Bài giảng Chúa Nhật XXX Quanh Năm B

1084

1. Video bài giảng

Thơ diễn ý:

Người mù đang ngồi ăn xin
Ở vệ đường lớn, bình minh chiều tàn
Nghe ngóng đồn thổi rõ ràng
Giêsu Na-da-rét chữa ngàn bệnh nhân 

Anh mù lớn tiếng kêu van:
“Con Vua Đa Vít thương thân con mù!”
Chúa gọi! vất nón quăng dù
Ba chân bốn cẳng chạy ù tới ngay. 

Con ơi con muốn gì đây?
Lạy Thầy con muốn thấy ngay bây giờ.
Đức tin là chỗ cậy nhờ
Anh mù sáng mắt bất ngờ nhờ tin. 

Xin ơn sáng mắt niềm tin:
Ngôi Lời sáng tạo: phát sinh đất trời
Vinh quang Thiên Chúa ngàn đời
Trờ thành nhục thể NGÔI LỜI GIÊ-SU.
Amen.

CHÚA NHẬT XXX QUANH NĂM
Sách Ngôn Sứ Giêrêmia 31.7-9;
Thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Do Thái 5.1-6
và Phúc Âm Thánh Matcô 10.46-52

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, Chúa Giêsu ra khỏi thành Giêricô cùng với các môn đệ và một đám đông, thì con ông Timê tên là Bartimê, một người mù đang ngồi ăn xin ở vệ đường, khi anh ta nghe biết đó là Chúa Giêsu Nadarét, liền kêu lên rằng: “Hỡi ông Giêsu con vua Ðavít, xin thương xót tôi”. Và nhiều người mắng anh bảo im đi, nhưng anh càng kêu to hơn: “Hỡi con vua Ðavít, xin thương xót tôi”.

Chúa Giêsu dừng lại và truyền gọi anh đến. Người ta gọi người mù và bảo anh: “Hãy vững tâm đứng dậy, Người gọi anh”. Anh ta liệng áo choàng, đứng dậy, đến cùng Chúa Giêsu. Bấy giờ Chúa Giêsu bảo rằng: “Anh muốn Ta làm gì cho anh?” Người mù thưa: “Lạy Thầy, xin cho tôi được thấy”. Chúa Giêsu đáp: “Ðược, đức tin của anh đã chữa anh”. Tức thì anh ta thấy được và đi theo Người.

Ðó là Lời Chúa. Lạy Chúa Kitô, ngợi khen Chúa.

I. Giáo huấn Phúc Âm:

Chúa là Đấng Cứu Thế và là Đấng giàu lòng thương xót.
Trong Cựu Ước Ngài đã từng cứu dân Ngài khỏi cảnh nô lệ đoạ đầy.
Ngài thương yêu nâng đỡ những ai cùng khốn, bệnh hoạn tật nguyền.
Con người luôn mang những khuyết tật nơi thân xác và tâm hồn.
Con người cần kêu lên rằng: Lạy Ông Giêsu, Con vua Đa-Vít, xin dủ lòng thương tôi”
Bất cứ ai cũng cần cầu xin “xin cho tôi được thấy!”
Thấy Chúa giàu lòng thương xót và thấy những khuyết tật nơi mình để xin Chúa dủ lòng xót thương.

II. Vấn nạn Phúc Âm:

Tại sao anh mù Bartimê phải kêu tên Chúa, rồi nêu cả dòng dõi Chúa “Lạy Ông Giêsu, Con Vua Đavít, xin dủ lòng thương tôi!”

Thánh Marcô không phải là một trong 12 tông đồ. Nhưng là người bạn đồng hành của thánh Phaolô và như người bạn thân ái của thánh Phêrô ở Roma (Cl 4,10; 1Pr 5,13; 2Tim 4,11). Ngài là con của Maria. Một góa phụ giàu có ở Giêrusalem có một người giúp việc và căn nhà rộng rãi làm nơi tụ họp các tín hữu. Năm 43, sau khi thoát khỏi ngục tù, thánh Phêrô đã chọn nhà này làm nơi trú ngụ (Cv 12,12-17). Như thế, Marcô sớm quen thuộc với những ghi nhận của thánh Phêrô. Hai năm sau, tức là năm 45, chúng ta thấy Marcô và thánh Barnaba cùng đi trong cuộc hành trình thứ nhất của Phaolô. Nhưng khi đoàn truyền giáo đi về hướng bắc, Marcô đã từ giã để trở về Giêrusalem (Cv 13,13). Phaolô bất bình và không muốn nhận cho Marcô đi theo trong cuộc hành trình thứ hai. Năm 50, như Barnaba đề nghị, Barnaba về phe với Marcô, và đáp tàu về Cyprus là quê hương của Barnaba (Cv 15,36-39).

Chúng ta không thấy nói gì đến Marcô nữa cho tới năm 61 khi Ngài ở Roma với Phaolô (Cl. 4,10), ba năm sau tức là năm 64 thánh nhân vẫn có mặt ở Roma vì Phêrô có nhắc tới tên Người trong các lời chào của mình (1Pr 5,13). Đây là năm thánh Phêrô chịu tử đạo. Ít lâu sau đó có lẽ thánh Marcô đã bắt đầu viết sách Phúc âm ở Roma. Năm 67, thánh sử ở Êphêsô một ít tháng trước khi qua đời, thánh Phaolô dặn dò Timôtêô đưa theo Marcô đến Roma (2Tm 4,14). Mối bất hòa xưa đã được hàn gắn hoàn toàn.

Marcô rất chân thành, ông dùng đời sống và Phúc Âm của mình để chứng minh cho người Do Thái biết một chân lý căn bản mà cả người mù còn nhận ra: Chúa Giêsu, Thiên chúa làm người, đến từ dòng dõi vua Đavít đúng như tiên báo của nhiều tiên tri trong cựu Ước. Ngài muốn nói cho mọi người biết lai lịch của Chúa Giêsu qua lời kêu cứu của anh mù Bartimê: “Lạy Ông Giêsu, Con Vua Đavít, xin dủ lòng thương tôi!” Nói khác hơn: Người nầy là Con Thiên Chúa, đến từ dòng dõi Davit như sách tiên tri loan báo từ nhiều ngàn năm trước.

Tại sao Chúa Giêsu phải hỏi anh mù “Anh muốn tôi làm gì cho anh?”

Hỏi “Anh muốn tôi làm gì cho anh?” hay nói khác đi: Anh có tin là tôi có khả năng cho anh sáng mắt không? Chúa Giêsu đã hỏi anh mù Bartimê muốn gì? Đương nhiên muốn được sáng mắt. Nhưng sáng mắt để thấy gì? Để thấy lòng thương xót Chúa, để thấy Chúa là ánh sáng, có khả năng đưa con người ra khỏi bóng tối tội lỗi và được hưởng ân phúc cứu độ.

Sách sáng Thế Ký tường thuật việc Thiên chúa sáng tạo vũ trụ vạn vật. Việc sáng tạo đầu tiên là ánh sáng. Chúa muốn có ánh sáng, tức thì ánh sáng liền có. Có ánh sáng hay sáng mắt để thấy nguồn ánh sáng cứu độ là chính Thiên Chúa. Không có ánh sáng, sẽ không nhận ra Chúa là đường là sự thật và là sự sống. Anh mù Bartimê đã xin đúng người và đúng nhu cầu: Cầu xin đúng người là cầu xin Chúa. Cầu xin đúng nhu cầu là cho có ánh sáng để tin nhận Chúa là ánh sáng trần gian.

Nên lời cầu xin của mỗi người là cầu xin cho sáng mắt, tức tin Chúa là Đấng sáng tạo tài tình và là Đấng Cứu Thế, có khả năng giải thoát con người khỏ tội lỗi và đưa vào cuộc sống hạnh phúc vĩnh hằng.

III. Thực hành Phúc Âm:   

Lòng thương xót Chúa:

Phong trào tôn sùng “Lòng Thương Xót Chúa” hay lần chuỗi “lòng thương xót Chúa” đang phổ biến mạnh trên khắp các châu lục. Người ta cầu nguyện. “Lạy Cha Hằng Hữu, con xin dâng Cha, Mình và Máu, Linh hồn và Thần Tính của Con rất yêu dấu Cha, là Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con, để đền vì tội lỗi chúng con và toàn thế giới. Người ta lặp đi lặp lại câu  “Vì cuộc khổ nạn đau thương của Chúa Giêsu Kitô – Xin Cha thương xót chúng con và toàn thế giới”. Tại sao phong trào tôn sùng “lòng thương xót Chúa” lớn mạnh?

Thế giới thật sự cần lòng thương xót Chúa hơn bao giờ hết.

Có lần tham dự giờ cầu nguyện của Taizé, tôi thật thích bài hát “Jesus, remember me when you come into your kingdom” phát xuất từ miệng người trộm lành. Thật đúng như lời Đức Hồng Y Thuận mô tả: tên nầy suốt đời ăn trộm, đến lúc chết nó ăn trộm nước thiên đàng luôn! Anh đã được Chúa trả lời “I ASSURE, THIS DAY YOU WILL BE WITH ME, THIS DAY YOU WILL BE WITH ME IN PARADISE.” Anh trộm lành đã biết chạy đến lòng thương xót của Chúa. Đúng, Chúa là người Cha giàu lòng thương xót.

Kinh nghiệm của đời sống cho thấy: con người cũng có lòng thương xót, vì được chia sẻ lòng từ tâm của Chúa. Tuy nhiên, nơi con người có bản tính “thời tiết” khi nắng khi mưa, khi nóng khi lạnh. Có lúc, chúng ta được thương xót từ thân nhân bà con hay bạn bè, nhưng cũng không thiếu những lúc mà lòng thương xót thật khó kiếm.

Sau cùng, chỉ còn Chúa là Đấng trung thành. Lòng thương xót Chúa bền vững đến thiên thu vạn đại. Những khi buồn nản thất vọng vì tình người, ngay cả trong bạn bè thân quen, tôi hay hát thầm câu “Lạy Chúa Giêsu, xin thương nhớ đến con khi Ngài về đến nước Ngài!”  nhiều lần và tôi luôn nghe Chúa trả lời “Quả thật, Ta nói với anh, ngay hôm nay, anh sẽ được ở trên thiên đàng với Ta.”

Chúa Giêsu không sưu tra lại lý lịch người đó để nhớ xem hắn gian ác đến mức độ nào, không cân nhắc tội nặng, nhẹ để châm chước hay tạm ra hình phạt thế nào đó cho thích đáng. Người gian phi kêu nài Ngài nhớ, thì Ngài “nhớ” một điều là thấy người ấy trước mắt, còn tất cả mọi điều gian ác trước đó Ngài đã quên hết, quên đến độ ngay hôm đó hứa ngay Nước Thiên đàng cho anh ta. Các thánh nói: tên nầy suốt đời ăn trộm, đến lúc chết nó ăn trộm nước thiên đàng luôn!

Trong Phúc âm chúng ta gặp lại nhiều chứng tích về việc Chúa Giêsu kém trí nhớ như thế. Nhưng qua chuyện ngụ ngôn người cha nhân hậu, sự kiện đó rõ ràng. Thánh sử Luca kể rằng người con út trong hai con của cha già đã lấy hết phần gia tài của nó, để bỏ nhà ra đi sống đời phóng đảng, quên cha, quên anh. Ðến khi tiêu hết tiền, gặp năm đói, thì quay trở về nhà, xin khai thú tội lỗi mong cha già xét tình cha con mà tha thứ… Người cha (là hình ảnh Chúa Giêsu), không kể đến tội cũ, chỉ trông ngóng chờ con; thấy con đằng xa, thì chạy ra đón. Con có thú tội, thì cũng không cố nghe để hạch hỏi tội cũ mà ra lệnh cho tôi tớ: lấy áo đẹp, giày tốt, nhẫn quý mang lại cho cậu, làm thịt con bê béo dọn tiệc vì con ta chết mà nay nó sống lại.

“Anh ta còn ở đằng xa, thì người cha đã trông thấy. Ông chạnh lòng thương, chạy ra ôm cổ anh ta và hôn lấy hôn để. Bấy giờ người con thưa rằng: “Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với Cha, con chẳng đáng gọi là con cha nữa…”. Nhưng người cha liền bảo người giúp việc rằng: “Mau đem áo đẹp nhất ra đây mặc cho cậu, xỏ nhẫn vào ngón tay , xỏ dép vào chân cậu, rồi đi bắt con dê đã vỗ béo làm thịt để chúng ta mở tiệc ăn mừng!…” (Lc. 15, 20-23). Chúng ta thấy ở đây trí nhớ của Chúa Giêsu dường như không còn làm việc nữa! Ngài quên vô điều kiện, quên tức khắc tất cả quá khứ không hay không tốt của ta, mỗi khi chúng ta quay trở về. Ngài chỉ nhớ mỗi người là con Cha Ngài, là em Ngài, nên khi ta quay lại gặp Ngài, thì tức khắc ta lại được mặc áo vinh hiển sự sống của Thiên Chúa. Trích “10 khuyết điểm của Chúa Giêsu” – Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận)

2. Bài giảng bản văn | Download File Word