Bài giảng Chúa Nhật Chúa Thăng Thiên B

1385

1. Bài giảng dạng Video

Tóm ý:

Trước khi được nhấc lên trời
Tập họp môn đệ ban lời thực thi:
Tất cả đều phải ra đi
Tin Mừng rao giảng! khắc ghi giáo điều.

Thanh tẩy hoán cải thật nhiều
Kẻ tin được cứu! Nhiều điều trao ban:
Rắn rít, thuốc độc, vô can
Trừ quỉ, chữa bệnh, bình an may lành.

Môn đệ nhiệt huyết tâm thành
Tin Mừng rao giảng trong thành ngoài thôn.
Giảng rằng: Chúa tể càng khôn
Xuống trần, chết khổ, được chôn, về trời.

Tin mừng rao giảng gọi mời
Rửa tội, tuân giữ những Lời truyền ban
Một khi rời bỏ trần gian
Không là chấm hết, nhưng sang vĩnh hằng.
Amen

CHÚA NHẬT LỄ THĂNG THIÊN
Sách Tồng Đồ Công Vụ 1,1-11; Thư Thánh Phaolô gửi Êphêsô 1,17-23
và Phúc Âm Thánh Matcô 16.15-20

Bài trích Phúc Âm theo thánh Matcô
Khi ấy, Chúa Giêsu hiện ra với mười một môn đệ và phán: “Các con hãy đi khắp thế gian, rao giảng Tin Mừng cho mọi tạo vật. Ai tin và chịu phép rửa, thì sẽ được cứu độ; ai không tin, sẽ bị luận phạt. Và đây là những phép lạ đi theo những người đã tin: nhân danh Thầy, họ sẽ trừ quỷ, nói các thứ tiếng mới lạ, họ đặt tay trên những người bệnh, và bệnh nhân sẽ được lành mạnh”. Vậy sau khi nói với các môn đệ, Chúa Giêsu lên trời, và ngự bên hữu Thiên Chúa. Phần các ông, các ông đi rao giảng khắp mọi nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông, và củng cố lời giảng dạy bằng những phép lạ kèm theo.
Đó là Lời Chúa – Lạy Chúa Kitô, ngợi khen Chúa!

I. Giáo Huấn Phúc Âm:

Môn đệ Chúa phải là người: Đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo. Môn đệ Chúa có quyền trên tà thần, được Thiên chúa giữ gìn và có khả năng chữa lành bệnh tật.

Môn đệ Chúa chứng kiến Chúa lên Trời và họ đi rao giảng Tin Mừng khắp nơi về việc Chúa Giêsu chết, sống lại và lên Trời vinh hiển.

II. Vấn nạn Phúc Âm:   

Không đồng nhất về không gian và thời gian việc Chúa Thăng Thiên qua 2 đoạn Tin Mừng ngày lễ Thăng Thiên dưới đây.  Trong Luca đoạn 24, có vẻ như Chúa về trời ở Betania gần Giêrusalem cùng ngày khi hiện ra với các môn đệ ở Emmaus – tức là ngày thứ nhất ngay sau khi Chúa sống lại.  Trong Matthêô 28 không nói rõ Chúa lên trời nhưng có đề cập đến ngọn núi ở Galilê (ở miền Bắc Israel). Trong Cv. 1,3, Chúa về trời 40 ngày sau khi sống lại.

Trong Phúc Âm Matthêô: Chúa hẹn các tông đồ lên ngọn núi ở Miền Bắc. Sau khi truyền cho họ đi rao giảng Tin Mừng cho muôn dân. Sau khi hứa sẽ ở cùng các ông mọi ngày cho đến tận thế… rồi Chúa lên trời.

Trong Phúc Âm Matcô:  Chúa không hẹn mà hiện ra bất ngờ. Hiện ra bất ngờ mà cũng có đầy đủ 11 tông đồ. Rồi Chúa truyền cho họ đi rao giảng Tin Mừng, ban cho các Ông quyền trên tà thần, hứa sẽ ở với các Ông…  và Chúa lên Trời.

Trong Phúc Âm Luca: Chúa hiện ra cho Hai môn đệ về làng Êmau. Hai Ông nầy quay lại báo tin cho các tông đồ đang ở Giêrusalem. Chúa hiện ra cho các tông đồ. Chúa dặn dò… nhắn nhủ đủ điều… rồi Thầy trò cùng đến Bêtania, Chúa giơ tay chúc lành và … lên Trời.

Như vậy, theo Phúc Âm Luca, Chúa lên trời ở Miền Nam chứ không phải ở Miền Bắc như trong Phúc Âm Matthêô.

Còn Sách Công Vụ Tông Đồ 1. 3-11 do Thánh Luca viết thì khẳng định “Người lại còn dùng nhiều cách để chứng tỏ cho các ông thấy là Người vẫn sống sau khi đã chịu khổ hình: trong bốn mươi ngày, Người đã hiện ra nói chuyện với các ông về Nước Thiên Chúa.  Một hôm, đang khi dùng bữa với các Tông Đồ, Đức Giê-su truyền cho các ông không được rời khỏi Giê-ru-sa-lem, nhưng phải ở lại mà chờ đợi điều Chúa Cha đã hứa, “điều mà anh em đã nghe Thầy nói tới, ……  Nói xong, Người được cất lên ngay trước mắt các ông, và có đám mây quyện lấy Người, khiến các ông không còn thấy Người nữa. Và đang lúc các ông còn đăm đăm nhìn lên trời phía Người đi, thì bỗng có hai người đàn ông mặc áo trắng đứng bên cạnh 11 và nói : “Hỡi những người Ga-li-lê, sao còn đứng nhìn lên trời ? Đức Giê-su, Đấng vừa lìa bỏ các ông và được rước lên trời, cũng sẽ ngự đến y như các ông đã thấy Người lên trời.”

Thánh Matcô và Luca là môn đệ của các tông đồ Phêrô và Phaolô. Nên hai ông không được kể trong số 11 và không chứng kiến việc Chúa lên Trời. Phúc Âm của Matcô và Luca là những bản sao chép của Phúc Âm Matthêô. Nhưng xem chừng lại đối nghịch trong việc Chúa thăng thiên so với Phúc Âm Thánh Matthêô. Phúc Âm Matthêô tường thuật Chúa lên Trời ở Miền Bắc. Còn Luca thì ở Bêtania, Miền Nam và lại còn có thiên thần mặc áo trằng bảo là “Hỡi người Galilê sao còn đứng đó nhìn trời?”

Thánh Luca viết Phúc Âm cho người mới tòng giáo. Thánh nhân muốn cho mọi người thấy bốn biến cố lớn trong đời Chúa Giêsu đều xảy ra ở thủ đô Giêrusalem ở Miền Nam:

Chúa sinh ra ở Bêlem.
Chúa chết ở Giêrusalem.
Chúa sống lại ở Giêrusalem.
Chúa lên Trời ở Bêtania vùng phụ cận Giêrusalem..

Tất cả qui vào một con người là Chúa Giêsu và vào một địa danh là Giêrusalem, thủ đô  tôn giáo cũ. Giêrusalem, thủ đô của Do Thái và là trung tâm phượng tự của Do Thái Giáo. Chúa Giêsu trước khi chết, đã vào đền thờ để thanh tẩy. Ngài xô đổ những gì là mại thánh và đánh đuổi con buôn và còn tuyên bố rằng “Phá đền thờ nầy đi… Ta sẽ xây lại trong ba ngày..”

Chúa Giêsu là Giêrusalem mới, là trung tâm của nền tế tự mới. Chúa là một thay thế mới. Chúa sinh ra. Chúa chết. Chúa sống lại và Chúa lên trời…..Chúng ta, những con người trong Tân Ước, trong đạo mới dù sống bất cứ nơi đâu cũng phải qui hướng về Giêrusalem mới, tức Chúa Giêsu, Đấng đã sinh ra, đã chết, đã phục sinh và lên trời vinh hiển.

Chắc chắn Thánh Luca không dám “sửa lưng” Thánh Mathhêô tông đồ bằng cách xác quyết là Chúa lên trời ở Bêtania chứ không phải trên một ngọn núi ở Miền Bắc Galilê như Matthêô nói. Điều nầy cho thấy vấn đề không gian và thời gian việc Chúa lên trời không quan trọng trong tường thuật phúc âm, mà là lệnh truyền hãy đi rao giảng tin mừng cho muôn dân…. Rao giảng về con người Chúa Giêsu, đã sinh ra, đã bị giết chết, đã phục sinh và lên trời vinh hiển. Các Phúc Âm đều nhấn mạnh sứ mạng rao giảng tin mừng. Tin mừng là: Có sinh, có tử nhưng sẽ có phục sinh và lên trời vinh hiển. Mọi biến cố nơi con người “Giêrusalem mới” nầy phải xảy ra ở Giêrusalem cũ.

Thánh Matthêô hiện diện lúc Chúa lên Trời, chắc rằng việc Chúa lên trời ở Miền Bắc Galilê là chính xác hơn? Vì “Hôm ấy, mười một môn đệ đi tới miền Ga-li-lê, đến ngọn núi Đức Giê-su đã truyền cho các ông đến” Thánh Matthêô viết Phúc Âm cho người Do Thái chính gốc. Những người thấm nhuần Kinh Thánh Cựu Ước. Trong quan niệm của Do Thái và nhiều dân tộc khác, Đấng thần linh khi luôn xuất hiện trên núi, nơi cao, xa khỏi trần thế. Nên Phúc Âm Thánh Matthêô thuật việc Chúa ban tám mối Phúc thật từ trên núi. Chúa biến hình trên núi. Chúa lên núi cầu nguyện suốt đêm. Chúa chết trên núi Sọ. Chúa đưa các tông đồ lên núi cao để chứng kiến cảnh vinh quang lên trời. Matthêô trình bày Chúa Giêsu như một thần linh luôn xuất hiện trên núi, nơi cao xa.

Nên cách tường thuật của Thánh Matthêô “môn đệ đi tới miền Ga-li-lê, đến ngọn núi” hoàn toàn không có ý xác quyết về không gian nơi chốn và thời gian lúc nào đó, nhưng chỉ có ý nói rằng: Chúa Giêsu là Thiên Chúa, Đấng thánh cao cả, Đấng từ trời xuống thế và bây giờ lại lên trời.

Chúng ta quả quyết: Không gian và thời gian việc Chúa lên trời không quan trọng và cũng không có sự đối chọi hay không chính xác giữa các phúc âm nhất lãm. Vì Phúc Âm không nhằm tường thuật biến cố và định vị việc Chúa lên trời mà là việc lệnh truyền rao giảng tin mừng. Giáo Hội thời sơ khai chắc chắn đã đọc Phúc Âm nhất lãm. Không ai nêu lên những bất chính xác hay bất đồng nhất giữa các Phúc Âm nhất lãm. Vì họ hiểu Phúc Âm muốn mô tả điều gì và không muốn mô tả điều gì.

Điều nầy các dễ hiểu hơn khi chúng ta đọc Phúc Âm của Thánh Matcô hôm nay. Matcô không hề nói đến nơi chốn và thời gian. Trái lại nhấn mạnh đến lệnh truyền rao giảng Tin Mừng và những hứa hẹn của Chúa Giêsu là sẽ bảo vệ tông đồ khi họ đi loan truyền Tin Mừng cho muôn dân.

Không Phúc Âm nào nói rõ thời gian sau khi Chúa sống lại và ở với các tông đồ bao lâu rồi mới về Trời? Sách Tông Đồ Công Vụ do Luca biên soạn thì lại nói là Chúa sống lại và ở với các tông đồ 40 ngày. Luca, không là tông đồ thì làm sao biết thời gian Chúa sống với các tông đồ 40 ngày sau khi sống lại trước khi về trời? Do các tông đồ khác thuật lại. Ai cũng cho là như vậy. Nhưng con số 40 trong Cựu Ước và Tân Ước là thời gian dài đủ và cần thiết cho một khóa huấn luyện.

Lục Đại Hồng Thủy kéo dài 40 ngày nhằm thanh tẩy nhân loại tội lỗi.
Ông Môisê lên núi Sinai bốn mươi ngày để lãnh hai bia đá lề luật.
Dân Do Thái hành trình về đất hứa 40 năm để học biết tôn thờ một Chúa.
Chúa ăn chay cầu nguyện và bị ma quỉ cám dỗ 40 ngày.
Chúa sống lại và ở với các tong đồ 40 ngày để chỉ dạy họ

Nên Chúa sống lại và ở với các tông đồ 40 ngày chỉ có nghĩa là thời gian cần và đủ để Chúa huấn luyện và truyền dạy cho các ông những gì mà Chúa thấy là đã đến lúc để cho các tông đồ hấp thụ.

III. Thực hành Phúc Âm:   

Thiên đàng như thế nào?
Có thể có thiên đàng trần gian hay biến trần gian thành thiên đàng không?

Thiên đàng theo Hồi Giáo là nơi mà trinh nữ nhiều vô kể. Những trinh nữ nầy dành sẵn cho những anh hùng của Hồi Giáo… Xem chừng như đây là ước mơ của những người háo sắc chăng?

Vấn đề đặt ra: Những trinh nữ phải đẹp như thế nào thì mới có khả năng mang hạnh phúc tuyệt với cho người đàn ông?  Kinh nghiệm đời sống cho thấy là không có người đàn ông nào hoàn toàn thỏa mãn với người đàn bà mà họ cho là “đẹp như tiên nữ!” hay “đẹp tuyệt vời!” Nếu có những phụ nữ tuyệt đẹp và thỏa mãn đàn ông như hạnh phúc thiên đàng thì chắc không có chuyện gãy đổ hay ngọai tình xảy ra nơi những cặp vợ chồng mà người vợ đẹp như Hằng Nga?

Ai cũng nhìn nhận công nương Dianna đẹp tuyệt trần? Nhưng bà ta đã không là thiên đàng cho hoàng tử Charles. Nên chuyện thiên đàng của Hồi Giáo có nhiều trinh nữ đang chờ thỏa mãn đàn ông chỉ là chuyện đem kẹo dụ trẻ con.

Thiên đàng theo quan niệm của người vô thần là nơi không còn giai cấp, không còn người bóc lột người. Thiên đàng là nơi của cải vật chất thừa thải. Người ta sống tự do hạnh phúc và thoải mái. Người ta lao động theo khả năng và hưởng theo nhu cầu. Đây là ước mơ bình thường của những người nghèo, hạng nhân công bị chủ bóc lột. Nên thường chủ nghĩa vô thần lớn mạnh ở những nơi nghèo, nơi con người chỉ có những ước mơ rất bình thường: Ăn no mặc ấm đã là thiên đàng rồi.

Kitô giáo quan niệm thiên đàng là nơi có Chúa, Đấng Thánh tuyệt đối, Đấng hằng hữu, Đấng tình yêu và là Đấng có khả năng lấp đầy mọi khát vọng nơi con người. Không còn một thứ đòi hỏi nào trên Thiên đàng. Vì Chúa là tất cả (theo tư tưởng cũa Thánh Anselmô cả).

Thiên đàng của Kitô Giáo là nơi mà Chúa Kitô Phục Sinh lên trời. Ngài là Thiên Chúa Thánh Thiện, đi về nơi cực thánh. Ngài là Thiên Chúa hằng hữu, đi về nới không có sự chết. Ngài là Thiên Chúa tình yêư, đi về nơi chỉ còn đức Ái, như Thánh Phaolô mô tả. Ngài là Đấng tuyệt hảo, đi về nơi không có gì bất toàn. Ngài là hoa quả đầu mùa, là trưởng tử của hàng tạo vật, Ngài là đấng đi trước để dọn chỗ cho chúng ta. Để sau cùng chúng ta cũng lên thiên đàng, nơi hạnh phúc và bất tử.

Như vậy thiên đàng trần gian chỉ là ảo tưởng hay là chiếc bánh vẽ của những ý thức hệ chính trị nhằm tạo sự đấu tranh. Không thể có thiên đàng nếu không có Chúa là Đấng Thánh. Nếu không tin Chúa thì làm sao có sự thánh thiện. Nếu không có Chúa thì làm sao có hoàn hảo hay trọn vẹn. Nếu thiên đàng chỉ là chuyện ăn no và làm tình thoải mái thỉ không trả lời được những đòi hỏi nơi bản năng. Vừa ăn no xong, người ta vẫn còn thèm ăn nữa. Dù mới làm tình xong người ta vẫn chưa thoả mãn hoàn toàn. Bất toàn và phàm tục thì làm sao gọi là thiên đàng?

Trước khi về trời, Chúa không bảo các tông đồ là: Ngồi đó mà mơ về một thiên đàng tuyệt hảo trong tương lai! Nhưng “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo tin mừng cho mọi loài thọ tạo!” Tin mừng chính là Chúa Giêsu, Đấng sinh ra làm người, Đầng chịu khổ hình và bị giết chết, nhưng cũng là Đấng Phục sinh vinh hiển và lên trời” Là tin mừng vì: Chúng ta cũng sẽ như Chúa, cũng đau khổ và thất vọng trong cuộc sống, nhưng rồi sẽ lên trời vinh hiển, nơi có Chúa là đất hoàn hảo, nơi không còn đau khổ và chết chóc!” Amen.

Phụ nữ đẹp không lấp đầy khát vọng:

Ngày xưa khi học Triết học ở Đại Học Văn Khoa Sàigòn, tôi có học với vài giáo sư nguyên là linh mục, các ngài xuất tu và đi dạy học kiếm sống. Vợ của các giáo sư nguyên là linh mục nầy đều nói rằng: Các ông chồng chúng tôi không cảm thấy hạnh phúc trọn vẹn trong đời sống gia đình, dù sống với một người vợ có nhan sắc và con cái ngoan ngoãn.

95% Phó tế vĩnh viễn người Việt Nam nguyên là những thầy tu xuất. Nhiều người cho rằng chức phó tế cũng là giáo sĩ phần nào cho những vị tu xuất nấy mơ ước làm linh mục không thành lúc trước. Nên những “bà sáu hay cô sáu” nầy cũng nên ý thức rằng: Quí bà hay quí cô không khoả lấp khát vọng vô biên nơi người chồng.

Ngày 14.3.2017 trong chuyến tông du của Đức Giáo Hoàng Phanxicô đến Mễ Tây Cơ, Ngài có khai mở việc “có thể truyền chức linh mục cho những người đàn ông có vợ và có đời sống đức hạnh”… Tin nầy làm nhiều người đang sống đời gia đình nuôi hy vọng trở thành linh mục… nhất là những ai đã từng ở chủng viện học làm linh mục.

Tất cả những gì nói trên để khẳng định rằng:

Sắc đẹp phụ nữ không có khả năng lấp đầy khát vọng đàn ông. Hấp dẫn và thất vọng không cách xa nhau mấy. Nên nếu thiên đàng chỉ đầy mỹ nữ thì chúng ta nên tìm thiên đáng khác.

Không thể có thiên đàng trần gian, vì tất cả đều bất toàn. Những chủ nghĩa xây dựng thiên đàng trần gian cũng chỉ là chủ nghĩa (lý do để thực hiện chủ trương)

— — —

2. Bài giảng dưới dạng Audio: Download File MP3

ooo
3. Bài giảng dưới dạng Văn Bản:
Download File Word