Da-kêu; ông đứng đầu những người thu thuế, và là người giàu có. Ông ta tìm cách để xem cho biết Đức Giê-su là ai, nhưng không được, vì dân chúng thì đông, mà ông ta lại lùn. Ông liền chạy tới phía trước, leo lên một cây sung để xem Đức Giê-su, vì Người sắp đi qua đó. Khi Đức Giê-su tới chỗ ấy, thì Người nhìn lên và nói với ông: “Này ông Da-kêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông!”. Ông vội vàng tụt xuống, và mừng rỡ đón rước Người. Thấy vậy, mọi người xầm xì với nhau: “Nhà người tội lỗi mà ông ấy cũng vào trọ!”. Ông Da-kêu đứng đó thưa với Chúa rằng: “Thưa Ngài, đây phân nửa tài sản của tôi, tôi cho người nghèo; và nếu tôi đã chiếm đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn.” Đức Giê-su mới nói về ông ta rằng: “Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà này, bởi người này cũng là con cháu tổ phụ Áp-ra-ham. Vì Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất.”
Đó là Lời Chúa! Lạy Chúa Kitô, ngợi khen Chúa!

I. Giáo huấn Phúc Âm

Thiên Chúa là tình yêu được thể hiện qua việc tìm kiếm, hoán cải người tội lỗi, để tất cả mọi người đều được cứu độ.

Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế duy nhất. Phải tìm gặp Ngài để nhận ơn cứư độ.

II. Vấn nạn Phúc Âm:  

1. Chủ đề Phúc Âm Thánh Luca được trình bày trong các Chúa Nhật gần đây: Chúa là tình yêu, Đấng thương xót, chữa lành, hoán cải và cứu độ nhân loại.

Luôn tin vào Thiên Chúa tình yêu. Hãy để Thiên Chúa hành động qua mọi công việc như được trình bày trong bài Phúc Âm Luca 17. 5-10, Chúa Nhật thứ 27 Mùa Quanh Năm, khi các tông đồ xin Chúa tăng thêm đức tin cho họ. Dù đức tin nhỏ bé chỉ bằng hạt cải, nhưng với Thiên Chúa quyền năng, họ có thể chuyển núi dời non.

Mười người phung cùi đã tin vào Thiên Chúa tình yêu và kêu cứu “Lạy Thầy Giêsu, xin dủ lòng thương chúng tôi!” Họ đã được toại nguyện, tất cả được chửa lành, được phục hồi nhân phẩm làm con cái Thiên Chúa như đã được tường thuật trong Phúc Âm Luca  17.11-19, Chúa Nhật 28 Mùa Quanh Năm.

Thiên Chúa là tình yêu sẵn sàng nghe lời kêu cứu của người nghèo và bị áp bức. Điều nầy được tìm thấy qua dụ ngôn bà goá kiên tâm kêu oan và Ông quan toà tắc trách. Thiên Chúa tình yêu là cha chúng ta, không lẽ Ngài không nghe lời chúng ta cầu xin và ban cho chúng ta những ơn cần thiết. Chủ đề nầy được tường thuật trong Phúc Âm Luca 18.1-8, trong Chúa Nhật 29 Quanh Năm vừa qua.

Thiên Chúa là tình yêu sẵn sàng ban ơn công chính cho ai xin như trong câu chuyện hai người lên đền thờ cầu nguyện. Người Biệt Phái tưởng mình đã công chính, nên không xin ơn công chính hoá, mà chỉ đòi Chúa trả công. Trái lại người thu thuế tội lỗi, đấm ngự sám hối, kêu xin lòng thương xót Chúa và được ơn hoán cải. Luca đã trình bày thật sống động hai con người khác biệt: Người Biệt Phái không nhận ra Thiên Chúa tình yêu, mà Thiên Chúa của ông chỉ là một người nghe, ông kể công và ban thưởng theo kiểu công thức toán học. Trái lại, người thu thuế, ý thức về tội và cũng ý thức về tình yêu tha thứ của Thiên Chúa, nên đã để tình yêu Chúa chinh phục mình và nhận ơn cứu độ Chúa ban. Điều nầy thấy rõ trong Phúc Âm Luca 18.9-14 được đọc trong Chúa Nhật 30 vừa qua.

Chúa Nhật 31 quanh năm nầy, Phúc Âm Luca 19.1-10 trình bày không phải là dụ ngôn, nhưng là cầu chuyện có thực: Thiên Chúa là tình yêu, đích thân đi tìm người tội lỗi và làm bạn với họ. Vì Thiên Chúa tình yêu nhập thể và nhập cuộc, nên đã hoán cải tội nhân và mọi người đều được cứu độ. Tuy nhiên, tội nhân cần “tò mò” tìm gặp Chúa và Chúa sẽ ngước mắt yêu thương mời gọi họ nhận ơn cứu độ.

2. Tường thuật thú vị và ý nghĩa trong Phúc Âm Luca về chuyện ông trùm thuế vụ Gia -Kêu: Người lùn và bị đời coi khinh – Cây cao cho ông thấy Đấng tối cao đang dưới thấp – Ơn hoán cải: Sự nâng cao.

Như đã nói, người thu thuế làm việc cho đế quốc La Mã, thu thuế trên chính đồng hương mình. Trước mắt mọi người, thu thuế bị khinh ghét và xếp vào hàng tội lỗi đáng xa tránh. Gia Kêu trong bài Phúc Âm hôm nay bị đáng ghét gấp hai lần: Ông là trùm thâu thuế, tức ông đấu thầu quyền thâu thuế. Ai thắng thầu thì phải trả tiền trước cho La Mã, sau đó đi mướn người thâu thuế lại từ dân. Dáng vấp ông lại thiếu thước tấc, thấp lùn khó có cảm tình. Người dân quê Việt Nam cũng hay nói: Đừng chơi nhà thằng lé, đừng ghé nhà thằng lùn!

Gia Kêu thấp lùn trong dáng vấp mà còn tội lỗi thấp hèn. Cây Sung trong bản văn tiếng Việt không diễn tả đúng lắm cây sykomorea, một loại cây vừa có thân chỉ khá cao, nhưng đồng thời cũng nhiều cành lá sum xuê rợm bóng mát. Đặc tính của loại cây sung nầy là dễ leo lên, cũng như có thể nằm tựa trên những thân phụ rất lớn của cây. Cây Sung trong câu chuyện Gia Kêu là một thể loại diễn tả một trung gian, một người giúp người lùn, hay người thấp bé tội lỗi nâng mình lên cao. Từ đó người lùn hay thấp hèn tội lỗi nấy có thể nhìn thấy những hành động trần tục, tội lỗi hay tham lam xấu xa của mình. Cách chung là được nâng lên khỏi thế tục.

Thiên Chúa Đấng tối cao đang đồng hành với người trần dưới đất thấp hèn: Cây Sung cao đưa Gia Kêu lùn và thấp hèn lên cao để nhìn thấy Thiên Chúa cao cả. Nhưng Thiên Chúa tối cao nầy là Đấng làm người, Đấng bỏ trời cao xuống làm bạn với người thấp hèn tội lỗi. Từ trên cây cao hay nhờ ơn Chúa, Gia Kêu, người lùn và thấp hèn nhìn ra Thiên Chúa tình Yêu nhập thể đang đồng hành với con người thấp hèn. Ơn hoán cải bắt đầu: Nhờ Chúa ngước mắt nhìn thấy người lùn thấp hèn đang muốn được nâng lên cao.

Ơn hoán cải: Nâng lên cao. Chúa ngước mắt nhìn thấy Gia Kêu và biết ông muốn gì: Ông muốn thấy Chúa như thế nào? Chúa là Thiên Chúa tình thương đến để kêu gọi người tội lỗi. Ngài đề nghị về nhà ông ăn cơm tối. Thiên Chúa, Đấng cao cả đồng bàn với người lùn thấp hèn tội lỗi. Biến cố nhớ đời cho Gia Kêu: Lần đầu tiên có người không khinh ghét và xa tránh ông, lại đến làm bạn với ông. Chúa đến, nâng ông lên khỏi những gì là tham lam, tội lỗi và phù hoa: Thưa Ngài, này đây phân nửa tài sản của tôi, tôi cho người nghèo; và nếu tôi đã cưỡng đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn!” Chúa Giêsu ban ơn tha tội cho Gia Kêu: Hôm nay ơn cứu độ đã đến cho nhà nầy, bởi người nầy cũng là con cháu tổ phụ Abraham. Vì Con Người đến để tìm và cứu những gỉ đã mất”.

3. Thành phố Giêricô là một trong những thành phố cổ nhất thế giới, tuổi già của nó đã hơn 8.500 năm trước Công nguyên. Giêricô cách thủ đô Giêrusalem chừng 27 cây số về phía Đông Bắc, ở độ thấp hơn 300 mét so với mặt biển, toạ lạc ở khoảng cách chừng 15 cây số, nơi sông Giôđan đổ vào biển chết và cách bờ sông chừng sáu cây số.

Giêricô nguyên ngữ từ tiếng Do Thái YERAH, có nghĩa là mặt trăng hay tháng hay tuần trăng mới. Người ta đoán rằng, có thể những thổ dân đầu tiên của Giêricô thờ thần mặt trăng và quan sát sự xuất hiện của trăng mà dự đoán thời tiết cho canh nông chăng? Ưu điểm thiên nhiên của Giêricô là nước. Nước rất dồi dào, nên cây cối nhất là dừa rất tốt. Từ đó có tên thành phố Cây Dừa, đặc biệt là cây chà là.

Du khách đến thăm Giêricô không thể bỏ qua những di tích lịch sử, đặc biệt cung điện Mùa Đông của Hêrôđê Cả. Trên một ngọn đồi, Hêrôđê đã thiết kế cho mình một vương quốc thật an toàn, đề phòng sự lấn chiếm của La Mã. Ai cũng phải trầm trồ khen ngợi tài thiết trí và phòng bị của Hêrôđê Cả: Cổng thành rất kiên cố, lối thoát thân kín đáo khi bị phong toả, nhất là hệ thống dẫn nước từ trên núi xuống cung cấp cho hoàng cung. Người ta cũng không thể bỏ qua những thảm dệt thật khéo léo của hơn 2.000 năm trước. Không thua gì những thảm dệt ngày nay. Thành phố Giêricô cực thịnh vào khoảng nằm 105 trước Công Nguyên và bị phá hủy bình địa năm 70 sau Công nguyên, năm La Mã phong tỏa và giải tán Do Thái.

Kinh Thánh, cả Cựu và Tân Ước có nhiều biến cố liên quan đến thành phố Giêricô. Dân Do Thái từ Ai Cập về đánh chiếm thành trong 7 ngày, mỗi ngày họ đi chung quanh thành một lần, đến ngày thứ bảy họ đi chung quanh bảy lần và thành tự động sụp đổ và thuộc quyền thống lĩnh của Do Thái như trong sách Giosuê 6:26; Quyển I sách các Vua 16:34 tường thuật.

Thời Chúa Giêsu, câu chuyện người mù tên Bartimêô là người thành Giêricô, được chữa lành. Câu chuyện được tường thuật trong các Phúc Âm: Matthêô 20:29-34; Marcô 10:46-52; và Luca 18:35-43. Rồi đặc biệt hôm nay, ông Gia Kêu, trùm thuế vụ thành Giêricô được Chúa đến thăm tận nhà và hoán cải.

III. Thực hành Phúc Âm:

Với hai con mắt như nhau, nhưng người ta có cái nhìn khác nhau:

Người yếu thế, cần giúp đỡ thường có cái nhìn van xin, cầu khẩn.
Người quyền thế, giàu sang có cái nhìn kiêu căng, khinh người.Người thích ra oai hay khống chế kẻ khác có cái nhìn trừng trừng, thị uy.
Người dâm đảng có cái nhìn chòng chọc, bốc cháy.
Người không thành thật có cái nhìn né tránh, bâng quơ.
Người tình cảm chân thành có cái nhìn trìu mến, khoan dung
Người nhân ái từ tâm có cái nhìn khoan dung, rộng lượng tha thứ.

Chúa đã nhìn thấy Gia Kêu trên cây sung. Chúa nhìn ông với ánh mắt nhân từ yêu thương và mời gọi. Ông nhìn Chúa, lúc đầu tò mò, nhưng rồi chân thành và xúc động.

Ánh mắt nào chúng ta đã nhìn người khác. Nhiều anh em linh mục chúng tôi thích nhìn trừng trừng thị uy. Thất bại! Càng ngày con người càng ý thức về nhân phẩm của mình. Linh mục cũng là người như mọi người, có ưu và khuyết điểm. Linh Mục là một Chúa Kitô khác, nên nhìn người khác với ánh mắt nhân ái bao dung và quảng đại. Chỉ có tình thương mới có sức thu hút và hoán cải. Quyền hành không còn thích hợp với não trạng của con người ngày nay.

Trong những người thân yêu, tôi nhớ Má tôi nhiều nhất. Tôi nhớ nhất ánh mắt của bà: Ánh mắt từ mẫu: Trìu mến, khoan dung và thuyết phục. Tôi cương quyết, bất chấp và đôi khi lì lợm, nhưng luôn yếu mềm khi nhớ đến ánh mắt của Má tôi.

Chấp cánh bay cao:

Những chiếc tàu chở thuyền nhân Việt Nam tìm tự do thường bị phả hỏng và nhận chìm sau khi đã đưa thuyền nhân đến bến bờ bình yên. Người ta không muốn thuyền nhân sử dụng tàu để làm một chuyện gì khác sau khi họ đã được tạm dung. Không mấy ai nhớ rõ chiếc tàu đã đưa mình đi tìm tự do: Xá chi cái thứ tàu bè vô tri ấy, quan trọng bây giờ là chuyện định cư và lo sinh sống làm giàu ở đệ tam quốc gia.

Tôi khá lạc điệu trong chuyện nầy khi cố gắng tìm kiếm và nhận dạng chiếc tàu đã đưa mình đến bến bờ tự do và đang bị nhận chìm ở bở biển đảo Pulau Bidong năm 1989. Đêm trước khi rời đảo, tôi vẫn nhìn ra hướng chiếc tàu bị nhận chìm, cám ơn Chúa đã cho tôi phương tiện chấp cánh bay cao. Không có chiếc tàu đó, làm sao tôi có mặt ở đất nước tự do nầy.

Không có cây sung bên vệ đường thành Giêricô làm sao Giakêu được nâng lên cao và được nhìn thấy Chúa đang đi qua bên dưới tàng cây. Nhờ cây sung, hai ánh mắt Chúa và Giakêu gặp nhau và ơn hoán cải phát sinh. Có những bài hát thật cay đắng khi ca rằng: Tôi đã lầm đưa em sang đây! Khổ công mang em sang đất nước tự do, giờ em phụ tình theo người khác. Ca Dao, thể loại văn chương bình dân cũng nói về những vong ơn bội nghĩa nầy bằng cách so sánh:

Được cá quên đăng (Đăng là một thứ dụng cụ chận bắt cá).

Hay: Khổ công lặn lội nuôi cò, cò ăn cho béo cò dò cò đi.

Những phụ nghĩa vong ơn vẫn hàng ngày tiếp diễn trong xã hội con người. Tuy nhiên, đời vẫn thật ý nghĩa khi được làm cây sung bên vệ đường Chúa đi qua. Bao nhiêu người lùn thấp bé, nghèo hèn cần thấy Chúa, cần gặp Chúa để được hoán cải. Hãy thành cây sung nâng họ lên bằng một lời khuyến khích, một quyển sách, một mời gọi tham dự thánh lễ … để họ có dịp nhìn thấy ánh mắt Chúa nhân từ, yêu thương tha thứ và hoán cải.

B. Bài giảng File Word tại đây

C. Thơ, nhạc diễn ý bài Phúc Âm Chúa Nhật XXXI TN, C tại đây