Bài giảng Chúa Nhật Chúa Thăng Thiên và Chúa Nhật 7 Phục Sinh năm C

1047

Thông tin: Ở Mỹ phần nhiều các địa phận mừng lễ Chúa lên trời vào ngày Thứ Năm sau Chúa Nhật VI Phục Sinh… Đang khi đó nhiều nước dời Lễ Thăng Thiên vào Chúa Nhật ngày 2.6, tức bỏ Chúa Nhật VII Phục Sinh. Xin gửi cả hai tùy nghi xử dụng sao cho phù hợp với hoàn cảnh phụng vụ nơi mình ở.

Chúa Giêsu vinh hiển lên trời
Thiên đàng là đích cuộc đời trần gian
Như Chúa: khốn khó gian nan
Thành đường, thành giá, hiên ngang lên trời. Amen.

Thơ diễn ý:

Trước khi từ giả lên trời,
Chúa gặp môn đệ ban lời khuyên răn:
Quyền hành khắp cõi gian trần,
Trên Trời cao thẳm trao ban cho Thầy

Các con đi làm việc nầy:
Tin Mừng rao giảng, giải bày niềm tin
Cha Con và Chúa Thánh Linh,
Nhân danh Ba Đấng, tái sinh nhân trần.

Dạy họ tuân giữ chuyên cần,
Giáo huấn luật Chúa cho phần thiêng liêng.
Dù cho Thầy có thăng thiên,
Yêu thương, hiện diện, thường xuyên quan phòng.

Hoả ngục cũng đừng có hòng,
Giáo Hội kiên vững nhờ trông ơn Trời.
Phong ba sóng gió tơi bời,
Tin Mừng, chân lý, muôn đời không sai. Amen.

Bài giảng Chúa Nhật Lễ Thăng Thiên năm C

1. Video

CHÚA NHẬT LỄ THĂNG THIÊN (Chúa Nhật 7 Phục Sinh)
Sách Công Vụ Tông Đồ  Cv. 1. 1-11;
Thư gửi Giáo Đoàn Êphêsô 1.17-23
và Phúc Âm Thánh Luca 24.46-53

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca
Và Người nói : “Có lời Kinh Thánh chép rằng : Đấng Ki-tô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại ; phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giê-ru-sa-lem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội. Chính anh em là chứng nhân về những điều này. “Phần Thầy, Thầy sẽ gửi cho anh em điều Cha Thầy đã hứa. Còn anh em, hãy ở lại trong thành, cho đến khi nhận được quyền năng từ trời cao ban xuống.” Sau đó, Người dẫn các ông tới gần Bê-ta-ni-a, rồi giơ tay chúc lành cho các ông. Và đang khi chúc lành, thì Người rời khỏi các ông và được đem lên trời. Bấy giờ các ông bái lạy Người, rồi trở lại Giê-ru-sa-lem, lòng đầy hoan hỷ, và hằng ở trong Đền Thờ mà chúc tụng Thiên Chúa.

Đó là Lời Chúa! Lạy Chúa Kitô, ngợi khen Chúa.

I. Giáo huấn Phúc Âm:

Tông đồ Chúa phải là chứng nhân cho việc Đức Kitô chịu khổ hình và phục sinh vinh quang “bắt đầu từ Giêrusalem”

Tông Đồ phải truyền giảng việc Đức Kitô chịu khổ hình và Phục Sinh để mọi người sám hối và để được ơn tha tội.

Làm chứng nhân và truyền giảng tin mừng dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. “Hãy ở lại trong thành, cho đến khi nhận được quyền năng từ trời cao ban xuống”.

II. Dẫn giải Phúc Âm:

1. Vai trò chứng nhân cho việc Đức Kitô chịu khổ hình và phục sinh vinh quang.

Theo Tân Ước, chứng nhân được hiểu là người xác nhận những việc làm của Chúa Giêsu đặc biệt về cái chết và sự Phục Sinh của Chúa như được đề cập trong Tông Đồ Công Vụ 1. 22. Từ “chứng nhân” đặc biệt dùng để chỉ người chứng kiến việc Chúa chết và sống lại. Những chứng nhân nầy lấy chính mạng sống mình làm chứng về cái chết và sự Phục Sinh của Chúa Kitô, chúng ta quen gọi là tử đạo. Tử đạo bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp martus. Việc lấy máu mình làm chứng cho cái chết và sự Phục Sinh của Chúa Kitô được phản ảnh trong Thư Thánh Phaolô gửi Do Thái 12.1.

Khi nhận lệnh truyền “chính anh em là chứng nhân cho những điều nầy!” các tông đồ xác nhận mình đã thấy Chúa Kitô chết và sống lại để cứu chuộc nhân loại. Đồng thời khi cần, phải lầy máu mình mà làm chứng cho điều mình thấy và tin. Các tông đồ được kêu gọi hy sinh cả mạng sống mình vì làm chứng cho Chúa Kitô chết và Phục Sinh. Nên đức tin vào Chúa Kitô chết và Phục Sinh quan trọng hơn mạng sống con người ở trần gian. Thời nầy qua thời khác, hàng trăm hàng ngàn con người đã dám chết cho niềm tin Chúa Kitô chết và phục sinh.

Thường người ta phân biệt hai hạng chứng nhân:

De visu, eyes witness, tức chứng kiến tận mắt. Tiếng Việt hay nói: Tai nghe mắt thấy.

De auditu, second-hand witnesses, having heard from who have seen. Nghe thấy từ người đáng tin.

Tông đồ và môn đệ Chúa thời Chúa tại thế là những chứng nhân De visu. Các Ngài gần gũi, sinh hoạt với Chúa. Các Ngài sờ chạm Chúa và nhìn thấy Chúa chết treo trên thánh giá cũng như được Chúa Phục Sinh hiện ra. Các Ngài đã giảng về Chúa Kitô chết và Phục Sinh cũng như đã chết cho điều mìnhh làm chứng.

Những thế hệ sau các tông đồ và chúng ta bây giờ là những chứng nhân “De auditu”. Chúng ta nghe tường thuật việc Chúa Kitô chết và Phục Sinh qua những chứnhg nhân “De visu”. Cho dù chỉ nghe thôi, chúng ta vẫn được kêu gọi làm chứng và sẵn sàng chết cho diều mình tin và làm chứng.

2. “Phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giêrusalem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội”.

Tông đồ là chứng nhân về Chúa Kitô đã chết và đã sống lại. Tông đồ làm chứng và giảng nhân danh Đức Kitô Đấng đã chết và sống lại. Vắn tắt: Đức Kitô, Đấng đã chết và sống lại là người mà chúng ta phải làm chứng, là đề tài mà chúng ta phải giảng, là người mà chúng ta phải nhân danh và là niềm tin để được hoán cải và được cứu độ. Thời Giáo Hội sơ khai, Giáo Lý các Tông đồ gọi là Didache, giáo lý xoay chung quanh đề tài Giêsu thành Nazarét, đã chết và đã sống lại.

Bắt đầu từ Giêrusalem: Không có nghĩa là tất cả các tông đồ hay các nhà truyền giáo phải bắt đầu giảng về Đức Kitô chết và sống lại tại Giêrusalem trước. Nhưng “Bắt đầu từ Giêrusalem” có nghĩa là: Bắt đầu từ Chúa Giêsu, Đấng tự xưng mình là Giêsusalem mới, tức trung tâm phượng tự mới như trong Gn. 2.19 khi Ngài bảo “phá hủy đền thờ nầy và ta sẽ xây lại trong ba ngày”! “Bắt đầu từ Giêrusalem” còn có nghĩa là địa danh mà Chúa Giêsu đã bị đau khổ, bị giết chết và cũng là nơi Chúa Phục Sinh vinh quang. “Ở lại Giêrusalem” để nhận ơn Chúa Thánh Thần, trong ngày lễ Ngũ Tuần ở Giêrusalem và rồi “Bắt đầu từ Giêrusalem” mà đi truyền giảng tin mừng cứu độ về Chúa Giêsu đã chết và sống lại tại Giêrusalem. Sau đó hãy đi khắp muôn nơi rao truyền tin mừng cho muôn dân dưới sự hướng dẫn và trợ lực của Chúa Thánh Thần. Giêrusalem là thánh đô, là trung tâm của Cựu Ước. Tân Ước hay đạo mới, xây nền trên và hoàn hảo hoá Cựu Ước. Đạo mới sẽ xây Giêrusalem mới nơi mỗi tâm hồn, là đền thờ Chúa.

Sách Tông Đồ Công Vụ 2.1-40 cho biết các tông đồ đã làm như vậy. Họ đã tập họp với nhau tại Giêrusalem trong ngày Lễ Ngũ Tuần. Chúa Thánh Thần đã lấy hình lưỡi lửa xuống trên các tông đồ. Nhận đầy ơn Chúa Thánh Thần, các ông đã đi khắp nơi rao giảng tin mừng Chúa Kitô đã chết và đã sống lại. Cũng trong ngày ấy Phêrô đã giảng ở Công Trường Giêrusalem. Các dân nước đều hiểu sứ điệp Phêrô truyền đạt trong ngôn ngữ Aram của ông. Ba ngàn người xin lãnh nhận bí tích rửa tội trong ngày đó.

III. Thực hành Phúc Âm:   

1. Thiên đàng như thế nào? Có thề có thiên đàng trần gian hay biến trần gian thành thiên đàng không?

Thiên đàng theo Muslimparadise là nơi mà trinh nữ nhiều vô kể. Những trinh nữ nầy dành sẵn cho những anh hùng của Hồi Giáo… Xem chừng như đây là ước mơ của những người háo sắc chăng?

Thiên đàng theo quan niệm của cộng sản là nơi không còn giai cấp, không còn người bóc lột người. Thiên đàng là nơi của cải vật chất thừa thải. Người ta sống tự do hạnh phúc và thoải mái. Người ta lao động theo khả năng và hưởng theo nhu cầu. Đây là ước mơ bình thường của những người nghèo, hạng nhân công bị chủ bóc lột. Nên cộng sản lớn mạnh ở những nơi nghèo, nơi con người chỉ có những ước mơ rất bình thường: Ăn no mặt ấm đã là thiên đàng rồi.

Kitô giáo quan niệm thiên đàng là nơi có Chúa, Đấng Thánh tuyệt đối, Đấng hằng hữu, Đấng tình yêu và là Đấng có khả năng lấp đầy mọi khát vọng nơi con người. Không còn một thứ đòi hỏi nào trên Thiên đàng. Vì Chúa là tất cả (theo tư tưởng của Thánh Anselmô cả).

Thiên đàng của Kitô Giáo là nơi mà Chúa Kitô Phục Sinh lên trời. Ngài là Thiên Chúa Thánh Thiện, đi về nơi cực thánh. Ngài là Thiên Chúa hằng hữu, đi về nơi không có sự chết. Ngài là Thiên Chúa tình yêu, đi về nơi chỉ còn đức Ái, như Thánh Phaolô mô tả. Ngài là Đấng tuyệt hảo, đi về nơi không có gì bất toàn. Ngài là hoa quả đầu mùa, là trưởng tử của hàng tạo vật, Ngài là đấng đi trước để dọn chỗ cho chúng ta. Để sau cùng chúng ta cũng lên thiên đàng, nơi hạnh phúc và bất tử.

Như vậy thiên đàng trần gian chỉ là ảo tưởng hay là chiếc bánh vẽ của những ý thức hệ chính trị nhằm tạo sự đấu tranh. Không thể có thiên đàng nếu không có Chúa là Đấng Thánh. Nếu không tin Chúa thì làm sao có sự thánh thiện. Nếu không có Chúa thì làm sao có hoàn hảo hay trọn vẹn. Nếu thiên đàng chỉ là chuyện ăn no và làm tình thoải mái thì không trả lời được những đòi hỏi nơi bản năng. Vừa ăn no xong, người ta vẫn còn thèm ăn nữa. Dù mới làm tình xong người ta vẫn chưa thoả mãn hoàn toàn. Bất toàn và phàm tục thì làm sao gọi là thiên đàng?

2. Rao giảng tin mừng và đón nhận Tin Mừng:

Cựu đại tướng và nguyên thủ tướng VNCH Trần Thiện Khiêm rửa tội 25.3.2018

Cựu Đại Tướng và nguyên Thủ Tướng VNCH Trần Thiện Khiêm theo đạo Công Giáo – Người đưa tin từ San Jose – 30/Mar/2018. San Jose – Vào lúc 2 giờ 30 chiều ngày 25/3/2018 vừa qua, nhằm ngày Chúa Nhật Lễ Lá, cựu ĐT và nguyên TT Trần Thiện Khiêm đã được LM Justin Giuse Lê Trung Tướng, cha chính xứ giáo xứ St. Elizabeth, Milpitas, đồng thời là cha Quản hạt, Giáo hạt San Jose, miền Bắc tiểu bang California Hoa Kỳ Rửa tội theo nghi lễ Công Giáo Rôma.

Ông sinh năm 1922, như vậy ở tuổi 96, ông đã chính thức xin gia nhập đạo Công Giáo và lấy tên thánh là Phaolô. Bí tích Rửa tội đã được cử hành tại phòng khách của một dưỡng đường tại thành phố San Jose, miền Bắc California Hoa Kỳ, nơi ông đang nằm điều dưỡng do bị gẫy xương chân. Ông đã được rước Mình và Máu Thánh Chúa. Theo tin được biết việc xin gia nhập đạo Công Giáo do chính ông quyết định sau khi đã tự nghiên cứu và tìm hiểu từ lâu. Theo lời ông kể, trước đây ông theo Đạo Ông Bà; nhưng gia đình họ hàng của ông đã có rất nhiều người theo đạo Công Giáo, đã có những người làm Linh Mục, Ma-Sơ. Và đặc biệt, cũng theo ông, Luật sư Nguyễn Văn Huyền, cựu chủ tịch Thượng Viện và là vị Phó Tổng Thống sau cùng là người anh bà con của ông.

2. Nhạc diễn ý bài Phúc Âm do Nhạc sĩ Quang Hoài. Xem tại đây

3. Bản văn Word. Download tại đây

4. SlideShow minh họa bài Phúc Âm Bánh Mì Chúa Nhật

5. Tin vui Tuyên Thánh song ngữ
Tiếng Anh do Cha Dương Hữu Nhân phổ biến | Tiếng Việt do Cha Phêrô Tuyên dịch
Xem tại đây

***

Bài giảng Chúa Nhật VII Phục Sinh năm C

1. Video

CHÚA NHẬT VII PHỤC SINH
Sách Công Vụ Tông Đồ  Cv 7, 55-59ab ;

Sách Khải Huyền của Thánh Gioan Tông Đồ Kh 22, 12-14. 16-17. 20
và Phúc Âm Thánh Gioan 17, 20-26

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Con không chỉ cầu nguyện cho những người này, nhưng còn cho những ai nhờ lời họ mà tin vào con, để tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta. Như vậy, thế gian sẽ tin rằng Cha đã sai con. Phần con, con đã ban cho họ vinh quang mà Cha đã ban cho con, để họ được nên một như chúng ta là một : Con ở trong họ và Cha ở trong con, để họ được hoàn toàn nên một ; như vậy, thế gian sẽ nhận biết là chính Cha đã sai con và đã yêu thương họ như đã yêu thương con. Lạy Cha, con muốn rằng con ở đâu, thì những người Cha đã ban cho con cũng ở đó với con, để họ chiêm ngưỡng vinh quang của con, vinh quang mà Cha đã ban cho con, vì Cha đã yêu thương con trước khi thế gian được tạo thành. Lạy Cha là Đấng công chính, thế gian đã không biết Cha, nhưng con, con đã biết Cha, và những người này đã biết là chính Cha đã sai con. Con đã cho họ biết danh Cha, và sẽ còn cho họ biết nữa, để tình Cha đã yêu thương con, ở trong họ, và con cũng ở trong họ nữa.”

Ðó là lời Chúa. Lạy Chúa Kitô, ngợi khen Chúa.

Thơ diễn ý:

Xin cho tất cả thành một,
Thương yêu đoàn kết rường cột đức tin.
Biệt ly, tha thiết cầu xin:
Cho chúng thành một câu kinh mỗi ngày.

Giảng đạo, môi mép, dông dài.
Mà không hiệp nhất cũng tày luống công.
Thiên Chúa đâu phải trên không,
Đưa vào cuộc sống! Để trông, để nhìn.

Đừng để trần thế cười khinh,
Hạng người giả đối đức tin ngoài mồm.
Cầu xin Nước Chúa trường tồn,
Người tin không phải bồn chồn âu lo.

Tình thương Thiên Chúa cao to,
Vượt ngoài dự đoán thước đo người đời.
Cho con yêu mến Chúa Trời,
Anh em nâng đỡ cho đời niềm vui. Amen.

I. Giáo huấn Phúc Âm:

1. Mẫu mực hiệp nhất hoàn hảo là Thiên Chúa Cha và Thiên Chúa Con: Cha trong Con và Con trong Cha.

2. Hiệp nhất là minh chứng Chúa Con được Thiên Chúa Cha sai đến trần gian. Hiệp nhất với Chúa Con và với nhau là minh chứng cho tình yêu giữa Thiên chúa và con người. Thiên Chúa yêu con người, chia sẻ cho con người tình yêu hiệp nhất huynh đệ.

3. Hiệp nhất cho con người có khả năng chung sống với Thiên Chúa. Hiệp nhất là tình yêu. Thiên Chúa là tình yêu. Yêu thương nhau là có Thiên Chúa ở cùng.

II. Dẫn giải Phúc Âm:

1. Thế nào gọi là hiệp nhất?

Xin phân biệt những từ vựng khác nghĩa, nhưng tương tự dễ gây hiểu lầm:

Độc nhất – unique (thường hiểu là độc nhất vô nhị và là tĩnh từ)

Thí dụ: Mỗi người chúng ta là một con người duy nhất – Every one of us is a unique person – Tức không ai giống ai, mỗi con người là một cá thể độc đáo duy nhất.

Sự duy nhất hay sự độc đáo có một không hai – uniqueness – danh từ.

Thí dụ: Tính độc đáo của gian cung thánh nầy là sự đơn giản – The uniqueness of this sanctuary is the simplification.

Làm thành duy nhất hay trở thành độc đáo – Make unique or become unique

Thí dụ: Ca sĩ nầy có tiếng ca độc đáo – This singer makes his voice as unique one.

Sự hiệp nhất – unity – khác với uniqueness, tức sự hiệp nhất khác với độc đáo duy nhất có một không hai. Sự hiệp nhất có nghĩa là hợp thành một từ những cái khác biệt, chứ không  có nghĩa là bỏ những gì độc đáo để hoà nhập vào một cái chung không còn cá thể.

Sự hiệp nhất – unity, là danh từ, có động từ là: thành một – become one hay unite –

Thí dụ: Qua Bí Tích rửa tội, Chúa Kitô hiệp nhất chúng ta với chính Người – By Baptism Christ unites us to himself.

Sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, con người không được phân ly: What God has united, man must not divide.

Sự hiệp thông hay sự thông công – communion

Thí dụ: tín điều các thánh thông công – Communion of saints dạy rằng: Cả ba Giáo Hội: Giáo Hội khải hoàn (church triumphant), giáo hội đau khổ (church suffering) và giáo hội chiến đấu (church militant) hiệp thông với nhau. Có nghĩa: ba Giáo Hội hiệp thông trong lời cầu nguyện và chia sẻ công trạng cho nhau.

Thí dụ khác: Sự hiệp thông phẩm trật – hierarchical communion, tức sự hiệp thông giữa linh mục với Giám Mục và Giám Mục với Đức Giáo Hoàng trong vai trò làm tư tế, tiên tri và vương đế. Có nhiều Giáo Hội không có hiệp thông với Giáo Hội Công Giáo La Mã như Giáo Hội chính thống đông phương tuyên bố ly khai từ năm 1054 hay hàng ngàn giáo phái Tin Lành không hiệp thông với Giáo Hội Công Giáo La Mã, đặc biệt với Đức Giáo Hoàng.

Phân biệt trên giúp phân biệt: Thế nào gọi là hiệp nhất?

Hiệp nhất không là huỷ bỏ cái độc đáo hay cái duy nhất có một không hai nơi cá nhân, nhưng là v iệc become one, việc ý hiệp tâm đầu để mang ích lợi chung cho tập thể. Thí dụ: hai vợ chồng thành một từ hai người khác phái hay khác sở thích cá nhân để xây dựng một gia đình yêu thương và mang phúc lợi cho hai vợ chồng và con cái.

Xin dùng hình ảnh nầy để diễn tả hiệp nhất: Một Thiên Chúa, nhưng có Ba Ngôi Vị Cha Con và Thánh Thần – Trong gia đình có Cha Mẹ và con cái – có phái tính riêng – có sở thích riêng nhưng chung một mái nhà để tìm phúc lợi cho nhau. Nện hiệp nhất không có nghĩa là lấy sở thích hay ý kiến của một người làm mẫu mực và những người khác phải phấn đấu, vùi dập cá thể để “nhất trí!” với ý kiến của lãnh đạo. Đó là độc tài, là vô nhân chứ không là hiệp nhất. Nói tóm gọn: hiệp nhất có nghĩa là “CHÚNG TA!” trong cái chúng bta nầy có anh, có tôi và có người khác nữa. Cái chúng ta nầy như đại dương, hào nhập tất cả nước từ nhiều nhánh song…. Nhưng tất cà không còn nằm riêng hay chia nhánh… trái lại hoà nhập thành đại dương mênh mông.

2. Cứ dấu nầy người ta nhận biết chúng con là môn đệ Thầy là: Yêu thương nhau! Tại sao phải yêu thương nhau mới là dấu chứng môn đệ Chúa Kitô? Chúng ta không yêu thương nhau thì Giáo Hội Chúa sẽ như thế nào?       

Thiên Chúa là tình yêu. Tình yêu vô hình, nhưng tình yêu là sức sống của Thiên Chúa và con người. Khi chúng ta yêu thương nhau và người khác nhận ra chúng ta yêu thương nhau thì họ nhận ra Thiên Chúa là tình yêu. Vì ai cũng cần tình yêu. Người ta cần Thiên chúa là tình yêu nên người ta tìm đến với phép thánh tẩy, gia nhập Giáo Hội để tôn thờ Thiên Chúa tình yêu và được yêu thương nâng đỡ nhau.

Nếu chúng ta không yêu thương nhau thì Giáo Hội Chúa sẽ như thế nào?

Giáo Hội Chúa chia rẽ và gây nên cảnh ly khai hay khai trừ nhau….Nhiều người không còn muốn hay không thích theo một tôn giáo nào, vì họ không phân biệt đâu là chánh hay tà, đâu là đúng hay không đúng, thôi thì đứng ngoài cho khỏi nhức đầu, khỏi phải nghe về những tranh cãi về tín lý và luân lý.

Nên phải thú nhận rằng:

Các Giáo Hội Kitô giáo chưa thực hiện lời Chúa dạy là hiệp nhất với nhau như Thiên Chúa hiệp nhất. Vì thế dù mang tên Chúa Kitô, nhưng chưa là thành dấu chứng sự hiện hữu đích thực của Chúa Kitô.

Các cộng đoàn Kitô hữu còn quá nhiều phân rẽ chưa là dấu chứng sự hiện hữu của Chúa Kitô.

Không phải dễ kiếm sự hiệp nhất hay tình yêu thương chân thật nơi các cộng đoàn tu trì hay giữa những giáo sĩ mà lời cầu nguyện của Chúa “Ước gì chúng nên một!” …. chưa có chỗ trong sinh hoạt thường ngày.

III. Thực hành Phúc Âm:         

  1. Thể hiện yêu thương hiệp nhất tối thiểu: không nói xấu người khác

Cũng khá lâu rồi, tôi không còn phê bình chỉ trích hay nói hành nói xấu người khác. Lý do? Tôi có tính gọi nôm na là dứt điểm! Điều gì tôi bắt đầu làm…. Tôi phải kết thúc càng sớm càng tốt… Có nhiều khi tôi thức rất khuya để làm cho xong một việc. Khi tôi đã ngã lưng nằm nghỉ là tôi có thể nói như Chúa Kitô trên thánh giá: Mọi sự đã hoàn tất!

Thật vậy, tôi luôn bắt đầu một ngày mới với công việc mới. Tính dứt điểm nầy có cái hay mà có cái dỡ.

Cái dỡ của nó là: khó tìm người hợp tác vì người ta không thích làm việc quá căng thẳng.

Cái hay của nó: Kết quả mau chóng và làm được rất nhiều việc. Không dám tự hào, nhưng thực tế là tôi có thể học hành, viết sách, viết nhạc và nhiều việc khác…

Vì tính dứt điểm nầy mà tôi không còn nói xấu người khác. Lý do? Không bao giờ chúng ta nói cho xong hay nói cho hết tính xấu của người khác. Vừa nói xong tính xấu nầy thì họ lại sinh ra tính xấu khác. Nếu có ý nói xấu người khác, chúng ta phải mất nhiều ngày giờ để làm chuyện nầy…. và đây là chuyện không rồi, chuyện không có điểm kết thúc. ….Nếu ai đó chủ tâm nói xấu tôi… thì họ cũng mất nhiều ngày giờ… vì xem chừng càng ngày càng xấu và hết thói xấu nầy nảy sinh tính xấu khác.

Nên tôi quyết tâm là dứt điểm chuyện nói xấu người khác. Không làm chuyện “không đoạn kết” nầy nữa. Mệt vô cùng!

  1. Thể hiện yêu thương hiệp nhất tích cực: Một câu khen và một nụ cười

Có vài gia đình quen. Người ta quen than với tôi nhưng lại ghét nhau quá chừng… Ghét đến nỗi trong thánh lễ nhà thờ xứ… họ không thèm mỉm cười hay chúc bình an cho nhau… Không biết những anh chị em nầy có kinh nghiệm sống ở đời như thế nào. Riêng tôi, tôi có suy nghĩ nầy: Trái đất tròn.. rồi có ngày chúng ta gặp nhau… hay cũng có lúc chúng ta cần người khác.

Nên tôi chủ trương: Không cần gì và không dại gì để ghét bỏ nhau hay gây ra ân oán làm gì cho thiệt thân mình… Biết đâu chừng mình cần họ sau nầy. Nếu bây giờ, chúng ta không vừa ý nhau thì thôi cũng ráng nở nụ cười, dù không tự nhiên cho lắm… nhưng nó cũng mang lợi nhiều hơn hại. Nếu hiện tại, có bất bình với nhau… biết đâu nhờ cái bắt tay chúc bình an mà tâm hồn chúng ta có an bình và thư thái.

Tôi thấy có hai người đàn ông lúc trước là bạn thân… nhưng vì lý do gì đó… thù ghét nhau, không còn nhìn mặt nhau nữa… Trớ trêu là họ thành xuôi gia, vì con cái họ lấy nhau? Giải quyết thế nào đây? Thôi thì hãy coi đây là dịp để làm xuôi và làm hoà.

Có linh mục Việt Nam kia làm cha phó, nhưng lại cứ hay tổ chức chuyện nầy chuyện nọ mà không thông qua cha sở… Hai Cha bất hoà và sau cùng cha phó phải ra đi với lòng thù hận thề rằng: Không bao giờ nói đến tên nó! (giáo dân nghe Cha nói vậy). Nhưng Chúa có đường của Ngài… Cha Sở được đi học Rôma rồi về làm Đức Cha… Cha phó phải đến mà làm hoà và làm thân để có chỗ tốt trong địa phận…

Tôi muốn nói là: Trái đất tròn, đừng thề thốt “không nhìn nhau!” làm gì, vì có lúc chúng ta gặp nhau và cần nhau. Cái hay là một lời khen hay một nụ cười làm hòa là hay nhất. Amen.

2. File Word download tại đây