Bài giảng Chúa Nhật XXIV Quanh Năm, C

970

Thơ diễn ý:

Pharisêu châm chọc Chúa rằng:
Người gì tiếp đón mấy thằng tội nhân.
Lại còn nhậu nhẹt cận than,
Làm như không biết phải chăng thế nào?

Chúa rằng: Biệt Phái tự hào!
Chẳng biết chi cả nhào vào nói ngang.
Chủ chiên bỏ cả bày đàn,
Tìm cứu chiên lạc không màng hiểm nguy.

Vác vai hí hững quên đi,
Nhọc nhằn lặn lội, chạy phi về đàn.
Đồng bạc rơi tuột xuống sang,
Thắp đèn quét đọn kỹ càng cả đêm.

Thấy rồi, Bà phải la lên:
Mất mà tìm được, là hên là mừng.
Con người giá trị quá chừng!
Đế tìm để cứu, để mừng vui chung. Amen.

A. Video bài giảng

CHÚA NHẬT XXIV QUANH NĂM

Sách Xuất Hành 32.7-11.13-14;
Thư Thứ Nhất Thánh Phaolô gửi Timôtê 1.12-17
và Phúc Âm Thánh Luca 15.1-10

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca

Các người thu thuế và các người tội lỗi đều lui tới với Đức Giê-su để nghe Người giảng. Những người Pha-ri-sêu và các kinh sư bèn xầm xì với nhau: “Ông này đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng.” Đức Giê-su mới kể cho họ dụ ngôn này:

“Người nào trong các ông có một trăm con chiên mà bị mất một con, lại không để chín mươi chín con kia ngoài đồng hoang, để đi tìm cho kỳ được con chiên bị mất? Tìm được rồi, người ấy mừng rỡ vác lên vai. Về đến nhà, người ấy mời bạn bè, hàng xóm lại, và nói: ‘Xin chung vui với tôi, vì tôi đã tìm được con chiên của tôi, con chiên bị mất đó.’ Vậy, tôi nói cho các ông hay: Trên trời cũng thế, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối, hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần phải sám hối ăn năn.

“Hoặc người phụ nữ nào có mười đồng quan, mà chẳng may đánh mất một đồng, lại không thắp đèn, rồi quét nhà, moi móc tìm cho kỳ được? Tìm được rồi, bà ấy mời bạn bè, hàng xóm lại, và nói : ‘Xin chung vui với tôi, vì tôi đã tìm được đồng quan tôi đã đánh mất.’ Cũng thế, tôi nói cho các ông hay: Giữa triều thần Thiên Chúa, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối.”

Đó là Lời Chúa! – Lạy Chúa Kitô, ngợi khen Chúa!

I. Giáo huấn Phúc Âm:

Tình thương cứu độ được trao ban cho tất cả mọi người, đặc biệt cho người tội lỗi.

Mọi người nhất là người tội lỗi đều được tìm kiếm, hoán cải và nhận ơn cứu độ. Giống như chủ chiên tìm chiên lạc. Bà chủ nhà tìm đồng bạc thất lạc và như người Cha nhân hậu ôm chầm lấy người con hoang trở về.

Tình thương Chúa vô biên. Con người có giá trị cao quí trước mặt Chúa và có chỗ trong chương trình cứu độ của Chúa.

II. Diễn giải Phúc Âm:  

1. Bài đọc I trong sách Xuất Hành trình bày Thiên Chúa như một thần linh hung tợn, hay lên cơn lôi đình và trừng phạt dân chúng?

Trong tiếng Do Thái sách Luật Torah, nguyên ngữ có nghĩa là giáo huấn và luật lệ, được hiểu là Ngũ Kinh trong tiếng Hy Lạp, bao gồm Năm quyển sách đầu tiên trong Bộ Cựu Ước: Sách Sáng Thế Ký, Sách Xuất Hành, Sách Lê Vi, sách Dân Số và Sách Đệ Nhị Luật. Môsê được coi như tác giả Ngũ Kinh được soi sáng viết sách trong dịp diện kiến với Thiên Chúa trên núi Sinai vào khoảng năm 1312 trước Công Nguyên. Nội dung Ngũ Kinh gốm 613 lệnh truyền của Thiên Chúa. Trong 613 khoảng luật có 365 luật giới hạn và 248 điều cấm kỵ.

Không ai tin rằng, 13 thế kỷ trước Công Nguyên và ngay sau khi diện kiến Thiên Chúa Yahweh, Môsê đã cho viết ra một lúc năm quyển sách tạo thành bộ Ngũ Kinh để lãnh đạo Dân Thiên Chúa. Nhưng ai cũng tin rằng:

Ngũ Kinh phần thành văn chỉ hoàn thành khoảng năm 539 đến năm 334, thời kỳ bị Ba Tư đô hộ. Sách Luật Torah truyền khẩu đã có từ lâu đời và không hoàn toàn chỉ có trong tôn giáo Do Thái, nhưng đã được truyền miệng từ đời nầy sang đời khác trong văn minh của các dân vùng Cận Đông.

Sách trình bày về Thiên Chúa như một Đấng tạo Hoá toàn năng:

Phán một lời liền có trời đất và vũ trụ vạn vật.

Như một người thợ gốm lấy đất sét nắn đúc nên hình con người rồi thổi hơi vào mũi và ban cho con người sự sống.

Như một người Cha tốt lành dự trù mọi thứ cho sự khai sinh của con mình: Chúa dựng nên con người sau cùng, sau khi hoàn tất chương trình sáng tạo trời đất. Chúa thương yêu và con người được sinh ra trong một chiếc nôi đã có đủ mọi thứ cần cho cuộc sống.

Chúa được mô tả như một vị thần linh với mọi thứ tham sân si, lúc thì êm ái nhẹ nhàng, lúc nỗi cơn lôi đình trừng phạt thần dân bất tuân thượng lệnh. Những dân tộc vùng Cận Đông thời bấy giờ cũng như Dân Do Thái không có vấn đề gì trong việc chấp nhận một Thiên Chúa với đầy đủ hỉ nộ ái ố như vậy. Nên chúng ta thấy, sách Xuất Hành chương 20, 5 nói: Chúa là Đấng ghen tương. Trong sách Tiên Tri Êgiêkiel 24, 13-14 nói Chúa là Đấng hay giận. Sách Đệ Nhị Luật 29, 27-28 cũng nói về những cơn thịnh nộ của Thiên Chúa.

Có phần dễ hiểu hơn nếu chúng ta đọc những câu chuyện cổ tích của người Việt Nam. Thần linh được mô tả không khác gì với phàm nhân. Khi Ngọc Hoàng nổi trận lôi đình thì sai thiên lôi mang búa xuống trần thanh toán người bất nhân. Nên mới có từ: Trời đánh hay Trời phạt hay Trời trồng….

Thần thánh trong dân gian thời xưa rất con người. Ai cũng hiểu thần thánh ở trên trời cao thăm thẩm, nhưng không ai hiểu về một ông thần mà không có những tình cảm của con người. Nên Thiên Chúa trong văn minh thời cỗ không sao thoát khỏi lối diễn tả rất con người của văn Chương: Chúa giận, Chúa oán ghét, Chúa trả thù, Chúa ghen tương… Những kiểu nhân cách hoá Thiên Chúa nầy không thiếu trong cách sống đạo của người Công Giáo:

Chúa đau khổ vì bị nhốt trong nhà chầu.

Chúa đi qua đi lại trước nhà xem coi con cái có mời vào hay không. Nhưng lòng con người rất vô tâm, ngảnh mặt làm ngơ…

Chúa như một tình nhân mong mỏi người tình phản bội quay về.

2. Ý nghĩa dụ ngôn bỏ 99 chiên không lạc để đi tìm chiên lạc. Hay khổ công thức đêm đốt đèn quét nhà để tìm đồng tiền bị mất. Hay Cha già ngày ngày mong ngóng thằng con hư hỏng quay về nhà để mà tha thứ và ban lại cho con mình quyền thừa kế?

Có người cho rằng: Không khôn ngoan hay không thực tế chút nào nếu bỏ chin mười chín con chiên không lạc để đi tìm con chiên lạc. Không chắc gì tìm được con chiên lạc mà chín mưới chín chiên đang trong đàn có thể bị bỏ rơi và thất thoát?

Cũng vậy, có đáng gì để thức đêm, đốt đèn, cực nhọc quét nhà để tìm đồng tiền bị mất. Sau đó lại con mời hàng xóm bạn bè đến chung vui?

Người con hoang là người đã trưởng thành: Có suy nghĩ và tự do quyết định, cũng như  chịu trách nhiệm quyết định bỏ nhà ra đi của mình. Đây là thứ con hư vô ơn bạc nghĩa, tại sao Cha già còn khổ công để ngóng trông, mòn mỏi chợ đợi ngày con mình quay về làm gì?

Dụ ngôn là chững chuyện không có thật, nhưng không là những câu chuyện bịa đặt hay vô căn cứ, nhưng được vận dụng để diễn tả một sứ điệp siêu nhiên để con ngưồi dễ hiểu, dễ nhớ khi nhắc đến câu chuyện giả tưởng nầy.

Rất kiến hiệu: Chỉ cần nói đến câu chuyện người con hoang đàng là chúng ta thuộc gần như nằm lòng những câu trao đổi giữ Cha già và người con hoang trở về cũng như hiểu được tình thương vô bờ của Thiên Chúa trong tường thuật người Cha nhân hậu.

Cũng vậy, việc chủ chăn bỏ chin mươi chin con chiên không bị lạc để băng rừng vượt suối đi tìm chiên lạc không là chuyện khôn hay dạy, chuyện lợi hay hại nhưng là chuyện giá trị của con người. Chúa sinh ra con người để con người sống hạnh phúc và được hưởng ơn cứu độ. Tội lỗi làm con người bỏ Chúa đi lạc. Nếu Chúa bỏ người con tội lỗi là Chúa mất con cái mình và Chúa thua ma quỉ là kẻ cố gắng làm cho chiên bỏ đàn. Nên bất cứ giá nào Chúa cũng phải đi tìm chiên lạc, tìm được thì vui mừng, mang vác trên vai quay về nhà.

Nên người tội lỗi quay về đường ngay nẽo chính làm cho cả triều thần thánh vui mừng. Vì mỗi con người đều có giá trị cao cả trước mặt Chúa và đáng nhận được cứu đỗ. Cách nói “Ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối hơn là chin mươi chín người công chinh không cần phải sám hối ăn năn!” chỉ để nói lên giá trị con người được sinh ra và được cứu độ hay nhắm khuyến khích người tội lỗi ăn năn sám hối. Phúc Âm không có ý coi nhẹ việc người công chính không cần sám hối ăn năn.

Cũng giống như vậy với việc tìm được đồng bạc bị thất lạc. Đồng bạc thất lạc không làm người đàn bà ra nghèo khổ hay đói khác. Bà cũng không tìm đồng bạc thất lạc vì sự sống của mình. Nhưng đồng bạc là thành phần trong gia sản của bà, bà không thể bỏ. Cũng vậy, người tội lỗi là con Chúa, là con chiên trong đàn chiên Chúa. Chúa không đành hy sinh con chiên lạc trong đàn chiên mà Chúa phải hy sinh mạng sống mình để cứu chuộc.

Người Cha già nhân hậu cũng vậy. Đứa con trai hoang đàng vẫn là con ông. Bỏ nhà ra đi hay hoang đàng phung phí không giết chết tính phụ tử nơi ông. Tình yêu thương tha thứ của ông dành cho con mình lớn gấp nhiều lần với hành động bỏ nhà đi hoang. Cũng vậy không có tội lỗi nào lớn hơn tình thương tha thứ của Chúa. Không đứa con nào mà không có chỗ trong nhà Cha mình.

III. Thực hành Phúc Âm:

1. Con người tốt, vì là con Thiên Chúa tốt lành.

Tôi luôn nhớ lời dạy của Cha Giám Đốc trong giờ huấn đức ngày xưa khi còn trong Chủng Viện, Ngài hay nói: Tên cướp của giết người cũng có ít nhất là 5% hay 10% tốt vì tất cả là con Chúa. Việc anh ta cướp của hay giết người không làm thay đổi bản chất con người, hay con Thiên Chúa nơi anh ta. Nên ‘il était un voleur!’anh ta có lần đã là người ăn trộm chứ không bao giờ được nói là ‘il est un voleur!’, anh ta là tên ăn trộm, đã ăn trộm và bây giờ cũng vẫn ăn trộm! Lời kết án!

Chuyện mới xảy ra đây thôi làm tôi buồn sâu đậm và không tránh được sự khinh thường dành cho 2 anh em linh mục. Một linh mục đã già ngoài 80 tuổi và linh mục khác cũng không còn trẻ, đã hơn năm mươi tuổi đời. Hai linh mục đã lên mét với Giám Mục của mình về một anh em linh mục khác và xin được quyết định rút quyền thi hành bí tích dành cho linh mục vô phúc nầy trong 2 địa phận mà 2 linh mục trên đang hoạt động.

Lý do: Trong thư Quyết định của Giám Mục nói rõ những linh mục đương quyền trên yêu cầu vì lý do mục vụ, cha ấy không được quyền cử hành bí tích trong địa phận của hai Giám Mục nầy.

Đọc lệnh treo chén của Giám Mục địa phương, ai cũng nghĩ là linh mục kia xấu xa, nên bị trừng phạt. Không ai tốt cả, nhưng không chắc gì linh mục bị treo chén xấu hơn hai linh mục đi tố cáo anh em mình? Làm linh mục, ai không có lúc là chiên lạc hay yếu đuối sa phạm tội. Nhưng “yếu đuối của anh em tôi cũng chính là yếu đuối của tôi!” như Thánh Phaolô từng nói.

Linh mục là Chúa Kitô khác. Xin hai Cha hãy dành đôi phút tự vấn xem: Mình làm điều đó có lợi gì cho Chúa, cho Giáo Hội hay cho người khác không? Hai Cha có cách nào làm tốt và có tình nghĩa hơn không? Có lần nào hai Cha đã thức đêm, thắp đèn quét nhà tìm đồng tiền bị mất hay băng rừng lội suối để tìm con chiên lạc không? Thật là uổng nếu vì sự tố cáo của 2 Cha, mà anh em linh mục kia nản chí, bất cần bỏ chức linh mục của mình. Hai Cha có biết rằng: Anh em linh mục kia đã đau khổ đến mức nào khi nhận được hai thư treo chén kia không?

Xin 2 Cha hãy thức tĩnh lương tâm con người: Không ai xấu xa tồi tệ đến nỗi chúng ta phải khai trừ hay triệt cho họ chết đâu?

2. Chúng ta có đủ khả năng để giữ thinh lặng không?   

Quá nhiều “tiếng nói” tràn lan trong cuộc sống chúng ta… Nếu chúng ta mở một tờ báo, hay nhìn lên màn hình tin tức thời sự, hoặc – nếu chúng ta lướt qua internet, chúng ta gần như bị ngập chìm trong những “tiếng nói”, trong những tin tức: nhưng thực ra, chúng ta chỉ bằng lòng, cách lơ đãng, lật các tờ báo, hay bấm chuột chỗ này, chỗ kia, mà chẳng bao giờ đi sâu vào một cái gì. Và đây, chúng ta do dự, mất phương hướng trước tất cả những “tiếng nói” này, đang đầy tràn trong cuộc sống chúng ta. Chúng ta như những con chiên của bài Tin Mừng Chúa nhật này: Chúng tản mác, bị dọa nạt, sợ hãi cho một tương lai có thể ụp trên đầu chúng ta như một con sói thù địch; chúng tản mác và chạy lạc vì những “tiếng nói” của quá nhiều “chủ chiên”, đang tìm cách bảo đảm một tương lai cho chúng ta bằng cách mời chúng ta đi vào “chuồng chiên” của họ.

Vào mỗi thời kỳ, mỗi dân tộc đều có những người hướng dẫn và thủ lãnh của họ… Không một ai trong các người này đã hiến mạng cho dân mình, một cách cho không và vô điều kiện. Chỉ duy nhất Con Thiên Chúa, trở nên người phàm, đã mang lấy tội lỗi và chết cho chúng ta. Chỉ duy nhất một mình Người, Đức Giêsu Kitô, là Người hướng dẫn, là Chủ Chăn của chúng ta… Chúng ta hãy nghe “tiếng nói” của Chủ Chăn này, vào mỗi Chúa nhật, ở Thánh Lễ… Chúng ta có đủ khả năng giữ thinh lặng để lắng nghe tiếng nói của Người không? (Trích Nối Kết – Ban Truyền thong TGP. Los Angeles – [email protected]  Chúa Nhật IV Phục Sinh).

B. Bài giảng File Word tại đây

C. Thơ, nhạc diễn ý bài Phúc Âm tại đây