Bài giảng Chúa Nhật II Quanh Năm B

1682

Tóm ý:

Đây “Chiên Thiên Chúa!” tinh tuyền
Phải mang gánh lấy xích xiếng tội khiên
Giống như hy lễ bò chiên
Thiêu tế chuộc tội, ơn thiêng nhân trần.

Ngưỡng mộ bẻn lẻn đến gần
Chúa hỏi: Sao đó có cần điều chi?
Thưa Thầy là Đấng Rabbi!
Nơi nào Thầy trọ? con thì muốn xem. 

Vậy thì hãy đến mà xem.
Họ đến, lưu lại, làm quen với Thầy
An-rê loan báo thế nầy:
Chúng tôi có phước gặp Thầy Giêsu.

Simon nhiệt huyết chân tu
Kêpha, Đá tảng, chóp bu tông đồ.
Tin mừng vượt thoát bản đồ
Chân, tay, tim, óc…. tiền đồ Nước Cha.
Amen

CHÚA NHẬT II QUANH NĂM
Sách Samuel quyển I 3.3-10,19;
Thư Thứ I của Thánh Phaolô gửi tín hữu Corintô 6.13-15,17-20
và Phúc Âm Thánh Gioan 1.35-42

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan:

Khi ấy, Gioan đang đứng với hai người trong nhóm môn đệ của ông nhìn theo Chúa Giêsu đang đi mà nói: “Ðây là Chiên Thiên Chúa”. Hai môn đệ nghe ông nói, liền đi theo Chúa Giêsu. Chúa Giêsu ngoảnh mặt lại, thấy họ đi theo Mình, thì nói với họ: “Các ngươi tìm gì?” Họ thưa với Người: “Rabbi, nghĩa là: thưa Thầy, Thầy ở đâu?” Người đáp: “Hãy đến mà xem”. Họ đã đến và xem chỗ Người ở, và ở lại với Người ngày hôm ấy, lúc đó độ chừng giờ thứ mười. Anrê, em ông Simon Phêrô, (là) một trong hai người đã nghe Gioan nói và đã đi theo Chúa Giêsu. Ông gặp Simon anh mình trước hết và nói với anh: “Chúng tôi đã gặp Ðấng Messia, nghĩa là Ðấng Kitô”. Và ông dẫn anh mình tới Chúa Giêsu. Chúa Giêsu nhìn Simon và nói: “Ngươi là Simon, con ông Gioan, ngươi sẽ được gọi là Kêpha, nghĩa là Ðá”
Đó là Lời Chúa – Lạy Chúa Kitô, ngợi khen Chúa!

I. Giáo Huấn Phúc Âm:

Gioan Tẩy Giả về Chúa Giêsu “Đây là Chiên Thiên Chúa!” nhằm tuyên xưng rằng: Chúa Giêsu là Đấng cứu Thế, Đấng cứu con người khỏi tội.

Chúa Giêsu cứu nhân loại khỏi tội lỗi bằng việc sát tế chính mình như con chiên để làm của lễ giao hoà giữa Trời và Đất, mang con người lên trời hưởng hạnh phúc bất diệt.

Chúa Giêsu, Chiên Thiên Chúa cần được giới thiệu với mọi người qua muôn thế hệ.

II. Vấn nạn Phúc Âm:

Ngày Lễ, và cách tính ngày giờ ở Do Thái thời Chúa Giêsu?

Người Do thái có 3 đại lễ:

Lễ Vượt qua, kỷ niệm việc Chúa cứu dân khỏi ách nô lệ Ai Cập.

Lễ Năm mươi, 50 ngày sau lễ Vượt Qua. Dân Do Thái tới bán đảo Sinai và Ông Môsê nhận hai bia đá lề luật.

Lễ Lều Trại. Vào tháng 7. Ngưới ta dựng lều cắm trại kỷ niệm 40 năm sống trong lều trại.

Gọi là đại lễ, vì buộc nam giới từ 12 tuổi trở lên phải  đi dự ở Giêrusulem. Tuy nhiên miễn chuẩn cho ai ở xa, chỉ cần dự một đại lễ trong năm là được. Ngoài ra còn có các lễ nhỏ và nhất là hàng tuần có ngày Sabat (nghỉ việc, đi nghe Sách thánh, nghe giảng, cầu nguyện)

Cách tính ngày đêm: Người Do Thái tính ngày theo mặt trăng – âm lịch như người Việt Nam. Mỗi năm Do Thái chia làm 12 tháng, mỗi tháng 29 hoặc 30 ngày. Cứ 3 năm có một năm nhuận vào tháng 12, do đó, năm nhuận có hai tháng 12: Tháng chạp thượng và hạ.

Tuần lễ: Tuần lễ của người Do Thái cũng có 7 ngày gọi bằng số đếm. Ngày thứ 7 gọi là sabat. Ngày sabat luật cấm làm bất cứ việc gì, dù thắp đèn tắt lửa, viết hai ba chữ, đi xa quá hai ngàn thước tay, hay gần một cây số (1000 mét) cũng không được. Ai phạm luật sẽ phải ném đá. Các công việc phải dọn dẹp sáng hôm trước.

Ngày trong tuần: Người Do Thái kể ngày từ lúc mặt trời lặn chiều hôm trước đến lúc mặt trời lặn chiều hôm sau. Nhưng thực ra, họ vẫn hiểu từ sáng đến tối là một ngày, ta quen gọi là ban ngày. Khi trước họ chia ngày ra làm ba buổi: Chiều, sáng, trưa, nên các ngày lễ bắt đầu khai mạc từ buổi chiều.

Cách tính giờ: Đời Chúa Giêsu, một ngày chia làm 12 giờ (Mt 20, 3-6 ; Ga 11, 9). Tuy chia ban ngày ra làm 12 giờ (giờ gọi bằng số đếm cả), nhưng khi thực hành, họ chia ngày ra làm bốn quãng, mỗi quãng ba giờ, gọi là giờ thứ 1, 3, 6, 9.

– Giờ thứ 1 lúc 6 giờ sáng khi mặt trời mọc,

– Giờ thứ 3 lúc 9 giờ sáng,

– Giờ thứ 6 lúc 12 giờ trưa. (Bấy giờ đã gần tới giờ thứ 6, thế mà bóng tối bao phủ khắp mặt đất, mãi đến giờ thứ 9 (Lc 23,44)

– Giờ thứ 9 là 3 giờ chiều. Giờ thứ 10 là 4 giờ chiều.

Giáo hội còn giữ cách tính này trong kinh Nhật tụng (prima, giờ thứ 1, tertia, giờ thứ 3, sexta giờ thứ 6, nona giờ thứ 9).

Về đêm: Người Do Thái chia đêm ra từng canh. Đời Chúa Giêsu, mỗi đêm chia ra làm 4 canh:

– Canh 1 từ lúc mặt trời lặn đến 9 giờ.

– Canh 2 từ 9 giờ đến nửa đêm.

– Canh 3 từ nửa đêm đến 3 giờ (canh gà gáy).

– Canh 4 từ 3 giờ đến 6g sáng.

Không có đồng hồ sao biết tính giờ? Người Do Thái và cả dân chung quanh thời đó không có khái niệm về đồng hồ hay giờ có 60 phút, một phút có 60 giây như chúng ta bây giờ. Giờ của họ là khoảng thời gian nhắm chừng qua kinh nghiệm sống. Người Việt Nam cũng hay dùng từ xế chiều hay đúng ngọ hay trời sập tối… Nên chắc chắn không thể chính xác từng giây phút được.

Đặt tên và đổi tên: Con người sinh ra được Cha Mẹ đặt tên. Tên nói lên sự hiện hữu đặc thù, sự hiện hữu duy nhất của cá nhân ai đó trên trần đời. Tên cũng là danh, “phải có danh gì với núi sông!” tức phải sống xứng đáng với danh tánh hay nên làm một điều gì đó lưu danh cho hậu thế. Chúa là Chúa, là tạo hóa và là Đấng thiết lập nước Chúa ở trần gian, Chúa cần người tiếp tay. Chúa chọn Simon và đổi tên ông thành Phêrô để nói lên sứ vụ ông phải nhận lãnh.

III. Thực hành Phúc Âm:

Hình ảnh con chiên trong sinh nhoạt và phụng vụ tế tự Công Giáo;

Trong sinh hoạt, ta thấy có nhiều tên gọi: Con chiên, đàn chiên, bầy chiên, chủ chiên, chăn chiên, chiên lạc, tìm chiên, giữ chiên, chuồng chiên, cửa chiên….

Trong phụng vụ tế tư, chúng ta thấy có: Máu chiên, chiên sát tế, chiên hy sinh, Chiên Thiên Chúa…

Những tên gọi trên cho chúng ta một lối sống ngoan hiền như chiên.

Chiên ít nói, chiên nghe chủ chiên, chiên sống chung trong bầy đàn và chiên hy sinh phục vụ.

Thực tế có rất nhiều chiên hiền lành và cũng có rất nhiều chủ chiên nhân từ. Thật đáng ngưỡng mộ và quí trọng. Chúng ta có phúc sống trong đàn Chiên Chúa có Chúa là chủ chiên hy sinh làm hy tế cho chúng ta

Chỉ xin đề nghị thêm phương châm sống trong giáo xứ như gia đình Thiên Chúa theo như Đức Giáo Hoàng Phanxicô là: May I ? Xin cho tôi….Thank you! Cám ơn và I’m sorry, xin lỗi. Ước gì chủ chiên và chiên biết đối xử với nhau như thế.

2. Dạng Audio với thánh ca diễn ý – Download File MP3

 

3. Click xem Kiến thức Công Giáo số 3  Download File PDF | File Word

4. Bản văn bài giảng – Download File Word 

5. Mời hưởng dùng 2 website rất bổ ích: Truongbuudiepapt.net và chadiepucchau.com