Bài giảng Chúa Nhật IV Quanh Năm A | Lm. Peter Trần Thế Tuyên

1246

Tám mối phúc thật Chúa ban:
Tinh thần nghèo khó! Lạc hoan nước trời!
Hiền lành nhân đức ở đời
Cơ nghiệp Đất Nước được mời trao ban.

Phúc cho phận tủi buồn than
Rồi đây sẽ được ủi an vỗ về.
Khao khát công chính đề huề
Sẽ được no thoả trăm bề phủ phê.

Thương người, phúc đức khỏi chê!
Sẽ được thương xót làm nê muôn người.
Lòng trong da sạch ở đời
Xem thấy Thiên Chúa cao vời thánh thiêng!

Thuận hoà, ơn phúc triền miên!
Bách hại, vu khống,.. triều thiên thiên đàng.
Sống phải cam chịu sầy sàng
Thiên đàng phúc lớn! Không màng phù vân. Amen.

CHÚA NHẬT IV QUANH NĂM A

Sách Ngôn Sứ Sophonia 2:3; 3:12-13
Thư Thứ I của Thánh Phaolô gửi tín hữu Corintô 1.26-31
Phúc Âm Thánh Mathhêô 5:1-12

I. Sứ điệp Phúc Âm:

Bài giảng đầu tiên, cũng gọi bài giảng trên núi hay tám mối phúc thật hay hiến chương Nước Trời.
Chúa Giêsu đến để thành lập Nước Trời, nước có Ông Trời, nước của Thiên Chúa.Công dân Nước Trời sống theo hiến chương hoàn toàn trái ngược với quan niệm đời thường: chấp nhận cái bất hạnh của đời là hạnh phúc cho công dân Nước Trời.

II. Diễn giải Phúc Âm:

Đếm được 9 mối phúc thật trong Phúc Âm Thánh Matthêô hôm nay thay vì 8 như chúng ta quen gọi là Bát phúc.

Trong phúc Âm Thánh Matthêô 5.2-12:
Bài giảng ban bố từ trên núi và có 9 lời chúc phúc.
Phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó, vì nước trời là của họ.
Phúc cho những ai than khóc, vì sẽ được an ủi.
Phúc cho người khiêm nhường, vì sẽ hưởng đất hứa làm gia nghiệp.
Phúc cho những ai đói khát sự công chính, vì sẽ được no đủ.
Phúc cho người hay thương xót, vì sẽ được xót thương.
Phúc cho những ai có lòng trong sạch, vì sẽ được gặp Thiên Chúa.
Phúc cho người hoà giải, vì sẽ được gọi là con cái Thiên Chúa.
Phúc cho những ai bị bách hại vì sự công chính, vì nước thiên đàng thuộc về họ.
Phúc cho anh em khi bị sỉ nhục, bách hại, vu khống vì cớ tôi.
Hãy vui thoả và nức lòng mừng rỡ, vì phần thưởng của anh em trên thiên đàng là lớn lắm.

Trong Phúc Âm Luca 6.20-26:
Bài giảng ban bố ở đồng bằng, có bốn lời chúc phúc và bốn lời chúc dữ:
Phúc cho anh em là người nghèo khó, vì nước thiên đàng thuộc về anh em.
Phúc cho anh em là người đang đói khát, vì anh em sẽ được no đủ.
Phúc cho anh em đang than khóc, vì anh em sẽ cười vui.
Phúc cho anh em khi vì cớ Con Người mà bị người ta ghét bỏ, trục xuất, sỉ nhục và làm ô danh. Khi ấy hãy vui thoả, nhảy nhót vì mừng rỡ, vì phần thưởng trên trời dành cho anh em là lớn lắm. Vì tổ phụ của họ cũng đã đối xử với các nhà tiên tri theo cách ấy.

Nhưng khốn cho các ngươi là người giàu có, vì các ngươi đã nhận đủ sự an ủi rồi.
Khốn cho các ngươi hiện đang no đủ, vì các ngươi sẽ đói khát.
Khốn cho các ngươi hiện đang cười vui, vì các ngươi sẽ thương tiếc và than khóc.
Khốn cho các ngươi khi được mọi người xưng tụng, vì tổ phụ của họ cũng đã đối xử với các tiên tri giả theo cách ấy.

Chỉ có 2 Phúc Âm nói về bát phúc, nhưng cũng rất khác nhau: Phúc Âm Thánh Matthêô tường thuật 9 mối phúc và được giảng từ trên núi. Còn Luca, chỉ có bốn phúc và được giảng ở đồng bằng (Luca 6:17)

Phúc Âm Matthêô ra đời khoảng năm 70 và được gọi là Phúc Âm viết cho Kitô hữu gốc Do Thái ở thế kỷ đầu (Jewish Christian Gospel). Kinh Thánh Cựu Ước là quyển sách duy nhất làm thành văn hoá Do Thái. Người Do Thái phải học Thánh Kinh Cựu Ước. Người Do Thái phải đến Hội Đường vào mỗi ngày Thứ Bảy để lắng nghe Lời Chúa và nghe các Rabbi dẫn giải Lời Chúa từ trong Thánh Kinh. Họ đã mong đợi Đấng Cứu Thế nhiều ngàn năm. Họ đã học biết về Đấng Messiah như thế nào từ trong Sách Cựu Ước, nhất là sách các tiên tri. Nên Matthêô đã trình bày Chúa Giêsu như một Môsê trong Cựu Ước, người đã đưa dân Chúa ra khỏi Ai Cập, lên núi Sinai để nhận mười diều răn. Môsê từ trên núi xuống với hai bia đá khắc mười điều răn như hiến chương thành lập Dân Thiên Chúa. Chúa Giêsu cũng từ trên núi, ban bố hiến chương nước Trời, hay những đòi hỏi để làm công dân trong nước Thiên chúa cho dân mới trong Tân Ước.

Luca, nguyên gốc dân thành Antiôkia bên Hy Lạp và sinh sống bằng nghề thầy thuốc. Ông thành môn đệ của Phaolô và theo Phaolô cho tới khi Phaolô bị giết chết ở Roma. Luca không có gia đình hay con cái gì cả. Ông chết già lúc 84 tuổi. Như vậy, nhiều phần trăm cho thấy rằng, Luca tự mình không biết bát phúc, nhưng nghe tường thuật hay sao chép lại từ Phúc Âm Matthêô theo quan điểm thần học thích hợp với thành phần dân ngoại mới tòng giáo:  Sống trên đời có thiện có ác, có chúc lành thì cũng có chúc dữ. Ai làm điều thiện sẽ được chúc lành, làm điều ác bị chúc dữ

Dù đếm được chín mối phúc trong Phúc Âm Thánh Matthêô, nhưng các nhà chú giải Kinh Thánh đều cho rằng phúc thứ tám và chín cũng chỉ là một nội dung: Phúc cho những ai bị bách hại vì đạo Chúa, tức vì lẽ công chính…thì được hưởng gia nghiệp thiên quốc.

Phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó, vì nước trời là của họ. Thế nào là tinh thần nghèo khó?
Trong tiếng Latinh, beatus thường được dịch là “phúc cho ai….” Mối phúc thứ nhất là Phúc cho ai có tinh thần nghèo khó… Thế nào là người có tinh thần nghèo khó?

Trong ngôn ngữ Aram mà Chúa dùng, nghèo có nghĩa: Phó thác hoàn toàn nơi Thiên Chúa. Luôn chạy đến cầu khẩn với Thiên Chúa.  Đấng là chủ của tất cả vũ trụ vạn vật. Người có tinh thần nghèo khó là người luôn cần Chúa, chạy đến với Chúa và coi Chúa là trên hết, là người duy nhất lấp đầy mọi khát vọng nơi con người. Tinh thần nghèo khó không là chuyện nghèo khó trong tinh thần, nhưng phải thể hiện ra bên ngoài bắng nếp sống đơn sơ thanh đạm, không ham mê tiền bạc, vật chất hay địa vị, danh tiếng ở đời, nhưng phó thác nơi Thiên chúa và tìm kiếm vinh quang Thiên Chúa mà thôi.

Không có tinh thần nghèo khó chút nào, nếu ăn uống tốn kém, có cả bia rượu thường xuyên.

Không có tinh thần nghèo khó chút nào, nếu ăn mặc hàng vải đắc tiền hay đi xe siêu sang trị giá hàng trăm ngàn đô. Không có tinh thần nghèo khó chút nào, nếu quá quan tâm đến tiếng khen, hay ảnh hưởng cá nhân, chỗ ngồi, giành ăn nói hay đòi phát biểu nơi công cộng.

Tất cả những tu sĩ của các dòng tu đều khấn giữ đức khó nghèo, cụ thể là: Khước từ sự chiếm hữu của cải vật chất như nhà cửa, xe cộ, đất đai tài sản, cụ thể là vô sản. Không có lợi tức cá nhân, nhưng tất cả phải giao nộp cho nhà dòng và được ban phát theo nhu cầu cần thiết. Cụ thể: tu sĩ dòng đi làm việc, lương được trả cho nhà dòng. Tu sĩ dòng tự mình không phải khai thuế và cũng không bảo lãnh thân nhân được.

Tám mối phúc thật là gì?
Đó là những giá trị mà người đời coi thường, coi như những điều bất hạnh, không muốn có trong đời sống mình thì lại là những phúc lành, những điều mang hạnh phúc và những điều đáng tìm kiếm của những công dân nước trời. Đó là những nguyên tắc sống nghịch thường, tức trái ngược với đời thường. Thí dụ trước mắt mọi người, người giàu có, lắm tiền nhiều của là người có phúc, có tiếng nói cũng như được người đời tôn trọng thì lại là cái hoạ cho những ai muốn làm công dân nước trời.

Vài câu chuyện giải thích về nguyên lý sống nghịch thường nầy.

Phanxicô thành Assisi vào nhà thờ nghe Phúc Âm “Phúc cho ai có tinh thần nghèo khó, vì nước Trời là của họ…” Phanxicô ra về, cương quyết sống cuộc đời nghèo khó. Phanxicô đem bố thí tất cả gia sản do thân phụ chia phần, và ăn mặc, sinh sống như người ăn xin. Cha Ông đòi lại gia sản, Phanxicô mang trả những gì còn lại, ra đi với thân trần trụi, tuyên bố “Tôi không có Cha dưới đất mà chỉ có Cha trên trời!” Phanxicô lập nên dòng Phanxicô khó nghèo.

Martinô thành Tours là một sĩ quan tân tòng. Trong một đêm đi tuần tra, gặp một người hành khất, không dủ áo mặc, đang lạnh run. Martinô dừng lại, lấy gươm cắt đôi chiếc áo choàng sĩ quan của mình phủ trên tấm thân gầy còm lạnh run của người hành khất. Đêm hôm đó, Martinô thấy Chúa Giêsu hiện ra cho mình với nửa chiếc áo choàng sĩ quan mà Ông đã cắt chia cho người hành khất.  Thật rất đúng với mối phúc thật thứ năm “Phúc cho những ai thương xót người vì họ sẽ được xót thương!”

III. Thực hành Phúc Âm:

Dòng Bênêdictô ở Mission BC.

Ngày 27.6.2010 tôi và nhiều người khác có dịp tham dự thánh lễ phong chức linh mục cho tu sĩ Antôn Nguyễn minh Chánh OSB. được tổ chức trong đan viện Bênêdictô ở Mission, BC. Đan viện rộng lớn toạ lạc trên một khoảng đất rộng, cao hơn so với vùng chung quanh.

Thánh lễ phong chức linh mục diễn ra trong trang nghiêm, sốt sắng, linh thiêng và nhất là dơn giản. Cái dơn giản nhất là sự im lặng của toàn tu viện: Những tu sĩ di chuyển trong từ tốn và chậm rãi. Những tu sĩ ít nói và nói thật nhỏ tiếng. Những tu sĩ ẩn mình nơi gian cung thánh, chỉ qui tụ đứng xoay vòng khi hát. Tiếng hát thánh thoát và hướng thượng.

Tôi thật sự cảm động và cảm phục quí tu sĩ dòng Bênêdictô nầy. Sao các Ngài có thể sống hiền hoà, khiêm tốn và thật sự bộc lộ tinh thần nghèo khó đến thế? Cha Benedict Lefebvre mà tôi được tiếp xúc, chỉ chừng hơn 30 tuổi, dáng gầy, cao và thanh thoát từ tốn. Cha đã làm linh mục mới vừa được năm năm và đang dạy cho tu sĩ và chủng sinh ở tu viện. Xuất thân trong một gia đình tương đối khá giả, có cơ hội tiến thân và sống thoải mái. Nhưng Cha đã khướt từ và đã chọn đường bát phúc.

Lòng cảm phục những tu sĩ đơn sơ, nghèo khổ và thánh thiện nầy làm tôi suy nghĩ về lối sống nhiều khi quá ồn ào, thích nói lớn tiếng, hay nhiều khi thích ăn ngon hay thích tiện nghi của bản thân mình. Thân thể phương phi béo tốt mà người ta gọi là có tướng không là tội, nhưng xem chừng là dấu chuộng thức ăn ngon và có những giấc ngủ ngon. Tôi thật sự không có tội trong lối sống của mình, nhưng xem chừng tôi chưa có phúc hay còn xa với bát phúc. Khốn cho thân tôi!